1. Sự ra đời và phát triển của tài chính
Tài chính là một phạm trù kinh tế, đồng thời cũng là một phạm trù lịch sử, nó ra đời, tồn tại và phát triển gắn với quá trình phát sinh và phát triển của nền kinh tế hàng hóa. Mặt khác, tài chính còn gắn liền với sự xuất hiện của Nhà nước và trở thành một công cụ kinh tế quan trọng của các Nhà nước qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau.
Sự tồn tại của nền kinh tế hàng hóa và Nhà nước là tiền đề cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của tài chính. Tuy nhiên, không có ranh giới phân biệt tiến để nào là chủ yếu, quyết định và bản thân tài chính hoàn toàn không thụ động, phụ thuộc mà luôn tác động qua lại thông qua cơ chế quản lý kinh tế.
Dựa vào lịch sử về sự ra đời và phát triển của xã hội loài người đã cho thấy, vào đầu thời kỳ công xã nguyên thủy, quá trình phân phối đã diễn ra trong nội bộ các thị tộc và bộ lạc dưới hình thái hiện vật và xã hội lúc này chưa xuất hiện hoạt động của Nhà nước cho nên vẫn chưa có phân phối tài chính.
Đến cuối thời kỳ công xã nguyên thủy cùng với sự phân công lao động xã hội, sản xuất và trao đổi hàng hóa ra đời và ngày càng phát triển, kéo theo tiền tệ xuất hiện, bằng chức năng vốn có của mình, nó đã trở thành phương tiện phân phối sản phẩm xã hội thích ứng với trình độ phát triển kinh tế và sự phân công lao động xã hội ngày cùng đa dạng. Đây là nhân tố tạo tiền đề phát sinh các quan hệ phân phối thuộc phạm trù tài chính.
Kinh tế hàng hóa dựa trên phân công lao động dẫn đến hình thành những giai cấp khác nhau trong xã hội. Giai cấp xuất hiện, kéo theo đó là sự đối kháng về quyền lợi xã hội, sự đối lập về giai cấp dẫn đến sự đấu tranh giai cấp và Nhà nước ra đời. Nhà nước đại diện cho quyền lợi của giai cấp chủ nô xuất hiện đầu tiên trong lịch sử. Để tồn tại và duy trì hoạt động của Nhà nước, phải có vật chất nên cẩn có sự đóng góp của các công dân dưới hình thức nào đó và thuế là hình thức đầu tiên được áp dụng vào thời kỳ này (chủ yếu dưới hình thái hiện vật), với mục đích đơn giản là đáp ứng nhu cầu chỉ tiêu của bộ máy Nhà nước.
Nền kinh tế hàng hóa – tiền tệ vào thời kỳ phong kiến và đặc biệt là vào thời tư bản đã phát triển ở trình độ cao, Nhà nước đã sử dụng chủ yếu hình thức tiền tệ để phân phối sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, tạo lập ra các quỹ tiền tệ để thực hiện chức năng của mình. Thuế vào thời kỳ này được huy động chủ yếu bằng tiền để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước như trước đây. Ngoài ra, thuế dẫn dần đã trở thành công cụ kinh tế sắc bén, tác động tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Ngày nay, Việt Nam đang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, những tiền đẻ tồn tại và phát triển của tài chính trong xã hội loài người cũng đang tồn tại ở Việt Nam, đó là nền sản xuất hàng hóa – tiền tệ với nhiều thành phần kinh tế và tài chính đã trở thành một công cụ quan trọng sử dụng để phát triển kinh tế – xã hội.
Từ những điều trình bày như trên, có thể khẳng định tài chính là phạm trù kinh tế – lịch sử và nó nằm ở khâu phân phối của quá trình tái sản xuất xã hội. Sự phát sinh, tồn tại và phát triển của tài chính phản ánh tính quy luật của nền kinh tế hàng hóa và tính lịch sử của Nhà nước. Do vậy, phạm trù tài chính chỉ mất đi khi nền kinh tế hàng hóa và Nhà nước không còn tồn tại.
2. Khái niệm tài chính
Hiện nay, nghiên cứu về tài chính có rất nhiều nhà nghiên cứu thực hiện và cũng đưa ra nhiều khái niệm về tài chính.
Theo quan điểm của P.J.Drake tiếp cận tài chính theo hai quan điểm, theo nghĩa hẹp, tài chính đơn thuần phản ánh hoạt động thu, chi tiền tệ của chính phủ; còn theo nghĩa rộng hơn, tài chính phản ánh các khoản vay và cho vay ảnh hưởng đến mức cung tiền trên thị trường.
Theo quan điểm kinh tế học hiện đại, tài chính biểu thị vốn dưới dạng tiền tệ, nghĩa là ở dạng các khoản có thể vay mượn hay đóng góp vốn thông qua thị trường tài chính hay định chế tài chính.
Tóm lại, có hai quan điểm chính về tài chính, quan điểm thứ nhất, đưa ra khái niệm về tài chính dựa vào hoạt động tài chính của chính phủ và quan điểm thứ hai đưa ra khái niệm về tài chính trên cơ sở vốn dưới dạng tiền tệ, cụ thể như sau:
- Quan điểm 1: Tài chính phản ánh hoạt động thu – chi của chính phủ; hoặc phản ánh các khoản vay và cho vay.
- Quan điểm 2: Tài chính là vốn dưới dạng tiền tệ; tức là sự tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ để đáp ứng nhu cầu khác nhau.
Theo cách tiếp cận: Tài chính là vốn dưới dạng tiền tệ, tài chính có các đặc điểm sau:
- Thứ nhất, tài chính là nguồn lực thể hiện dưới dạng tiền tệ, được chấp nhận trên thị trường là công cụ trao đổi hay chuyển giao giá trị: tiền mặt, tiền gửi và các loại tài sản tài chính.
- Thứ hai, tài chính thể hiện quan hệ chuyển giao giữa các chủ thể trong nền kinh tế: từ người có vốn đến người cần vốn.
- Thứ ba, tài chính là những quan hệ trong đó diễn ra sự chuyển giao nguồn lực giữa các chủ thể tài chính với nhau.
Trong nền kinh tế có nhiều chủ thể kinh tế và tương ứng với mỗi chủ thể ta có một lĩnh vực nghiên cứu, cụ thể là:
- Chủ thể là cá nhân, ta có lĩnh vực tài chính cá nhân.
- Chủ thể là doanh nghiệp, ta có lĩnh vực tài chính doanh nghiệp.
- Chủ thể là nhà nước, ta có lĩnh vực tài chính công.
Mỗi chủ thể trong nền kinh tế khi hoạt động đều có mục tiêu riêng và các chủ thể này sẽ sử dụng các công cụ khác nhau để đạt mục tiêu ấy.
3. Bản chất của tài chính
Quá trình tái sản xuất của nền kinh tế diễn ra qua bốn khâu: sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng, đan xen ở nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế, đời sống xã hội. Tương ứng với quá trình tuần hoàn đó là sự chuyển dịch không ngừng giá trị các nguồn lực tài chính, tạo ra hàng loạt các quan hệ tài chính qua lại dưới hình thức giá trị. Nó diễn ra ở mọi khu vực: hành chính Nhà nước, hoạt động kinh doanh và đời sống dân cư.
Nguồn lực tài chính luân chuyển theo nhiều kênh, chúng hình thành, vận động xoay quanh thị trường tài chính để tạo lập nên các quỹ tiền tệ và sử dụng vào các mục đích của các chủ thể trong nền kinh tế.
Những biểu hiện bên ngoài của tài chính có thể thấy rõ thông qua những mối quan hệ kinh tế giữa các hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức xã hội với Nhà nước; giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp với các hộ gia đình và các tổ chức xã hội.
Chẳng hạn: Nhà nước thu thuế, phí, lệ phí của các doanh nghiệp, thu tiền bán trái phiếu Chính phủ cho các doanh nghiệp. Ngược lại, Nhà nước cấp vốn kinh doanh, trợ giá, bù lỗ cho các doanh nghiệp Nhà nước, phát triển cơ sở hạ tầng. Hoặc giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có mối quan hệ kinh tế, tài chính với nhau thông qua hoạt động mua bán sản phẩm, vay nợ vốn.
Trong những quan hệ trên, tiền tệ hoạt động với chức năng phương tiện trao đổi, thanh toán và cất trữ, nó đại diện cho một lượng giá trị và biểu hiện một sức mua nhất định.
Như vậy, mỗi chủ thể trong xã hội khi đã có trong tay những nguồn lực tài chính nhất định là đã nắm trong tay một sức mua, từ đó có thể có được những nguồn vật lực và nhân lực nhất định phục vụ cho mục tiêu tích lũy hay tiêu dùng.
Từ sự phân tích trên có thể khái quát bản chất tài chính như sau:
Tài chính là hệ thống các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình phân phối các nguồn lực tài chính thông qua việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội nhất định của các chủ thể.
Các quan hệ kinh tế thuộc phạm trù tài chính bao gồm các quan hệ dưới hình thái giá trị sau đây:
– Quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các tổ chức kinh tế thông qua phương thức động viên các nguồn tiền tệ của các tổ chức kinh tế vào ngân sách Nhà nước dưới hình thức nộp thuế, phí, lệ phí theo luật định, mua trái phiếu để hình thành nguồn thu của ngân sách Nhà nước và ngược lại, quỹ tiền tệ của các tổ chức kinh tế được hình thành thông qua các hình thức cấp vốn, tài trợ vốn, bù lỗ của Nhà nước cho các tổ chức kinh tế quốc doanh, cũng như việc đầu tư của Nhà nước nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội nói chung và các tổ chức kinh tế nói riêng.
– Quan hệ giữa Nhà nước với các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế -xã hội thông qua việc phân phối lại nguồn vốn ngân sách Nhà nước dưới hình thức cấp phát kinh phí hoạt động cho các tổ chức này, nhằm duy trì các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng.
– Quan hệ giữa Nhà nước với tổ chức xã hội và các hộ dân cư thông qua các hình thức Nhà nước bắt buộc: nộp thuế, phí, lệ phí hay hình thức tự nguyện (tín dụng Nhà nước, xổ số kiến thiết,.) đối với các hộ gia đình để hình thành quỹ tiền tệ của Nhà nước và ngược lại, đến lượt Nhà nước lại sử dụng quỹ tiền tệ để chi cho các nhu cầu phúc lợi chung của xã hội dưới hình thức: chi đảm bảo xã hội để thực hiện các chính sách đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng hoặc chi cứu tế xã hội để giúp đỡ các hộ gia đình ở những vùng xảy ra thiên tai, cháy nổ hoặc chi hỗ trợ quỹ bảo hiểm xã hội.
– Quan hệ giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ thông qua việc hoạt động mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ lẫn cho nhau.
– Quan hệ giữa các tổ chức kinh tế và những thành viên trong nội bộ của các tổ chức kinh tế đó, thể hiện thông qua quan hệ giữa các bộ phận trong tổ chức, cũng như quan hệ giữa tổ chức với người lao động như : Các tổ chức kinh tế trả lương, thưởng, bán trái phiếu, cổ tức, lãi trái phiếu… cho người lao động và ngược lại, người lao động mua cổ phiếu, trái phiếu, thanh toán các khoản nợ cho tổ chức kinh tế đó.
Các quan hệ kinh tế trên phát sinh trong quá trình phân phối các nguồn tài chính của xã hội để hình thành quỹ tiền tệ của các chủ thể (pháp nhân hoặc thể nhân) và các chủ thể sử dụng quỹ tiền tệ đã được tạo lập để thực hiện mục đích của mình (lợi nhuận, xã hội). Tổng thể các mối quan hệ trình bày trên tạo nên bản chất kinh tế của tài chính.
4. Chức năng của tài chính
Nếu tài chính là một phạm trù kinh tế – lịch sử, sự phát sinh và tồn tại của nó có tính chất khách quan, thì chức năng của tài chính là những đặc tính vốn có của chúng. Những chức năng này phát sinh khi phạm trù tài chính xuất hiện và được hoàn thiện cùng với quá trình phát triển của nền sản xuất hàng hóa – tiền tệ và Nhà nước. Tài chính vốn có hai chức năng: chức năng phân phối và chức năng giám đốc.
a. Chức năng phân phối
Bản chất của tài chính là các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tạo lập và phân phối các nguồn lực tài chính. Do đó, chức năng phân phối là chức năng vốn có, nằm sẵn trong phạm trù tài chính, biểu hiện bản chất của tài chính. Chính nhờ chức năng này mà các nguồn lực tài chính của xã hội được phân phối cho các chủ thể, đáp ứng các nhu cầu khác nhau và những lợi ích khác nhau của các chủ thể trong nền kinh tế.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta phát triển theo cơ chế thị trường như nhiều nước khác trên thế giới. Đối tượng phân phối tài chính là tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Việc sử dụng chỉ tiêu này rất quan trọng vì nó thuận lợi cho việc đánh giá tình hình sản xuất, hiệu quả sản xuất của nước ta và so sánh với các nước khác trên thế giới.
Chủ thể phân phối tài chính, bao gồm: Nhà nước, doanh nghiệp (các tổ chức kinh tế), các hộ gia đình, các tổ chức xã hội. Kết quả quá trình phân phối tài chính sẽ hình thành nên các quỹ tiền tệ của các chủ thế với các mục đích sử dụng đã được xác định trước, như : Quỹ tiền tệ của Nhà nước (ngân sách Nhà nước) sử dụng để thực hiện các chức năng của Nhà nước; Quỹ tiền tệ của các doanh nghiệp dùng để sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa và cung ứng dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Phân phối tài chính có đặc điểm chủ yếu là luôn gắn liền với việc hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ của các chủ thể. Ngoài ra, chúng còn có những đặc điểm:
Phân phối của tài chính chỉ diễn ra dưới hình thái giá trị.
Phân phối tài chính bao gồm cả phân phối lần đầu và quá trình phân phối lại đan xen nhau, trong đó phân phối lại là chủ yếu.
Phân phối lần đầu là phân phối phần thu nhập cơ bản giữa những thành viên tham gia tạo ra của cải vật chất của xã hội. Phân phối lần đầu được thực hiện trước hết và chủ yếu tại khâu cơ sở của hệ thống tài chính. Trong phân phối lần đầu, giá trị sản phẩm xã hội trong khu vực sản xuất sẽ hình thành những bộ phận sau: Một phần bù đắp những chỉ phí vật chất đã tiêu hao trong quá trình sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Phần này hình thành quỹ khấu hao tài sản cố định và quỹ bù đắp vốn lưu động đã ứng ra; Một phần hình thành quỹ lương để trả lương cho người lao động; Một phần để hình thành quỹ bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thương mại); Một phần nộp thuế cho Nhà nước để hình thành nên quỹ tập trung của Nhà nước và một phần là thu nhập cho các chủ sở hữu về vốn hay nguồn tài nguyên.
Kết thúc quá trình phân phối lần đầu sẽ hình thành nên những phần thu nhập cơ bản của các chủ thể tham gia tạo ra của cải vật chất của xã hội hay thực hiện các dịch vụ. Nếu quá trình phân phối dừng lại đó thì nhiều nhu cầu cần thiết khác của xã hội sẽ không được đáp ứng. Do đó, nảy sinh nhu cầu khách quan là phải tiến hành phân phối lại.
Phân phối lại – là sự tiếp tục phân phối phần thu nhập cơ bản đã được hình thành trong phân phối lần đầu và thực hiện các quan hệ điều tiết thu nhập để đáp ứng nhu cầu tích lũy và tiêu dùng, cũng như phục vụ các yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội của Nhà nước.
Phân phối lại nhằm mục đích đảm bảo cho khu vực không sản xuất vật chất có phần thu nhập thỏa đáng để tồn tại và phát triển theo định hướng của Nhà nước. Mặt khác, để chuyển quyền sở hữu một phần thu nhập từ thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vào trong tay Nhà nước dưới hình thức thuế. Phân phối lại còn giúp Nhà nước điều hòa các nguồn tiền tệ để đảm bảo phát triển căn đổi giữa các ngành, địa phương. Đồng thời, làm thay đổi quyền sử dụng các khoản thu nhập đã được hình thành qua phân phối lần đầu, giúp các tổ chức, cá nhân sử dụng các khoản thu nhập có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, phân phối lại còn giúp Nhà nước điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư trong xã hội và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thông qua thuế và các hình thức đóng góp tự nguyện. nhằm đảm bảo công bằng xã hội, rút bớt khoảng cách giữa người giàu và nghèo.
Phân phối lần đầu và phân phối lại được thực hiện chủ yếu thông qua các khâu của hệ thống tài chính. Ngoài ra, còn thông qua hệ thống giá cả.
Với chức năng phân phối, thông qua quá trình phân phối lẩn đấu và phân phối lại, GDP được chu chuyển một cách thông suốt từ nơi sáng tạo ra nó tới nơi sử dụng, thúc đẩy quá trình tái sản xuất, thông qua việc giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ tất yếu trong nền kinh tế như : Tích lũy và tiêu dùng, giữa tích tụ và tập trung, mối quan hệ lợi ích kinh tế giữa các chủ thể tham gia phân phối.
b. Chức năng giám đốc
Chức năng giám đốc của tài chính cũng là chức năng vốn có bắt nguồn từ bản chất của tài chính và có quan hệ biện chứng với chức năng phân phối.
Giám đốc tài chính là sự kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế thông qua sự vận động của vốn tiền tệ từ khâu sáng tạo ra GDP đến nơi tiêu dùng (nói cách khác, giám đốc tài chính là kiểm tra sự hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ của các chủ thể) đảm bảo cho quỹ tiền tệ của các chủ thể trong nền kinh tế được phân phối hợp lý, sử dụng hiệu qua thực hiện được mục đích đã nề ra.
Như vậy, đối tượng của giám đốc tài chính là giám đốc phân phối các nguồn lực tài chính trong xã hội ở tất cả các khâu của hệ thống tài chính. Đặc điểm của giám đốc tài chính là giám đốc bằng đồng tiền đối với các hoạt động kinh tế, tài chính và chủ thể của giám đốc tài chính cũng là các chủ thể phân phối tài chính.
Chức năng phân phối và giám đốc được hình thành và vận động trong mối quan hệ hữu cơ với nhau: Chức năng giám đốc gắn chặt với chức năng phân phối và được thực hiện ngay trong quá trình phân phối các nguồn lực tài chính. Giám đốc tài chính nhằm bảo đảm tính đúng đắn, hợp lý của các mối quan hệ cân đối trong quá trình phân phối như: cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tích tụ và tập trung vốn qua đó có thể đáp ứng những yêu cầu thực tế khách quan, xác lập một cơ cấu kinh tế hợp lý phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Giám đốc tài chính đảm bảo duy trì kỷ cương, pháp luật về tài chính, phát hiện, xử lý, ngăn ngừa những hiện tượng tham ô, gây lăng phí của cải xã hội, chỉ ra những sai sót, những bất hợp lý không có hiệu quả kinh tế nhằm đưa ra các giải pháp để sửa chữa, điều chinh kịp thời, đảm bảo sự lành mạnh các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện phát huy toàn bộ khả năng tiềm tàng của đất nước, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội.
Về nội dung, giám đốc tài chính là sự xem xét tính cần thiết, quy mô, tỷ trọng của việc phân phối các nguồn lực tài chính để hình thành quỹ tiền tệ của các chủ thể và hiệu quả của việc sử dụng chúng, nhằm đảm bảo cho các quỹ tiền tệ được phân phối và sử dụng một cách tối ưu.
Về phạm vi, giám đốc tài chính được tiến hành từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình phân phối sản phẩm xã hội. Nó được tiến hành rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau, thông qua tất cả các khâu của hệ thống tài chính. Công tác kiểm tra tài chính có thể diễn ra đồng thời với công tác phân phối và cũng có thể diễn ra một cách độc lập tương đối không di liền với các hoạt động phân phối. Có thể nói, ở đâu có sự vận động của tiền tệ thuộc phạm trù tài chính thì ở đó có sự giám đốc của tài chính.
5. Vai trò của tài chính
a/ Tài chính là công cụ phân phối sản phẩm quốc dân
Phân phối sản phẩm xã hội là một trong hai chức năng của tài chính, thông qua quá trình phân phối lần đầu và phân phối lại của tài chính đã hình thành nên quỹ tiền tệ cho các khâu của hệ thống tài chính. Các quỹ tiền tệ sau khi được hình thành sử dụng để thực hiện mục tiêu của các chủ thể trong xã hội.
Tài chính là công cụ phân phối sản phẩm quốc dân, thể hiện:
Nhà nước phân bổ nguồn thu từ ngân sách để đầu tư vào lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích phát triển, các ngành kinh tế trọng yếu của quốc gia và kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi để kích thích, thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước cũng như của nước ngoài, làm nền tảng cho việc xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động của bộ máy Nhà nước cũng như duy trì và phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội.
Nhà nước cũng phải phân phối nguồn tài chính cho hoạt động các lĩnh vực này theo một tỷ lệ hợp lý để đảm bảo các quan hệ cần đối của nền kinh tế như: cần đối giữa tích lũy và tiêu dùng, cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Đồng thời, phân phối tài chính được Nhà nước sử dụng như một công cụ để điều tiết thu nhập giữa các đơn vị, giữa các thành viên trong xã hội để bảo đảm tính hợp lý, công bằng.
Đối với tài chính các doanh nghiệp, cơ chế tài chính do các doanh nghiệp thiết lập và thực hiện là công cụ quan trọng để kích thích tiết kiệm, kích thích đầu tư và tái đầu tư nhằm mở rộng hoặc nghiên cứu cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, thực hiện được mục tiêu đã đề ra. Tương tự như vậy đối với tài chính các tổ chức xã hội và tài chính hộ gia đình.
b/ Tài chính là công cụ quản lý điều tiết vĩ mô nền kinh tế
Bên cạnh chức năng phân phối nhằm hình thành các nguồn lực tài chính, hoạt động tài chính còn nhắm đến mục tiêu quan trọng hơn, đó là sử dụng tài chính như là một công cụ để quản lý và điều tiết vĩ mô trên các mặt chủ yếu sau:
– Thứ nhất, gây tác động để các quan hệ kinh tế vận động theo định hướng của Nhà nước;
– Thứ hai, hướng dẫn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội phù hợp với các chính sách kinh tế của Nhà nước;
– Thứ ba, kiểm soát và điều chỉnh các quan hệ kinh tế nhằm thích ứng với những biến động của nền kinh tế.
Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước quản lý nền kinh tế thông qua hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và các công cụ kinh tế. Về lĩnh vực tài chính, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động tài chính của các chủ thể kinh tế, mà can thiệp gián tiếp thông qua luật tài chính, chính sách tài chính và các công cụ tài chính để điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
Ngân sách Nhà nước
Ngân sách Nhà nước là khâu tài chính quan trọng trong hệ thống tài chính, là cơ sở để thực hiện điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
Vai trò quan trọng của ngân sách là phải xây dựng một ngân sách mạnh, có đủ thực lực làm chỗ dựa cho việc thực thi các quan hệ điều tiết. Ngân sách điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua các công cụ: thuế, các biện pháp tài trợ, quỹ dự trữ quốc gia.
Thuế là một công cụ điều tiết kinh tế linh hoạt và có hiệu quả. Vai trò điều tiết của thuế được thực hiện thông qua việc xác lập hệ thống các loại thuế khác nhau, thuế suất khác nhau, chế độ ưu đãi, miễn giảm thuế nhằm tác động vào nhiều mối quan hệ kinh tế để thực hiện các mục tiêu đã định của Nhà nước.
Chính sách tài trợ
Chính sách tài trợ: thực hiện các hình thức và biện pháp tài trợ có trọng điểm sẽ khuyến khích việc hình thành và phát triển các ngành kinh tế vì lợi ích quốc gia. Tài trợ được thực hiện bằng nhiều con đường khác nhau như: chế độ miễn, giảm thuế, hưởng lãi suất tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, bù lỗ, trợ giá.
Quỹ dự trữ tài chính quốc gia
Quỹ dự trữ tài chính quốc gia là một công cụ tài chính đảm bảo cho quá trình vận hành kinh tế thuận lợi. Nhờ vào quỹ này mà Nhà nước có thể ứng phó với những biến động bất lợi và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế khi có những thiệt hại xảy ra.
(Tài liệu tham khảo: Lê Thị Mận, Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, 2010)