Trang chủ Báo chí truyền thông Phóng sự là gì? Sự hình thành và phát triển của phóng sự.

Phóng sự là gì? Sự hình thành và phát triển của phóng sự.

by Ngo Thinh
686 views

Phóng sự là gì? Sơ lược về sự hình thành và phát triển của phóng sự.

Thuật ngữ Phóng sự từ tiếng La tinh là reportage, tiếng Anh là reportage, tiếng Nga là репорtанс – có nghĩa là truyền đạt, báo tin, thông báo. Ban đầu, phóng sự được người Anh sử dụng để mô tả những trận lụt, đám cháy, những kỳ họp Quốc hội… Sau đó, trên báo chí Pháp xuất hiện thể loại phóng sự với tư cách là bài viết về quá trình điều tra của phóng viên về một con người, sự việc chứa nhiều bí ẩn đối với người đọc, như cảnh sống trong tù hay cuộc đời lang bạt của những tay giang hồ, hảo hán.

Lúc đó, phóng sự có tính chất hoàn toàn giống như tin hay ghi chép mô tả đơn giản những cuộc bàn cãi ở các cuộc họp, toà án, những sự việc có tính chất bí mật. Dần dần phóng sự ngày càng hoàn thiện hơn. Phóng sự không chỉ dừng lại ở những sự việc nhỏ mà đã đề cập đến những sự kiện, những biến cố chấn động toàn cầu như thiên phóng sự Mười ngày rung chuyển thế giới của nhà báo, nhà văn Mỹ John Reed viết về Cách mạng Tháng Mười Nga, hoặc thiên phóng sự của nhà báo, nhà cách mạng Tiệp khắc nổi tiếng Julius Fucik Viết dưới giá treo cổ, những cuộc hành trình táo bạo của nhà báo Richard Halliburton “Qua dãy núi Alper”, các phóng sự chiến tranh của các tác giả Xô Viết I. Erenbourg, B. Polevoi, K. Simonov, phóng sự viết về sự kiện phóng con tàu vũ trụ đầu tiên v.v… Phóng sự cũng không dừng lại ở dạng đưa tin mà nó dần dần kết hợp giữa thông tin sự kiện với thông tin lý lẽ và được sử dụng bởi một bút pháp đầy tính nghệ thuật.

Theo ý kiến nhà nghiên cứu Karel Storkan (Cộng hoà Séc) thì phóng  sự xuất hiện, định hình và phát triển gắn liền với sự tham gia của các nhà văn vào lĩnh vực báo chí. Trong số những tác giả phóng sự xuất hiện trên tờ báo Tin văn học của Pháp, người ta thấy có tên tuổi của Jean Cocteau (Giăng Coóc-tô), Georges Girard (Gioóc-giơ Ghi-rát), Andre Maurois (An-đrê Mo-roa)… Trong diễn văn đọc ở hội nghị bảo vệ văn hóa tại Pa-ri năm 1935, E.E.Kisch (E-khít) đã nhận xét: “Trước kia, người ta coi thường người phóng viên, đối xử với người phóng viên như một nhà báo ở nấc thang thấp nhất khi mà các tác phẩm của John Reed (Giôn-rít) và của Larissa Reisner (La-ri-sa Rên-nơ) chưa chứng tỏ cho mọi người thấy rằng sự thông tin về thực tế có thể được diễn đạt một cách độc lập và nghệ thuật”.

Ở nước ta, thể loại văn “ký sự” đã xuất hiện từ xa xưa với các tác phẩm cổ điển như Việt điện u linh, Vũ trung tuỳ bút, Hoàng Lê nhất thống chí… Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ XIX, khi có báo in ở Việt Nam và văn học Việt Nam chuyển mình dưới làn sóng văn học Tây Âu, thể ký báo chí (trong đó có phóng sự ) mới hình thành. Do đặc điểm xã hội và tình hình thời bấy giờ, báo chí chia thành những khuynh hướng khác nhau: khuynh hướng ngợi ca chế độ thực dân, xuyên tạc Cách mạng tháng Mười Nga như: Mười ngày ở Huế, Hạn mạn du ký…; khuynh hướng phản ánh cuộc sống nghèo nàn lầm than của những kẻ khốn cùng… Nhiều tác phẩm phóng sự mới chỉ dừng lại ở việc đề cập đến những bất công của xã hội mà chưa đề ra biện pháp giải quyết đúng đắn như các tác phẩm Việc làng ( Ngô Tất Tố ), Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ (Vũ Trọng Phụng)… Bên cạnh đó, còn có một nền báo chí khác với những tác phẩm vừa dồi dào chất liệu hiện thực, vừa mang tính chiến đấu cao, đó là nền báo chí cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khai sinh, với những bút ký chính luận nổi tiếng như: Bản án chế độ thực dân Pháp (Nguyễn Ái Quốc), Vấn đề dân  cày (Quan Ninh và Vân Đình)… Trên các tờ báo Lao động, Nhành lúa, Tin tức, Việt Nam độc lập… xuất hiện nhiều phóng sự có nội dung thông tin cao và hết sức có giá trị. Cùng với cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, thể loại phóng sự trên báo chí cách mạng đã thực sự bám sát cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta, cổ vũ và kịp thời động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), chủ trương mở cửa và chính sách đổi mới, dân chủ hóa đời sống chính trị, coi báo chí như một sản phẩm văn hóa đặc biệt, xóa bỏ bao cấp đối với các hoạt động của báo chí đã tạo điều kiện nảy mầm cho những cây phóng sự mới như Huỳnh Dũng Nhân, Vĩnh Quyền (báo Lao động), Xuân Ba, Mạnh Việt (báo Tiền Phong) , Minh Tuấn (báo Đại đoàn kết), Đào Quang Thép (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội), Hoà Bình (Đài Truyền hình Việt Nam) v.v… Cùng với hơn 12.000 nhà báo Việt Nam, họ đã mang đến cho công chúng những thiên phóng sự lớn, thực sự có giá trị, đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng lớn của công chúng.

Chất liệu của phóng sự được lấy từ những sự kiện khách quan mang tính thời sự trong đời sống xã hội. Phóng sự không chỉ đảm bảo tính xác thực về nội dung thông tin mà còn góp phần đặt ra hướng giải quyết những câu hỏi mà hiện thực đặt ra. Vì thế phóng sự vừa có tính phát hiện vấn đề vừa có đóng góp tích cực tìm ra hướng giải quyết vấn đề. Những sự kiện được nêu trong phóng sự thường là những sự kiện đang được dư luận quan tâm tìm hiểu. Trong những thời kỳ lịch sử có những biến thiên và thay đổi, phóng sự là thể loại đầu tiên bắt mạch sự kiện, nhận xét đâu là những nhân tố mới, làm bản kiểm kê của thời điểm một cách sinh động hấp dẫn. Với những ưu điểm này, thể loại phóng sự đã đạt tới sự chân thực, đa dạng khi phản ánh hiện thực.

Như vậy, trong bối cảnh thế giới hiện đại, phóng sự không còn dừng lại ở sự mô tả đơn giản. Hơn thế nữa, nó đã tiếp cận một cách chân thực và đa dạng trong việc trình bày hiện thực – một hiện thực phức tạp, liên tục phát triển và biến động không ngừng bởi những chi tiết cụ thể, đồng thời với những năng lực khái quát cao. Với bút pháp giàu chất văn học và cái tôi trần thuật vừa cảm xúc vừa trí tuệ, phóng sự không chỉ trình bày hiện thực mà còn cố gắng phát triển những vấn đề liên quan đến hiện thực đó. Với những phẩm chất như vậy, phóng sự đã chứng tỏ một cách sinh động rằng “việc thông tin về hiện thực có thể trình bày một cách độc lập và có nghệ thuật”.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]