Trang chủ Tôn giáo học Luật lệ, lễ nghi Công giáo

Luật lệ, lễ nghi Công giáo

by Ngo Thinh
460 views

Luật lệ lễ nghi của Công giáo chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của chế độ phong kiến La-Mã và hầu như rất ít thay đổi theo thời gian. Nội dung chủ yếu là:

Mười điều răn của Thiên Chúa

Mười điều răn của Thiên Chúa đã cho khắc vào đá ban cho Mai-sen, tổ phụ của người Do Thái, chung quy lại hai điều được coi là tôn chỉ của Công giáo là Kính Chúa và yêu người:

  • Phải thờ kính Thiên Chúa trên hết mọi sự.
  • Không được lấy danh Thiên Chúa để làm những việc phàm tục tầm thường.
  • Giành ngày chủ nhật để phụng thờ Thiên Chúa.
  • Thảo kính Cha Mẹ.
  • Không được giết người.
  • Không được dâm dục.
  • Không được gian tham lấy của của người khác.
  • Không được làm chứng dối, che dấu sự gian dối.
  • Không được ham muốn vợ hoặc chồng của người khác.
  • Không được ham muốn của cải trái lẽ.

Sáu điều răn của Giáo Hội:

  1. Xem lễ các ngày chủ nhật và các ngày lễ buộc.
  2. Kiêng việc xác ngày chủ nhật.
  3. Xưng tội mỗi năm một lần.
  4. Chịu lễ mùa phục
  5. Giữ chay những ngày quy định.
  6. Kiêng ăn thịt vào những ngày quy định.

Ngoài ra Giáo hội còn quy định nghĩa vụ trong các quan hệ đối với linh hồn, đối với đồng loại và với chính bản thân mình như:

Lấy điều thiện mà khuyên người;

Hướng dẫn cho kẻ mê muội;

Tha thứ cho kẻ khinh rẻ mình;

Nhịn kẻ xúc phạm đến mình;

Răn bảo kẻ tội lỗi; An ủi người lo âu;

Cầu nguyện cho người sống và người chết;

Cho kẻ đói ăn; Cho kẻ khát uống; Cho kẻ rách mặc; Cho khách ở nhờ; Cho người làm thuê;

Thăm viếng người hoạn nạn;

Chôn táng người chết;

Khiêm nhường; Không hà tiện; Đoan chính; Không tị hiềm;

Siêng năng; Ăn uống điều độ.

Bảy phép bí tích:

  1. Phép rửa tội để rửa sạch tội tông truyền trở thành tín đồ Công giáo. Bí tích này thực hiện một cách dễ dàng đối với trẻ sơ sinh của những gia đình Công giáo, nhưng với người lớn tòng đạo thì phải qua thời gian chuẩn bị về tâm lý và phải sám hối về những tội lỗi đã mắc phải. Rửa tội thường do các linh mục thực hiện, linh mục dùng nước lã dội lên đầu người chịu phép và đọc lời kinh nguyện theo quy định của Giáo hội.
  2. Phép thêm sức giúp cho tín đồ được ơn Chúa mà liên hệ chặt chẽ với Giáo hội, vững tin đi vào đời sống tín ngưỡng. Thêm sức chỉ thực hiện với những người đã chịu phép rửa tội. Thêm sức do giám mục thực hiện trong nhà thờ trong dịp cử hành lễ Mi-sa. Giám mục sẽ bôi dầu thánh lên trán người chịu bí tích này và đọc lời kinh nguyện theo quy định của Giáo hội. Linh mục có thể làm phép thêm sức nếu được sự ủy quyền của Giám mục.
  3. Phép Giải tội là nhằm tha thứ những tội lỗi mà bản thân mỗi con người mắc phải. Người được giải tội phải xưng tội trung thành với linh mục. Linh mục với tư cách thay mặt Thiên Chúa ngồi trong tòa giải tội luận xét tha tội hoặc định những hình thức sửa chữa đền tội bằng những việc làm nhân đức. Mỗi nam tín đồ phải xưng tội ít nhất một lần.
  4. Phép chịu Mình thánh Chúa (Thánh thể) là sự tái diễn việc Chúa Giê-su đã hiến dâng cho sự nghiệp cứu chuộc84. Theo Công giáo, công cuộc cứu chuộc của Chúa sẽ được tiếp tục trong màu nhiệm của bí tích Thánh thể. Bí tích này là đỉnh cao, là nguồn mạch trong đời sống tín ngưỡng của những tín đồ Công giáo. Phép bí tích này được cử hành trọng thể tại nhà thờ gọi là Thánh lễ Mi-sa. Sau khi xưng tội và được giải tội thì được chịu phép Mình Thánh. Người chủ lễ đọc lời truyền phép Mình Thánh theo quy định của Giáo hội để bánh (mì) và rượu (nho) trở thành thịt và máu của Chúa, sau đó ban cho người chịu phép một ít hay một phần chiếc bánh và rượu đã làm phép để Thiên Chúa ngự trong lòng họ. Người chịu phép Mình Thánh lần đầu, sau đó phải chịu phép Mình Thánh mỗi năm ít nhất một lần.
  5. Phép xức dầu Thánh được thực hiện đối với bệnh nhân trong cơn nguy ngập, để được Thiên Chúa nâng đỡ và cứu vớt. Các giám mục là người thực hiện phép chuyển dầu thảo mộc thành dầu Thánh để xoa lên trán hoặc lên người cho bệnh nhân và đọc lời nguyện cầu Thiên Chúa theo quy định của Giáo hội.
  6. Phép Truyền chức thánh chỉ thực hiện với các tín đồ chịu ơn riêng của Chúa trở thành những tác viên thay mặt Chúa chăn dắt tín đồ. Có bảy chức thánh, từ chức một đến chức năm là những chức giúp việc trong nhà thờ, chức sáu gọi là phó tế hay thầy sáu có quyền thực hiện một số bí tích. Người có đủ bảy bí tích thì trở thành linh mục.
  7. Bí tích hôn phối là sự nhìn nhận của Thiên Chúa đối với việc chung sống trọn đời của đôi nam nữ đã chịu phép rửa tội. Bí tích này nhằm tăng cường tính duy nhất và bền vững trong hôn nhân gia đình của tín đồ Công giáo.

Những ngày lễ trọng:

Công giáo có nhiều ngày lễ trong năm (tính theo dương lịch) với những nghi lễ và ý nghĩa khác nhau, trong đó có sáu ngày lễ buộc mà tín đồ buộc phải nghỉ phần xác để tham dự:

  1. Sinh nhật Chúa Giê-su 25/12.
  2. Lễ phục sinh một ngày trong tháng tư.
  3. Lễ Chúa Giê-su lên trời thực hiện sau lễ Phục sinh 40 ngày.
  4. Lễ Chúa Thánh thần hiện xuống thực hiện sau lễ Chúa lên trời 10 ngày.
  5. Lễ đức bà Ma-ri-a hồn và xác lên trời 15/08.
  6. Lễ các Thánh 01/11.

Ngoài các lễ buộc đó các tín đồ còn phải đến dự lễ tại nhà thờ vào các ngày chủ nhật quanh năm. Các ngày lễ khác tuy không bắt buộc, nhưng tín đồ vẫn tham dự sốt sắng để được hưởng nhiều ơn phúc của Chúa như:

Lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội ngày 08/12; Lễ tro (đầu mùa chay);

Lễ lá vào ngày chủ nhật đầu Tuần Thánh85, kỷ niệm Chúa vào thành Giê-ru-xa-lem được dân chúng trải lá trên đường tiếp đón;

Lễ thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô 29/06;

Lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục 02/11…

Ngoài ra Giáo hội còn nhiều những ngày lễ khác tùy mùa, tùy chủ đích cho các sinh hoạt và các hoạt động của Công giáo.


84 Theo sự tích “bữa tiệc cuối cùng” trong lễ vượt qua của Chúa Giê-su với các môn đệ, Chúa đã lấy bánh và rượu cho cho các môn đệ với lời trăng trối rằng: Các con hãy nhận lấy, đay là mình của ta, đây là máu của ta, mình máu ta đổ xuống để chuộc tội lỗi cho con người.

85 Tuần Thánh bắt đầu từ Chủ nhật Lễ Lá đến Chủ nhật lễ Phục sinh, kỷ niệm Chúa chịu nạn, chịu chết rồi sống lại. Trong Tuần Thánh có những ngày lễ riêng: Lễ truyền phép Mình Thánh vào thứ 5, Lễ Chúa chịu chết vào thứ 6, Lễ vọng Phục sinh vào thứ 7, Lễ mừng Phục sinh vào chủ nhật.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net