Sau chiến tranh Giáp Ngọ (1894-1895), các nước đế quốc tăng cường xâu xé Trung Quốc. Mâu thuẫn giữa nhân dân Trung Quốc và bọn đế quốc ngày càng gay gắt. Nhân dân Trung Quốc khắp nơi tự động đứng dậy chống đế quốc, nhất là cuộc đấu tranh của nông dân vùng Sơn Đông, Trực Lệ do Nghĩa hòa đoàn lãnh đạo.
I – Nguồn gốc và sự phát triển ban đầu của Nghĩa hòa đoàn
Tên thật của Nghĩa hòa đoàn là Nghĩa hòa quyền, vốn là một phái tách từ Bạch liên giáo. Những người nông dân trong tổ chức này luyện tập quyền thuật và cho rằng đọc thần chú có thể chống được súng đạn, nên được gọi là Nghĩa hòa quyền, sau đổi thành Nghĩa hòa đoàn.
Năm 1895, đế quốc Nhật vào Sơn Đông, Nghĩa hòa quyền cùng Hội Tiểu đao chuẩn bị tổ chức quần chúng chống lại. Đứng trước nguy cơ dân tộc ngày càng rõ rệt, lá cờ “phản Thanh phục Minh” của Nghĩa hòa quyền trong thực tế đã thêm nhiệm vụ phản đế. Nghĩa hòa quyền phát động một phong trào chống sự xâm lược của nước ngoài ở vùng Trực Lệ, Sơn Đông.
Trong thời kỳ chiến tranh Trung-Nhật, bọn Nhật tàn phá đất Sơn Đông và Trực Lệ. Tiếp đó, bọn đế quốc tranh giành nhau phân chia phạm vi thế lực: Đức chiếm Giao Châu Loan, Anh chiếm Hải Sâm Uy (các khu vực này đều thuộc tỉnh Sơn Đông), Nga hoàng chiếm Lữ Thuận, Đại Liên (gần Trực Lệ và Sơn Đông). Chiến tranh làm nhân dân vùng này khổ sở và họ thấy rõ sự xâm lược của đế quốc uy hiếp đến đời sống của họ.
Năm 1894, chính phủ Mãn Thanh vay tiền của Anh xây dựng con đường sắt từ Thiên Tân đến Sơn Hải Quan. Năm 1895, lại vay tiền của Anh xây dựng con đường sắt Thiên Tân Bắc Kinh. Năm 1898, ký hiệp định với Bỉ xây dựng đường sắt Lư Hán và năm 1900 bắt đầu xây dựng Lư Cầu Kiều đến Bảo Định. Năm 1899 Đức xây dựng đường Giao Tế. Có thể nói đường sắt hoàn thành sớm nhất của Trung Quốc là đường sắt vùng Trực Lệ-Sơn Đông. Ở những vùng có đường sắt chạy qua thì nhà cửa, đất đai, mồ mả của nhân dân bị phá hoại. Điều đó làm cho nhân dân rất căm phẫn.
Hàng hóa của các nước đế quốc nhập vào Trung Quốc, tràn lên phía bắc ngày càng nhiều, sự phá sản của thợ thủ công và nông dân càng nhanh chóng.
Mâu thuẫn giữa nhân dân Trung Quốc và bọn đế quốc xâm lược do đó ngày càng gay gắt. Chiến tranh, sự xâm nhập kinh tế, việc xây dựng đường sắt của đế quốc, thiên tai hạn hán đã tàn phá vùng Hoa Bắc. Tất cả tình hình đó buộc nông dân vùng Trực Lệ bước lên con đường đấu tranh. Vùng Trực Lệ trở thành cái nôi của phong trào đấu tranh quyết liệt chống phong kiến, chống đế quốc mạnh mẽ nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ. Phong trào Nghĩa hòa đoàn đã sinh ra và lớn lên ở đó.
Với lòng yêu nước và khí thế cách mạng, Nghĩa hòa đoàn xây dựng thành một đội quân có tinh thần chiến đấu cao, có kỷ luật chặt chẽ tuy trang bị còn kém. Họ giành được nhiều thắng lợi trên suốt dọc đường tiến quân.
Để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính là bọn đế quốc và tranh thủ địa vị hợp pháp, Nghĩa hòa đoàn đổi khẩu hiệu từ “Phù Minh diệt Thanh” sang “Phù Thanh diệt dương”. Mục tiêu đấu tranh của Nghĩa hòa đoàn là đánh đuổi đế quốc. Cuộc đấu tranh này ban đầu nhằm trực tiếp chống lại những hành động ngang ngược của các giáo sĩ ngoại quốc và giáo dân ở vùng Trực Lệ, Sơn Đông, sau đó thành phong trào phản đế rộng lớn. Trong nhiều truyền đơn, biểu ngữ, Nghĩa hòa đoàn nói rõ mục đích nổi dậy của họ là vì hơn 40 năm nay bọn tư bản Âu châu hoành hành khắp nơi trên đất Trung Quốc. Họ thề với nhau là trong 3 tháng phải giết hết “dương nhân”, không cho một tên nào còn ở lại đất “Trung Nguyên”.
Nghĩa hòa đoàn là phong trào nông dân tự phát, nhận thức về phương pháp đấu tranh còn rất hạn chế. Họ tin vào việc học binh pháp, học quyền thuật rồi đến phá đường sắt, chặt dây điện, phá tàu chiến, đốt nhà ga. Đồng thời, họ còn phá các cửa hàng ngoại quốc và cướp phá tất cả các cửa hàng nào có hàng nước ngoài.
Quân Nghĩa hòa đoàn hầu như khống chế cả Thiên Tân và Bắc Kinh. Thế lực của Nghĩa hòa đoàn đã vượt quá xa khả năng khống chế của triều Thanh chiếm lĩnh một vùng rộng lớn, vào tới Bắc Kinh. Nhà Thanh không có khả năng dập tắt ngọn lửa phẫn nộ đang bùng cháy trong nhân dân, nên buộc phải công nhận hoạt động hợp pháp của Nghĩa hòa đoàn.
II – Cuộc đấu tranh anh dũng của Nghĩa hòa đoàn chống đế quốc
Tháng 4 năm 1900, các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ v.v… gửi công hàm cho chính phủ nhà Thanh yêu cầu trong 2 tháng phải quét sạch quân Nghĩa hòa đoàn. Tiếp theo đó, các binh thuyền của Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nga vào cửa Đại Cô và tuyên bố sẽ vào Bắc Kinh. Ngày 21 tháng 5, đoàn ngoại giao các nước đế quốc lại gửi công hàm đòi xử tội Nghĩa hòa đoàn và những quan lại không chịu trấn áp phong trào.
Tình hình trở nên nghiêm trọng, trước mắt, chính phủ nhà Thanh bị một bên là bọn đế quốc diễu võ giương oai tiến công Trung Quốc, một bên là quân Nghĩa hòa đoàn khống chế triều đình.
Thượng tuần tháng 6 năm 1900, các nước đế quốc đã phái hơn 3.000 quân vào Thiên Tân. Ngày 10 tháng 6, binh lính của Anh, Đức, Nga, Pháp, Mỹ, Nhật, Áo từ Thiên Tân tiến lên Bắc Kinh. Nhưng đường sắt bị phá hết, nên đội quân này tiến rất chậm chạp và dọc đường luôn luôn bị nghĩa quân chận đánh.
Việc tiến quân của các nước đế quốc và tiếng súng ở Đại Cô đã làm cho thái độ còn đang trù trừ của chính quyền Mãn Thanh buộc phải dứt khoát. Chính quyền Mãn Thanh lợi dụng Nghĩa hòa đoàn để đánh đế quốc. Ngày 21 tháng 6, triều đình tuyên chiến với bọn đế quốc, đồng thời ra lệnh tập hợp tất cả các đơn vị Nghĩa hòa đoàn và kêu gọi Nghĩa hòa đoàn nỗ lực chiến đấu. Những nghĩa quân có công trong các trận đánh đuổi đế quốc trước đây đều được thưởng.
Như vậy, Mãn Thanh đã đứng về phía Nghĩa hòa đoàn để chống đế quốc. Tuy nhiên, khi phong trào lên cao, thì tư tưởng cầu hòa của Tây thái hậu ngày càng rõ. Tây thái hậu vội vàng điện cho Lí Hồng Chương nhanh chóng lên Bắc Kinh để tìm cách cầu hòa với đế quốc. Triều đình Mãn Thanh cầu xin bọn đế quốc hòa hoãn, giữa lúc phong trào quần chúng bùng lên đến đỉnh cao của nó.
Cuộc chiến đấu ở Thiên Tân đã diễn ra rất quyết liệt; quân Nghĩa hòa đoàn thường xung phong ở hàng đầu tấn công kẻ thù. Nhưng đến ngày 14-7, Thiên Tân bị hạ. Ngày 15-8, hơn 2 vạn quân của 3 nước đế quốc tấn công vào Bắc Kinh, trắng trợn cướp phá cung điện, đốt Viên minh viên là công trình văn hóa rất tráng lệ,
Bọn đế quốc kéo quân vào Bắc Kinh, đốt phá xong, liền chia nhau đi tàn phá các vùng xung quanh. Lúc này, Tây thái hậu và bọn quần thần nhát gan chạy ra Tây An đã thoát được sự khống chế của Nghĩa hòa đoàn, liền công khai chủ trương trấn áp Nghĩa hòa đoàn. Ngày 7 tháng 9, triều Thanh ra lệnh tiêu diệt Nghĩa hòa đoàn và giết lãnh tụ Quách Du Nguyên của Nghĩa hòa đoàn khi Quách đi đón xa giá. Bọn đế quốc thấy không cần phế bỏ nhà Thanh, mà lợi dụng ngay chính quyền nhà Thanh bóp chết Nghĩa hòa đoàn. Đồng thời, chúng buộc nhà Thanh ký điều ước Tân Sửu
(1901). Theo điều ước này, nhân dân Trung Quốc lại phải chịu thêm một gánh nặng bồi thường chiến tranh. Đất đai của Trung Quốc phải để cho quân lính đế quốc tự do đi lại và xây dựng đồn trú.
Tháng 9-1901, liên quân các nước đế quốc rút khỏi Trực Lệ, ngày 6 tháng 10, Tây thái hậu cùng với 3.000 xe hành lý trở về kinh, các đại thần, thái giám theo Tây thái hậu lại một lần nữa vơ vét nhũng nhiễu nhân dân.
III – Nguyên nhân thất bại, ý nghĩa lịch sử của phong trào Nghĩa hòa đoàn
Cuộc khởi nghĩa của Nghĩa hòa đoàn là một cuộc quật khởi của nông dân Trung Quốc, về quy mô là cuộc nổi dậy khá rộng lớn của nông dân chống đế quốc. Nó mang tính chất một cuộc đấu tranh dân tộc nhằm bảo vệ nền độc lập của đất nước. Cuộc đấu tranh đã bị bọn đế quốc và phong kiến câu kết với nhau dìm trong biển máu. Cuộc khởi nghĩa của nông dân Nghĩa hòa đoàn nổ ra giữa lúc phong trào đấu tranh chống đế quốc của nhân dân Trung Quốc lên cao, song trong xã hội Trung Quốc lúc này, giai cấp tư sản mới vừa ra đời chưa đủ khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh lớn lao của quần chúng.
Cuộc khởi nghĩa của Nghĩa hòa đoàn tự mang trong bản thân tổ chức nhiều nhược điểm. Nông dân mê tín phù chú, tin là thần thánh có thể giúp họ khỏi bị đạn bắn chết. Họ không có cương lĩnh cách mạng, không có đường lối chiến lược chiến thuật để đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi. Họ chiến đấu do bản năng tự vệ, vì quyền lợi sống còn của họ. Tổ chức không chặt chẽ làm hàng ngũ của họ dễ tan rã và kẻ thù dễ lợi dụng chui vào phá hoại.
Trong cuộc đấu tranh, nông dân không hiểu hết bản chất của chính quyền phản động triều Thanh, nên có nhiều lãnh tụ bị nhà Thanh lừa giết. Họ căm ghét đế quốc, bài ngoại một cách mù quáng như phá đường sắt, hủy cột điện, nhà ga, đánh giết giáo sĩ và giáo dân.
Cuộc khởi nghĩa Nghĩa hòa đoàn đã thất bại, song ý nghĩa lịch sử của nó rất lớn lao. Nó đã giáng cho bọn đế quốc những đòn mạnh mẽ. Chính cuộc khởi nghĩa này đã tỏ rõ nông dân Trung Quốc là lực lượng mạnh mẽ, to lớn, có thể phát huy sức mạnh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc sau này.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục