Trong cuộc sống, lao động cũng như trong sản xuất kinh doanh, con người dù đã rất chú ý đề phòng, ngăn ngừa tai nạn nhưng rủi ro vẫn có thể xảy ra. Rủi ro là những biến cố xảy ra ngoài sự mong đợi của con người và thường mang lại hậu quả xấu.
1- Khái niệm về rủi ro:
Rủi ro là thuật ngữ dùng để chỉ khả năng xảy ra biến cố bất thường với hậu quả thiệt hại hoặc mang lại kết quả không như dự tính. Trong cuộc sống, trong lao động và trong sản xuất kinh doanh dù không muốn, con người vẫn phải luôn đối mặt với rủi ro, chính điều đó đã dạy con người biết cách đối phó với rủi ro để tồn tại.
Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về rủi ro. Ngay cả trong lĩnh vực nghiên cứu, các tác giả cũng đã xây dựng rất nhiều định nghĩa khác nhau về “rủi ro”:
• Theo Frank Knight-Nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng thế kỷ XX cho rằng: “Rủi ro là sự bất trắc có thể do lường được”
• Theo từ điển Oxford: “Rủi ro là khả năng gặp nguy hiểm hoặc bị đau đớn thiệt hại”.
• Theo Viện kiểm toán nội bộ của Mỹ: “Rủi ro là tính bất thường (tính không chắc chắn) của một sự kiện xuất hiện mà nó có thể gây ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu”.
• Theo từ điển Dictionaire d’assurance (Từ điển bảo hiểm Pháp-Việt) của nhiều tác giả thì: Rủi ro là một sự cố không chắc chắn xảy ra hoặc ngày giờ xảy ra không chắc chắn. Để chống lại điều đó người ta có thể yêu cầu bảo hiểm.
Nhìn chung, các định nghĩa trên đều đề cập đến 2 vấn đề:
– Sự không chắc chắn (yếu tố bất trắc).
– Một khả năng xấu; một biến cố không mong đợi; sự tổn thất.
Ví dụ: Một người nhảy từ lâu 20 của tòa nhà cao tầng xuống mặt đất tự tử thì chắc chắn sẽ chết. Ở đây có xảy ra mất mát nhân mạng nhưng đây không phải là rủi ro vì cái chết đã được thấy trước. Trường hợp khác, một diễn viên đóng thế cũng nhảy từ lầu cao xuống đất bằng dù. Nếu bình thường, anh ta sẽ không bị thương. Tuy nhiên, anh ta vẫn có thể bị tai nạn, thậm chí là chết. Ở trường hợp này, có sự không chắc chắn về hậu quả, tức là có rủi ro trong hành động của người diễn viên đóng thế này.
Như vậy, nói đến rủi ro, không thể bỏ qua khái niệm về xác suất (hay là khả năng xảy ra mất mát). Có hai loại xác suất sau đây:
• Xác suất khách quan (xác suất tiên nghiệm): được xác định bằng phương pháp diễn dịch, tư duy logic. Ví dụ: xác suất sấp hay ngửa của đồng tiền rơi là 50%. Tuy nhiên, xác suất khách quan có khi không thể xác định bằng tư duy logic.
Ví dụ: Xác suất gây tai nạn của người lái xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như độ tuổi tài xế, xe cũ hay xe mới,..
• Xác suất chủ quan: là uớc tính của từng cá nhân đối với khả năng xảy ra mất mát khác nhau. Vì thế, xác suất chủ quan của từng người cũng khác nhau. Ví dụ: kỳ vọng về xác suất trúng thưởng vé số.
Nguyên nhân rủi ro:
– Nguyên nhân khách quan: còn gọi là nguyên nhân bất khả kháng, độc lập với hoạt động của con người, như: động đất, bão lụt, hạn hán, sóng thần, dịch bệnh.
– Nguyên nhân chủ quan: Sự rủi ro xảy ra do hậu quả từ hoạt động của con người trong điều hành kinh tế, khai thác thiên nhiên để phục vụ cho lợi ích của mình..
Liên quan đến rủi ro, trong các đơn bảo hiểm còn dùng một thuật ngữ đó là “hiểm họa”. “Hiểm họa” biểu hiện hàng loạt các sự cố có thể xảy ra, gây thiệt hại cho một đối tượng hoặc một sự cố không chắc chắn nào đó có thể ảnh hưởng đến nhiều người với tư cách khác nhau.
Ví dụ: hiểm họa ma túy, hiểm họa hàng hải,…
2- Các loại rủi ro:
Trên thực tế tồn tại rất nhiều loại rủi ro khác nhau. Tuy nhiên, để thuận tiện trong nghiên cứu, đánh giá rủi ro phục vụ cho hoạt động kinh doanh BH, rủi ro được chia thành các loại sau:
- Rủi ro đầu cơ và rủi ro thuần túy.
- Rủi ro cơ bản và rủi ro riêng.
- Rủi ro tài chính và rủi ro phi tài chính.
- Rủi ro có thể BH được và rủi ro không thể BH được.
– Rủi ro đầu cơ và rủi ro thuần túy
+ Rủi ro đầu cơ: là những rủi ro vừa có thể mang lại hậu quả xấu vừa có thể dẫn đến khả năng tăng lợi ích. Ví dụ; sự biến động của giá cổ phiếu…
+ Rủi ro thuần túy: Là những rủi ro chỉ có thể dẫn đến hậu quả tổn thất, thiệt hại. Ví dụ; ốm đau, bệnh tật…
– Rủi ro cơ bản và rủi ro riêng
+ Rủi ro cơ bản: Là những rủi ro xảy ra ngoài tầm kiểm soát của con người và có khả năng gây hậu quả hàng loạt. Ví dụ; động đất, sóng thần…
+ Rủi ro riêng: Là những rủi ro gây hậu quả cá biệt cho cá nhân, tổ chức. Ví dụ; một căn hộ bị hoả hoạn…
– Rủi ro tài chính và rủi ro phi tài chính
+ Rủi ro tài chính: là những rủi ro mà hậu quả của nó có thể xác định được bằng tiền. Ví dụ; hậu quả của căn nhà bị hoả hoạn hoàn toàn có thể xác định được bằng tiền…
+ Rủi ro phi tài chính: là những rủi ro mà hậu quả của nó không thể xác định được bằng tiền. Ví dụ; quyết định lựa chọn bạn đời…
– Rủi ro có thể BH được và rủi ro không thể BH được:
Xét trên 2 mặt:
+ Kỹ thuật nghiệp vụ: về nguyên tắc chỉ bảo hiểm cho những sự cố hoàn toàn ngẫu nhiên đối với người được bảo hiểm. Còn những sự cố có tính chất cố ý do người được bảo hiểm gây ra thì không được bảo hiểm.
Rủi ro chỉ có thể bảo hiểm được khi xác suất xảy ra rủi ro nằm trong khoảng từ 0 đến 1.
Mặt khác, rủi ro chỉ được chấp nhận bảo hiểm khi mà hậu quả tổn thất có thể qui được về mặt vật chất, lượng hóa thành tiền.
Về mức độ tổn thất, có những rủi ro có thể xác định được giá trị thiệt hại tối đa có thể. Song, cũng không ít trường hợp không thể lường hết được giá trị thiệt hại. Về nguyên tắc người bảo hiểm thường chỉ chấp nhận bảo hiểm cho những rủi ro có thể xác định được giá trị thiệt hại tối đa có thể.
Cũng có những bảo hiểm đặc biệt như bảo hiểm cho những ngón tay của nghệ sĩ dương cầm… Song, điều đó không có ý nghĩa lớn trong kinh doanh bảo hiểm.
+ Về mặt pháp lý, hoạt động bảo hiểm không thể đi ngược lại những gì mà luật pháp đã bảo vệ, được xã hội thừa nhận và tôn trọng.
* Rủi ro được bảo hiểm và rủi ro loại trừ
+ Rủi ro được bảo hiểm
+ Rủi ro loại trừ (chỉ sự cố dù có gây thiệt hại, người bảo hiểm cũng không chịu trách nhiệm đối với tổn thất do rủi ro gây ra.)
Để đối phó với những tổn thất không lường trước được do các rủi ro gây ra, cách tốt nhất là bảo hiểm, nghĩa là chuyển những rủi ro mà mình có thể gặp phải cho các tổ chức bảo hiểm.
3- Các biện pháp xử lý rủi ro
Rủi ro còn tồn tại là thực tế khách quan đối với cuộc sống của con người và hậu quả của nó thường làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người. Để bảo toàn cuộc sống của con người, con người phải tìm đến các biện pháp xử lý rủi ro. Các biện pháp để xử lý rủi ro gồm 2 nhóm.
– Nhóm 1: Các biện pháp đề phòng rủi ro.
Đây là các biện pháp được sử dụng khi chưa có rủi ro xảy ra. Trên thực tế các biện pháp này đối với một số rủi ro chỉ có tính chất phòng ngừa (chứ không làm mất đi rủi ro), con người không tham gia vào những hoạt động có chứa đựng những rủi ro tiềm tàng. Trong chừng mực nhất định, con người sử dụng các biện pháp để ngăn chặn rủi ro có thể xảy ra hoặc để giảm thiểu tổn thất khi phải tham gia vào những hoạt động có chứa đựng những rủi ro tiềm tàng, các biện pháp tránh né đó có tác dụng tích cực đảm bảo an toàn cho con người.
Các biện pháp ngăn ngừa rủi ro đã phát huy tác dụng lớn trong việc xử lý rủi ro và đã chủ động, tích cực hơn so các biện pháp nêu ở nhóm 1 nói trên.
Bằng việc nhận thức ngày càng đầy đủ hơn các quy luật tự nhiên, khả năng kinh tế và sự trợ giúp tích cực của khoa học kỹ thuật, các biện pháp ngăn ngừa rủi ro cũng ngày càng phong phú hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các biện pháp đó cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn được sự xẩy ra của rủi ro, hơn nữa không phải đơn vị hay cá nhân nào cũng có thể thực hiện được do chi phí để thực hiện các biện pháp này nhiều khi rất tốn kém.
– Nhóm 2: Các biện pháp hạn chế, khắc phục hậu quả của rủi ro.
Đây là các biện pháp được sử dụng sau khi có rủi ro xảy ra. Hạn chế, khắc phục hậu quả rủi ro là việc con người sử dụng biện pháp kinh tế bù đắp thiệt hại, tổn thất xẩy ra nhằm ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống con người. Để khắc phục hạn chế hậu quả của rủi ro, con người có thể dùng nhiều biện pháp khác nhau như:
+ Chấp nhận rủi ro – tự gánh chịu, là việc một tổ chức, cá nhân do nhận thức được các rủi ro có thể gặp phải đã lập ra quỹ riêng để tự mình hạn chế, khắc phục hậu quả rủi ro như: tiết kiệm, lập quỹ chung dự phòng, cứu trợ. Các hình thức này còn được gọi là tự bảo hiểm. Tự bảo hiểm tương tự hình thức dự trữ thuần túy. Song, một đơn vị không thể mang hết vốn để lập quỹ dự phòng, một cá nhân không thể mang hết thu nhập của mình để tiết kiệm.
+ Chuyển giao rủi ro – các loại hình bảo hiểm, là một cơ chế mà nhờ nó một tổ chức, một cá nhân có thể thực hiện việc chuyển những rủi ro tiềm tàng của mình cho một tổ chức hoặc một cá nhân khác. Có 2 hình thức chuyển giao rủi ro:
a, Chuyển giao rủi ro không bằng bảo hiểm, là hình thức mà một tổ chức hoặc một cá nhân có thể chuyển giao rủi ro của mình cho một tổ chức hoặc cá nhân khác không phải là một tổ chức bảo hiểm.
b, Chuyển giao rủi ro bằng bảo hiểm, là hình thức mà một tổ chức hoặc một cá nhân bằng việc đóng góp một khoản tiền nhất định để chuyển giao rủi ro tiềm tàng của mình cho tổ chức khác – Tổ chức bảo hiểm. Nhận trách nhiệm trước những rủi ro được chuyển giao, tổ chức bảo hiểm thực hiện việc bù đắp thiệt hại hoặc trả một khoản tiền nhất định nếu xảy ra rủi ro như đã thỏa thuận.
Theo cơ chế này, hậu quả rủi ro có thể rất nặng nề, trầm trọng đối với mỗi tổ chức, cá nhân đều có thể được khắc phục một cách dễ dàng hơn bởi nó được chia nhỏ cho nhiều tổ chức, cá nhân khác có cùng khả năng gặp phải rủi ro đó. Nói cách khác, quỹ tiền tệ được tạo lập từ sự đóng góp của số đông những người có cùng khả năng gặp phải rủi ro, dùng để khắc phục hậu quả, bù đắp thiệt hại cho số ít người thực sự gặp phải rủi ro đó. Tổ chức đứng ra tạo lập, quản lý và sử dụng quỹ tiền tệ đó là tổ chức Bảo hiểm.
Có 2 loại hình tổ chức bảo hiểm cơ bản:
- Bảo hiểm không mang tính chất kinh doanh (Bảo hiểm xã hội)
- Bảo hiểm mang tính chất kinh doanh (Bảo hiểm Thương mại)
Thực tế đã chứng minh cách khắc phục hậu quả của rủi ro thông qua sự đảm bảo về tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm cho khách hàng là một trong những biện pháp khắc phục hậu quả rủi ro có hiệu quả.
+ Bảo hiểm là một quỹ tiền tệ được huy động từ số đông người tham gia bảo hiểm nên khả năng tài chính lớn, việc xử lý rủi ro linh hoạt, không bị phụ thuộc vào thời gian.
+ Việc đảm bảo bằng bảo hiểm được tiến hành trên cơ sở những văn bản pháp lý cụ thể.
+ Quỹ bảo hiểm được tạo lập và sử dụng thông qua các tổ chức bảo hiểm nên có thể xử lý rủi ro trên cả hai phương diện đề phòng và khắc phục hậu quả rủi ro.
+ Mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.
(Nguồn: Tổng hợp)