Khái niệm về sự phát triển trí tuệ.
Sự phát triển trí tuệ là sự biến đổi về chất trong hoạt động nhận thức. Sự biến đổi đó được đặc trưng bởi sự thay đổi cấu trúc cái được phản ánh và phương thức phản ánh chúng.
Điểm đặc trưng nói lên bản chất của sự phát triển trí tuệ là ở chỗ vừa thay đổi cấu trúc cái được phản ánh, vừa thay đổi phương thức phản ánh chúng. Theo quan điểm này, phát triển trí tuệ không chỉ là việc tăng số lượng tri thức nhiều hay ít, cũng không phải ở chỗ nắm được phương thức phản ánh các tri thức đó. Nếu hiểu thiên về một mặt nào đấy thì dẫn đến khuynh hướng nhồi nhét kiến thức, hoặc dẫn đến xem nhẹ việc trang bị kiến thức cơ bản, hiện đại cho sinh viên mà chăm chú trau dồi thủ thuật trí óc, kĩ xảo trí tuệ. Do đó, trong sự phát triển trí tuệ cần được hiểu là việc phát triển một cách tối đa phương thức phản ánh chúng (con đường, cách thức, phương pháp…đi đến tri thức đó, nói gọn là cách giành lấy trí thức, cách học). Trong sự thống nhất đó, dẫn đến làm thay đổi cấu trúc bản thân hệ thống tri thức (mở rộng, cải tiến, bổ sung, cấu trúc lại) làm cho hệ thống tri thức ngày càng thêm sâu sắc và phản ánh đúng bản chất, tiếp cận dần với chân lí và điều chỉnh, mở rộng các phương thức phản ánh, thậm chí đi đến xóa bỏ những phương thức phản ánh cũ, lạc hậu để hình thành những phương thức phản ánh mới, hợp lí hơn, sáng tạo hơn, phù hợp với quy luật tự nhiên và xã hội.
Với sự phát triển trí tuệ như trên, tất yếu đảm bảo cho con người, cho thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và thích nghi tối đa với xã hội đầy biến đổi, cung cấp cho xã hội của thế kỉ 21 một lớp người giầu sáng tạo, dồi dào óc phát minh.
Các chỉ số của sự phát triển.
- Tốc độ của sự định hướng trí tuệ (nhanh trí) khi giải quyết các nhiệm vụ, bài tập, tình huống…không giống với bài tập mẫu, nhiệm vụ, tình huống quen thuộc.
- Tốc độ khái quát (Chóng hiểu). Tốc độ này được xác định bởi tần số lần luyện tập cần thiết theo cùng một kiểu để hình thành một hành động khái quát.
- Tính tiết kiệm của tư duy. Nó được xác định số lần các lập luận cần và đủ để đi đến kết quả, đáp số, mục đích.
- Tính mềm dẻo của trí tuệ. Chỉ số này thể hiện ở sự dễ dàng hay khó khăn trong việc xây dựng lại hoạt động cho thích hợp với những biến đổi của điều kiện. Tính mềm dẻo của trí tuệ thường bộc lộ ở các kĩ năng.
- Tính phê phán của trí tuệ
- Thấm sâu tài liệu, phân biệt giữa cái bản chất và không bản chất, cái cơ bản và cái chủ yếu, cái tổng quát và cái bộ phận…