Trang chủ Tôn giáo học Luật lệ lễ nghi và sự thờ phụng trong Phật giáo

Luật lệ lễ nghi và sự thờ phụng trong Phật giáo

by Ngo Thinh
173 views

Luật lệ lễ nghi và sự thờ phụng.

– Tăng, ni và hàng giáo phẩm:

Người theo đạo Phật có hai dạng: Tu tại gia và xuất gia tu hành.

+ Người tu tại gia còn gọi là Ưubàtắc (nam), Ưubadi (nữ) và gọi chung là cư sỹ hoặc là Phật tín đồ.

+ Người xuất gia phải được phép của cha, mẹ; không tàn tật; không nói ngọng; không phải là tội phạm; không phải là kẻ trốn nợ và phải được tăng chúng trong chùa hay tu viện đồng ý. Người xuất gia tu hành gọi là tăng (nam), ni (nữ).

+ Người mới xuất gia tu hành gọi là tiểu hay điệu. Sau một thời gian tập sự sẽ được xuống tóc dần dần và khi được tăng chúng đồng ý sẽ thụ giới sadi (ở ngoài Bắc quen gọi là sư bác). Sau một thời gian làm sadi (từ 10 năm trở lên) nếu được tăng chúng thừa nhận có đủ tư cách và trình độ thì sẽ được thụ giới Tỳ kheo.

– Giới luật:

+ Cư sỹ tu tại gia phải thực hiện ngũ giới và thập thiện. Ngũ giới gồm không được sát sinh; không được trộm cắp; không được sinh hoạt như vợ chồng với người không phải là chồng hoặc vợ của mình; không vọng ngữ; không được uống rượu say. Thập thiện gồm không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm là ba điều thiện về thân. Không nói dối, không nói hai chiều, không nói điều ác, không nói thêu dệt là bốn điều thiện về khẩu. Không tham lam, không giận giữ, không tà kiến là ba điều thiện về ý.

+ Đối với sadi phải thực hiện 10 giới, ngoài năm giới cơ bản trên còn phải thực hiện năm giới nữa là không trang điểm (bao gồm cả không bôi nước hoa hay xức dầu thơm); không nằm giường nệm cao sang và giường rộng giành cho hai người; không xem ca hát nhảy múa và không được ca hát nhảy múa; không cất giữ vàng bạc; không ăn quá giờ quy định.

+ Bậc tỳ kheo trở lên: Tăng phải giữ 250 giới, ni phải giữ 348 giới. Giới luật quy định cho những người xuất gia là rất nghiêm ngặt, chi tiết cho tất cả các sinh hoạt ăn mặc, ở, đi lại, ngủ nghỉ, nói năng, quan hệ giao tiếp với gia đình, xã hội, đồng đạo và phương thức hành đạo. Lễ thụ giới tỳ kheo được tổ chức trọng thể theo một thiết chế gọi là giới đàn. Tỳ kheo có các bậc Đại đức (còn gọi là sư ông); Thượng tọa (ngoài việc có đạo đức và và trình độ Phật học cao còn phải có 45 tuổi đời và 25 tuổi hạ trở lên); Hòa thượng (ít nhất phải có 60 tuổi đời và 45 tuổi hạ). Ni không có phẩm thượng tọa và hòa thượng mà được thay bằng phẩm Ni sư và Sư trưởng.

+ Hàng tháng vào ngày 15, 29 hoặc 30 âm lịch những người xuất gia trong một chùa hay trong một tu viện phải tập hợp lại để tụng giới. Người phạm giới được xử theo phép Yết ma.

+ Giáo lý, giới luật của Phật giáo tạo ra những nội dung đạo đức khá phong phú, điển hình như “từ bi hỷ xả”, “vô ngã vị tha”, “bình đẳng, hòa hợp, khoan dung yêu thương giúp đỡ nhau”…

– Những ngày lễ chính (tính theo âm lịch):

+ Tháng giêng: Ngày 01 lễ vía Phật Di Lặc; ngày 15 lễ Thượng nguyên.
+ Tháng hai: Ngày 08 lễ vía Phật Thích Ca xuất gia; ngày 15 lễ vía Phật Thích Ca nhập diệt.
+ Tháng tư: Ngày 04 lễ vía Bồ tát Văn Thù, ngày 15 lễ vía Phật đản sinh. Từ 15 tháng tư đến 15 tháng bảy là mùa kiết hạ.
+ Tháng sáu: Ngày 19 lễ vía Quan Thế Âm Bồ tát thành đạo.
+ Tháng bảy: Ngày 13 lễ vía Đại Thế Chí Bồ tát; 15 lễ Vu Lan và mãn mùa kiết hạ; ngày 30 lễ vía Địa Tạng Bồ tát.
+ Tháng chín: Ngày 19 lễ vía Quan Thế Âm xuất gia; ngày 30 lễ vía Phật Dược Sư.
+ Tháng mười một: Ngày 17 lễ vía Phạt Adiđà.
+ Tháng mười hai: Ngày 08 lễ vía Phật Thích Ca thành đạo.

Phật giáo Nam tông chỉ làm lễ ngày 15 hàng tháng và các ngày lễ chính trong năm, không có các ngày lễ các vị Bồ tát như Bắc tông. Ngoài ra, mỗi chùa và mỗi môn phái còn có các ngày lễ giỗ các bậc sư tổ.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net