Trang chủ Lịch sử Nước Pháp 1870-1914

Nước Pháp 1870-1914

by Ngo Thinh
331 views

I – Sự phát triển kinh tế và sự ra đời các tổ chức lũng đoạn

Cho đến năm 1870, nước Pháp vẫn đứng hàng thứ hai (sau Anh) trong nền sản xuất công nghiệp thế giới. Nhưng trong những năm tiếp theo, ưu thế của Pháp dần dần bị mất trước sự vươn lên của Đức và Mỹ. Đến cuối thế kỷ XIX, nó tụt xuống hàng thứ tư và trong một số ngành sản xuất thì xuống hàng thứ sáu, thứ bảy. Tốc độ phát triển công nghiệp của Pháp lạc hậu rõ rệt so với Đức, Mỹ, Nga và nhiều nước tư bản trẻ tuổi khác. Nguồn gốc của tình trạng đó là do hậu quả của cuộc chiến tranh 1870-1871 (bồi thường Đức 5 tỉ phrăng và cắt nhường 2 tỉnh Andat và Lôren là vùng giầu nguyên liệu, có nền công nghiệp phát triển), do tình trạng hạn chế của thị trường nội địa, do sự nghèo nàn nguyên liệu. Pháp phải nhập cảng than, sắt… nên không thể cạnh tranh nổi với các nước tư bản khác.

Tuy nhiên, trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ XIX, công nghiệp Pháp cũng có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là ở miền Bắc. Hệ thông đường sắt lan rộng ra cả nước đẩy nhanh sự phát triển của các ngành khai mỏ, luyện kim và thương nghiệp. Việc cơ khí hóa sản xuất được tăng cường.

Từ năm 1852-1900, số xí nghiệp dùng máy hơi nước tăng lên 9 lần, số động cơ chạy bằng hơi nước tăng lên 12 lần.

Đến đầu thế kỷ XX, nền kinh tế Pháp có một số chuyển biến quan trọng. Nhưng thực ra, Pháp vẫn còn thua kém các nước khác.

Trước đại chiến, lượng than của Pháp kém Đức ba lần và kém Mỹ sáu lần. Thép thì kém Mỹ tới mười lần. Ngành cơ khí phát triển chậm chạp, khoảng 50% – 80% máy móc về công nghiệp và nông nghiệp phải nhập từ nước ngoài. Các ngành công nghiệp nhẹ với những xưởng máy loại vừa và nhỏ vẫn chiếm ưu thế. Gần 70% cơ sở kinh doanh thuộc loại này.

Nông nghiệp Pháp vẫn ở tình trạng phân tán những mảnh ruộng nhỏ với 40% cư dân trong cả nước. Nền kinh tế tiểu nông không cho phép sử dụng kỹ thuật mới, nên đã kìm hãm sự phát triển sản xuất và đẩy người nông dân vào địa vị phụ thuộc các hãng buôn và bọn chủ nợ. Những cuộc khủng hoảng không ngừng diễn ra, ngay cả trong những ngành quan trọng như ngành trồng nho.

Trong thời kỳ này, nước Pháp cũng đang diễn ra quá trình tập trung sản xuất dẫn tới sự hình thành các tổ chức lũng đoạn. Ngành luyện kim và khai mỏ tập trung trong tay hai công ty lớn (Comité des forges và Schneider Creusot). Công ty “Snâyđơ Crơdô” nắm các nhà máy quân sự ở Crơdô và các nhà máy chế tạo đồ đồng, thép cùng các ngành khác ở nhiều vùng trong nước. Đồng thời nó có chi nhánh ở thuộc địa và nước Nga. “Tổng công ty đường sắt và điện khí” cùng 6 công ty khác độc quyền ngành đường sắt trong nước. 50% trọng tải đường biển do 3 công ty lớn nắm. Hai công ty “Xanh Gôben” và “Cuman” kiểm soát toàn bộ công nghiệp hóa chất. Những tổ chức lũng đoạn tương tự cũng hình thành ở các thuộc địa để tăng cường bóc lột: các công ty kinh doanh đồn điền trồng nho ở Angiêri, đồn điền cao su, lúa và đay ở Đông Dương: trồng hoa ở Mađagaxca, khai thác phốt-pho ở Bắc Phi (thuộc “Xanh Gôben”), Xanhđica kền ở Tân Calêđôni…

Điều nổi bật đối với nước Pháp là sự tập trung tư bản ngân hàng. Trước đại chiến, 2/3 tư bản ở trong tay 5 nhà băng lớn. Phần lớn tư bản được đưa ra nước ngoài. Năm 1908, 38 tỉ phrăng được xuất khẩu trong khi chỉ có 9,5 tỉ đầu tư vào công nghiệp trong nước. Năm 1914, số vốn xuất khẩu lên 50 – 60 tỉ trong đó 13 tỉ đưa sang nước Nga, chỉ có 2 – 3 tỉ được đưa vào các thuộc địa. Tổng số lãi do vốn xuất khẩu năm 1913 lên tới 2,3 tỉ phrăng. Nhận xét đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc Pháp, Lênin nêu lên: “Khác với chủ nghĩa đế quốc thực dân Anh, chủ nghĩa đế quốc Pháp có thể gọi là chủ nghĩa đế quốc chuyên cho vay nặng lãi”.

II – Tình hình chính trị ở Pháp

1. Thành lập chế độ Cộng hòa thứ ba

Sau khi Công xã Pari thất bại, chính quyền Pháp tiến hành chính sách khủng bố tàn khốc, đàn áp các chiến sĩ cách mạng, cấm các tổ chức Quốc tế I hoạt động ở trong nước. Mặt khác, thế lực phản động trong giai cấp tư sản âm mưu phục hồi nền quân chủ. Cuộc đấu tranh để thiết lập nền Cộng hòa trở thành vấn đề hàng đầu của sinh hoạt chính trị trong suốt 30 năm cuối thế kỷ XIX.

Thế lực bảo hoàng gồm các phái Chính thống (dòng Buôcbông), Ooclêăng và Bônapactơ đều muốn đưa người của mình lên nắm chính quyền. Nhưng trước yêu cầu thiết lập nền Cộng hòa của quần chúng và sự phân hóa giữa ba đảng bảo hoàng, họ tạm hòa hoãn bằng cách đưa Chie lên làm tổng thống. Chie tuyên bố Cộng hòa nhưng thực ra là thiết lập nền thống trị phản động. Hiến pháp năm 1875 đã thừa nhận chính thể cộng hòa với đa số hơn một phiếu (353/352). Nền Cộng hòa thứ ba tồn tại cho đến năm 1940 – khi phát xít Đức xâm chiếm nước Pháp. Đặc điểm của nó là tình trạng thường xuyên khủng hoảng nội các: chỉ trong 17 năm từ 1873 đến 1890 nội các phải thay đổi tới 34 lần. Nhiều vụ bê bối bị vỡ lở:

Năm 1887, vụ mua bán huân chương do một nghị viên là con rể tổng thống Grêvy tiến hành bị phát giác. Nhiều nhân vật cao cấp dính líu đến vụ buôn bán này. Nó chứng tỏ sự thối nát trong chính quyền cộng hòa và cuối cùng Grêvy phải thôi chức tổng thống.

Năm 1892, công ty Panama tập trung một số vốn rất lớn để đào con kênh nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương bỗng nhiên tuyên bố vỡ nợ làm cho hàng ngàn người góp cổ phần bị phá sản. Người ta phát hiện ra rằng, để lấy cắp cổ phần, công ty đã đút lót nhiều cho các nghị viên, các bộ trưởng, các quan chức và báo chí. Do đó, hầu hết các nhân vật có tiếng tăm của nền Cộng hòa tư sản đều mất uy tín, nhiều người phải rút khỏi vũ đài chính trị.

Nếu đầu những năm 70, họ nêu khẩu hiệu: “Giáo sĩ – đó là kẻ thù” thì đến những năm 90 đã biến thành “Chủ nghĩa xã hội – đó là kẻ thù”. Những vụ khám nhà bắt bố và xét xử bừa bãi xảy ra liên tiếp, đạo luật cấm quyền tự do báo chí ra đời nhằm chĩa mũi nhọn vào giai cấp công nhân và những người dân chủ tiến bộ. Đồng thời chiến dịch tuyên truyền tư tưởng sôvanh, ca ngợi giáo sĩ, tôn sùng “thanh kiếm” và khinh miệt dân đen được tiến hành rộng rãi. Đương nhiên những hoạt động phản động đều gặp sức phản kháng của phe dân chủ tiến bộ mà cuộc đấu tranh gay gắt khi đó xoay quanh vụ án Đrâyphuyt.

Năm 1894, tòa án quân sự đã xử án đày chung thân Đrâyphuyt, một sĩ quan người Do thái bị gán tội bán tài liệu quân sự cho Đức. Bọn bảo hoàng cùng các phần tử phản động lợi dụng chủ nghĩa bài Do thái để tấn công nền Cộng hòa và phe dân chủ. Năm 1897, báo chí đã tiết lộ thủ phạm chính lại là một tên gián điệp người Hung được bè lũ quân phiệt phản động Pháp che chở. Lực lương dân chủ bao gồm các nhà văn, (trong đó có Emin Dôla nổi tiếng với bức thư “Tôi tố cáo”), các nhà khoa học, các nhân vật xã hội chủ nghĩa và quần chúng nhân dân đòi xử lại vụ án, nhưng bọn cầm quyền ngoan cố không chịu đưa ra xử lại. Cuộc đấu tranh gay gắt xoay quanh vụ án Đrâyphuyt không chỉ thu hẹp trong vấn đề một cá nhân mà là vấn đề tranh chấp giữa hai lực lượng tiến bộ và phản động, dân chủ và quân phiệt. Phải đến năm 1906, Đrâyphuyt mới được tha bổng và thăng chức. Còn tro hỏa táng Emin Dôla, người chiến sĩ đấu tranh tích cực cho công lý, được đưa vào đền Păngtêông. Một lần nữa, lực lượng dân chủ giành được phần thắng về mình.

2. Chính sách đối ngoại và xâm lược thuộc địa

Từ sau thất bại trong cuộc chiến tranh 1870-1871, sự lớn mạnh của Đức vẫn là mối lo ngại của nước Pháp. Trong những năm 70 – 80, Bixmác nhiều lần gây sự, lăm le mở những cuộc xâm lược mới vào nước Pháp, Pháp phải tìm lực lượng ủng hộ mình trong việc đồng minh với Nga. Việc Nga hoàng cần vay nợ và quan hệ Nga-Đức căng thẳng khiến cho liên minh Nga-Pháp được hình thành vào năm 1893. Đó là một đòn trả miếng đối với liên minh tay ba Đức-Ý-Áo Hung (1882), làm cho lực lượng so sánh ở châu Âu thay đổi rõ rệt.

Chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp là những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa được tiến hành ráo riết ở châu Á và châu Phi trong những năm 80 – 90.

Năm 1858, Pháp mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đến năm 1884 thì hoàn thành việc thôn tính. Cùng trong thời gian này, thực dân Pháp ráo riết tiến hành xâm lược Campuchia và Lào, biến những nơi đó thành thuộc địa.

Cùng với các đế quốc khác, Pháp tham gia xâu xé Trung Quốc. Năm 1895 Pháp được quyền khai thác ở 3 tỉnh miền Nam (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam). Năm 1898, Pháp “thuê” đảo Hải Nam Quảng Châu Loan lập tô giới và khu vực ảnh hưởng ở nhiều thành phố và tỉnh ở Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh xâm lược được tăng cường ở châu Phi. Năm 1881, Pháp chiếm Tuynidi rồi mở rộng sang lưu vực sông Nigiê, một phần Cônggô và Xahara. Năm 1885, Mađagaxca bị biến thành một xứ bảo hộ. Trong những năm 90, nước Pháp liên tiếp chinh phục Xênêgan, Tây Xuđan, Ghinê, một phần Cônggô, Đahômây và nhiều khu vực khác. Trên địa bàn này, Pháp gặp phải sự cạnh tranh của Anh, đặc biệt là vụ tranh chấp ở làng Phasôđa (1898) thuộc vùng sông Nin. Trước áp lực của Anh, quân Pháp phải rút lui. Đến năm 1899, Anh và Pháp ký kết hiệp ước quy định vùng đất đai xâm chiếm của mỗi bên ở châu Phi.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thuộc địa của Pháp được mở rộng nhanh chóng. Trong những năm 60, nước Pháp chỉ có thuộc địa 0,2 triệu dặm vuông với 3,4 triệu dân thì đến năm 1899 đã có 3,7 triệu dặm vuông với 56,1 triệu dân. Về mặt này, nước Pháp đã vươn lên hàng thứ hai sau Anh.

3. Phe Cấp tiến cầm quyền đầu thế kỷ XX

Những người cộng hòa trong khi cầm quyền đã không giữ lời hứa về việc cải cách xã hội nên từ nội bộ tách ra một cánh tả gọi là phe Cấp tiến. Những người Cấp tiến dựa vào tầng lớp trung, tiểu tư sản, trí thức và một bộ phận công nhân lớp trên. Lãnh tụ của họ là Gioocgiơ, Clêmăngxô (1841-1929), người luôn luôn tuyên truyền cho một nước Pháp cộng hòa dân chủ mạnh mẽ, tự xem mình là người thừa kế nền cộng hòa thứ nhất, lấy việc phục thù Đức làm nhiệm vụ chủ yếu. Phê phán kịch liệt chính sách của các chính phủ cộng hòa, Clêmăngxô đã góp phần làm đổ nhiều nội các nên được gọi là “người chuyên lật đổ nội các”.

Trước cao trào đấu tranh của quần chúng, các chính phủ Cấp tiến buộc phải thực hiện một phần nào chương trình cải cách: tách giáo hội ra khỏi hoạt động nhà nước, thanh trừ bọn sĩ quan bảo hoàng ra khỏi quân đội… Nhưng thực ra, ở cương vị cầm quyền, phe Cấp tiến luôn luôn tỏ ra là kẻ bảo vệ nhiệt thành quyền lợi của giai cấp tư sản, đối lập với quyền lợi của quần chúng nhân dân.

Trong chính sách đối ngoại, các chính phủ Cấp tiến vẫn tiếp tục việc bành trướng thuộc địa, đặc biệt là cuộc chiến tranh nhiều năm ở Marốc nhằm biến nơi đó thành một xứ bảo hộ (năm 1912). Họ còn tiếp tay cho Nga hoàng bằng những món tiền cho vay lớn để đàn áp cao trào cách mạng 1905-1907 ở Nga.

Đối với phong trào công nhân trong nước, một mặt họ tiến hành vài cải cách vụn vặt, lập Bộ Lao động do một người xã hội chủ nghĩa cải lương là Viviani làm bộ trưởng, trả hưu bổng cho công nhân già 65 tuổi. Mặt khác, chính phủ Cấp tiến tập trung mũi nhọn đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân. Clêmăngxô điều quân đội về thủ đô đàn áp những cuộc bãi công của công nhân điện, khuân vác, giày dép vào mùa hè 1907 và dập tắt phong trào biểu tình của nông dân trồng nho ở các quận miền Nam. Chính phủ Cấp tiến đưa ra dự luật cấm các công đoàn viên chức không được tham gia Tổng liên đoàn lao động và không được bãi công. Trong vòng 3 năm cầm quyền (1906-1909), Clêmăngxô đã bóp nghẹt phong trào dân chủ và cách mạng một cách khốc liệt.

III – Phong trào công nhân và Xã hội chủ nghĩa

Công xã Pari bị thất bại gây nên một tổn thất rất lớn đối với phong trào công nhân Pháp.

5 năm sau, những hoạt động của công nhân dần dần được khôi phục. Juyn GhexdaPôn Laphacgơ hoạt động tích cực trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác. Dưới ảnh hưởng tuyên truyền của hai ông, đại hội công nhân năm 1880 ở Lơ Havrơ đã chính thức thành lập “Đảng Công nhân”, thông qua cương lĩnh xã hội chủ nghĩa đã được Mác góp ý.

Ngay trong những năm đầu tiên, cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng Công nhân Pháp diễn ra gay gắt giữa hai khuynh hướng mácxít và cải lương. Những người mácxít do Ghexđơ và Laphacgơ làm đại biểu kiên trì đường lối cách mạng đã đề ra trong cương lĩnh. Phái cải lương do Bruxơ (trước là người phái tả Pruđông) và Malông (một người vô chính phủ) đứng đầu, phản đối những hoạt động cách mạng, chủ trương chỉ tiến hành cải cách trong phạm vi những cái gì “có thể được” nên được gọi là phái “có thể” (possibilistes). Năm 1882 họ tách ra thành “Đảng Công nhân xã hội cách mạng” (thường được gọi là phái “Có thể”), có ảnh hưởng trong tầng lớp thợ thủ công ở Pari và trong các nghiệp đoàn. Phái Ghexđơ vẫn giữ nguyên tên “Đảng Công nhân”, tiếp tục đi theo đường lối mácxit và có ảnh hưởng lớn trong những trung tâm công nghiệp, nhất là ở miền Bắc.

Từ những năm 80, sự phục hồi và phát triển của phong trào công nhân được biểu hiện trong những cuộc bãi công sôi nổi ở các thành phố và các khu công nghiệp, Năm 1882 có đến 182 cuộc bãi công. Cuộc bãi công của hơn 3 nghìn công nhân mỏ Đêcadơvin kéo dài đến giữa năm 1886 bị quân đội đàn áp dữ dội. Những cuộc biểu tình ngày 1-5 năm 1890 và 1891 được tổ chức rầm rộ, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Tình trạng thối nát của bọn Cộng hòa và Cấp tiến qua những vụ khủng hoảng Bulănggiê và vụ biển thủ Panama càng làm tăng uy tín của những người xã hội chủ nghĩa. Nhiều đại biểu công nhân trúng cử vào nghị viện, trong đó có Vaiăng. Laphacgơ, Jan Jóret. Jan Jóret (1859-1914) là một chiến sĩ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng lao động, kiên quyết chống chế độ phản động, quân phiệt và chiến tranh, có ảnh hưởng lớn trong quần chúng. Nhưng ông không phải là một người mácxit cùng với một bộ phận cánh tả tư sản tập hợp thành một phái lấy tên là những người “xã hội chủ nghĩa độc lập”.

Đến những năm 90, phong trào công nhân vẫn ở trong tình trạng phân tán, thiếu một tổ chức thống nhất. Nhiều phái xã hội chủ nghĩa hoạt động tách rời nhau có khi đối lập nhau. Điều nguy hại là đảng mácxit duy nhất – Đảng Công nhân – mắc một số sai lầm nghiêm trọng. Đã từng có công lao giáo dục công nhân tinh thần đấu tranh giai cấp, những người phái Ghexđơ lại quá say sưa với thắng lợi ở nghị trường nên dần dần có ảo tưởng nghị viện chủ nghĩa, lơ là việc phát động đông đảo quần chúng ở bên ngoài. Để thu được nhiều phiếu, họ phạm sai lầm thuộc về nguyên tắc trong cương lĩnh nông nghiệp được thông qua năm 1892 và 1894, hứa sẽ bảo vệ quyền tư hữu của nông dân.

Phong trào nghiệp đoàn bị phân hóa thành nhiều tổ chức như Liên hiệp công đoàn, Liên hiệp nghiệp đoàn lao động… Năm 1902, Tổng liên doàn lao động (C.G.T) được thành lập là tổ chức hợp nhất các nghiệp đoàn, đáp ứng yêu cầu thống nhất của công nhân.

Những năm đầu thế kỷ XX được đánh dấu bằng một cao trào đấu tranh mới của giai cấp công nhân. Tình cảnh của quần chúng cơ bản hết sức khổ cực, giá cả lên cao, nên tiền lương thực tế bị sụt, nhất là những công nhân không có kỹ thuật và công nhân người nước ngoài (Ý, Tây Ban Nha) bị bạc đãi thậm tệ. Tình hình đó dẫn tới cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, sự phân hóa giữa các phe phái trở nên hết sức sôi nổi “xoay quanh vấn đề Milơrăng, một người “xã hội chủ nghĩa độc lập”, tham gia chính phủ tư sản của Oanđec Rútxô (1899).

Một bộ phận đáng kể trong phong trào xã hội chủ nghĩa do Jôret đứng đầu tán thành hành động của Milơrăng, hy vọng rằng nhờ đó mà ảnh hưởng của giai cấp vô sản được tăng cường. Phái Ghexdơ và phái Blăngki đã đúng khi họ công kích Milơrăng, coi đó như một hành động cơ hội vì chính phủ Rutxô tập hợp từ cực tả sang cực hữu nhằm đánh lạc hướng đấu tranh của quần chúng. Cuộc tranh luận gay gắt giữa hai phái làm cho ý định thống nhất phong trào công nhân Pháp không thực hiện được. Năm 1901, họ phân liệt thành 2 đảng: phái Ghexđơ và phái Blăngki thành lập “đảng Xã hội nước Pháp” (Parti Socialiste de France), còn phái ủng hộ Milơrăng thành lập đảng “Xã hội Pháp” (Parti socialiste français) do Jôrét đứng đầu.

Do đòi hỏi của quần chúng cơ bản và nghị quyết của Quốc tế II, tháng 4-1905, hai đảng tiến hành đại hội hợp nhất thành “ Đảng Xã hội thống nhất”. Những phần tử cải lương cực đoan tách ra khỏi đảng. Vai trò lãnh đạo của đảng ngày càng nghiêng về phía Jôret. Họ tập trung sức lực vào việc tham gia các hoạt động nghị trường, vào các cuộc tuyển cử và tuyên truyền ảo tưởng “chuyển sang chủ nghĩa xã hội bằng con đường hòa bình”. Phái Ghexđơ ngày càng xa rời phong trào công nhân và không tránh khỏi những sai lầm có tính chất cơ hội. Từ trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của quân chúng công nhân, ý thức phản đối đường lối cơ hội chủ nghĩa ngày càng tăng cường. Một khuynh hướng cách mạng mới xuất hiện do Macxen Casanh làm đại biểu. Ông kịch liệt phê phán đường lối nghị trường, đòi phải tiến hành cách mạng: “Chúng ta sẽ không tiến hành chính sách của bàn tay ngửa ra xin mà là chính sách của bàn tay nắm lại thành quả đấm”. Ông được quần chúng hoan nghênh, được bầu vào ban lãnh đạo đảng, nhưng khi đó lực lượng phái Tả còn yếu, chưa đủ để thay đổi đường lối của đảng.

IV – Nước Pháp trước nguy cơ chiến tranh thế giới

Đến những năm đầu thế kỷ XX, tình hình quốc tế hết sức căng thẳng, các nước đế quốc ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Giai cấp tư sản Pháp tăng cường mọi hoạt động để đưa cả dân tộc lao vào cuộc xâu xé đế quốc chủ nghĩa. Giai cấp công nhân và các lực lượng tiến bộ kiên quyết đấu tranh chống cuộc chiến tranh sắp bùng nổ, phản đối bọn cầm quyền tuyên truyền tư tưởng dân tộc hẹp hòi để lừa dối quần chúng. Nhiều cuộc mít tinh và biểu tình chống chiến tranh được tổ chức rầm rộ trong cả nước. Riêng cuộc mít tinh năm 1913 ở Pari lôi cuốn 20 vạn người tham gia. Hàng trăm cờ đỏ phấp phới trong thành phố.

Giôret hoạt động rất tích cực trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh, chống chủ nghĩa quân phiệt và xâm lược thuộc địa. Nhưng ông không hiểu nguồn gốc của chiến tranh đế quốc, chủ trương kêu gọi tổng bãi công để ngăn chặn chiến tranh.

Phái Ghexđơ không tán thành việc lấy tổng bãi công làm phương tiện chống chiến tranh nhưng cho rằng chiến tranh là hậu quả tất yếu của chủ nghĩa tư bản, nên không cần phải tiến hành những cuộc đấu tranh đặc biệt chống chiến tranh mà chỉ chống chủ nghĩa tư bản nói chung là đủ. Họ cho rằng việc “bảo vệ Tổ quốc” trong chiến tranh đế quốc tùy thuộc ở chỗ ai là người bị tấn công và ai là kẻ tấn công trước mà không phân biệt tính chất của chiến tranh là chính nghĩa hay phi nghĩa. Do đó, lại có quyết định sai lầm khi chiến tranh bùng nổ là kêu gọi công nhân Pháp hãy ủng hộ chính phủ tư sản nước mình trong cuộc chiến tranh đế quốc.

Tình trạng phân hóa đó làm yếu sức đấu tranh của công nhân và hạn chế khả năng ngăn chặn cuộc chiến tranh sắp bùng nổ. Trong khi đó, giới cầm quyền hoạt động ráo riết tuyên truyền “chủ nghĩa quốc gia” nhằm gieo rắc tư tưởng sô-vanh và phục thù trong quần chúng. Năm 1912, Poăng Carê làm thủ tướng và năm sau, trúng cử tổng thống. Những chính phủ dưới thời Poăng Carê đã đưa ra trước nghị viện dự luật kéo dài thời hạn nghĩa vụ tòng quân và dự tính tăng quân số thời bình lên 16 vạn. Và chỉ vài ngày trước khi chiến tranh bùng nổ, Giôret bị ám sát. Ngày 3-81914 nước Pháp bước vào cuộc chiến tranh chống Đức với một ngân sách được nghị viện – trong đó có 103 đại biểu xã hội chủ nghĩa – bỏ phiếu tán thành.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net