Trang chủ Lịch sử 3 Lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông (1258-1288)

3 Lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông (1258-1288)

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 2,K views

Cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII khi đế quốc Mông Cổ được thành lập đã tiến hành xâm lược nhà Nam Tống, lập ra nhà Nguyên ở Trung Quốc. Để bành trướng thế lực xuống phía Nam, chúng đã tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn.

– Cuộc kháng chiến lần 1 (1258):

Năm 1257, vua Mông Cổ quyết định tấn công tiêu diệt Nam Tống. Trong đợt tấn công này, một đạo quân gồm 3 vạn do Khađai chỉ huy được lệnh đánh vào Đại Việt, sau đó đánh vào Quảng Tây và phối hợp với các đạo quân khác. Trước khi đánh vào nước ta, tướng Mông Cổ cho sứ giả sang dụ hàng vua Trần nhưng đã bị vua Trần bắt trói. Chờ mãi không thấy, quân Mông Cổ chia 2 đường dọc sông Thao tiến vào.

Đầu năm 1258, giặc kéo đến Bình Lệ Nguyên (Tam Đảo, Vĩnh Yên), cuộc giao chiến xảy ra. Quân Trần rút về Phù Lỗ, quân giặc đuổi đến Đông Bộ Đầu. Nhà Trần chủ trương rút khỏi kinh thành Thăng Long và cùng nhân dân thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống”. Chiếm được kinh thành, quân Mông Cổ gặp nhiều khó khăn vì không có lương thực. Lơi dụng cơ hội đó, quân Trần phản công, đánh bật quân giặc khỏi Thăng Long, buộc chúng phải tháo chạy về Vân Nam. Cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi.

– Cuộc kháng chiến lần 2 (1285):

Đầu năm 1285, 50 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan cầm đầu lại ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta. Các trận đánh lớn diễn ra quyết liệt ở nhiều vùng biên giới. Thấy thế giặc mạnh, Trần Hưng Đạo quyết định rút quân về Vạn Kiếp (Chí Linh – Hải Dương).

Quân nhà Trần lại thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” để chống giặc. Cùng thời gian, cánh quân Toa Đô chỉ huy đánh vào Nghệ An, nhằm thực hiện chiến lược hai gọng kìm, tiêu diệt quân Trần. Trần Quốc Tuấn và vua Trần lui ra các lộ ở miền biển Thanh Hóa. Quân giặc rơi vào khó khăn vì thiếu đói và bệnh tật. Nhân cơ hội đó, Trần Quốc Tuấn cho quân liên tục tấn công, tiêu diệt địch ở Tây Kết, Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên), Chương Dương (Thường Tín, Hà Tây), Thăng Long.

Tháng 6/1285, quân giặc tháo chạy, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới thoát thân, Toa Đô bị chém đầu ở Tây Kết. Đất nước sạch bóng quân xâm lược.

– Cuộc kháng chiến lần 3 (1287 – 1288):

Thất bại nhục nhã ở Đại Việt khiến vua Nguyên hết sức căm giận. Vua Nguyên hạ lệnh điều hàng chục vạn quân, hàng trăm chiến thuyền sang xâm lược Đại Việt lần thứ 3.

Tháng 12/1287, quân Nguyên ồ ạt tràn vào nước ta. Cánh quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy đánh vào Lạng Sơn, rồi tiến xuống phía Nam đóng tại Vạn Kiếp. Cánh quân thủy gồm 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy tiến vào cửa sông Bạch Đằng, để hội quân với Thoát Hoan ở Vạn Kiếp. Đoàn thuyền lương của giặc do Trương Văn Hồ chỉ huy đã bị Trần Khánh Dư bố trí phục kích tại Vân Đồn. Số lương còn lại bị quân Trần chiếm.

Tháng 1/1288, Thoát Hoan cho quân tiến vào Thăng Long nhưng bị chống trả rất kịch liệt. Quân giặc phần thì bị thiếu lương, phần thì bị ốm đau nên rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn, buộc phải rút về nước. Nhân cơ hội đó, quân dân nhà Trần đã đứng lên tiêu diệt các đạo quân của giặc, giành thắng lợi nhanh chóng.

(Nguồn tham khảo: Trần Văn Thức, Giáo trình tiến trình lịch sử Việt Nam)

4.3/5 - (7 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]