Trang chủ Báo chí truyền thông Quy trình thực hiện phóng sự truyền hình

Quy trình thực hiện phóng sự truyền hình

by Ngo Thinh
719 views

Quy trình thực hiện phóng sự truyền hình gồm 6 bước chính.

1. Lựa chọn đề tài, chủ đề

Đầy là bước đầu tiên định hướng cho phóng viên tiếp cận vấn đề. Việc lựa chọn đề tài, xác định tư tưởng chủ đề mang tính chất khoanh vùng đối tượng phản ảnh.

Phạm vi phản ánh của phóng sự truyền hình cũng như bất kì một thể loại báo chí nào khác là toàn bộ sự kiện trong dòng thời sự chủ lưu. Nhưng không phải bất cứ đối tượng nào của hiện thực cũng trở thành đối tượng phản ánh của phóng sự truyền hình, đó phải là những sự kiện thời sự nóng hổi hay những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện tại cần giải quyết, đó là những vấn đề bức xúc mà công chúng đang quan tâm

Khi lựa chọn đề tài, phóng viên phải dựa vào hai yếu tố đề tài có tính thời sự được xã hội quan tâm và đề tài đó phải nằm trong kế hoạch tuyên truyền của cơ quan báo chí trong từng thời điểm cụ thể, ví dụ: vấn đề giá cả, trật tự an toàn giao thông, tham nhũng, hoặc các sự kiện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, …

Ngoài việc đáp ứng các yếu tố trên, nhà báo truyền hình cần xem xét đến tính khả thi của đề tài bao gồm điều kiện thực hiện: cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện kỹ thuật,… khả năng diễn đạt bằng hình ảnh. Không phải bất cứ một đề tài nào, phóng viên cũng xông vào. Họ thường chọn những lĩnh vực họ có khả năng hiểu biết và say mê. Có như vậy bài phóng sự mới có nội dung sâu sắc, hấp dẫn và sáng tạo trong cách thể hiện.

Bất cứ một hình thức thông tin nào thì bản thân nó cũng thể hiện một khuynh hướng tư tưởng nhất đinh. Hơn nữa phóng sự truyền hình còn thể hiện ý đồ của tác giả, có khi của cơ quan chủ quản, của Đảng và Nhà nước. Do vậy, việc xác định chủ đề và tư tưởng được tiến hành song song với việc xác định đề tài. Chủ đề là vấn đề chủ yếu được xác định. Nếu đề tài là cả một cánh rừng thì chủ đề là một cây, một mầm non mới nhú; tư tưởng là thái độ, cách đánh giá, nhìn nhận của tác giả với đối tượng được nói tới trong tác phẩm của mình, là khuynh hướng và thông điệp tác giả muốn gửi tới công chúng.

Việc xác định đề tài, chủ đề sẽ khoanh vùng và xác định đối tượng của phóng sự truyền hình, từ đó tìm ra tư tưởng chủ đề, ý nghĩa của sự kiện được nêu trong phóng sự.

Tư tưởng, chủ đề là cái đích cuối cùng, có ý nghĩa bao trùm nội dung tác phẩm phóng sự. Đồng thời nó chi phối từng chi tiết, lời bình và con người trong phóng sự.

Tư tưởng, chủ đề quyết định hướng khai thác và xử lý tài liệu nếu không được định hướng bởi một tư tưởng, chủ đề nhất định thì khi thâm nhập thực tế, trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng, biết chọn cái nào để làm chất liệu cho phóng sự, biết lấy cái gì làm chính, cái gì làm phụ và hiệu quả tác phẩm là một mớ tư liệu vụn vặt với hình ảnh, lời bình tản mạn, hiệu quả thông tin thấp.

2. Tìm hiểu sự kiện

Khi sự kiện xảy ra bất ngờ thì phóng viên khó có thể tìm được các thông tin lưu trữ. Nhưng khi đã có lưu trữ các thông tin về sự kiện, sự việc tương tự thì sẽ giúp cho họ nắm bắt sự kiện, sự việc hiện tại dễ dàng hơn

Trong trường hợp được thông báo về sự kiện thì sẽ có thể tìm được nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau: qua các báo đài, hộp thư truyền hình, các băng tư liệu, các kho lưu trữ thông tin,… là nguồn cung cấp các dữ liệu. Phóng viên cần phải biết tương đối đầy đủ về các nhân vật trong sự kiện để giới thiệu họ trong phóng sự, nhưng không nên nói quá nhiều về họ. Điều quan  trọng là phải tìm ra được quan điểm của các nhân vật này. Không phải để nhắc lại mà để khai thác sự tiến triển, những điểm mới của sự kiện.

Khi thực hiện một phóng sự, phóng viên cũng cần tìm hiểu về khung cảnh sự kiện bằng cách hình dung thông qua các tư liệu (băng, ảnh lưu trữ), nếu có điều kiện tốt nên khảo sát tại chỗ. Việc khảo sát địa điểm, bối cảnh cho phép dự kiến một kịch bản trước khi quay phim, dự kiến phỏng vấn nhân chứng trong bối cảnh thật. Khảo sát địa điểm và bối cảnh làm tiết kiệm thời gian quay phim, dự kiến được các cảnh xen và các cảnh chồng làm chuyển ý, tạo ra tác phẩm có sức thuyết phục.

Trong trường hợp dùng thủ pháp về sự xuất hiện của phóng viên trên màn hình thì khi khảo sát địa điểm, bối cảnh xảy ra sự kiện cần tạo nên sự lưu loát và sự trong sáng của nội dung cần diễn đạt.

3. Quay phim

Là quá trình cụ thể hoá kịch bản tại hiện trường với sự lựa chọn các cảnh quay riêng biệt, song phải tương đối logic, trình tự dựa theo những nguyên tắc mỹ học, tạo nên bức tranh cuộc sống vừa khái quát vừa cụ thể, vừa chính xác lại sinh động, điển hình. Việc quay phim phóng sự phải tuân thủ theo những nguyên tắc tạo hình của truyền hình. Hai yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong công tác quay phim.

Kỹ thuật quay phim đề ra những nguyên tắc lắp ghép hình như khi lắp ghép các câu văn phải có mệnh đề, dấu phẩy, dấu chấm. Còn nghệ thuật quay phim góp phần tạo nên những hình tượng gây cảm xúc mạnh mẽ. Công việc quay phim của các tác giả làm phóng sự truyền hình phụ thuộc và nhiều yếu tố khách quan: không gian, bối cảnh, sự kiện, diễn biến của vấn đề. Do vậy giữa phóng viên, biên tập và quay phim phải có sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng. Mối quan hệ này cũng biểu hiện tính tập thể của phóng sự truyền hình. Trong đó người biên tập chịu trách nhiệm về nội dung tư tưởng của tác phẩm còn phóng viên quay phim trên cơ sở lĩnh hội ý đồ của kịch bản, người biên tập mà chọn cảnh quay, tìm góc độ thể hiện. Sự sáng tạo của phóng viên quay phim chỉ được xây dựng trên cơ sở thực hiện và làm phong phú thêm ý đồ của người biên tập.

Người quay phim phải biết lựa chọn những chi tiết đắt, mang lượng thông tin cao, bởi vì thế mạnh của phóng sự truyền hình so với phóng sự báo in và báo nói là những hình ảnh, âm thanh từ trong cuộc sống.

Về nguyên tắc cần phải quay tất cả, việc chọn lọc các hình ảnh tiêu biểu sẽ được thực hiện trong quá trình dựng băng. Người quay phim có kỹ thuật để ghi lại hình ảnh và người biên tập phải biết được các kỹ thuật đó. Cần để quay phim làm việc độc lập trên cơ sở có sự bàn bạc từ trước. Biên tập viên và quay phim phải cùng biết hình ảnh đã đủ chưa, nếu chưa đủ phải quay thêm cái gì.

Trong khi ghi hình phải biết các cú pháp về hình ảnh. Cần có một vài cảnh mở ra hay khép lại chủ đề, giống như câu đầu và câu cuối của một bài báo. Trong khi dựng phim, những cảnh trái trục, những cái nhìn và khi đối  tượng quay ra khỏi khuôn hình phải theo những quy tắc nghiêm ngặt để có thể dựng được.

4. Dựng phim

Sử dụng nghệ thuật Montage đối với phóng sự truyền hình không chỉ đơn thuần là việc chon một đoạn hay rút ngắn những hình ảnh đã thu được mà đây là việc tổ chức lại, sắp xếp lại các hình ảnh để đem lại tính hợp lý và nội dung nhằm giúp người xem dễ hiểu.

  • Phim phóng sự truyền hình cho phép sử dụng hầu hết những thủ pháp Montage của hình ảnh. Nó giúp phóng sự truyền hình ghép nối các phim rời rạc thành một chỉnh thể, theo ý đồ kết cấu của tác giả. Montage liên kết các hình ảnh, âm thanh, lời bình, phỏng vấn, chúng là những thành phần biệt lập nhau. Montage có một số loại cơ bản sau:
  • Montage logic: là dựng các cảnh phim nối tiếp nhau theo logic trong đó sử dụng các thủ pháp như: nối liên tục, mờ dần, chồng dần,…
  • Montage ý: là sự liên kết giữa các cảnh phim để nảy ra ý mới, hình tượng mới. Nếu các cảnh quay này để tách rời nhau thì ý sử dụng đó không thể tồn tại. Phương pháp này thường sử dụng trong các phóng sự tài liệu nghệ thuật.

5. Hậu kỳ dàn dựng

Hậu kỳ là khâu cuối cùng của việc hoàn thành phim phóng sự truyền hình. Sau khi quay nháp đủ tư liệu, người làm phim phải tiến hành khâu dàn dựng, hậu kỳ. Các phường tiện kỹ thuật hậu kỳ không những cho phép xử lý nhanh, chính xác mà còn cho phép tạo hình ảnh, sử dụng máy tính để sản xuất các chương trình, chủ yếu sử dụng bắn chữ, hình hiệu. Bàn dựng hiện đại cho phép thực hiện hàng trăm kỹ sảo khác nhau. Những kỹ xảo ấy cho phép tạo hiệu quả đặc biệt trong phóng sự. Mỗi phim phóng sự là kết quả sáng tạo của tác giả bằng kỹ thuật tinh xảo.

Phương pháp Montage trong hậu kỳ được sử dụng để bố trí sắp xếp hình ảnh theo trật tự thời gian và bố cục của tác phẩm. Ở khâu hâu kỳ, biên tập viên bằng phương pháp Montage kiểm tra lại tất cả các khâu, hoàn thiện tác phẩm phóng sự của mình. Có trường hợp ở giai đoạn hậu kỳ nếu sử dụng bàn trộn đặc biệt có thể phát trực tiếp. Như vậy, hậu kỳ đã được rút ngắn thời gian một cách tối đa.

6. Viết lời bình

Lời bình là những lời giải thích những gì phóng viên được chứng kiến mà thông tin trên hình ảnh không chuyển tải được. Phóng viên đọc lời bình này là tốt nhất

Ngay từ câu đầu tiên, lời bình của phóng sự phải thu hút được sự chú ý của khán giả xem truyền hình, gây sự ngạc nhiên cho họ và tạo cho họ ý muốn theo dõi tiếp. Trong câu đầu tiên, quan điểm xử ký trong phóng sự phải được xác định ngay đó là sự khen ngợi hay phê phán phải được bộc lộ. Nó phải chứa đựng những thông tin mới nhất, mạnh nhất, bất ngờ nhất và phải mô tả được không khí của sự kiện.

Bút pháp của lời bình: nói chung cũng giống như tin tức, phóng sự cần những câu ngắn, đơn giản, có một mệnh đề, câu ngắn làm người xem dễ tiếp nhận, dễ hiểu. Từ ngữ sử dụng trong phóng sự phải cụ thể thêm sống động, nên dùng các từ ngắn, đơn giản, nên chú ý các vấn đề khi viết lời bình cho phóng sự:

  • Theo đúng quan điểm đã xác định
  • Chú ý đề cập đến các ý quan trọng của chủ đề (các từ ngữ, số liệu, lời trích dẫn của nhân vật)
  • Sử dụng các từ dễ hiểu, viết số bằng chữ và chọn khái niệm đơn giản, dùng số % nên diễn đạt bằng từ, ví dụ : 35% thì nên dùng là ba mươi lăm %; hoặc số năm, tháng.
  • Chỉ nên viết trên một mặt giấy, tránh tẩy xoá.
  • Đọc to bài viết để tạo cơ hội sửa chữa lại bài viết.
  • Nên trau chuốt câu đầu và câu cuối.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]