Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Tổng quan về Kinh tế nông thôn

Tổng quan về Kinh tế nông thôn

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 78 views

1. Vai trò của phát triển kinh tế nông thôn

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhấn mạnh mục tiêu phát triển nhanh kinh tế, tạo việc làm và giảm nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, cần có sự thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế quốc dân. Chiến lược của Chính phủ dựa trên sự chuyển dịch từ nền kinh tế coi nông nghiệp là chủ yếu sang nền kinh tế công nghiệp hóa với sự phát triển mạnh của các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất và dịch vụ.

Sự chuyển dịch này liên quan đến việc tăng tỷ lệ dân sống ở vùng thành thị. Rút kinh nghiệm của các nước đang phát triển ở Đông Nam Á và Nam Mỹ, Chính phủ đã có những cố gắng hạn chế tối đa sự di dân từ nông thôn vào thành phố, bằng tạo việc làm và đẩy nhanh sự phát triển kinh tế ở nông thôn.

Phát triển kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt vào sự phát triển kinh tế quốc dân. Vai trò đó thể hiện qua các nhiệm vụ và những đóng góp sau:

  • Đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân cả nước;
  • Cung cấp nguyên liệu và sức lao động cho các ngành công nghiệp và dịch vụ;
  • Tạo việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, hạn chế việc di dân tự phát từ nông thôn ra thành thị;
  • Tạo nguồn thu nhập ngoại tệ thông qua xuất khẩu các sản phẩm từ nông, lâm, ngư nghiệp và ngành nghề thủ công;
  • Bảo vệ và làm giàu môi trường sinh thái và cảnh quan, duy trì và bảo tồn nền văn hóa bản sắc dân tộc.

2. Các hoạt động kinh tế trong nông thôn

Kinh tế của một nước nói chung, của nông thôn nói riêng bao gồm các hoạt động kinh tế thuộc ba loại lớn sau:

  • Những hoạt động sản xuất chính.
  • Những hoạt động sản xuất thứ sinh (hoặc chế biến).
  • Những hoạt động thứ ba (hoặc dịch vụ).

Các hoạt động sản xuất chính là những hoạt động liên quan đến việc trồng trọt, thu hoạch hoặc khai thác nguyên liệu, như hoạt động của các ngành:

  • Nông nghiệp;
  • Lâm nghiệp;
  • Thủy sản hoặc nuôi trồng thủy sản;
  • Khai thác mỏ và đá.

Các hoạt động sản xuất thứ sinh (hoặc chế biến) là những hoạt động liên quan đến việc chế biến những nguyên liệu từ hoạt động sản xuất chính và sản xuất các mặt hàng có thể sử dụng hoặc tiêu thụ, thí dụ:

  • Sản xuất phomát từ sữa, quần áo từ len;
  • Xây dựng nhà cửa, đường sá;
  • Làm đồ gốm hoặc các hàng hóa gia công khác và v…

Các hoạt động thứ ba (hoặc dịch vụ) là những hoạt động liên quan đến việc cung cấp dịch vụ như:

  • Bán hàng hóa ở các cử hàng, các chợ;
  • Bảo dưỡng hoặc sửa chữa công cụ, máy móc;
  • Dịch vụ khách sạn, du lịch;
  • Xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa, và v…

Ba khu vực kinh tế: chính, thứ sinh, thứ ba được liên kết chặt chẽ với nhau thành “chuỗi xích” hoạt động kinh tế. Thí dụ, một nông dân sản xuất gạo có thể mua chiếc cày ở một cửa hàng nông cụ. Anh ta có thể bán gạo của mình cho một thương nhân, rồi người này lại bán lại cho một công ty xuất khẩu, công ty này thuê công ty vận chuyển để chuyển gạo tới cảng, tại đây gạo có thể được bán cho người mua nước ngoài, một công ty vận tải biển lại được thuê để chuyển gạo về nước mình và sau đó thông qua chợ bán buôn hoặc cửa hàng bán lẻ để bán cho những người tiêu dùng.

Ở mỗi khâu trong “chuỗi xích” này, việc kinh doanh hoặc doanh nghiệp liên quan phải trang trải các chi phí (tiền lương, thiết bị…) và phải có lãi để duy trì công việc kinh doanh. Những chi phí này được phản ánh ở giá bán gạo, do đó giá này sẽ phải cao hơn giá mà họ mua. Vì vậy, giá (một kg) gạo khi đến tay khách hàng nước ngoài có thể cao gấp nhiều lần mà người nông dân bán ra. Nhưng giá bán cuối cùng không thể cao hơn giá bán gạo có chất lượng tương tự, thí dụ từ Thái Lan chẳng hạn. Bất kỳ sự giảm giá bán cuối cùng nào cũng đều được phản ánh (thông qua “chuỗi xích” kinh tế) ở giá mà người nông dân nhận được cho sản phẩm cơ bản của mình.

Trong điều kiện nông thôn Việt Nam, hầu hết các hoạt động kinh tế có xu hướng tập trung ở các giai đoạn đầu của các “chuỗi xích” kinh tế này, nhất là các hoạt động sản xuất chính như nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.

Hoạt động kinh tế ở các giai đoạn sau của chuỗi kinh tế (như chế biến lương thực, xuất khẩu, vận chuyển…) thường được tiến hành ở các thị xã, thành phố lớn hoặc ở các cảng. Vì vậy nhiều doanh nghiệp ở các vùng nông thôn, đặc biệt là người nông dân có thể chỉ nhận được giá cơ bản cho các sản phẩm ban đầu trong khi tiền nhận thêm liên quan đến sản phẩm này có thể chủ yếu ở các thành phố.

Nếu muốn làm cho nền kinh tế nông thôn vững mạnh, thì phải giữ lại thêm “các mắt xích” trong các “chuỗi xích” kinh tế cho các vùng nông thôn, hoặc thậm chí phải đẩy một số mắt xích ra khỏi chuỗi để sao cho người sản xuất càng liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Thí dụ, người nông dân bán rau trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ nhận được nhiều tiền hơn là bán cho người bán buôn. Người làm đồ gốm trong làng bán trực tiếp các sản phẩm của mình cho khách sẽ nhận được nhiều tiền hơn là nếu bán cho một công ty xuất khẩu.

3. Các thành phần kinh tế trong nông thôn

Giai đoạn quá độ chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang làm thay đổi vai trò của các thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế chính được Chính phủ công nhận, bao gồm:

  • Hộ gia đình;
  • Hợp tác xã;
  • Doanh nghiệp nhà nước;
  • Doanh nghiệp tư nhân tồn tại dưới các hình thức pháp lý: Doanh nghiệp cá nhân, công ty hợp doanh, công ty hùn vốn trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần TNHH, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

a/ Hộ gia đình:

Ở nông thôn, hầu hết các hoạt động kinh tế trong nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp đều do các hộ gia đình điều hành. Luật Đất đai năm 1993 công nhận các nông hộ là những đơn vị kinh tế tự chủ và đã cấp cho họ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này đã làm cho hang triệu hộ nông dân an tâm lao động trên đất đai của mình và khuyến khích họ đẩy mạnh sản xuất. Kết quả là nhiều nông hộ đã thoát cảnh nghèo và trở nên khá giả hơn, sản xuất gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác tăng mạnh, góp phần an ninh luơng thực và xuất khẩu.

Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho các “doanh nghiệp gia đình” phát triển và đa dạng hóa hoạt động kinh tế. Các nông hộ sẽ được khuyến khích chuyển sang sản xuất hàng hóa. Những hộ nghèo được cấp vốn tín dụng ưu đãi, được tư vấn và tập huấn các kiến thức cần thiết.

b/ Hợp tác xã:

Luật Hợp tác xã quy định việc thành lập các hợp tác xã kiểu mới dựa trên cơ sở tham gia tự nguyện của nông dân hoặc những người khác. Các hợp tác xã này không quản lý việc canh tác chính mà cung cấp các dịch vụ cho nông dân như dịch vụ giống, phân bón, vốn vay để mua máy móc, quản lý các hệ thống, công trình thủy lợi, cung cấp điện, tín dụng, v.v… Các hợp tác xã này cũng hoạt động để khắc phục những ảnh hưởng xấu của kinh tế thị trường, thí dụ như việc mua và cất giữ các nông sản trong thời kỳ giá hạ. Một số hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới còn tham gia vào nhiều loại hình hoạt động đa dạng, như điều hành các nhà máy thủy điện, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc hoặc các xí nghiệp sản xuất giày dép, hàng dệt và các hàng hóa khác.

c/ Doanh nghiệp Nhà nước

Các công ty do Nhà nước sở hữu gọi là doanh nghiệp Nhà nước. Trong thời kỳ bao cấp, các doanh nghiệp đã đóng góp sản lượng công nghiệp chủ yếu. Vị trí doanh nghiệp Nhà nước có sự thay đổi sau khi có chính sách “đổi mới” từ 1989. Nhà nước đưa ra một chương trình cải cách các doanh nghiệp này để đưa vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước như là một phần của động lực quốc gia nhằm hiện đại hóa Việt Nam.

Chính phủ chủ trương đa dạng hóa quyền sở hữu các doanh nghiệp Nhà nước thông qua cổ phần hóa (bán các cổ phần của Nhà nước), bán toàn bộ hoặc chuyển nhượng tự do cho khu vực tư nhân, giải thể các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả và sắp xếp lại những doanh nghiệp Nhà nước còn lại.

Trong phát triển nông thôn, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn là lực lượng lãnh đạo trong một số khu vực quan trọng, nhất là các khâu tiêu thụ và chế biến nông sản. Các công ty chế biến sẽ được cổ phần hóa và từng bước bán cổ phần cho nông dân xuất khẩu nguyên liệu, điều này sẽ gắn quyền lợi của nông dân với quyền lợi của doanh nghiệp.

d/ Khu vực tư nhân:

Chủ trương của Chính phủ là khuyến khích khu vực tư nhân ngày càng phát triển góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế nông thôn. Chính phủ cũng khuyến khích hoạt động thương mại trên quy mô lớn, đặc biệt ở các ngành công nghiệp chế biến, chăn nuôi quy mô lớn và các ngành công nghiệp khác không sử dụng nhiều đất nông nghiệp và khuyến khích sự đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực này. Quá trình cổ phần hóa hoặc đa dạng hóa chủ sở hữu các doanh nghiệp Nhà nước sẽ tạo cơ hội để khu vực tư nhân tăng cường đầu tư vào kinh tế nông thôn.

4. Mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn

Mục tiêu chung và lâu dài của phát triển kinh tế nông thôn là công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tức là xây dựng một nền nông nghiệp kinh tế nông thôn có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, kỹ thuật sản xuất tiến tiến và phù hợp, nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng nhanh thu nhập và mức sống của dân cư nông thôn, đưa nước ta tiến đến văn minh hiện đại và nâng cao vị thế của các nông sản nước ta trên thị trường thế giới.

Những chỉ tiêu cơ bản thể hiện mục tiêu trên, đó là:

  • Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các vùng nông thôn đạt khoảng 7% đến 8% trong thời kỳ 2000 đến 2005 và 10% đến 11% trong 5 năm tiếp
  • Tiếp tục phát triển các khu vực công nghiệp và dịch vụ với tốc độ nhanh hơn khu vực nông nghiệp để tạo việc làm, tạo sự cân đối về GDP giữa ba khu vực và việc làm sẽ chuyển dần từ nông nghiệp sang hai khu vực
  • Mỗi năm tạo 800.000 việc làm mới trong kinh tế nông thôn.
  • Nâng mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm của các vùng nông thôn từ 230$ năm 2000 lên tới 550$ vào năm 2010, duy trì tỷ lệ giữa thu nhập bình quân ở nông thôn và thu nhập bình quân trong toàn quốc.
  • Tiếp tục cải thiện hạ tầng cơ sở nông thôn và dịch vụ.
  • Bằng các biện pháp duy trì mức dân số nông thôn tuyệt đối, đồng thời chấp nhận sự giảm tỷ lệ này ở mức tương đối (so với tỷ lệ dân số trong cả nước).

5. Những bài học phát triển kinh tế nông thôn từ các nước châu Á

Kinh nghiệm về sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn từ các nước và lãnh thổ ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Inđônêsia, Malaisia, Thái Lan và Trung Quốc là những bài học đáng chú ý. Những nước này đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm theo đầu người khá cao trong vòng 20 năm qua. Kinh nghiệm cho thấy, đạt được sự thay đổi này là do việc kết hợp các chính sách sau:

  • Kiểm soát lạm phát và duy trì tỷ giá hối đoái cạnh tranh;
  • Đầu tư cho nguồn nhân lực thông qua giáo dục bằng kinh phí từ các nguồn công cộng;
  • Khuyến khích cá nhân gửi tiền tiết kiệm;
  • Tự do hóa khu vực tư nhân và hạn chế những xáo trộn về giá;
  • Cho tiếp cận, khuyến khích xuất khẩu và tiếp nhận công nghệ nước ngoài;
  • Cải thiện cơ sở hạ tầng mà các doanh nghiệp cần như giao thông, cung cấp nước và thông tin liên lạc;
  • Tránh phân biệt đối xử với nông nghiệp trong việc đánh thuế và trong các chính sách khác.

Đặc biệt, những bài học của Trung Quốc những năm gần đây rất có ý nghĩa đối với phát triển nông thôn Việt Nam. Chương trình cải cách của Trung quốc cũng được bắt đầu từ nông nghiệp, nhờ sáng kiến chuyển từ sản xuất tập thể sang các nông hộ và cá nhân. Các cá nhân không được tự do mua bán đất nhưng họ được quyền sử dụng đất và nhờ vậy họ được khuyến khích quản lý tốt đất đai. Sự thay đổi này được sự ủng hộ rộng rãi, được thử nghiệm thành công ở một tỉnh và phát triển thành chính sách áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Kết quả của chính sách này đã đẩy mạnh sức sản xuất. Sau đó, Chính phủ đã giải quyết vấn đề giá cả theo một giải pháp khôn khéo – một hệ thống hai giá đã được áp dụng, trong đó lương thực dùng để đáp ứng các chỉ tiêu của nền kinh tế bao cấp cũ được bán theo giá được kiểm soát theo cách cũ, phần còn lại được bán theo giá thị trường. Kết quả đã làm cho giá thị trường thay đổi và không gây ra lạm phát tràn lan. Sau một thời gian, việc kiểm soát gía được bãi bỏ và thị trường tự do hiện đang hoạt động.

Tác dụng của việc làm này đã làm tăng đáng kể thu nhập của nông dân và do đó nhu cầu của họ về các hàng tiêu dùng tăng lên, tạo ra ‘thị trường trong nước’ về các hàng hóa công nghiệp và dịch vụ. Chính phủ đã hỗ trợ việc thiết lập hàng triệu các doanh nghiệp mới ở các thị trấn và làng quê để phục vụ thị trường gia tăng này. Chính phủ khuyến khích các công ty nước ngoài đến tham gia liên doanh và đã trở thành quốc gia nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất trong số các nước đang phát triển. Chính phủ Trung quốc cũng đã cải tổ lại cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Kết quả sự thay đổi này đã làm tăng số việc làm trong khu vực phi nông nghiệp. Thu nhập từ phi nông nghiệp là một yếu tố chủ yếu góp phần thoát khỏi đói nghèo và làm tăng mức sống của nông thôn Trung quốc.

(Nguồn tài liệu: Thanh Mai Cúc, Nguyễn Đình Hà, Giáo trình Phát triển nông thôn, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, 2005)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net