Trang chủ Khoa học Chính trị Hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa là gì?

Hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 322 views

Khái niệm hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa

Hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa là một chế độ xã hội phát triển cao nhất hiện nay, là chế độ có quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, thích ứng với lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, tạo thành cơ sở hạ tầng có trình độ cao hơn so với cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa tư bản; trên cơ sở hạ tầng đó có kiến trúc thượng tầng tương ứng thực sự là của nhân dân.

Cũng như mọi hình thái kinh tế – xã hội khác, hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa có quá trình phát triển từ thấp đến cao do sự trưởng thành về kinh tế và các quan hệ xã hội phù hợp, thể hiện ở từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau, kế tiếp và thống nhất với nhau.

Các điều kiện cơ bản của sự ra đời hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa

Sự thay thế hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa bằng hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa là hợp quy luật. Sự thay thế đó có nguồn gốc kinh tế – xã hội sâu xa, đó là miếng đất hiện thực tư bản chủ nghĩa.

Những điều kiện cơ bản của sự ra đời hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa:

Thứ nhất, khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển, dựa trên sự phát triển của khoa học – kỹ thuật và công nghệ hiện đại làm cho lực lượng sản xuất phát triển không ngừng với trình độ xã hội hóa ngày càng cao, vượt khỏi giới hạn chật hẹp của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là mâu thuẫn kinh tế cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn này dẫn đến mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động với giai cấp tư sản.

Thứ hai, trong xã hội tư bản chủ nghĩa có hai giai cấp cơ bản, tiêu biểu nhất, đối lập nhau về lợi ích cơ bản, đó là giai cấp công nhân đại biểu cho lực lượng sản xuất hiện đại, xã hội hóa ngày càng cao và giai cấp tư sản thống trị xã hội đại biểu cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Hai giai cấp này mâu thuẫn với nhau ngày càng rõ rệt, sâu sắc và gay gắt. Các cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản áp bức, bóc lột phát triển từ thấp đến cao.

Thứ ba, trong xã hội tư bản chủ nghĩa xuất hiện những tai họa cho cả giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cho cả nhân loại cũng như môi trường thiên nhiên (áp bức, bóc lột, bất công, phân hóa giàu nghèo, phân biệt chủng tộc, chiến tranh xâm lược, lối sống văn hóa, đạo đức suy đồi, tệ nạn xã hội phức tạp, ô nhiễm môi trường…).

Đến khi xuất hiện những tình thế, thời cơ, tạo ra những điều kiện cần và đủ thì cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra. Cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra và thắng lợi sẽ mở đầu cho sự ra đời hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, có những nước tư bản chủ nghĩa mới ở trình độ trung bình và những nước chưa qua chủ nghĩa tư bản cũng có thể nổ ra cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để bước sang hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Vậy, những điều kiện để những nước tư bản chủ nghĩa trung bình và những nước chưa qua chủ nghĩa tư bản lên hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa là:

Một là, chủ nghĩa tư bản chuyển thành chủ nghĩa đế quốc gây chiến tranh xâm lược các thuộc địa, gây tai họa cho hàng trăm quốc gia dân tộc, làm xuất hiện những mâu thuẫn cơ bản và gay gắt của thời đại mới:

  • Mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản.
  • Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc xâm lược với các quốc gia dân tộc thuộc địa, phụ thuộc
  • Mâu thuẫn giữa các nước tư bản – đế quốc với nhau.
  • Ở hàng trăm nước nông nghiệp, vẫn còn mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân, tư sản với nông dân, trong đó nổi lên mâu thuẫn giữa tư bản – đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai phong kiến với cả dân tộc bị áp bức, bóc lột, mất độc lập tự do

Hai là có những tác động toàn cầu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của học thuyết Mác Lênin … thức tỉnh các dân tộc vùng lên giành độc lập dân tộc. Nhiều nước sau khi giành được độc lập dân tộc đã chọn con đường phát triển đi lên hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net