Trang chủ Giáo dục Sự phát triển nhân cách là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách

Sự phát triển nhân cách là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách

by Ngo Thinh
1,8K views

I. Nhân cách và sự phát triển nhân cách là gì?

Giáo dục là một hiện tượng đặc biệt của xã hội loài người và chỉ có ở xã hội loài người. Nó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của từng cá nhân và toàn xã hội.

Phân tích các yếu tố tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân trong cộng đồng, xã hội và xác định vai trò hết sức to lớn góp phần quyết định kết quả của yếu tố giáo dục và tự giáo dục đối với quá trình đó.

1. Khái niệm con người, cá nhân, nhân cách

Khái niệm con người

Từ xưa đến nay có rất nhiều quan điểm về bản chất của con người, khái niệm về con người được xuất phát từ những mục đích, những bình diện nghiên cứu khác nhau: quan điểm của nhiều tôn giáo coi con người là một “tồn tại thần bí tiền định” của Thượng đế; theo quan điểm tiến hoá tầm thường thì cho con người là một “tồn tại sinh vật”, mọi hoạt động đều bị chi phối bởi bản năng ăn uống, sống chết, sinh đẻ v.v…

Cùng với sự phát triển của nền văn minh công nghiệp, các quan điểm về “con người kĩ thuật”, “con người chính trị” v.v… cũng đã ra đời vì những mục đích nghiên cứu hẹp, phiến diện.

Khác với các quan điểm phiến diện, lần đầu tiên trong lịch sử C. Mác đã đưa ra một luận điểm tổng quan, khoa học về con người: “Bản chất con người không phải là cái gì trừu tượng, vốn có của mỗi cá nhân riêng biệt, trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”.

Từ luận điểm trên của C. Mác, chúng ta có thể hiểu rằng con người không phải là một tồn tại tiền định, bất biến, không thể thay đổi được, và cũng không phải là một tồn tại “sinh vật bản năng” hoặc đơn thuần “kĩ thuật — công nghệ hay chính trị” v.v… mà bản chất con ngươi được hợp thành từ kết quả của hai quá trình cơ bản gắn kết với nhau: Thứ nhất, con người là một bộ phận và cũng là một sản phẩm tiến hoá cao nhất của thế giới hiện hữu mang bản sắc tự nhiên — sinh học, tác động vào thế giới nhưng cũng chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên vô cùng khắt khe của thế giới. Thứ hai, con người cũng là sản phẩm của tiến trình phát triển xã hội trong các nền văn minh nhân loại, vì con người là chủ thể hoạt động sáng tạo ra của cải vật chất cho bản thân và cho xã hội từ xưa đến nay và cả mai sau. Chính vì lẽ đó mà trong mọi thời đại, đặc biệt trong cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, việc quan tâm đến phát triên nguồn lực con người được coi là yếu tố quyết định, tăng tốc, bền vững của mọi quốc gia trên thế giới.

Khái niệm cá thể

Cá thể là một đơn vị hoàn chỉnh đại diện cho giống loài nhưng mang những nét đặc thù riêng. Khái niệm cá thể không dùng riêng cho một giống loài nào, nó có ý nghĩa phân biệt một cái riêng có tính độc lập trong một tập hợp chung.

Khái niệm cá nhân

Cá nhân là một con người, là một thành viên trong xã hội loài người nhưng cũng mang những nét đặc thù riêng lẻ để phân biệt với các thành viên khác trong một tập thể, một cộng đồng.

Khái niệm nhân cách

Cho đến nay đã có rất nhiều quan điểm, khái niệm khác nhau về nhân cách, sau đây là một số khái niệm thường gặp:

– Nhân cách là toàn thể những thuộc tính đặc biệt mà một cá thể có được trong hệ thống các quan hệ xã hội, trên cơ sở hoạt động và giao lưu nhằm chiếm lĩnh các giá trị văn hoá vật chất và tinh thần. Những thuộc tính đó bao hàm các thuộc tính về trí tuệ, đạo đức, thẩm mĩ, thể chất v.v…

– Nhân cách là tổ hợp các thái độ, những đặc điểm, những thuộc tính tâm lí riêng trong quan hệ hành động của từng người với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật do loài người sáng tạo, với xã hội và bản thân.

– Nhân cách là bộ mặt tâm lí của một cá nhân với tổ hợp những phẩm chất phù hợp với những giá trị và chuẩn mực xã hội, được xã hội thừa nhận.

– Theo Bách khoa Toàn thư Liên Xô, nhân cách được thể hiện ở haimặt: thứ nhất là con người với tư cách là chủ thể các mối quan hệ và hoạt động có ý thức, thứ hai là một hệ thống giá trị có ý nghĩa xã hội đặc trưng cho cá thể trở thành một nhân cách.

Do cấu trúc nhân cách rất phức hợp nên một số nhà nghiên cứu giáo dục thường nhấn mạnh đến các thuộc tính liên cá nhân (phản ánh mối quan hệ đa dạng, phong phú của cá nhân với cộng đồng, xã hội) các thuộc tính nội cá nhân (phản ánh những nét tính cách riêng, độc đáo của cuộc sống nội tâm); các thuộc tính siêu cá nhân (phản ánh những phẩm chất, năng lực sáng chói có ý nghĩa xã hội, trở thành một nhân cách bất tử).

Mặc dù các quan điểm, định nghĩa trên có khác nhau, xuất phát từ mục đích nghiên cứu riêng, nhưng nhìn chung có sự thống nhất khi xem xét nhân cách, đó là:

– Những phẩm chất và năng lực có giá trị đối với cá nhân và xã hội được hình thành và phát triển bằng hai con đường chủ yếu là hoạt động và giao lưu.

– Mỗi cá nhân có một nhân cách riêng bao gồm hai mặt: Mặt tự nhiên và mặt xã hội, trong đó mặt xã hội có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, thể hiện đặc thù về nhân cách của mỗi con người.

– Nhân cách là tổng hợp những phẩm chất, năng lực không thành bất biến của cá nhân mà nó thường xuyên vận động, biến đổi theo chuẩn mực, giá trị xã hội. Vì vậy, mọi cá nhân không chỉ phải thường xuyên giữ gìn, bảo vệ mà còn phải rèn luyện, bồi dưỡng để nhân cách ngày càng hoàn thiện hơn.

2. Khái niệm sự phát triển nhân cách

Đứa bé mới sinh ra chưa biểu hiện được nhân cách. Nhân cách là những thuộc tính tâm lí phản ánh bản chất xã hội của mỗi cá nhân được hình thành và phát triển trong hoạt động và giao lưu. Chính trong quá trình sống, tất yếu mỗi con người phải hoạt động, giao lưu thông qua: lao động, học tập, vui chơi, giải trí v.v… đã dần dần lĩnh hội những kinh nghiệm mà nhân loại tích luỹ được trong các loại hoạt động, từ đó biến thành “vốn sống” của cá nhân tuỳ theo mức độ, phạm vi tham gia vào các hoạt động trong đời sống xã hội.

Đó chính là quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người.

Sự phát triển của nhân cách được biểu hiện qua những dấu hiệu sau:

Sự phát triển về mặt thể chất: Đó là sự tăng trưởng về chiều cao, trọng lượng, cơ bắp, sự hoàn thiện chức năng các giác quan, sự phối hợp các chức năng vận động của cơ thể.

Sự phát triển về mặt tâm lí: Thể hiện sự biến đổi cơ bản trong quá trình nhận thức, xúc cảm, tình cảm, nhu cầu, ý chí v.v…

Sự phát triển về mặt xã hội: Thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ vói những người xung quanh, ở tính tích cực nhận thức tham gia vào các hoạt động cải biến, phát triển xã hội.

Như vậy, sự phát triển nhân cách là một quá trình cải biến toàn bộ các sức mạnh về thể chất và tinh thần cả về lượng và chất; có tính đến đặc điểm của mỗi lứa tuổi. Sự tăng trưởng về lượng và sự biến đổi về chất không chỉ diễn ra đối với các mặt thể chất, tâm lí và xã hội do quá trình hoạt động, giao lưu trong cuộc sống của cá nhân, do tác động của hiện thực xung quanh mà còn diễn ra với cả những mầm mống, dấu hiệu được di truyền, hay có ngay từ khi mới sinh (bẩm sinh).

– Quá trình hình thành và phát triển nhân cách chịu sự tác động mạnh mẽ của ba yếu tố cơ bản: Di truyền bẩm sinh, môi trường và giáo dục.

II. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách

1. Vai trò của yếu tố di truyền và bẩm sinh

Tục ngữ ta có câu:

“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.

Hẳn rằng đây là một quan niệm dân gian đã có từ xa xưa để đánh giá vai trò vô cùng quan trọng của yếu tố di truyền, bẩm sinh có tính chất tiền định về “số phận, tính cách” (nhân cách) của con người. Vậy hiện nay khoa học giáo dục đã giải thích vấn đề đó như thế nào?

Thế nào là di truyền, bẩm sinh?

Trong thực tiễn đời sống, chúng ta dễ nhận thấy rằng người châu Âu da trắng, mắt xanh, người châu Phi da đen, tóc xoăn thì con cái của họ ngay khi mới sinh cũng giống bố mẹ. Đây là sự truyền lại từ thế hệ cha mẹ đến con cái những đặc trưng sinh học nhất định của nòi giống, được ghi lại trong một chương trình độc đáo bởi hệ thống gen gọi là di truyền. Gen là vật mang mã di truyền những đặc điểm sinh học của giống loài trong quá trình tồn tại, phát triển theo con đường tiến hoá tự nhiên. Di truyền những đặc trưng sinh học của cha mẹ truyền lại cho con cái không phải chỉ biểu hiện một cách hiện hữu khi đứa bé mới sinh mà có thể có những mầm mống, tư chất sau một thời gian mới bộc lộ thành dấu hiệu của một số năng khiếu như: Hội hoạ, thơ ca, toán học v.v… hoặc thiểu năng trong những lĩnh vực cần thiết đối với cuộc sống cá nhân.

Còn bẩm sinh là những thuộc tính, đặc điểm sinh học có ngay khi đứa trẻ mới sinh. Chương trình mang tính di truyền về sự phát triển con người bao gồm cấu trúc, giải phẫu của cơ thể; về những đặc điểm sinh học riêng như màu da, màu tóc, vóc dáng, thể trạng, các tư chất của hệ thần kinh v.v… trước hết nó đảm bảo cho loài người phát triển đồng thời cũng giúp cho cơ thể con người thích ứng được với những biến đổi của các điều kiện sinh tồn.

Vai trò của di truyền, bẩm sinh

Lí luận và thực tiễn đã khẳng định rằng nhũng mầm mống, tư chất để phát triển thành năng lực và phẩm chất về một lĩnh vực hoạt động nào đó (Toán học, Văn học, Nghệ thuật, Kiến trúc v.v…) mang tính bẩm sinh, di truyền phản ánh sự kế thừa tài năng. Điều này thể hiện ở một số gia đình, xuất hiện liên tục người tài trong các thế hệ nối tiếp nhau. Tuy nhiên di truyền, bẩm sinh chỉ là tiền đề vật chất (mầm mống) của sự phát triển tâm lí, nhân cách. Nó nói lên chiều hướng, tốc độ, nhịp độ của sự phát triển. Những đứa trẻ có gen di truyền về một lĩnh vực hoạt động nào đó sẽ sớm bộc lộ thiên hướng về lĩnh vực hoạt động đó. Song để trở thành một tài năng cần phải có môi trường thuận lợi và sự hoạt động tích cực của cá nhân.

Mã di truyền mang bản chất, sức sống tự nhiên tích cực hoặc tiêu cực là những mầm mống, tư chất tạo tiền đề vô cùng thuận lợi cho người đó hoạt động có kết quả trong một lĩnh vực nào đó. Theo nghiên cứu của giáo sư, bác sĩ Evgieny Ziliaev – Giám đốc Trung tâm y học cao cấp (SEM) Nga và giáo sư Victor Rogozkin – Giám đốc Viện Thể dục thể thao (IFIS) Nga thì: người có kiểu gen DD thích hợp với các môn thể thao đòi hỏi sức mạnh và tốc độ như điền kinh nặng, quyền anh, vật, cử tạ… còn người có kiểu gen II thì thích hợp vói các môn thể thao dẻo dai, bền bỉ như trượt tuyết, chạy các cự li trung bình và dài, ba môn phối hợp, xe đạp v.v… Tuy nhiên có phát triển thành năng lực, phẩm chất, tài năng hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố môi trường, hoàn cảnh sống và sự giáo dục, tự giáo dục. Tháng 2 năm 2001, sau 8 tháng bổ sung chỉnh lí, kết quả nghiên cứu, 282 nhà khoa học của 12 tổ chức làm việc trong hai tổ hợp Clera Genomics và Crai Venter đã công bô” lần thứ hai về bản đồ gen người, bộ gen của con người có sự giống nhau đến 99,99 % chỉ có 0,01% là khác nhau giữa người này và người kia. Điều này là một câu hỏi lớn đang đặt ra cho các nhà giáo dục để tìm ra nguyên nhân tại sao nhân tài lỗi lạc trên tất cả mọi lĩnh vực của xã hội thì vô cùng phong phú, đa dạng nhưng mã di truyền gen khác nhau của loài người thì vô cùng ít ỏi.

Tâm lí học và Giáo dục học hiện đại đều cho rằng không có một chương trình hoá sinh học hành vi của con người trong xã hội. Nghĩa là khi mới lọt lòng, con người chưa có tiền định sinh học về bản chất hành vi của thiện ác, tốt, xấu, về quan điểm, tư tưởng thế giới quan nào cả. Các năng lực, phẩm chất hợp thành nhân cách được hình thành và phát triển trong quá trình hoạt động và giao lưu. Hoạt động và giao lưu là hai con đường cơ bản đan quyện vào nhau, cần giao lưu thì phải hoạt động, mọi hoạt động đều có ý nghĩa giao lưu. Hoạt động càng phong phú đa dạng: lao động, học tập, thể thao, nghệ thuật v.v… thì giao lưu trực tiếp và gián tiếp càng sâu rộng, giúp cho con người “tinh lọc”, “chiết xuất” được những kinh nghiệm quý báu cho quá trình hình thành và phát triển những năng lực, phẩm chất nhân cách của mình theo yêu cầu của xã hội.

Hiện nay, khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, các nhà khoa học một số nước trên thế giới đã tìm ra được phương pháp can thiệp vào mã di truyền của hệ thống gen nhằm nâng cao kết quả chữa trị những bệnh hiểm nghèo của con người. Song họ cũng vô cùng lo ngại rằng, nếu các phương pháp can thiệp vào di truyền, sinh học nhằm mục đích chính trị nguy hiểm, ngược lại với chủ nghĩa nhân văn thì hậu quả sẽ vô cùng ghê gớm.

Trong quá trình giáo dục thế hệ trẻ, chúng ta cần quan tâm đúng mức yếu tố di truyền, bẩm sinh, đó là những mầm mống, tư chất sinh học có vai trò tiền đề phát triển một số phẩm chất, năng lực của nhân cách. Tất nhiên, nếu chúng ta quá coi nhẹ hoặc tuyệt đối hoá, đánh giá quá cao nhân tố di truyền sinh học thì cũng sẽ vi phạm sai lầm khi phân tích, so sánh, đánh giá vị trí, vai trò, tác động của môi trường, hoàn cảnh và của giáo dục đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách.

2. Vai trò của yếu tố môi trường

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Mạnh Tử (372 – 289 TCN) nhà giáo dục nổi tiếng Trung Hoa cổ đại khẳng định rằng: “Nơi ở làm thay đổi tính nết, việc ăn uống làm thay đổi cơ thể. Nơi ở quan trọng lắm thay”. Rõ ràng quan niệm dân gian cũng như tư tưởng của nhiều nhà giáo dục từ xa xưa đã khẳng định “nơi ở” hiểu theo nghĩa rộng là môi trường, hoàn cảnh có tác động hầu như là quyết định đến việc hình thành nhân cách con ngưòi.

Vậy, lí luận giáo dục hiện đại giải thích yếu tố môi trường, hoàn cảnh tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách như thế nào?

Môi trường là toàn bộ các yếu tố tự nhiên và xã hội hiện hữu ảnh hưởng lớn lao đến đời sống và nhân cách con người. Môi trường bao quanh con người gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên gồm khí hậu, đất, nước, sinh thái v.v… và môi trường xã hội, đó là các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hoá v.v…

Hoàn cảnh được hiểu là một yếu tố hoặc là một môi trường nhỏ hợp thành của môi trường lớn, môi trường nhỏ tác động trực tiếp, mạnh mẽ, quyết liệt trong một thời gian, không gian nhất định tạo nên hướng hình thành và phát triển nhân cách, ví dụ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoàn cảnh bệnh tật ốm đau v.v. Trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách thì môi trường xã hội (trong đó có gia đình, bạn bè, tập thể lớp, trường v.v…) thông qua các mối quan hệ vô cùng phong phú có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.

Trên thế giới đã có khoảng hơn hai mươi trường hợp những đứa trẻ mới sinh không may bị lạc vào rừng và được thú rừng nuôi, sau đó may mắn quay lại với xã hội loài người nhưng đều chết yểu trước khi trở thành con người thực thụ (Phạm Khắc Chương – 142 tinh huống giáo dục gia đình — NXB Giáo dục — Hà Nội – 1994). Do đó chỉ có sống trong quan hệ xã hội mới có thể hình thành, phát triển được nhân cách.

Vai trò của môi trường

Mỗi một con người ngay từ khi mới sinh ra đã phải sống trong một môi trường, hoàn cảnh nhất định, có thể gặp thuận lợi hoặc khó khăn đối với quá trình phát triển thể chất, tinh thần của cá nhân. Môi trường tự nhiên và xã hội với các điều kiện kinh tế, thể chế chính trị, hệ thống pháp luật, truyền thông văn hoá, chuẩn mực đạo đức v.v… đã tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển động cơ, mục đích, quan điểm, tình cảm, nhu cầu, hứng thú v.v… chiều hướng phát triển của cá nhân. Thông qua hoạt động và giao lưu trong môi trường mà cá nhân chiếm lĩnh được các kinh nghiệm, giá trị xã hội loài người, từng bước điều chỉnh, hoàn thiện nhân cách của mình.

Tác động của môi trường đối với sự phát triển của cá nhân là vô cùng mạnh mẽ, phức tạp, có thể rất tốt hoặc rất xấu, có thể cùng chiều hay ngược chiều, chủ yếu là theo con đường tự phát. Nó có mức độ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực như thế nào, có được chấp nhận hay không trong quá trình phát triển nhân cách tuỳ thuộc phần lớn vào trình độ được giáo dục, đó là ý thức, niềm tin, quan điểm, ý chí và xu hướng, năng lực hoạt động, giao lưu góp phần cải biến môi trường của cá nhân. Chính vì vậy, C. Mác đã khẳng định:

Hoàn cảnh sáng tạo ra con người, trong một mức độ con người lại sáng tạo ra hoàn cảnh.

Con người luôn luôn là một chủ thể có ý thức, tuỳ theo lứa tuổi và trình độ được giáo dục chứ không hoàn toàn bị động bởi những tác động xấu của môi trường làm biến đổi nhân cách tốt đẹp của mình. Ca dao, tục ngữ của ta cũng đã có câu ngợi ca về những con người có khi phải sống trong một môi trường, hoàn cảnh thấp kém nhưng phẩm chất, nhân cách vẫn không hề hoen ố “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Ngay cả khi những con người cùng sống chung trong môi trường, hoàn cảnh gia đình, nhưng nhân cách của họ phát triển theo hướng khác nhau. Như vậy, trong sự tác động qua lại giữa nhân cách và môi trường cần chú ý đến hai mặt của vấn đề:

– Thứ nhất là tính chất tác động của môi trường, hoàn cảnh vào quá trình phát triển nhân cách.

– Thứ hai là tính tích cực của nhân cách tác động vào môi trường, hoàn cảnh nhằm điều chỉnh, cải tạo nó phục vụ nhu cầu, lợi ích của mình.

Cụ thể khẳng định ảnh hưởng to lớn của yếu tố môi trường đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hoá vai trò của môi trường là phủ nhận vai trò ý thức, sáng tạo của chủ thể, đó là sai lầm về nhận thức luận. Ngược lại, việc hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò yếu tố môi trường cũng phạm sai lầm của thuyết “Giáo dục vạn năng”. Do đó, phải đặt quá trình giáo dục, quá trình hình thành và phát triển nhân cách trong mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố để có sự đánh giá đúng đắn.

3. Vai trò của giáo dục đối với sự phát triển nhân cách

Giáo dục là quá trình hoạt động phối hợp thống nhất giữa chủ thể (nhà giáo dục) và đối tượng (người được giáo dục) nhằm hình thành và phát triển nhân cách theo những yêu cầu của xã hội. Đây là quá trình tác động tự giác có mục đích, có nội dung, phương pháp, phương tiện v.v… được lựa chọn, tổ chức một cách khoa học giúp cho mọi cá nhân chiếm lĩnh được những kinh nghiệm, những giá trị xã hội của nhân loại bằng con đường ngắn nhất. Như vậy, đặc trưng của quá trình giáo dục là:

– Tác động tự giác được điều khiển bởi cơ quan, lực lượng chuyên trách, khác với tác động tự phát tản mạn của môi trường.

– Có mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện, chương trình v.v… được tổ chức, lựa chọn khoa học phù hợp với mọi đối tượng, giúp họ chiếm lĩnh được những kinh nghiệm, giá trị xã hội của nhân loại bằng con đường ngắn nhất.

Nói tới vai trò của giáo dục, ngay từ thời Trung Hoa cổ đại, Khổng Tử (551 – 479 TCN) cũng đã có quan điểm đánh giá về vai trò của giáo dục “Viên ngọc không được mài dũa thì không thành đồ dùng được. Con người không được học thì không biết gì về đạo lí”, hoặc “Ăn no, mặc ấm, ngồi dưng không được giáo dục thì con người gần như cầm thú”. Bác Hồ cũng đã nói:

“Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”

Giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách, bởi vì nó được thực hiện theo định hướng thống nhất vì mục đích nhân cách lí tưởng mà xã hội đang yêu cầu. Ba lực lượng giáo dục là gia đình, nhà trường và các đoàn thể xã hội, trong đó nhà trường có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong việc thực hiện mục đích, nội dung giáo dục bằng các phương pháp khoa học có tác động mạnh nhất giúp cho học sinh hình thành năng lực ngăn ngừa, đấu tranh với những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường hoặc di truyền bẩm sinh. Giáo dục gia đình được tiến hành sớm nhất từ khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, tạo nên những phẩm chất nhân cách đầu tiên rất quan trọng làm nền tảng cho giáo dục nhà trường. Giáo dục xã hội thông qua các đoàn thể, các tổ chức nhà nước với thể chế chính trị, pháp luật, văn hoá đạo đức, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách toàn diện theo sự phát triển xã hội.

Giáo dục không chỉ vạch ra chiều hướng, mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách của học sinh mà còn tổ chức, chỉ đạo, dẫn dắt học sinh thực hiện quá trình đó đến kết quả mong muốn.

Giáo dục là những tác động tự giác có điều khiển, có thể mang lại những tiến bộ mà các yếu tố di truyền bẩm sinh hoặc môi trường, hoàn cảnh không thể tạo ra được do tác động tự phát.

Giáo dục có sức mạnh cải biến những nét tính cách, hành vi, phẩm chất lệch lạc không phù hợp với yêu cầu, chuẩn mực của xã hội. Đó chính là kết quả quan trọng của giáo dục lại đối với trẻ em hư hoặc người phạm pháp.

Giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt đối với những người khuyết tật hoặc thiểu năng do bệnh tật, tai nạn hoặc bẩm sinh, di truyền tạo ra. Nhờ có sự can thiệp sớm, nhờ có phương pháp giáo dục, rèn luyện đặc biệt cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện khoa học có thể giúp cho người khuyết tật, thiểu năng phục hồi một phần chức năng đã mất hoặc phát triển các chức năng khác nhằm bù trừ những chức năng bị khiếm khuyết, giúp cho họ hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng.

Giáo dục là những tác động có điều khiển và điều chỉnh cho nên không những thích ứng với các yếu tố di truyền, bẩm sinh, môi trường, hoàn cảnh trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách mà nó còn có khả năng kìm hãm hoặc thúc đẩy các yếu tổ ảnh hưởng đến quá trình đó theo một gia tốc phù hợp mà di truyền và môi trường không thể thực hiện được.

Để phát huy vai trò chủ đạo của mình, giáo dục cần tích cực góp phần cải tạo môi trường sống (gia đình, nhà trường, xã hội) làm cho nó ngày càng lành mạnh, văn minh, tạo thành định hướng thống nhất vì mục tiêu nhân cách.

Giáo dục phải diễn ra trong một quá trình có sự tác động đồng bộ của những thành tố như mục đích, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức quá trình giáo dục. Giáo dục phải bao gồm hoạt động tích cực, đa dạng của người giáo dục và người được giáo dục trong mối quan hệ thống nhất; phải phát hiện và phát huy triệt để những điều kiện bên trong (bẩm sinh, di truyền vốn có ở người được giáo dục) để những tiềm năng trở thành hiện thực. Không nên coi “giáo dục là vạn năng”, thậm chí còn ảo tưởng dùng giáo dục để thay đổi xã hội.

4. Vai trò của hoạt động cá nhân đối với sự phát triển nhân cách

Hoạt động của cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở, là nhân tố quyết định trực tiếp sự phát triển nhân cách. Hoạt động của cá nhân xuất phát từ mục đích và nhu cầu của cá nhân; nhu cầu luôn thúc đẩy cá nhân hoạt động và ngược lại hoạt động lại là cơ sở, là điều kiện để nảy sinh nhu cầu.

Hoạt động là quá trình con người thực hiện mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội, với người khác và bản thân. Thông qua hoạt động, con người chuyển hoá năng lực, phẩm chất tâm lí của bản thân thành sản phẩm thực tế, ngược lại những sản phẩm thực tế đó làm phong phú, hoàn thiện thêm vốn liếng tinh thần của chủ thể.

Thông qua hoạt động con người tiếp thu nền văn hoá xã hội và biến nền văn hoá của loài người thành vốn riêng của mình, vận dụng chúng vào cuộc sống, làm cho nhân cách ngày càng phát triển. Hoạt động giúp cho cá nhân hiện thực hoá những khả năng về tố chất thành hiện thực, đồng thời nó là nguồn quan trọng nhất cung cấp cho cá nhân những kinh nghiệm xã hội.

Thông qua hoạt động con người có thể cải tạo những nét tâm lí và những nét nhân cách đang bị suy thoái, hoàn thiện chúng theo chuẩn mực đạo đức của xã hội. Mỗi con người là sản phẩm hoạt động của chính mình, đó chính là con đường để thành đạt, để vươn tới lí tưởng.

Quá trình giáo dục không chỉ là tác động một chiều của nhà giáo dục đến người được giáo dục mà còn bao gồm các hoạt động tích cực, chủ động tiếp thu, rèn luyện nhân cách của người được giáo dục, tạo nên mối quan hệ tương tác giữa nhà giáo dục và người được giáo dục, hình thành cơ sở hoạt động tự giáo dục của cá nhân. Quá trình giáo dục phải đi đến tự giáo dục, tức cá nhân phải có ý thức nỗ lực, có ý chí quyết tâm khắc phục, vượt qua những khó khăn chủ quan và khách quan để thực hiện việc rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách theo một chương trình, kế hoạch do cá nhân tự vạch ra. Nhiệm vụ vô cùng quan trọng của nhà giáo dục là phải giúp cho người được giáo dục thông qua hoạt động biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục để hoàn thiện nhân cách của mình dù phải sống trong những môi trường, hoàn cảnh phức tạp.

Hoạt động của cá nhân có vai trò quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Muốn phát huy vai trò của hoạt động cá nhân đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, nhà giáo dục cần:

Đưa học sinh vào những hoạt động đa dạng, coi hoạt động là phương tiện giáo dục cơ bản.

Quá trình giáo dục phải là quá trình tổ chức hoạt động tích cực sáng tạo của học sinh, cần thay đổi tính chất của hoạt động, làm phong phú nội dung, phương pháp và hình thức hoạt động, từ đó lôi cuốn học sinh vào hoạt động.

Nhà giáo dục phải nắm được các hoạt động chủ đạo ở từng thời kì nhất định để tổ chức các loại hoạt động cho phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh.

Các nhân tố được phân tích ở trên đều có tác động đồng bộ đến sự hình thành và phát triển nhân cách.\

(Nguồn tài liệu: Phạm Khắc Chương, Giáo dục học đại cương)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]