Trang chủ Lịch sử Sự phát triển Chủ nghĩa tư bản ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu XX

Sự phát triển Chủ nghĩa tư bản ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu XX

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 218 views

Duy tân Minh Trị là một cuộc biến đổi xã hội khá toàn diện. Cuộc cải cách ấy bao gồm các mặt chính trị, quân sự, văn hóa giáo dục và đặc biệt là cuộc cải cách kinh tế xã hội. Cuộc cải cách Minh Trị đã làm cho Nhật Bản từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước tư bản có một nền công nghiệp phát triển và hiện đại.

I – Chính sách cải cách và phát triển kinh tế Tư bản chủ nghĩa

1. Một số biện pháp cải cách và phát triển kinh tế

Về công nghiệp, Chính phủ tiếp tục quản lý các xưởng sản xuất súng đạn và đóng tàu như công xưởng pháo binh ở Tôkyô và Ôsaka, xưởng thuốc nổ ở Itabaxi. Đồng thời chính quyền chú ý quản lý và mở rộng ngành luyện kim, khai mỏ đồng, sắt, vàng, bạc ở Hôkaiđô, mỏ vàng ở Xadô, mỏ bạc ở Ikunô, sắt ở Kanashi, mỏ than ở Mizưike v.v… Ngành công nghiệp mỏ và luyện kim cần đầu tư lớn về vốn và kỹ thuật nên đều do Nhà nước đầu tư phát triển.

Công nghiệp nhẹ là ngành kinh tế đòi hỏi vốn ít, chu chuyển nhanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho đông đảo quần chúng lại có thể tích lũy tư bản. Số xí nghiệp này thường có 10 đến 20 công nhân trở lên. Năm 18671877 có khoảng 470 xí nghiệp, đến năm 1886 tăng lên 760. Những ngành dệt, đồ sứ và công nghiệp chè, thuốc lá v.v… phát triển nhanh, phần đông do tư nhân kinh doanh. Cũng có một số do nhà nước quản lý xây dựng, nhưng về sau nhượng lại cho tư nhân.

Những ngành kinh, doanh lớn như ngân hàng, vận tải, bưu điện v.v… ban đầu do Nhà nước quản lý nhưng sau đó, một số được chuyển lại cho nhà tư bản lớn và các công ty đặc quyền, có thế lực như Mitsui, Mitsubishi v.v.. Ban đầu, Mitsubishi kinh doanh công nghiệp nhẹ, sau đó tiếp thu từ Chính phủ công ty tàu biển, chế tạo máy, giao thông… Năm 1874, tức là chỉ sau sáu năm khi Minh Trị lên ngôi, cuộc chiến tranh xâm lược Đài Loan bùng nổ, Chính phủ giao cho Công ty này 13 chiếc tàu để chuyển quân và sau đó nhượng cho luôn. Vào năm 1885 Mitsubishi đã tiếp thu một công ty tàu biển khác và lập ra Công ty tàu biển Nhật Bản, trở thành Công ty tàu biển lớn nhất.

Về nông nghiệp và quan hệ ruộng đất

Chính phủ Minh Trị ngay từ đầu đã điều hành cuộc cải cách cơ bản đầu tiên, cho phép mua bán đất và cho phép tự do kinh doanh nông phẩm. Chính sách này lập tức tạo nên yếu tố kích thích kinh tế phát triển. Nền kinh tế nông nghiệp đã được giải phóng, thúc đẩy sự phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa. Nhưng sự tập trung ruộng đất do nhu cầu kinh tế cũng tạo nên sự phát triển mất thăng bằng trong quan hệ sở hữu ruộng đất ở nông thôn. Nông dân phân hóa giàu nghèo. Nhiều người không thể duy trì cuộc sống bình thường, phải bán mảnh đất của mình, bỏ ra thành phố làm thuê. Hiện tượng người nông dân tự do trở thành công nhân là hiện tượng của sự phát triển Nhật Bản, những thành thị công thương nghiệp ra đời.

Trong thời kỳ đầu, Nhật Bản thiếu vốn và kỹ thuật, phải vay các nước tư bản và dựa vào nguồn thu nông nghiệp, nên sức mạnh không nhiều. Nhật Bản đã phải vật lộn đi lên vượt qua sự nghèo nàn của mình, trong kinh doanh luôn chú ý đến quyền lợi dân tộc. Để bảo đảm quyền lợi cho hàng hóa nội địa, các nhà tư sản Nhật đã thành lập những tập đoàn sản xuất, tiêu thụ như Hội Liên hiệp dệt vải, lúa gạo, lụa v.v… Đó chính là những tổ chức ban đầu của các Công ty lũng đoạn sau này.

Sau cuộc chiến tranh Trung-Nhật 1894, nước Nhật đã giành được thời cơ phát triển thuận lợi. Số tiên bồi thường chiến tranh khoảng 345 triệu yên, giúp Nhật có số vốn đầu tư cơ bản ban đầu được ưu tiên dùng vào phát triển công nghiệp quân sự.

Năm 1896 Nhật xây dựng khu liên hợp sất thép Yaoata lớn nhất nước Nhật với số vốn tới 19 triệu yên. Ở công xưởng pháo binh Ôsaka đã có lò luyện thép với kỹ thuật hiện đại, xưởng thuốc nổ đã sản xuất loại thuốc nổ không có khói.

Cõng nghiệp đóng tàu cũng phát triển mạnh hơn. Nhu cầu tăng cường hải quân để cạnh tranh đã làm cho công nghiệp đóng tàu phát triển mạnh hơn. Nhật Bản bắt đầu đóng loại tàu trên 1000 tấn. Công nghiệp quân sự dần dần chiếm một tỉ trọng lớn.

Vào cuối thế kỷ XIX, công nghiệp nhẹ cũng đặc biệt phát triển, đáng lưu ý là công nghiệp dệt. Năm 1897 giá trị sợi xuất khẩu lên tới 13,5 triệu yên, còn nhập khẩu chỉ có 8,8 triệu yên. Sau chiến tranh Giáp Ngọ thị trường nguyên liệu và tiêu thụ càng mở rộng. Nhà nước Nhật ban hành chính sách khuyến khích công nghiệp. Thuế sợi tơ được xóa bỏ, máy móc áp dụng rộng rãi đem lại yếu tố kích thích lớn.

Công nghiệp, nông nghiệp phát triển đã kéo theo sự phát triển của thương nghiệp và ngân hàng. Ngân hàng Nhật Bản ra đời và tăng gấp 3 lần trong vòng 7 năm (1893-1900), số vốn tăng 10 lần. Ngân hàng lớn như Sumitômô thành lập năm 1895, Mitsubishi (1895), Ngân hàng cho vay vốn (1897), Ngân hàng công nông nghiệp (1897) lần lượt ra đời. Do tốc độ phát triển và nhu cầu hội nhập thế giới, Nhật Bản đã lấy vàng làm giá trị bản vị bảo đảm cho đồng tiền Nhật.

Cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản đã chuyển mình mạnh mẽ và đã chuẩn bị xong “mặt bằng” cho một cuộc đua mới :

a – Đã phát triển một cách đồng bộ những ngành kinh tế công thương nghiệp và tiền tệ ngân hàng. Nhật Bản đã chuẩn bị cho mình những điều kiện cạnh tranh một cách toàn diện.

b – Nhật Bản chú ý công nghiệp nặng, đồng thời phát triển công nghiệp nhẹ một cách tương ứng như các ngành dệt tơ, vải, làm đồ sứ, thuốc lá, chè .

c – Việc tham gia điều tiết của chính quyền, từng bước đem lại sức mạnh mới cho nền kinh tế. Công nghiệp tư nhân và công nghiệp quốc doanh đều được chú ý, và khi có thể, vì sự phát triển chung, nhà nước bán nhà máy cho tư nhân.

d – Nhật Bản thời Minh Trị có khuynh hướng quan tâm hơn đến công nghiệp quân sự và kết quả của những cuộc chiến tranh tạo thêm điều kiện cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật phát triển.

2. Sự phát triển kỉnh tế đế quốc cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX

Sự phát triển của kinh tế Nhật Bản gắn liền với các cuộc chiến tranh thể hiện rõ đường lối phát triển đế quốc quân sự của mình.

Nhật giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh Nhật-Trung (1895), là thành viên tham gia liên quân tám nước tư bản trấn áp Nghĩa hòa đoàn ở Trung Quốc (1899-1901). Vị trí tương ứng của Nhật Bản với các cường quốc tư bản dần dần được khẳng định. Giành được khoản tiền bồi thường chiến tranh, Nhật Bản có nguồn bổ sung quan trọng để đầu tư công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp quân sự.

Công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí và quân trang thành những ngành mũi nhọn nhằm xây dựng một lực lượng quân sự mạnh để cạnh tranh và bành trướng.

Công nghiệp gang thép tăng trưởng mạnh vào năm 1901 khi khu gang thép Yaoata hoàn thành. Riêng khu gang thép Yaoata đã sản xuất 53% sản lượng gang và 83% thép cho cả nước. Bảng thống kê cho ta thấy mức sản xuất gang thép đã tăng trưởng một cách nhanh chóng.

Tập đoàn Mitsui xây dựng cơ sở luyện thép ở Hôkaiđô. Sau chiến tranh Nhật-Nga (1905), công nghiệp sắt thép càng phát triển mạnh mẽ, thậm chí đầu tư sang cả Triều Tiên và Trung Quốc.

Ngành công nghiệp điện cũng phát triển mạnh. Năm 1902 chỉ có khoảng 60 công ty, đến năm 1908 lên tới hơn 100 công ty.

Nhật Bản vào năm 1910 hầu như đã đủ khả năng đóng những chiến hạm cỡ lớn của thế giới, đã tự trang bị phần lớn quân hạm của mình.

Với khát vọng tạo nên sức mạnh lớn cho công cuộc cạnh tranh, Nhật Bản dồn toàn lực của mình vào ngành công nghiệp nặng. Giá trị sản phẩm công nghiệp nặng chiếm quá nửa trong tổng sản phẩm quốc dân.

Mức phát triển công nghiệp nhẹ vào đầu thế kỷ XX cũng mạnh hơn so với trước. Ngành dệt và một số ngành khác có bị khủng hoảng vào thời kỳ chiển tranh Trung Quốc, nhưng chỉ sau một thời gian đình đốn, nghề dệt dần dần khôi phục và phát triển. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, kinh tế Nhật đã phát triển mạnh. Những công ty cổ phần bị phá sản hợp nhất thành những công ty lớn, tổ chức lũng đoạn kinh tế trở thành phổ biến và tạo nên sức mạnh mới. Những hiện tượng tập trung vốn thành những công ty lớn làm cho số lượng các công ty ít dần đi. Ví dụ ngành dệt vải lụa năm 1901 có 66 công ty, đến năm 1908 còn 36 công ty và năm 1913 còn 7 công ty. Trong các ngành dệt đay, sản xuất rượu, xà phòng, đường, giấy… cũng xuất hiện những hiện tượng tập trung vốn và mở rộng quy mô.

Tư bản ngân hàng ở Nhật cũng nhanh chóng tập trung. Vào đầu thế kỷ XX tập đoàn ngân hàng Mitsui, Mitsubishi lũng đoạn hơn 50% tổng số vốn. Sự phát triển tập trung theo khuynh hướng dung hợp giữa tư bản ngân hàng với tư bản công nghiệp là đặc trưng trong quan hệ điều hành sản xuất và huy động vốn của chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn lũng đoạn. Quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị đang có xu hướng hợp lại lũng đoạn cả nền kinh tế lẫn chính trị ở Nhật Bản.

Nhật Bản vào đầu thế kỷ XX đã tham gia tích cực vào việc phân chia thị trường Triều Tiên và Trung Quốc. Sau năm 1895, những tập đoàn tư bản đã tăng cường xuất vốn ra nước ngoài, tiến hành khai thác tài nguyên, nhân lực với những điều kiện tốt nhằm tạo nên lợi nhuận tối đa, Nhật Bản lập các nhà máy đường, dệt vải và sản xuất các mặt hàng thiết dụng ở Đài Loan, Thượng Hải. Nhật cũng đặc biệt quan tâm đến việc kinh doanh đường sắt ở Trung Quốc, Triều Tiên, lập ngân hàng ở nước ngoài để tiện việc điều vốn kinh doanh khai thác.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tạo nên sức mạnh kinh tế, quân sự và chính trị để có thể tham gia vào cuộc tranh giành thị trường thế giới.

II – Công cuộc cải cách thể chế theo con đường chính trị Tư bản chủ nghĩa

1. Cải cách chế độ hành chính

Nước Nhật xác định con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, muốn tiến hành cải cách dân chủ trong khuôn khổ quyền lực của vương triều, thể hiện trong năm lời tuyên thệ của Minh Trị Thiên hoàng :

  1. Quốc Hội phải dân chủ và theo công luận quyết định việc nước.
  2. Trên dưới đồng lòng lo việc nước.
  3. Từ quan chức văn võ đến nhân dân đều phải theo đuổi chí nguyện để trong nước không còn mối bất mãn.
  4. Phá bỏ những tập quán xấu, mọi công việc theo pháp luật chung.
  5. Tiếp thu tri thức trên thế giới để chấn hưng sự nghiệp của hoàng triều.

Minh Trị đã thành lập một bộ máy chính quyền gồm Hữu viện (Uin) như là cơ quan hành pháp và Tả viện (Sain) như là cơ quan lập pháp.

Người Nhật muốn xây dựng một chế độ phân quyền giữa lập pháp và hành pháp nên chính quyền Minh Trị được tổ chức như một chính thể quá độ.

– Thiên hoàng giữ địa vị tối cao, thành lập chính phủ gồm đại diện các thế lực có tư tưởng cải cách, chủ yếu là các quý tộc của Satsuma, Chôsu, Tôsa, Hizen.

– Toàn bộ cơ cấu hành chính được tổ chức theo một thể thống nhất,gồm các huyện, quận; đứng đầu là các tri huyện; quận trưởng chịu sự chỉ huy thống nhất của Trung ương. Nước Nhật từ mấy trăm công quốc nay quy thành 3 phủ và 72 huyện (Ken). Các lãnh chúa vẫn được bảo đảm cuộc sống bằng việc thu 1/10 lợi tức hàng năm của lãnh địa.

Chính quyền Minh Trị tuyên bố xóa bỏ đẳng cấp cùng với những đặc quyền của nó. Những quy định khắt khe về hôn nhân, hành nghề, ăn mặc theo đẳng cấp đều bị xóa bỏ. Tuy vậy các Daimyô vẫn được hưởng trợ cấp lớn tới 64.000 yên/người (1876). Họ trở thành những người tư sản giàu có và thường kinh doanh ngân hàng.

Để xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh, Minh Trị ra lệnh thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự từ năm 1873. Thanh niên đến 20 tuổi, dù là bình dân hay quý tộc (hoa tộc), đều phải nhập ngũ 3 năm và sau đó phải có 4 năm làm quân nhân dự bị… Đồng thời tiến hành một cuộc cải cách quân sự nhằm xây dựng một đội quân hiện đại, thống nhất và phục vụ mục tiêu vì Nhật Hoàng, vì Nhật Bản.

2. Chính sách đối ngoại

Chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ đầu là giành quyền bình đẳng, xóa bỏ những điều ước thua thiệt đã ký với các nước tư bản phương Tây. Việc này phải đến sau chiến tranh Nhật-Trung (1894-1895) và đặc biệt sau chiến tranh Nhật-Nga (1904-1905), Nhật Bản mới được coi là một cường quốc có vị thế ngang tầm các nước tư bản khác.

Nước Nhật đã tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược :

  • Chiến tranh Đài Loan 1874
  • Chiến tranh Nhật-Trung 1894-1895.
  • Chiến tranh Nhật-Nga 1904-1905 .

Các cuộc chiến tranh đã tỏ rõ sức mạnh của nước Nhật sau một thời kỳ quý tộc tư sản hóa và giai cấp tư sản liên kết với nhau trong việc củng cố và mở rộng quyền lực. Để thực hiện mục tiêu tiến hành những cuộc chiến tranh ra bên ngoài, chính phủ đã chú trọng phát triển kinh tế công nghiệp quân sự, xây dựng quân đội hiện đại và xác định đường lối chiến tranh xâm lược.

3. Phong trào dân quyền và tự do

Chính quyền Minh Trị đã xác định học tập phương Tây về mọi mặt, về kinh tế kỹ thuật và tư tưởng văn hóa.

Năm 1871 một phái đoàn Nhật Bản do đại thần Iwakura Tomoni dẫn đầu đã đến thăm và học hỏi 12 nước Âu Mỹ, đã nghiên cứu thể chế chính trị, hiến pháp của các nước đó.

Người tuyên truyền tư tưởng tự do phương Tây là Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Trong tác phẩm Khuyến học xuất bản năm 1872-1876, Ông khẳng định con người sinh ra phải được bình đẳng, sự khác biệt là do học vấn và trình độ khác nhau, ông chống việc học chỉ thuộc dẫn kinh viện một cách vô ích, mà nhấn mạnh việc học phải suy nghĩ, phải có mục đích vì tiến bộ của đất, nước. Ông cho rằng học tập nước ngoài là nhằm mục đích đuổi kịp phương Tây. Trong cuốn sách Văn minh khái luận viết năm 1875, ông tuyên bố quan điểm của mình:

“Để bảo vệ độc lập của Nhật Bản, không còn cách nào ngoài con đường tiến đến văn minh. Lí do duy nhất để người dân Nhật Bản tiến đến văn minh là để bảo vệ độc lập đất nước”.

Fukuzawa Yukichi nhận thức rằng Nhật Bản đã tồn tại mấy thế kỷ không coi trọng thương nghiệp, cho nên nước Nhật yếu nghèo. Ông khẳng định, đất nước muốn giàu mạnh phải chấn hưng buôn bán.

Hội truyền bá kiến thức phương Tây đã xuất bản các tạp chí phổ biến các thành tựu khoa học: triết học, chính trị, giáo dục, tôn giáo, kinh tế, pháp luật v.v…

Tuy vậy, những thay đổi bước đầu vấp phải sự phản đối của một bộ phận xã hội. Trong thời kỳ đầu của cuộc duy tân Minh Trị, cuộc đấu tranh đã diễn ra gay gắt giữa 2 thế lực bảo thủ và cấp tiến. Quý tộc phong kiến thì luyến tiếc đặc quyền đặc lợi cũ. Tầng lớp tư sản mới hình thành mong muốn cải cách mạnh bạo hơn. Nông dân liên tiếp khởi nghĩa đòi ruộng đất, giảm thuế và giảm nghĩa vụ đóng góp. Ngay trong chính quyền cũng có những ý kiến khác nhau về con đường phát triển của Nhật Bản, thậm chí cuộc đấu tranh nhiều khi diễn ra quyết liệt. Saigo chủ trương xâm lược Triều Tiên để chuyển mâu thuẫn ra bên ngoài, nhưng phái đoàn của Iwakura về kịp và ngăn chặn mưu tính phiêu lưu khi Nhật còn non yếu. Saigo từ chức và sau đó đã gây ra cuộc chiến tranh tháng 2-1877. Lực lượng nổi lên chống đối Thiên hoàng và phe cải cách lên tới 40.000 người tấn công thành Kuwamoto. Cuộc nội chiến kéo dài 50 ngày, chỉ khi có viện binh từ Tôkyô, tới quân Chính phủ mới giành được thắng lợi và Saigo đã mổ bụng tự sát.

Các chính đảng lần lượt ra đời. Đầu năm 1874 giữa lúc phong trào chống thuế sôi nổi khắp nơi, Itagaki và các bạn bè của ông lập ra “Ái quốc công đảng” đã gửi kiến nghị phê phán Chính phủ độc tài, đấu tranh đòi lập nghị viện nhân dân, cho nhân dân tham gia chính quyền. Trên các báo chí xuất hiện cuộc luận chiến giữa phái tự do, dân quyền và lập hiến. Phong trào chống lại chế độ chuyên chế được mệnh danh là “ Tự do và Dân quyền” . Thực ra hai chữ “dân quyền” ở đây chỉ hàm chứa khái niệm “dân có của, có địa vị trong xã hội”.

Trước đòi hỏi của phong trào, Chính phủ hứa sẽ chuyển sang chính thể lập hiến. Phong trào lan rộng nhanh chóng, tháng 2 năm 1875 các đại biểu họp ở Ôsaka thành lập “Ái quốc xã” có tính chất toàn quốc. Tháng 51875, Itagaki và Kiđô tham gia chính phủ, tuyên bố sẽ chuyển thành chính phủ lập hiến, hứa sẽ triệu tập đại biểu của nhân dân cả nước thảo luận luật pháp. Nhưng Chính phủ Minh Trị vào tháng 6-1875 đã ra điều lệ báo chí, kiểm soát ngôn luận, ráo riết hạn chế quyền tự do, hạn chế hoạt động của phái Tự do dân quyền. Đảng Ái quốc tan rã. Tháng 10 năm đó Itagaki từ chức.

Cuộc đấu tranh vì tự do và dân quyền vẫn tiếp tục, nhân dân đã đưa 50 bản kiến nghị với 24 vạn chữ ký cho Chính phủ. Phong trào đấu tranh giảm thuế của nhân dân lên cao.

Năm 1880, phong trào bình dân dân chủ tư sản lên mạnh. Lúc này Emôri ở Tosa đã nổi lên và thành người lãnh đạo. Ông mở hội nghị chuẩn bị cho việc thành lập chính đảng tư sản. Khẩu hiệu của đảng này là quyền bình đẳng cho nhân dân, xây dựng chính thể lập hiến. Nảm 1881, đại biểu của phong trào Tự do dân quyền cả nước đấu tranh đòi dân chủ chính trị lên mạnh.

Chính phủ buộc phải dùng chính sách vừa đàn áp, vừa xoa dịu, hứa hẹn quyền lợi cho quần chúng. Vào năm 80, Chính phủ ban hành đạo dụ sẽ lập Quốc hội vào năm 1890.

4. Hiến pháp 1889

Các đảng tư sản đã ra đời vào những năm 80 và cuộc đấu tranh của các đảng đã làm phát triển và hoàn chỉnh cơ cấu chính quyền mới.

Đảng Tự do: chủ trương thể chế lập hiến, thành lập vào tháng 10 năm 1881 do Itagaki lãnh đạo. Đảng phản ánh quyền lợi của địa chủ nhỏ và phú nông, vừa kinh doanh ruộng đất vừa kinh doanh công thương nghiệp. Họ đấu tranh để giảm thuế ruộng và đòi cải thiện điều kiện trong kinh doanh công thương nghiệp. Nông dân và tiểu tư sản tham gia đông đảo vào đảng Tự do.

Đảng cải tiến lập hiến: thành lập 1882 do Okuma đứng đầu. Đảng này đại biểu cho lợi ích tư sản công thương, những phần tử trí thức võ sĩ có liên hệ với tư sản lớn, có xu hướng ôn hòa được Mitsubishi ủng hộ. Họ chủ trương lập ngân hàng, phát triển buôn bán mậu dịch, mở rộng khu vực ảnh hưởng kinh doanh, muốn mở rộng sự xâm lược bên ngoài.

Chính phủ một mặt đàn áp các đảng, một mặt dùng kế mua chuộc các thủ lĩnh và gây chia rẽ nội bộ.

Phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao. Để tránh một cuộc cách mạng nổ ra, năm 1882 Vua Minh Trị phái Itô Hirôbumi đi ra nước ngoài nghiên cứu vấn đề lập hiến và cấu trúc thể chế chính trị. Định hướng của Nhật Bản là chọn mẫu hình tổ chức của nước Đức.

Năm 1883, Itô Hirôbumi về nước, khởi thảo Hiến pháp của Nhật Bản.

Hiến pháp năm 1889 đã ra đời trong bối cảnh lịch sử đó nhằm tìm một thể chế thích hợp làm thỏa mãn những mong muốn quyền lực của giai cấp có của. Tuy vậy, Hiến pháp đồng thời cũng phản ánh sự thắng lợi của quần chúng nhân dân.

Theo Hiến pháp, Quốc hội Nhật, chia làm, 2 Viện :

1/ Viện quý tộc có 368 người gồm các hoàng thân, quý tộc và những người giàu có nhất.

2/ Viện đại biểu, còn gọi là Viện bình dân, có 300 đại biểu, bầu công khai. Cử tri phải là những người nam giới, trên 25 tuổi, đóng thuế 15 yên/năm, tương đương 100 ngày công của thợ dệt. Thời gian cư trú là 1,5 năm. Như vậy chỉ có chừng 1% dân số được tham gia bầu cử.

Thiên hoàng là người có quyền tối thượng, quyền giải tán Quốc hội, xóa bỏ những đạo luật mặc dầu Quốc hội đã phê chuẩn, quyền tuyên chiến, đình chiến, điều chỉnh và phân bổ ngân sách, quyền bổ nhiệm bộ trưởng.

Sau khi Hiến pháp ra đời, đường lối chính trị của Nhật trong thời kỳ Minh Trị là đường lối của tập đoàn quân phiệt, phát triển lực lượng quân sự, tiến hành chiến tranh xâm lược, xây dựng nền kinh tế theo hướng phục vụ chiến tranh. Hiến pháp đã khẳng định sự chọn lựa thể chế phù hợp với giới quý tộc quân phiệt tư bản Nhật Bản, dẫn Nhật Bản đi đến con đường phát triển chủ nghĩa quân phiệt.

5. Phong trào công nhân

Thời kỳ tích lũy tư bản đầu tiên ở Nhật gắn liền với sự bóc lột vô cùng nặng nề của chủ nghĩa tư bản. Công nhân nữ và trẻ em làm việc trong các công xưởng bị bóc lột tàn nhẫn. Trẻ em 8 tuổi cũng phải đi làm thuê. Người lao động phải làm việc từ 15 – 16 giờ một ngày, dưới sự kiểm soát gắt gao của bọn chủ.

Sự bóc lột nặng nề đã dẫn tới nhiều cuộc đấu tranh phản kháng: năm 1872-1878 công nhân mỏ Takashima bạo động. 1881 công nhân dệt bạo động. Vào năm 90 của thế kỷ XIX làn sóng nổi dậy ngày càng nhiều. Trong phong trào rầm rộ đó, Đảng Xã hội dân chủ Nhật Bản ra đời dưới sự lãnh đạo của Katayama Sen.

Katayama Sen xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 23 tuổi, ông làm công nhân in ở Tôkyô. Ông là người thông minh, có nghị lực, hoạt động trong phong trào công nhân vào giữa năm 90 của thế kỷ XIX, chủ yếu trong phong trào công nhân sản xuất vũ khí và công nhân luyện gang thép, kỹ nghệ quân sự. Ông xuất bản báo Thế giới lao động, cơ quan ngôn luận đấu tranh cho quyền lợi phong trào công nhân. Năm 1898, Katayama Sen đã lãnh đạo công nhân đường sắt bãi công thắng lợi sau hàng tháng trời.

Trên cơ sở phong trào công nhân phất triển, các tổ chức công nhân được thành lập để đấu tranh bảo vệ quyền lợi.

Năm 1898, Hội nghiên cứu chủ nghĩa xã hội ra đời. Năm 1900 đổi thành Hiệp hội xã hội chủ nghĩa. Ngày 20-5-1901, Đảng Xã hội dân chủ Nhật thành lập. Người sáng lập ra tổ chức này là Katayama Sen và Kôtôku. Cương lĩnh của Đảng chủ trương đấu tranh hợp pháp nhằm thực hiện một số mục tiêu chính:

  • Không phân biệt chủng tộc và chế độ chính trị, thực hiện bốn biểnlà nhà.
  • Vì thế giới hòa bình và giải trừ quân bị – Xóa bỏ xã hội có giai cấp.
  • Quốc hữu hóa ruộng đất và tư bản.

Chính phủ Nhật Bản ra lệnh cấm Đảng Xã hội dân chủ Nhật và các báo chí hoạt động. Tuy vậy, phong trào đấu tranh của công nhân vẫn phát triển. Công nhân mỏ than, mỏ đồng, các nhà máy quân khí vẫn tiếp tục bãi công.

Thời kỳ chiến tranh với Nga, phong trào đấu tranh càng mạnh mẽ. Các cuộc biểu tình chống chiến tranh đã nổ ra ở Osaka, Tôkyô. Những người xã hội chủ nghĩa như Kôtôku và Xakai đã lập ra Đảng Bình dân và xuất bản báo Bình dân. Năm 1909, bản Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Mác-Ănghen đã được dịch đăng. Những người xã hội chủ nghĩa Nhật Bản tỏ thái độ phản đối cuộc chiến tranh mang tính chất đế quốc vì lợi ích của chính quyền. Chính phủ trấn áp phong trào phản chiến, Đảng Bình dân bị giải tán. Những tổn thất to lớn do chiến tranh gây ra đã đổ gánh nặng lên vai nhân dân. Năm 1905, cuộc đấu tranh bùng nổ dữ dội. Chính phủ ra lệnh giới nghiêm, trấn áp tàn bạo, hơn 600 người bị thương và có 15.000 người bị bắt. Cuộc đấu tranh lan mạnh ở hai thành phố Tôkyô và Osaka.

Trong năm 1907 có tới 57 cuộc bãi công, ở xưởng đúc vũ khí Ôsaka, phong trào công nhân thu hút hàng vạn người tham gia đấu tranh. Công nhân mỏ đồng, công nhân đóng tàu ở Nagasaki cũng bãi công.

Phong trào phụ nữ đòi tham gia chính trị cũng phát triển. Ý thức của các tầng lớp trong xã hội đều tăng tiến. Năm 1906, Đảng Xã hội dân chủ lập lại với tên gọi là Đảng Xã hội Nhật Bản.

Trong Đảng Xã hội có sự phân hóa về chủ trương hành động: Kôtôku chủ trương hành động bằng bạo lực, Taxôe chủ trương đấu tranh nghị trường, còn Xakai chủ trương kết hợp cả hai. Đại hội đã nhất trí chọn con đường kết hợp giữa đấu tranh bạo lực với đấu tranh nghị trường.

Ngày 22-02-1907, chính phủ Nhật giải tán Đảng Xã hội theo luật cảnh sát trị an, đóng cửa tờ báo. Vụ án xét xử những người xã hội diễn ra từ tháng 5-1910 đến tháng 1-1911, có 12 người bị tử hình trong đó có Kôtôku và 18 người bị tù chung thân.

Phong trào công nhân qua một thời gian thoái trào đến cuối năm 1911-1912 lại bùng lên. Cuộc bãi công của 6000 công nhân ở Tôkyô kéo dài 2 ngày làm tê liệt giao thông thành phố. Cuộc đấu tranh thắng lợi, công nhân được tăng lương. Tuy vậy lãnh tụ công nhân Katayama Sen phải trốn ra nước ngoài.

Năm 1912 có 46 cuộc bãi công, 1913 có 47 cuộc. 1914 có 50 cuộc, 1915 có 64 cuộc, 1916 có 108 cuộc, và năm 1917 có tới 398 cuộc bãi công.

Năm 1918, Đảng Cộng sản ra đời.

Nguồn tài liệu: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

Tỷ giá Man Nhật hôm nay

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]