Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Phát triển xã hội là gì? Thước đo của sự phát triển

Phát triển xã hội là gì? Thước đo của sự phát triển

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 260 views

1. Khái niệm phát triển xã hội

Phát triển (xã hội) là một khái niệm rộng chỉ tất cả hoạt động của con người nhằm thúc đẩy xã hội tiến lên về đời sống vật chất và tinh thần. Khái niệm này có quá trình hoàn thiện dần từ đơn sơ, phiến diện đến toàn diện và đầy đủ hơn, từ đơn thuần là tăng trưởng kinh tế đến phát triển bền vững.

Theo thời gian và không gian, trình độ phát triển rất khác nhau. Vào những năm 50 sau chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới nghèo đói và đổ nát, cả loài người hy vọng sự tăng trưởng kinh tế, tức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm giúp con người thoát khỏi nghèo đói lạc hậu. Thời đó, người ta coi phát triển đơn thuần chỉ là sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, thước đo trình độ phát triển là mức đạt được về GDP bình quân đầu người (GDP/P).

Những năm 60 và 70 được coi là “những thập kỷ của sự phát triển” của Liên Hợp Quốc. Tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đề ra nhưng người ta lại hoàn toàn vỡ mộng: nghèo đói, thất nghiệp vẫn tràn lan và bất bình đẳng thể hiện ở sự chênh lệch về mức độ tiếp cận các dịch vụ cơ bản giữa các nhóm dân cư ngày càng sâu sắc.

Mặc dù kinh tế là cốt lõi của sự phát triển, nhưng càng ngày người ta càng nhận thức và phát hiện nhiều hạn chế của thước đo GDP bình quân đầu người. Nhiều quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng số người đói nghèo không giảm và đời sống của những người dưới đáy của xã hội không được cải thiện. Vì vậy, cần tiếp cận phát triển theo hướng khác, đó là sự thỏa mãn (đáp ứng) những nhu cầu thiết yếu của các nhóm dân cư.

Nếu coi phát triển là đối lập với nghèo khổ, thì phát triển được coi là quá trình giảm dần đi đến xóa bỏ nạn đói ăn, bệnh tật, mù chữ, tình trạng mất vệ sinh, thất nghiệp và bất bình đẳng.

Vì vậy, nhiều nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách kêu gọi: “Hạ bệ quan điểm về GDP”, tức là phát triển không thể nhìn nhận ở một góc độ hẹp GDP bình quân và sự tăng lên của nó. Đương nhiên, tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Nói như Aristote – Nhà triết học cổ đại thì: “Tài sản rõ ràng không phải là thứ chúng ta đang tìm kiếm, nó chỉ là thứ cần thiết cho những thứ khác”. Những cái khác có thể là:

  • Sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại: tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
  • Giảm nghèo: Nếu tăng trưởng kinh tế mà vẫn phải đối mặt với tỷ lệ nghèo cao thì đó chưa phải là phát triển.
  • Giảm bất công trong thu nhập và tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
  • Giảm thất nghiệp, cải thiện lĩnh vực y tế, giáo dục, dinh dưỡng, nhà ở… tức là phải nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường nguồn lực con người, v.v…

Vì vậy, phát triển được quan niệm là quá trình tăng tiến toàn diện về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội của một quốc gia. Phát triển là quá trình biến đổi liên tục cả lượng và chất của nền kinh tế.

Khái niệm phát triển được cụ thể hoá bằng công thức đơn giản.

Phát triển = Tăng trưởng kinh tế + Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế + Sự tiến bộ xã hội

Công thức trên phản ánh: (1) Sự biến đổi về lượng của nền kinh tế và nó chính là điều kiện cần của sự phát triển; (2) Sự thay đổi trong bản chất kinh tế của sự phát triển và (3) Thể hiện mục tiêu cuối cùng của sự phát triển.

2. Thước đo của sự phát triển

Do phát triển không chỉ đơn thuần là tăng trưởng hay phát triển kinh tế mà còn là tiến bộ về xã hội và sự bền vững về môi trường, nên phát triển thường được đo lường, phản ảnh bằng một hệ thống gồm các nhóm chỉ tiêu, như: nhóm chỉ tiêu kinh tế, nhóm chỉ tiêu dân số- KHHGĐ, nhóm chỉ tiêu y tế và sức khoẻ, …; nhóm chỉ tiêu về môi trường. Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã xây dựng hệ thống thước đo phát triển xã hội hoặc kinh tế-xã hội hoặc xã hội-môi trường (Xem bảng 1.1). Hệ thống chỉ báo phát triển bền vững đồng bộ cũng được xây dựng như: mục tiêu thiên niên kỷ hoặc các đề xuất thử nghiệm.

Bảng 1.1: Hệ thống thước đo phát triển

 

STT

NƯỚC HOẶC TỔ CHỨC QUỐC TẾ SỐ NHÓM CHỈ TIÊUSỐ CHỈ TIÊU
 

1

 

ESCAP

12 nhóm: xoá đói; dân số; y tế và sức khoẻ; kiểm soát HIV/AIDS; giáo dục; việc làm; nhà ở; môi trường; thiên tai; tội phạm; bảo vệ xã hội; gia đình 

45

 

2

 

UNDP

13 nhóm: tuổi thọ; …; môi trường nước; môi trường biển; môi trường xã hội; chi phí cho hoạt động môi trường74
 

3

UNFPA và

UNICEP giúp xây dựng cho Việt Nam

10 nhóm: kinh tế; dân số; KHHGĐ; y tế và sức khoẻ; giáo dục và đào tạo; văn hoá; lao động-việc làm; mức sống; trật tự, an toàn XH và luật pháp; đầu tư phát triển xã hội. 

104

 

 

4

 

 

Việt Nam

Hệ thống chỉ tiêu dân số – xã hội Chính phủ đề nghị áp dụng từ năm 2000, gồm 10 nhóm: giáo dục và đào tạo; y tế và sức khoẻ; dân số; các vấn đề xã hội; lao động-việc làm; văn hoá, văn nghệ; thể dục, thể thao; phát thanh, truyền hình; nghiên cứu khoa học; môi trường. 

 

164

Thước đo tổng hợp

Năm 1990, lần đầu tiên “Báo cáo phát triển con người” của Liên Hợp Quốc được công bố, đưa ra và ngày càng hoàn thiện khái niệm “phát triển con người”, phát triển mang tính nhân văn (Human development). Đó là: “sự mở rộng phạm vi lựa chọn của con người để đạt đến một cuộc sống trường thọ, khoẻ mạnh, có ý nghĩa và xứng đáng với con người. Quan niệm này bao hàm hai khía cạnh chính là mở rộng các cơ hội lựa chọn nâng cao năng lực lựa chọn của con người nhằm hưởng thụ một cuộc sống hạnh phúc, bền vững”. Một cách rõ ràng hơn: quá trình phát triển được gọi là “mang tính nhân văn” nếu quá trình đó: (1) mở rộng các cơ hội lựa chọn cho mọi người, (2) nâng cao năng lực lựa chọn cho mọi người, (3) mọi người cùng tham gia vào quá trình phát triển và (4) mọi người cùng được hưởng lợi từ quá trình này.

“Phát triển con người” coi con người là mục tiêu, chứ không phải là phương tiện của phát triển, những quan niệm “phát triển nguồn lao động”, “phát triển nguồn nhân lực”, “vốn con người” coi con người là phương tiện của tăng trưởng kinh tế, dù đó là phương tiện quan trọng nhất.

Chỉ số HDI là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ của các quốc gia trên thế giới. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia. Các nước có trình độ phát triển cao có HDI >0,8; các nước có trình độ phát triển trung bình có HDI từ 0,5 đến 0,8; các nước có trình độ phát triển thấp có HDI <0,5.

HDI là số trung bình cộng của các số sau:

Chỉ số tuổi thọ trung bình

Về sức khỏe, nói chung nếu con người khỏe mạnh thì cuộc sống sẽ trường thọ, ngược lại trường thọ là một biểu hiện rõ ràng của một cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy, sức khỏe được lượng hóa bằng chỉ tiêu tuổi thọ trung bình.

Chỉ số tuổi thọ trung bình = (Tuổi thọ trung bình – 25)/(85 – 25)

(85 là tuổi thọ trung bình tối đa; 25 là tuổi thọ trung bình tối thiểu)

Chỉ số học vấn

Là chỉ tiêu tổng hợp được đo bằng tổng 2/3 tỉ lệ số người lớn biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên, biết đọc, biết viết một đoạn văn ngắn, đơn giản liên quan đến cuộc sống hàng ngày và 1/3 tỉ lệ đi học chung (là tỷ số giữa tổng số người ở mọi độ tuổi đang đi học ở tất cả các bậc: phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học, sau đại học và tổng số dân từ 5 đến 24 tuổi).

Chỉ số GDP bình quân đầu người

Nhóm nước có HDI rất cao, nhóm nước có HDI cao vừa, nhóm nước có HDI trung bình, nhóm nước có HDI thấp: 10 nước có chỉ số HDI cao nhất là Na Uy, Úc, Iceland, Canada, Ireland, Hà Lan, Thụy Điển, Pháp, Thụy Sĩ và Nhật. Mỹ đứng thứ 13. 10 nước cuối danh sách gồm có Guinea Bissau, Burundi, Chad, CHDC Congo, Burkina Faso, Mali, Trung Phi, Sierra Leone, Afghanistan, Niger. Việt Nam đứng thứ 116/182 nước thuộc nhóm có HDI trung bình, trong giai đoạn 1985-2007 mỗi năm HDI của VN tăng thêm 1,16% (từ 0, 561 lên 0, 725). Tuy vậy, chỉ số này không phản ánh một số mặt quan trọng khác như bình đẳng giới, mức độ tôn trọng quyền con người.

Tính trên toàn thế giới, Na Uy đứng đầu về chỉ số HDI nhưng xét từng tiêu chí, Nhật Bản mới là nước đứng đầu về tuổi thọ trung bình, Gruzia đứng đầu về tỉ lệ biết chữ ở người lớn, Australia đứng đầu về tỉ lệ nhập học chung và Công quốc Liechstenstein (quốc gia nói tiếng Đức nhỏ nhất thế giới với diện tích 160km2, giáp Thụy Sĩ ở phía tây và giáp Áo ở phía đông) có GDP theo đầu người (tính theo sức mua ngang bằng) cao nhất thế giới.

Chỉ số phát triển con người ở Việt Nam

Báo cáo phát triển con người năm 2007/2008 của LHQ cho thấy, Việt Nam hiện có chỉ số HDI ở hạng trung bình, với chỉ số là 0, 733. So với năm trước, Việt Nam đã tăng 4 bậc từ vị trí 109 lên vị trí 105 trong tổng số 177 nước. Chỉ số HDI của Việt Nam đã liên tục tăng trong những năm gần đây: Từ 0, 671 điểm (năm 2000) và đã tăng lên 0, 688 điểm

(2003); 0, 704 điểm (2005); 0, 733 (2007) và đạt tới 0, 750 điểm vào năm 2010 như mục tiêu chiến lược dân số đã đề ra. Đáng lưu là, từ năm 1995 đến nay (2007), xếp hạng HDI của Việt Nam trong khu vực đã được nâng lên từ thứ bậc 7 lên thứ bậc 6; ở Châu Á từ thứ bậc 32 lên thứ bậc 28 và trên thế giới từ thứ bậc 122 lên thứ bậc 105 so vớí 177 nước trên thế giới.

Diễn giải cụ thể hơn về động thái nội hàm chỉ số HDI của Việt Nam đã cho thấy như sau:

– Thu nhập GDP bình quân/người của cả nước đã tăng từ 5, 7 triệu đồng năm 2000 lên trên 10 triệu đồng năm 2005, tương đương 640 USD (tăng 12, 1%/năm và 1, 75 lần sau 5 năm). Năm 2007 vừa qua đã đạt 835USD. Năm 2008 này theo Báo cáo Chính phủ tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII hiện vẫn đang trong thời gian tiến hành, đã cho thấy, GDP/người của nước ta ước tính có thể đạt tới trên 1000USD, vượt qua được ngưỡng nước nghèo theo quy định đã nêu trên của

– Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng từ 60 tuổi năm 1980 lên 65, 2 tuổi năm 1995, lên 70 tuổi năm 2003, lên 71, 5 tuổi năm 2005 và hiện nay (2008) là 73, 1 tuổi vào mức khá cao trong tương quan so sánh với nhiều nước khác, góp phần lớn nâng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam cao khoảng 30 bậc so với bảng xếp hạng

– Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đến năm 2008, có 42/64 tỉnh, thành phố đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ người lớn biết chữ đạt 94%, trong khi đó trung bình của thế giới là 79%, các nước thu nhập thấp là 61%, các nước thu nhập trung bình là 90%, các nước châu Á – Thái Bình Dương là 90%. Đến hết năm 2005, số học sinh đi học bậc tiểu học đạt 97, 5%, số học sinh trung học chuyên nghiệp tăng 15, 1%/năm, dạy nghề dài hạn tăng 12%/năm, sinh viên đại học và cao đẳng tăng 8, 4%/năm. Tính đến tháng 8/2008, cả nước có 369 trường đại học, cao đẳng, trong đó có 160 trường đại học và 209 trường cao đẳng. Theo Báo cáo phát triển năm 2008 của LHQ, Việt Nam chỉ xếp thứ 122 trong số 177 quốc gia về thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, so với nhiều nước có thu nhập thấp khác, thậm chí so với cả một số nước có thu nhập cao hơn thì Việt Nam lại đi đầu về các chỉ số tuổi thọ, tỉ lệ biết chữ ở người lớn. Xếp hạng tương ứng của Việt Nam ở hai chỉ số này là 56/177 và 57/177. Chính vì thế mà đã khiến cho HDI của Việt Nam đạt tới mức trung bình trong so sánh với nhiều nước khác chỉ ở mức thấp, mặc dù GDP/người của Việt Nam còn thấp hơn nhiều và vẫn là nước nghèo.

Trong khi đó, nhìn vào tổng số người đang được đi học trong độ tuổi đi học tiểu học, trung học và đại học, Việt Nam hiện xếp thứ 121/177 nước, với 63, 9% người trẻ được tiếp cận với giáo dục. Nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt tới mức khá cao trong liên tục nhiều năm, đã là cơ sở cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng tăng nhanh theo. Phát triển kinh tế – xã hội sẽ tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân và tăng đầu tư cho giáo dục là hai giải pháp cơ bản làm thay đổi đáng kể chỉ số HDI. Chỉ riêng việc cải thiện tỉ lệ nhập học của trẻ em và nâng cao dân trí cho người dân sẽ giúp Việt Nam tăng nhanh chỉ số phát triển con người của mình. Điều này hoàn toàn đúng với thực tiễn phát triển của Việt Nam những năm đổi mới vừa qua và vẫn đang là một trong những định hướng chỉ đạo cơ bản của Đảng và Nhà nước ta.

Xem thêm: Phát triển bền vững

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Nam Phương, Giáo trình Dân số và phát triển)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]