1. Khái niệm phát triển nông thôn
Phát triển nông thôn là một phạm trù rộng được nhận thức với rất nhiều quan điểm khác nhau. Đã có nhiều nghiên cứu và triển khai ứng dụng thuật ngữ này ở các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, thuật ngữ phát triển nông thôn được đề cập đến từ lâu và có sự thay đổi về nhận thức qua các thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ lý luận quản lý, chúng ta vẫn chưa có sự tổng hợp lý luận hệ thống về thuật ngữ này. Nhiều tổ chức phát triển quốc tế đã nghiên cứu và vận dụng thuật ngữ này ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới (1975) đã đưa ra định nghĩa: “Phát triển nông thôn là một chiến lược nhằm cải thiện các điều kiện sống về kinh tế và xã hội của một nhóm người cụ thể – người nghèo ở vùng nông thôn. Nó giúp những người nghèo nhất trong những người dân sống ở các vùng nông thôn được hưởng lợi ích từ sự phát triển”. Chiến lược này cũng nhằm mở rộng phúc lợi của quá trình phát triển cho những cư dân nông thôn, những người đang tìm kiếm sinh kế ở nông thôn.
Một số quan điểm khác cho rằng, phát triển nông thôn là hoạt động nhằm nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người dân nông thôn thông qua việc sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực của địa phương bao gồm nhân lực, vật lực và tài lực. Phát triển nông thôn sẽ thành công khi chính người dân nông thôn tham gia tích cực vào quá trình phát triển. Ðiều đó đòi hỏi chiến lược phát triển nông thôn phải được xây dựng trên nền tảng tính tự tin của chính người dân nông thôn. Họ phải biết cách tự duy trì bền vững cuộc sống của họ về tài chính, sự độc lập về kinh tế, có khả năng tiếp cận các hàng hoá, dịch vụ vật chất và tinh thần ngày càng nhiều hơn. Qua đó, tự người dân nông thôn sẽ nâng cao vị trí của bản thân họ trong xã hội và trong quá trình phát triển của đất nước.
Phát triển nông thôn có tác động theo nhiều chiều cạnh khác nhau. Ðây là một quá trình thu hút mọi người dân tham gia vào các chương trình phát triển, nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của các cư dân nông thôn. Ðồng thời, phát triển nông thôn là quá trình thực hiện hiện đại hoá nền văn hoá nông thôn, nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị truyền thống thông qua việc ứng dụng khoa học và công nghệ.
Khái niệm phát triển nông thôn mang tính toàn diện và đa phương, bao gồm phát triển các hoạt động nông nghiệp và các hoạt động có tính chất liên kết phục vụ nông nghiệp, công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, các ngành nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, nguồn nhân lực nông thôn và xây dựng, tăng cường các dịch vụ và phương tiện phục vụ cộng đồng nông thôn.
Phát triển vùng nông thôn phải đảm bảo sự bền vững về môi trường, ngày nay vấn đề phát triển nông thôn bền vững được đặt ra nhằm tạo sự phát triển lâu dài, ổn định không những cho các vùng nông thôn mà còn đối với cả quốc gia. Có thể hiểu phát triển nông thôn bền vững một cách ngắn gọn là sự phát triển tập trung vào người dân (tiếp cận từ dưới lên), đồng thời phải phát triển đa ngành và giải quyết thích đáng mối quan hệ liên ngành (tiếp cận tổng hợp) và phát triển đảm bảo sự cân xứng với việc quản lý môi trường (tiếp cận quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên).
Phát triển nông thôn là sự phát triển tổng hợp của tất cả các hoạt động có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa các yếu tố vật chất, kinh tế, công nghệ, văn hoá, xã hội, thể chế và môi trường. Nó không thể tiến hành một cách độc lập mà phải được đặt trong khuôn khổ của một chiến lược, chương trình phát triển của quốc gia. Sự phát triển của các vùng nông thôn sẽ đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế nói riêng và sự phát triển chung của cả đất nước.
Như vậy, có rất nhiều quan điểm về khái niệm phát triển nông thôn. Trong điều kiện của Việt Nam, tổng hợp quan điểm từ các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, thuật ngữ này có thể hiểu như sau: Phát triển nông thôn là một quá trình cải thiện có chủ ý một cách bền vững về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Quá trình này, trước hết là do chính người dân nông thôn và có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước và các tổ chức khác.
2. Lý luận về phát triển nông thôn
Từ khái niệm nêu trên, một số đặc điểm cần nhấn mạnh, cũng như một số lý luận liên quan đến phát triển nông thôn này cần được đề cập đến, đó là:
a. Phát triển nông thôn là một quá trình
Đặc điểm này nhấn mạnh hoạt động phát triển nông thôn không phải là việc làm có tính nhất thời, trong thời gian ngắn, mà đó là công việc có chủ định và phải phấn đấu trong cả quá trình, thời gian dài. Vì vậy, sự nóng vội trong các quyết định chính sách và hoạt động phát triển nhiều khi mang lại những kết quả không mong muốn.
b. Phát triển nông thôn phải có tính bền vững
Chính phủ Việt Nam đã cam kết theo đuổi những nguyên tắc của phát triển bền vững, đã được thông qua tại “Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất” tổ chức tại Rio de Janeiro năm 1992. Những nguyên tắc này nhấn mạnh vào cách nhìn lâu dài về xã hội con người và việc con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên của thế giới. Phát triển bền vững được định nghĩa là: “Sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ ngày nay mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai” (Báo cáo Brunđtland 1987). Một định nghĩa khác về phát triển bền vững là: “Phát triển tạo ra dòng chảy liên tục các lợi ích về xã hội, kinh tế và môi trường”.
Những khái niệm bền vững trên là cơ sở cho một khái niệm bền vững trong phát triển nông thôn. Trong bối cảnh phát triển nông thôn, bền vững không chỉ là vấn đề tôn trọng môi trường, nó liên quan đến bốn “chân” hoặc trụ cột của phát triển nông thôn, đó là con người, kinh tế, môi trường và tổ chức.
Khía cạnh bền vững đối với phát triển con người, trong phát triển nông thôn phải tuân thủ các nguyên tắc như: (i) Dân chủ và an toàn; (ii) Bình đẳng và công bằng xã hội; (iii) Bền vững chất lượng cuộc sống cho người dân; (iv) Sự tham gia của người dân trong hợp tác với chính phủ và (v) Tôn trọng quá khứ của tổ tiên và quyền lợi của các thế hệ mai sau vv…
Khía cạnh bền vững đối với phát triển kinh tế, trong phát triển nông thôn cần: (i) Tăng cường và đa dạng hóa nền kinh tế nông thôn; (ii) Đảm bảo cho người dân có lợi ích từ các hoạt động của địa phương họ; (iii) Thúc đẩy phồn vinh lâu dài ở nông thôn, hơn là chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt và (iv) Tránh gây ảnh hưởng và tác động xấu đến khu vực khác trong nền kinh tế quốc dân và đến các khu vực và địa phương khác trên lãnh thổ địa lý.
Khía cạnh bền vững đối với phát triển môi trường, phát triển nông thôn phải: (i) Tôn trọng nguồn tài nguyên và tính toàn vẹn của môi trường; (ii) Giảm thiểu sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo; (iii) Sử dụng tài nguyên thiên nhiên với tốc độ không nhanh hơn tốc độ thiên nhiên có thể tái tạo; và (iv) Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên và không gây ô nhiễm và ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Khía cạnh bền vững đối với sự phát triển các tổ chức, phát triển nông thôn phải đảm bảo: (i) Nâng cao năng lực của các tổ chức phù hợp với mức độ phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý tất cả các hoạt động phát triển con người, kinh tế và môi trường như đã nói trên và (ii) Không gây ra loại chi phí không được hỗ trợ trong tương lai.
c. Thuật ngữ “cải thiện” trong khái niệm phát triển nông thôn
Thuật ngữ này được hiểu theo nghĩa là: làm cho tốt hơn lên hoặc tăng lên theo chiều hướng có lợi (cả về khía cạnh chất và lượng của sự vật, hiện tượng).
d. Phương pháp tiếp cận toàn diện trong phát triển nông thôn
Theo khái niệm trên, sự phát triển nông thôn không phải chỉ ưu tiên hoặc chú trọng vào một khía cạnh, lĩnh vực nhất định mà là sự tiếp cận toàn diện.
Sự toàn diện đó, xét về lĩnh vực liên quan đến chủ thể nông thôn, phát triển nông thôn nhấn mạnh tất cả các khía cạnh: kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường. Xét dưới góc độ sự liên quan của chủ thể đối với chính phủ và các tổ chức, phát triển nông thôn chú trọng cả “từ trên xuống” và “từ dưới lên” và có sự tham gia của mọi khu vực (chủ thể nông thôn, Nhà nước và các tổ chức) và phải dựa trên tinh thần hợp tác và cộng tác.
Một cách tổng quát, tiếp cận toàn diện trong phát triển nông thôn từ khái niệm trên, có thể sử dụng thuật ngữ “bốn chân” hoặc trụ cột của phát triển nông thôn, đó là: (i) Con người, cùng với kỹ năng của họ. Điều này liên quan đến khía cạnh xã hội: sự công bằng, dịch vụ xã hội, cơ sở hạ tầng, vv… (ii) Kinh tế, liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, v.v… (iii) Môi trường, liên quan đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, v.v… và (iv) Ý tưởng và tổ chức, liên quan đến khía cạnh thể chế nhà nước, các tổ chức quốc gia và quốc tế, các tổ chức khu vực và địa phương. “Khung sườn” của tiếp cận toàn diện này sẽ là cơ sở cho toàn bộ nội dung mà chúng ta đề cập đến ở các chương sau.
e. Phương pháp tiếp cận phát triển nông thôn có sự tham gia của cộng đồng
Khái niệm phát triển nông thôn ở trên chỉ ra mục tiêu của phát triển nông thôn là cải thiện cuộc sống cho người dân (cộng đồng) nông thôn và nhấn mạnh quá trình này trước hết là do chính họ (cộng đồng). Điều này thể hiện một phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng, nghĩa là sự phát triển nông thôn phải dựa trên lợi ích và sự tham gia của cộng đồng sống trong khu vực đó.
Tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng dựa vào những triết lý sau: (i) Chính người dân biết rõ nhất những khó khăn và nhu cầu của mình; (ii) Cộng đồng là người quản lý các nguồn tài nguyên như đất đai, nhà xưởng, sản phẩm địa phương… là những cơ sở cho phát triển nông thôn; (iii) Kỹ năng, truyền thống và năng lực của cộng đồng là tiềm năng chính để phát triển và (iv) Sự cam kết, đồng thuận và cộng tác của cộng đồng là sức mạnh sống còn cho quá trình phát triển. Bất kỳ một hoạt động nào không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng sẽ dễ thất bại. Một cộng đồng càng phát triển và càng năng động thì càng có khả năng thu hút người dân ở lại xây dựng cộng đồng của mình.
g. Sự hợp tác trong phát triển nông thôn
Khái niệm nói trên còn chỉ ra một khía cạnh quan trọng khác, đó là sự tham gia hay hợp tác giữa Chính phủ, người dân và các tổ chức khác trong phát triển nông thôn. “Phát triển nông thôn là một công việc phức tạp. Nó đòi hỏi sự đóng góp của tất cả mọi người, mọi tổ chức cũng như hỗ trợ của Nhà nước”.
Sự hợp tác và cộng tác giữa nhiều lợi ích khác nhau trong phát triển nông thôn ở Việt Nam cũng như một số nước khác gặp phải những khó khăn, vì những lý do sau: (i) Chính phủ thường được chia thành các bộ và ngành khác nhau. Mỗi bộ hoặc ngành ảnh hưởng đến nông thôn thông qua những chương trình, hệ thống và những đặc trưng riêng của mình. Vì vậy, không dễ dàng kết hợp những quan điểm khác nhau để giải quyết một mục tiêu chung. (ii) Có rất nhiều tổ chức khác nhau: tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác cùng giúp đỡ, tác động đến quá trình phát triển nông thôn, nhưng họ có các ưu tiên và quan điểm khác nhau đối với phát triển nông thôn; (iii) Các công ty tư nhân, kể cả công ty liên doanh và nhà đầu tư nước ngoài có động cơ và tiêu chí riêng của mình khi đầu tư vào khu vực nông thôn: những tiêu chí này có thể khác với tiêu chí của tổ chức nhà nước; (iv) Người dân là nhân tố tham gia chính trong quá trình phát triển nông thôn, nhưng họ có những hạn chế về kiến thức hoặc thông tin hoặc cơ hội tham gia.
Có những giải pháp để khắc phục những khó khăn nói trên trong vấn đề hợp tác. Một trong những chương trình phát triển nông thôn mang lại lý luận và bài học kinh nghiệm tốt cho việc hợp tác đó là Chương trình LEADER của châu Âu. Quá trình này có thể tóm tắt như sau:
– Vào những năm 50 của thế kỷ XX, Liên hiệp châu Âu (EU) đã cấp vốn cho các nước thành viên để khuyến khích phát triển khu vực. Vốn này tập trung cho các nước hoặc vùng có nền kinh tế yếu kém nhất. Trọng tâm của Chương trình là những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và những công trình công nghiệp lớn nhằm tạo công ăn việc làm. Đến thập kỷ 80, người ta nhận thấy rằng, các chương trình này đã không giải quyết được các vấn đề của nông thôn. Thực tế cho thấy, một số lượng lớn dân nông thôn đã dời đến các thành phố tìm việc làm càng làm cộng đồng nông thôn thêm yếu kém.
Do đó, vào năm 1991, EU đã đưa ra chương trình giúp đỡ các vùng nông thôn yếu kém hơn, trong đó gồm một sáng kiến cơ bản, gọi là Chương trình LEADER. Chương trình này nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa các lợi ích khác nhau ở nông thôn nói chung và ở từng địa phương nói riêng. Các nhóm hành động địa phương được thành lập và tiền của EU được chuyển tới các nhóm để phục vụ cho mục đích này. Các nhóm này hoạt động dưới hình thức hợp tác chính thức giữa các lợi ích của các tổ chức công cộng, tư nhân và tình nguyện trong khu vực. Điều rất đặc trưng là các tổ chức tham gia trong quan hệ hợp tác này là chính quyền địa phương, hội nông nghiệp, liên hiệp du lịch và các công ty địa phương. Sự hợp tác này thường được đăng ký hợp pháp như là một hiệp hội dân sự.
Mỗi nhóm hành động địa phương phụ trách mỗi khu vực có khoảng 100.000 dân. Nhóm phải làm một bản phân tích khó khăn và nhu cầu của vùng mình, cùng với một kế hoạch hành động và ngân sách để giải quyết nhu cầu đó. Giai đoạn I của Chương trình LEADER (1991-1994) đã có 213 nhóm và giai đoạn II (1995-1999) có hơn 900 nhóm được thành lập và cấp vốn hoạt động. Các nhóm đã thành công lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng và trong việc sử dụng tiềm năng của các tổ chức thành viên, cùng với vốn hỗ trợ của chính phủ và EU. Hiện nay, EU đang tiếp tục với các giai đoạn sau của Chương trình LEADER với trọng tâm vào cải tiến và chuyển giao công tác phát triển cho các cộng đồng.
Chương trình LEADER đã gợi những ý tưởng có thể áp dụng trong phát triển nông thôn Việt Nam, thể hiện trong các nguyên tắc sau:
- (i) Chọn một vùng nông thôn, hoạt động trên cơ sở hợp tác giữa Chính phủ, chính quyền địa phương, người dân và các tổ chức có lợi ích khác;
- (ii) Tham gia hoàn toàn với cộng đồng địa phương, huy động sự tham gia và nâng cao năng lực người dân địa phương để sau này họ có thể tự lực theo đuổi và duy trì chương trình phát triển của họ;
- (iii) Phân tích thận trọng tiềm năng và nhu cầu của địa phương để hiểu được các điểm mạnh, yếu, cơ hội và mối đe dọa ảnh hưởng đến vùng đó, làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược phát triển của vùng;
- (iv) Duy trì và đẩy mạnh nông nghiệp, cho phép nông dân đa dạng hóa nguồn thu nhập một cách thích hợp;
- (v) Phát triển lâm nghiệp như một hoạt động đa mục đích, mang lại các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường;
- (vi) Gia tăng giá trị tại địa phương của các nông, lâm sản (thông qua chế biến);
- (vii) Thúc đẩy sản xuất, ngành nghề thủ công và dịch vụ, trên cơ sở hợp đồng địa phương;
- (viii) Thúc đẩy du lịch nông thôn bền vững ở những nơi thích hợp;
- (ix) Đẩy mạnh dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng ở các địa phương
- (x) Bảo vệ và kế thừa hợp lý các di sản văn hóa, động vật hoang dã, các nguồn đa dạng sinh học và phong cảnh.
(Nguồn tài liệu: Thanh Mai Cúc, Nguyễn Đình Hà, Giáo trình Phát triển nông thôn, Đại học Nông nghiệp Hà Nội)