Trang chủ Tôn giáo học Quan điểm của Hồ Chí Minh về Công giáo

Quan điểm của Hồ Chí Minh về Công giáo

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 181 views

Công giáo là một trong ba tôn giáo lớn của thế giới (Công giáo, Hồi giáo, Phật giáo) ra đời ở thế kỷ I thuộc vùng đất Palextin ngày nay. Khi mới ra đời Công giáo là tôn giáo của những người nô lệ, cùng khổ, về sau nó trở thành tôn giáo của các giai cấp thống trị. Công giáo du nhập vào Việt Nam và phát triển cùng với quá trình bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây vào thế kỷ XVI – XIX.

Với Hồ Chí Minh, điều mà Người quan tâm lớn nhất chính là phải củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân vì độc lập Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, do vậy Người cũng rất quan tâm đến đời sống của đồng bào Công giáo Việt Nam. Từ 1945 đến 1956 không lễ Nôen nào mà Người không gửi thư chúc tết đồng bào Công giáo. Trong tất cả các thư ấy và các thư gửi cho giám mục Lê Hữu Từ, Linh mục Lê Văn Yên, Linh mục Thuyết, đồng bào Công giáo ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Vinh, Thái Bình, Vĩnh Yên v.v… Người không quy Công giáo là tôn giáo của chủ nghĩa thực dân. Người chỉ rõ chủ nghĩa thực dân đã lợi dụng Công giáo như thế nào và luôn kêu gọi đoàn kết Lương – Giáo, kính chúa, yêu nước vì độc lập của Tổ quốc cũng như vì sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam.

Ngày 14/10/1945 Người viết thư cảm ơn đồng bào Công giáo Vinh – Hà Tĩnh – Quảng Bình vì họ đã gửi thư cho Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà bày tỏ rằng: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại” và Người khẳng định: “Câu nói nhiệt thành đó tỏ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ của Đức Giêsu”63. Tháng 3 năm 1946 khi chính phủ lập phái đoàn đi thăm nhân dân Nam Trung Bộ, biết khu vực này có nhiều đồng bào Công giáo, Người đã viết thư cho Giám mục Lê Hữu Từ “Vì ở miền đó cũng có nhiều đồng bào Công giáo, nên tôi muốn nhờ cụ chọn cho một vị linh mục thân tín của cụ cùng đi với các đại biểu của Chính phủ vào thăm đồng bào ta”64. Người cũng đã rất cảm động khi nhận được món quà của nhà dục anh Công giáo Thái Bình tặng. Món quà dù chỉ là một khung ảnh bằng lụa, nhưng Người đã viết thư cảm ơn, tỏ rõ sự trân trọng của Người đối với sự lao động của các bà phước. Qua đó Người cũng khẳng định đồng bào Công giáo cũng rất yêu mến Người, và Người nhắc nhở mọi người phải giữ gìn truyền thống quý báu của dân tộc ta là không phân biệt Lương – Giáo luôn tương thân, tương ái, đoàn kết chặt chẽ vì quốc gia dân tộc. Người viết: “Các bà phước ngày đêm chăm nuôi các trẻ em đã rất khó nhọc, thế mà còn bớt thời giờ để thêu cái khung ảnh rất đẹp. Tôi thấy trong mỗi đường kim, trong mỗi mũi chỉ, đã thấm bao nhiêu cái tinh thần yêu mến giữa đồng bào Công giáo với tôi. Do đó chúng ta đã thấy rằng: Đồng bào ta không chia Lương – Giáo, ai cũng tương ái, tương thân, đoàn kết chặt chẽ thành một khối. Tôi cảm ơn và xin chúc toàn thể đồng bào Công giáo luôn luôn mạnh khỏe, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự chúa trời65.

Trong kháng chiến chống Pháp, Người nhắc nhở đồng bào ta “Lúc này, thực dân Pháp gây cuộc chiến tranh, chúng muốn cướp nước ta lần nữa. Chúng làm trái hẳn với lòng bác ái của Đức Chúa Giêsu”66. Vì vậy nhân dân ta phải đoàn kết, không phân biệt tôn giáo quyết một lòng cho kháng chiến thành công, cho non sông thống nhất: “Nước ta phải thống nhất Nam Bắc là một nhà. Không thể để ai chia cắt Tổ quốc ta, chia rẽ gia đình ta. Tôi mong đồng bào Công giáo ta sẽ hết lòng hết sức cùng toàn dân kiên quyết đấu tranh cho nước nhà thống nhất, giữ vững hòa bình. Tôi mong đồng bào Công giáo ta cũng như mọi người dân yêu nước ra sức góp phần xây dựng miền Bắc của ta vững mạnh, cố gắng thi đua sản xuất làm cho nước mạnh, dân giàu”67.

Người không chỉ đoàn kết với giáo dân trong nước mà còn đoàn kết với cả giáo dân quốc tế, trước hết là giáo dân Pháp: “Nhân dịp lễ Noel và năm mới tôi thân ái gửi các bạn lời chào, chúc hoà bình và thịnh vượng. Chúng tôi biết rằng các bạn không tán thành cuộc chiến tranh phi nghĩa này và các bạn thiết tha mong đợi hoà bình. Chúng tôi cũng muốn hoà bình. Vậy chúng ta hãy hợp sức lại. Các bạn hãy chiến đấu kỳ cho đạt được mục đích mà các bạn đã theo đuổi, đòi phải đình chỉ tức khắc cuộc chiến tranh và phải cho ngay các thanh niên Pháp về nước. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ mở cuộc tiến công để quét sạch bọn thực dân xâm lược khỏi đất nước chúng tôi”68.

Người chia sẻ từng nỗi buồn với cái buồn của giáo dân, mừng cùng mỗi niềm vui của giáo dân. Năm 1948 Người đã gửi lời chia buồn đến đồng bào Công giáo địa phận Bùi Chu về việc giám mục Hồ Ngọc Cẩn qua đời. Năm 1965 Người cũng gửi điện chia buồn đến đồng bào Công giáo tỉnh Nam Hà vì sự thương tiếc Linh mục Lâm Quang Học thọ 108 tuổi vừa từ trần, và mong đồng bào Công giáo noi gương Cụ Lâm đoàn kết cùng toàn dân chống Mỹ cứu nước thắn lợi. Hàng năm nhân dịp Noen Người thường gửi thư thăm hỏi chia vui cùng đồng bào Công giáo. Trong các thư Người thường khẳng định: “Pháp mạnh hơn ta nhưng ta thắng được là nhờ có đoàn kết Lương – Giáo; phải xứng đáng là những con chiên chân chính của Chúa Nhân từ có đức hy sinh cao thượng; phải kính chúa – yêu nước. Với nhi đồng Công giáo Người dặn các cháu phải: “Biết giữ kỷ luật, siêng học, siêng làm, yêu chúa, yêu nước”69.

Tóm lại: Ở Hồ Chí Minh, Chúa là nhân từ, Chúa là tấm gương hy sinh triệt để vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hòa bình, vì công lý. Đồng bào Công giáo Việt Nam dù ở đâu, làm gì cũng đều là giống nòi người Việt nên là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Người xót thương với những giáo hữu Công giáo bị đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm lừa bịp ép buộc thành nạn nhân của chính nó, Người đã viết thư an ủi và chỉ rõ: “Chính phủ Việt Nam luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, Chính phủ luôn sẵn sàng hoan nghênh đón tiếp giúp đỡ nếu đồng bào trở lại quê hương”70 Người cùng vui cùng buồn với mọi niềm vui nỗi buồn của giáo dân. Người phân biệt rõ Công giáo với tư cách là tín ngưỡng của nhân dân với cái đã bị Chủ nghĩa thực dân lợi dụng thành mục đích của chính nó. Chính thế mà Người kêu gọi Lương – Giáo đoàn kết giúp đỡ cán bộ sửa chữa sai lầm trên tinh thần thân ái, đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng71. Tất cả đều vì mục đích độc lập thống nhất dân tộc và vì hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết Lương – Giáo bao gồm cả đoàn kết giữa những người có tôn giáo khác nhau vì Người luôn kính trọng nhân dân, luôn trân trọng sinh mệnh của con người. Người khoan dung, độ lượng và luôn thấu hiểu, yêu thiết tha những người nô lệ, những người mất nước.

  • 63 Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000 – Tập IV, tr 50.
  • 64 Sđd – Tập IV, tr 211
  • 65 Sđd – Tập IV, tr 224, 225
  • 66 Sđd – Tập IV, tr 490; Tập V, tr 726; Tập VII, tr 197.
  • 67 Sđd – Tập VIII, tr 99 – 100; Tập XI, tr 314.
  • 68 Sđd – Tập V, tr 724.
  • 69 Sđd – Tập V, tr 125.
  • 70 Sđd – Tập VII, tr 416; Tập VIII, tr 99.
  • 71 Sđd – Tập VIII, tr 285; Tập XI, tr 314.
5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net