Trang chủ Tôn giáo học Bản thể luận (thế giới quan) Phật giáo

Bản thể luận (thế giới quan) Phật giáo

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 358 views

Bản thể luận (thế giới quan) Phật giáo

a. Lý “nhân duyên khởi”

– Các trường phái triết học nhất nguyên thường chỉ ra cái bản thể chân thực của thế giới. Phật giáo không làm điều đó mà cho rằng vạn pháp đều do chi phối bởi luật nhân quả biến hóa vô thường, không có bản ngã, không có thực thể, không có hình thức tồn tại nào là vĩnh viễn thường định. Nhân (he tu) nhờ duyên (Pratitya) mà sinh quả (phala), quả nhờ duyên mà thành nhân…

Cái tác động gây ra kết quả là nhân, cái kết tập lại từ nhân gây ra là quả. Duyên là điều kiện, là mối liên hệ tương hợp giúp sự khởi sự của vạn pháp.

+ Nguyên lý “Nhân duyên khởi” coi vạn vật trong vũ trụ đều có nguyên nhân tự thân, không do một đấng thần linh nào tạo ra cả. Sự đa dạng của tồn tại là do “Nhân duyên” tạo ra: nhân duyên hội thì sự vật tạo ra. Nhân duyên hết thì sự vật không còn.

+ “Nhân duyên” quan hệ chặt chẽ với “nhân quả”. Nhân là nghiệp lực. Quả là nghiệp lực đã thành hiện thực nhờ hội đủ duyên.

+ “Nhân duyên khởi” và “nhân quả” là nguyên lý phổ biến tuyệt đối của mọi tồn tại. “Duyên” ở đây phải được hiểu vừa là nguyên nhân sinh ra cái mới, vừa là kết quả của quá trình biến đổi cái cũ trước đó. Nhân nhờ duyên mà thành quả, quả nhờ duyên mà thành nhân mới, nhân mới nhờ duyên thành quả mới… Quá trình cứ thế nối nhau vô cùng, vô tận mà thế giới, vạn vật, muôn loài cứ sinh sinh hóa hóa không ngừng.

Lý nhân duyên giải thích căn nguyên biến hóa vô thường của vạn pháp. Tất cả vạn pháp không thoát ra được sự chi phối của luật nhân quả. Có lục nhân, tam duyên, tứ duyên và thập nhị nhân duyên.

Lục nhân gồm:

1) Tương ứng nhân: nhân của tâm vương và tâm sở tương ứng nhau mà có (Tâm vương là cái tâm làm chủ cái thức, tâm sở là cái tâm đã thụ tưởng, hành, thức).
2) Câu hữu nhân: Nhân của tâm vương và tâm sở cùng có mà giúp lẫn nhau.
3) Đồng loại nhân: Nhân cùng một loại.
4) Biến hành nhân: Nhân cùng khởi một lúc khắp cả trong khổ đế và tập đế.
5) Dị thục nhân: Nhân làm điều thiện hoặc ác ở đời này thì đời sau sẽ thành ra thiện báo hay ác báo.
6) Năng tác nhân: Nhân nhờ có duyên khác mà tạo ra kết quả.

Tam duyên gồm:

1) Thân duyên (duyên thân với Phật): Ba nghiệp (thân, khẩu, ý) của chúng sinh và ba nghiệp của Phật chẳng lìa bỏ nhau.
2) Cận duyên (duyên gần với Phật): chúng sinh nguyện thấy Phật, Phật liền ứng niệm mà hiện ra trước mắt.
3) Tăng thượng duyên (duyên thêm lên cõi Phật): chúng sinh xưng niệm Phật mỗi giây nghĩ (niệm niệm) trừ được tội nhiều kiếp, khi lâm chung Phật, thánh sẽ tiếp rước về cõi cực lạc.

Tứ duyên gồm:

1) Nhân duyên: Cái duyên làm cho nhân thành quả. Chẳng hạn, lục căn (mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý) làm nhân; lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) làm duyên mà thành ra lục thức (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, ý giác).
2) Thứ đệ duyên: Cai duyên của tâm vương, tâm sở cứ thứ tự theo nhau sinh ra liên tục không dứt.
3) Sở duyên duyên: Duyên này nhờ duyên khác mà sinh ra.
4) Tăng thượng duyên: Đối với sinh vật, kinh Phật tìm thấy sự liên kết của nghiệp quả từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai mà đưa ra thập nhị nhân duyên (xem phần tập đế). Thập nhị nhân duyên: Sẽ trình bày ở phần sau.

– Duyên ngày: Mỗi ngày có một vị thần hoặc Bồ tát kết duyên với chúng sinh. Khi lễ bái và tùng niệm cần phải biết ngày nào để được sức ủng hộ của Phật hay là Bồ tát nào (tính theo ngày âm ) :

1.Định Quang – Phật16. Đà la ni – Bồ tát
2.Nhiên Đăng – Phật17. Long thọ – Bò tát
3.Đa Bảo – Phật18. Quan Thế âm – Bồ tát
4.A Súc – Phật19. Nhật Quang – Bồ tát
5.Di Lạc – Phật20. Nguyệt Quang – Bồ tát
6.Nhị Vạn Đăng – Phật21. Vô Tận Ý – Bồ tát
7.Tam Vạn Đăng – Phật22. Thí Vô Úy – Bồ tát
8.Dược Sư – Phật23. Đức Đại Thế Chí – Bồ tát
9.Đại Thông Trí Thắng – Phật24. Địa Tạng – Bồ tát
10.Nhật Nguyệt Đăng Minh – Phật25. Văn Thù Sư Lị – Bồ tát
11.Hoan Hỉ – Phật26. Dược Thượng – Bồ tát
12.Nan Thắng – Phật27. Lư Già Na – Phật
13.Hư Không Tạng – Bồ tát28. Đại Nhật – Phật
14.Phổ Hiền – Bồ tát29. Dược Vương – Bồ tát
15.A Di Đà – Phật30. Thích Ca Như Lai – Phật

Ngày nào cũng lễ bái thì được kết duyên với tất cả các Phật và Bồ tát, được sự ủng hộ của tất thảy các vị ấy cho nên mau chứng ngộ. Tuy nhiên, cũng có tu tại gia theo các kiểu :

+ Tứ trai: ăn chay vào các ngày 30, 01, 14, 15.
+ Lục trai: ăn chay vào các ngày 01, 08, 14, 15, 23, 29 (30).
+ Thập trai: ăn chay vào các ngày 01, 08, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (nếu tháng thiếu thì có thêm ngày 27 thay cho ngày 30).

– Các ngày lễ vía: 01, 15 tháng 01; 08, 15 tháng 02; 04, 15 tháng 04; 19 tháng 06; 13, 15, 30 tháng 07; 19, 30 tháng 09; 17 tháng 11; 08 tháng 12. Mùa kiết hạ 15 tháng 04 đến 15 tháng 07 (Tính theo âm lịch).

b. Tư tưởng “Vô thường”, “Vô ngã”:

Vạn pháp đều không vượt qua nguyên lý “vô thường” và “vô ngã”.

– “Vô ngã” là không có cái ta; sự vật bản chất không thường tồn bất biến, nên “ngã” chỉ là “ảo”, “giả”. Nó là “ảo” là “giả” vì hội đủ nhân duyên thì có, cái “có” ấy tự tính vốn chẳng “có” mà là “không”.

– “Vô thường” là vạn vật chẳng thường hằng, thường trụ mà luôn trôi đi, biến đi đến mức vạn pháp hiện trước nhận thức của con người đều là “ảo”. Là “ảo” vì biến đổi “vô thường” nên cái thấy chẳng thật. Chỉ trong một Sát-na thì sự vật đã chẳng còn là nó, thế thì cái thấy chỉ là huyễn hoặc.

– Theo Phật giáo, thì thế giới được tạo nên bởi ngũ uẩn: sắc (vật chất), thụ, tưởng, hành, thức (tinh thần). Cũng có quan niệm cho rằng thế giới được tạo nên từ lục đại: phong, thủy, địa, hỏa, không (sắc), thức (danh).

“Duyên danh-sắc” chỉ hội tụ nhau một thời gian ngắn rồi lại biến đổi sang trạng thái khác. Vì vạn pháp “vô thường” nên cũng “vô ngã”. Bản thân thế giới là một dòng chuyển liên tục (vô thường), không thể tìm ra nguyên nhân đầu tiên, không ai tạo ra thế giới cả, không có cái gì là tồn tại vĩnh hằng cả. Sự biểu hiện của thế giới sự vật hiện tượng luôn theo quy trình sinh, trụ, dị, diệt (hoặc thành, trụ, hoại, không hoặc sinh, lão, bệnh, tử) theo luật “nhân quả” và lý “nhân duyên khởi”.

Như vậy, Phật giáo coi mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều là “ảo” và “giả”, không có thực, chỉ do vô minh đem lại và chấp mà có. “Tất cả mọi vật đều là vô thường đều thay đổi, không có vật nào là ngã cả”. Dòng biến chuyển ấy là vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận, không có khởi đầu, không có kết thúc.

c. Vài điểm khác nhau của Tiểu thừa và Đại thừa:

Hai phái của Tiểu thừa nhìn chung là “chấp hữu“, nhưng Phái “Nhất thiết hữu bộ” (Savatyvàda) đã tập trung nghiên cứu phạm trù thời gian. Theo họ, có tồn tại hiện tại là do có tác động ở trong quá khứ, có tác động hiện tại là có tồn tại trong tương lai. Như vậy, là họ đã đi gần đến chỗ coi tồn tại là “bất biến”. Phái “Kinh bộ” (sautràmtika) chống lại luận điểm “vô thường” của phái trên. Họ xây dựng “lý thuyết về tính chốc lát”, và có đóng góp cho phát triển tư tưởng biện chứng. Theo họ, trạng thái biến chuyển rõ ràng không xẩy ra sau một loạt các biến chuyển không rõ ràng.

Hai phái của Đại thừa nhìn chung “chấp không”, nhưng Phái “Trung luận” (Madhymika) cho rằng: vật chất và ý thức vốn là “không” do vô minh mà hiện ra là “có”. Bởi vậy, nhìn thế giới phải vừa là “không” vừa “giả”, tức cách nhìn “trung”. Theo họ, con người tu luyện khi căn cơ thuần thục, bát nhã xuất hiện thì thế giới “ảo” biến đi về trạng thái “không” – Niết bàn. Người sáng lập ra phái này là sư Long Thọ (Trung Quốc). Phái “Du già” (Yogacara) cho rằng: vạn pháp đều biến tướng và là sự thể hiện của thức thứ tám (Tàng thức). Phái này nặng về duy thức luận. Theo họ, “tàng thức” không mất đi mà tồn tại vĩnh hằng. Phái này do hai anh em ruột Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubađla) sáng lập.

Nói chung, thế giới quan Phật giáo là tư tưởng vô thần luận, có tính biện chứng sâu sắc. Triết học Phật giáo cũng thể hiện tính duy tâm chủ quan, nặng về duy thức luận. Họ quá nhấn mạnh về sự biến đổi của sự vật hiện tượng và phủ nhận sự đứng im tương đối của vạn vật.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]