Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam?
Quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm thực hiện sự chuyển biến từ xã hội cũ sang xã hội mới-xã hội chủ nghĩa.
Giai cấp công nhân và chính đảng của nó muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội với tư cách là một chế độ ưu việt, tốt đẹp hơn chủ nghĩa tư bản thì tất yếu phải trải qua thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bởi vì:
- Chủ nghĩa xã hội với tư cách là một chế độ xã hội không thể ra đời tự phát trong lòng chế độ tư bản chủ nghĩa hay các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa. Các xã hội trước chỉ chuẩn bị những điều kiện vật chất để giai cấp công nhân thực hiện bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, còn bản thân công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ được thực hiện khi có cơ sở vật chất – kỹ thuật cũng như với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa tương ứng.
- Sau khi giành được chính quyền, giai cấp công nhân cũng không thể đem áp dụng ngay tức khắc những nguyên tắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, những nguyên tắc xây dựng và bản chất của chủ nghĩa xã hội khác với các xã hội trước; giai cấp thống trị cũ mới bị đánh bại về chính trị nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn; nhiều tàn dư của xã hội cũ còn in vết trong xã hội mới. Do đó cần có thời gian để tiến hành cải tạo những tàn dư của xã hội cũ, từng bước xây dựng các nhân tố mới. Trong bài “Chào mừng công nhân Hunggari” V.I. Lênin khẳng định: “Mục đích đó, người ta không thể đạt ngay tức khắc được, muốn thế, cần phải có một thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, vì cải tổ sản xuất là việc khó khăn, vì cần có một thời gian mới thực hiện được những thay đổi căn bản trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, và vì phải trải qua một cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài mới có thể thắng được sức mạnh to lớn của thói quản lý theo kiểu tiểu tư sản và tư sản”.
Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có hai kiểu: quá độ trực tiếp và quá độ gián tiếp.
- Quá độ trực tiếp từ các nước tư bản chủ nghĩa phát triển lên chủ nghĩa xã hội.
- Quá độ gián tiếp từ các nước tiền tư bản chủ nghĩa hay các nước tư bản trung bình lên chủ nghĩa xã hội.
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam
– Tính tất yếu của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1954 ở Miền Bắc và năm 1975 trên phạm vi cả nước theo kiểu quá độ gián tiếp hoặc như V.I. Lênin nói là kiểu “đặc biệt của đặc biệt”. Đó là sự lựa chọn tất yếu dựa trên những căn cứ sau:
+ Căn cứ vào quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lê nin cho rằng, ở những nước nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển về kinh tế vẫn có khả năng tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội mà không phải trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
+ Căn cứ vào xu thế phát triển của thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mở đầu bằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại. Đó cũng là thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nên nhiều nước đã đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên, Lào…
+ Căn cứ vào điều kiện lịch sử của cách mạng nước ta, trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản, trước hết là sự lụa chọn của chính Đảng ta: Ngay từ “Cương lĩnh chính trị năm 1930” đến “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” được trình bày ở Đại hội VII năm 1991, Đảng ta đều thể hiện bản lĩnh chính trị về con đường lên chủ nghĩa xã hội.
Cùng với sự lựa chọn của Đảng là sự lựa chọn của chính nhân dân lao động nước ta khi theo Đảng làm cách mạng là muốn có cuộc đời ấm no, hạnh phúc. Để mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân không có con đường nào khác là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, mặc dù trước mắt, chủ nghĩa tư bản còn có tiềm năng phát triển về kinh tế, chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đỗ ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng Đảng ta vẫn khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là con đường duy nhất đúng đắn. Chủ nghĩa xã hội vẫn là khuynh hướng phát triển khách quan của thời đại. Nó không chỉ là lý tưởng mà là hiện thực sinh động trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
– Những phương hướng – nhiệm vụ cơ bản xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
“Một là, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện ngày càng đầy đủ các quyền dân chủ, làm chủ, quyền lực của nhân dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi tội phạm và kẻ thù của nhân dân.
Hai là, phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm, nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Ba là, phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu. Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy hình thức phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu.
Bốn là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người.
Năm là, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp mọi lực lượng phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước, trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với tất cả các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Sáu là, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng.
Bảy là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm cho Đảng làm tròn trách nhiệm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.