Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống tại vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường.
Điều 3 Luật Xây dựng 2014:
Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.
Quy hoạch xây dựng bao gồm: quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xâu dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Quy hoạch xây dựng vùng là việc bố trí hợp lý các đô thị, điểm dân cư, các cơ sở công nghiệp chủ yếu, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên phạm vi địa giới hành chính của một tỉnh hoặc liên tỉnh phù hợp với yeê cầu phát triển xã hội trong từng thời kỳ.
Quy hoạch xây dựng đô thị là việc tổ chức không gian đô thị các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành, bảo đảm quốc phòng an ninh của từng vùng và của quốc gia trong từng thời kỳ.
Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn là việc tổ chức không gian, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của điểm dân cư nông thôn.
Cơ sở tiến hành xây dựng là dựa vào quy hoạch tổng thể của vùng, của địa phương, quy hoạch phát triển ngành.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Quy hoạch là cơ sở để khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc điểm kinh tế – xã hội, tiến bộ khoa học và công nghệ của đất nước trong từng giai đoạn phát triển. Nó là cơ sở để quản lý sử dụng đất một cách hợp lý trong quá trình phát triển đô thị, khu dân cư đảm bảo sự phát triển bền vững trên từng địa bàn, từng vùng và từng lãnh thổ và là cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng công trình, cấp giấy phép xây dựng, giao đất, cho thuê đất để triển khai các dự án xây dựng công trình tránh tình trạng công trình chờ quy hoạch hoặc công trình xây dựng không theo quy hoạch phải phá đi di chuyển gây tốn kém. Ngoài ra quy hoạch xây dựng thực hiện tốt nó còn là cơ sở thu hút đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Muốn quy hoạch xây dựng có hiệu quả cần phải có sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan Nhà nước có thầm quyền khác nhau tư trung ương đến địa phương bao gồm (Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Mặt khác quy hoạch xây dựng phải được lập cho thời gian 5 năm, 10 năm xong đồng thời nó cũng phải định kỳ xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn.
(Nguồn tài liệu: Giáo trình Kinh tế phát triển, Trường cao đẳng nghề Nam Định)