Trang chủ Lịch sử Chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn Tự do sang Đế quốc 1870-1914

Chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn Tự do sang Đế quốc 1870-1914

by Ngo Thinh
247 views

Chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn Tự do sang Đế quốc 1870-1914.

I – Sự phát triển kinh tế trong 30 năm cuối thế kỷ XIX

1. Sự tiến bộ kỹ thuật

Trong ba mươi năm cuối thế kỷ XIX, lịch sử sản xuất của xã hội có những bước chuyển biến quan trọng. Sản lượng công nghiệp tăng lên nhanh chóng. Việc sử dụng lò Bétxơme và lò Máctanh đánh dấu một bước cách mạng trong ngành luyện kim, đưa sản lượng thép tăng từ 250 nghìn năm 1870 lên 28,3 triệu tấn năm 1900. Nhờ đó, thép được sử dụng rộng rãi trong sản xuất như chế tạo máy, đường ray, tàu biển, các công trình xây dựng…

Việc khai thác các nguồn năng lượng mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngoài máy hơi nước, từ những năm 80 đã có những tuốcbin chạy bằng sức nước, những tuốcbin liên hợp với đinamô thành máy tuốcbin phát điện, cung cấp nguồn điện năng mạnh mẽ và rẻ tiền. Việc tải điện đi xa được giải quyết đã giải phóng nền công nghiệp ra khỏi giới hạn về địa lý, tạo nên khả năng sử dụng ngay cả ở những nơi xa nguồn thủy năng. Nhiều ngành sản xuất mới xuất hiện như điện hóa học, điện luyện kim, hàn điện, xe điện… Động cơ nổ được dùng rộng rãi trong kỹ thuật vận tải, quân sự, cơ giới hóa nông nghiệp… Khả năng của nó chỉ có thể phát huy trên cơ sở giải quyết được vấn đề nhiên liệu lỏng. Dầu hỏa được khai thác: năm 1870 sản lượng dầu toàn thế giới là 0,8 triệu tấn, đến năm 1900 lên 20 triệu tấn. Công nghiệp hóa học mới ra đời, phát triển rất nhanh, phục vụ cho ngành nhuộm, phân bón và thuốc nổ.

Cùng với công nghiệp, ngành giao thông vận tải tiến bộ nhanh chóng: trong 40 năm, chiều dài đường sắt toàn thế giới tăng lên 4 lần. Trên đường biển, tàu biển sử dụng tuyếcbin, chạy bằng sức nước hay động cơ nổ thay thế cho thuyền buồm. Các phương tiện liên lạc như điện báo, điện thoại ngày càng được hoàn thiện. Phát minh đặc biệt quan trọng là sự sáng chế rađiô và phát triển thành ngành liên lạc vô tuyến điện.

Những tiến bộ kỹ thuật trên đã thúc đẩy nền sản xuất phát triển nhanh chóng, đánh dấu một bước tiến mới cực kỳ quan trọng.

2. Sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản

Sự phát triển nhanh chóng của sản xuất công nghiệp đã làm thay đổi vai trò và tỉ trọng sản phẩm của mỗi nước trong nền kinh tế thế giới. Tính chất phát triển không đồng đều bộc lộ rõ rệt: nhịp độ công nghiệp nặng tiến triển rất nhanh so với công nghiệp nhẹ, nông nghiệp lại càng lạc hậu so với công nghiệp. Những cuộc khủng hoảng nông nghiệp diễn ra liên tiếp trong những năm 70 – 90 do việc lúa mì rẻ của Mỹ tràn vào châu Âu, chế độ ruộng đất duy trì nhiều tàn dư phong kiến, việc giảm địa tô vẫn còn chậm chạp và không đầy đủ. Tuy nhiên, sự tăng dân số thành thị dẫn đến nhu cầu to lớn về nông sản phẩm, việc áp dụng máy móc và phân bón hóa học, những biện pháp thâm canh… đã khắc phục dần tình trạng khủng hoảng và không cân đối trong từng thời kỳ một.

Nhịp độ phát triển công nghiệp giữa các nước tư bản chênh lệch rất rõ: trong thời kỳ 1871-1900, sản xuất gang ở Anh tăng 1/3 trong khi Đức tăng 5 lần rưỡi và Mỹ tăng 8 lần. Nhưng cùng lúc đó. Mỹ và Đức còn thua kém Anh về mặt đóng tàu, dệt vải… Do đó, vị trí của mỗi nước trong nền sản xuất thế giới thay đổi. Anh mất dẫn địa vị độc quyền về công nghiệp. Những đế quốc “trẻ” như Mỹ và Đức vươn lên hàng thứ nhất và thứ hai.

Tốc độ phát triển của công nghiệp Nga, Nhật cũng tăng nhanh nhưng sản lượng còn ít và chưa toàn diện.

Tuy nhiên, sự thay đổi về tỉ lệ sản xuất chưa làm thay đổi ngay được địa vị trong thương nghiệp. Anh vẫn đứng đầu, xuất khẩu 19% tổng số hàng hóa trao đổi trên thế giới, Đức 13%, Mỹ 12%, Pháp 9%. Sự không tương xứng giữa khả năng và địa vị của mỗi nước trong công nghiệp và thương nghiệp trở thành nguồn gốc của sự tranh chấp quốc tế về thị trường và thuộc địa của mối mâu thuẫn gay gắt giữa các đế quốc.

Tình trạng không cân đối giữa các ngành sản xuất, giữa khả năng cung cấp và tiêu thụ (sức mua quá ít vì quần chúng bị bóc lột nặng nề), hiện tượng sản xuất vô chính phủ càng đào sâu mâu thuẫn cơ bản của kinh tế tư bản chủ nghĩa, dẫn tới những cuộc khủng hoảng liên tiếp. Trong hơn hai chục năm cuối thế kỷ XIX đã xảy ra 4 cuộc khủng hoảng kinh tế lớn vào những năm 1873-1879, 1882-1886, 1890 và 1900-1903.

3. Xu hướng dẫn tới chủ nghĩa tư bản lũng đoạn

Mỗi lần khủng hoảng, các xí nghiệp nhỏ bị phá sản, các xí nghiệp lớn tăng cường ảnh hưởng, đẩy nhanh quá trình tập trung, dẫn tới lũng đoạn. Cuộc khủng hoảng năm 19001903 có tác động mạnh mẽ đến việc xác lập quyền thống trị của các tổ chức lũng đoạn ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Trong những năm 60 – 70, tự do cạnh tranh phát triển tới cao độ. Nhưng sản xuất công nghiệp tăng nhanh chóng dẫn tới tập trung sản xuất và tích tụ tư bản. Một số ít xí nghiệp lớn lên “nuốt chửng” những xí nghiệp nhỏ bé. Trong nhiều lĩnh vực, tự do cạnh tranh dần dần được thay thế bởi những tổ chức lũng đoạn dưới nhiều hình thức: cácten (tổ chức hợp nhất nhằm phân chia thị trường tiêu thụ, xác định quy mô sản xuất và giá cả), xanhdica (tổ chức hợp nhất để bán hàng chung cho các xưởng), tơrơt (hợp nhất hoàn toàn quyền sở hữu xí nghiệp nhằm thống nhất trên cơ sở tài chính chung phụ thuộc vào một nhóm lũng đoạn).

Quá trình lũng đoạn diễn ra trong hầu hết các nước tư bản ở mức độ khác nhau, trong hầu hết các ngành sản xuất và ngay cả trong ngân hàng.

Ngân hàng từ vai trò trung gian chuyển sang thành nhóm độc quyền sử dụng vốn của toàn thể tư bản và tiểu chủ, sử dụng phần lớn tư liệu sản xuất và những nguồn nguyên liệu. Với số tư bản kếch sù trong tay, ngân hàng có thể tham gia và can thiệp vào nội bộ các xí nghiệp, xuất hiện xu hướng dung hợp giữa nhà ngân hàng với chủ xí nghiệp, tạo thành tư bản tài chính, ở nhiều nước, bọn trùm tài chính ít chú ý kinh doanh công nghiệp trong nước mà thường xuất khẩu, đầu tư sang nước khác để thu được những món lời lớn hơn gấp bội. Nó tạo nên tầng lớp cho vay nặng lãi, hoàn toàn tách rời sản xuất, chuyên sống bằng thực lợi. Điều đó làm tăng tính chất ăn bám trên sức lao động của nhân dân ở trong và ngoài nước. Ngay ở những nước tư bản chậm phát triển, khuynh hướng xuất khẩu tư bản cũng lôi cuốn một phần đáng kể vốn liếng ra bên ngoài. Chẳng hạn Áo-Hung có dùng nhiều thủ đoạn để đầu tư vào Bancăng. Nga và Nhật tuy là con nợ của nhiều nước nhưng cũng tham gia đầu tư vào Trung Quốc và Triều Tiên. Do đó, thuộc địa không chỉ là nơi vơ vét nguyên liệu và tiêu thụ hàng hóa mà còn có ý nghĩa rất quan trọng cho việc xuất khẩu tư bản. Các nước đế quốc đua nhau chiếm đoạt những vùng đất đai còn “bỏ trống” nghĩa là những nơi chưa bị xâm lược. Lịch sử ba mươi năm cuối thế kỷ XIX gắn liền với những cuộc chiến tranh xâm lược do các nước đế quốc tiến hành ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ latinh. Ngoài những nước thực dân lớn trước kia như Anh, Pháp, Nga… còn xuất hiện thêm nhiều nước mới có thuộc địa như Mỹ, Đức, Ý, Nhật…

Phác họa quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản trong khoảng 30 40 năm cuối thế kỷ XIX, Lênin chỉ ra rằng: “1. Những năm 60 và những năm 70, cạnh tranh tự do phát triển đến tột điểm. Các công ty độc quyền chỉ là mầm mống chưa rõ rệt lắm. 2. Sau cuộc khủng hoảng năm 1873 là thời kỳ những cácten phát triển rộng rãi, nhưng những cácten vẫn còn là ngoại lệ. Chúng vẫn còn chưa được ổn định. Chúng vẫn còn là một hiện tượng nhất thời. 3. Thời kỳ phồn vinh cuối thế kỷ XIX và cuộc khủng hoảng trong những năm 1900-1903: những cácten trở thành một trong những cơ sở của toàn bộ đời sống kinh tế. Chủ nghĩa tư bản đã biến thành chủ nghĩa đế quốc.”

II – Sự phát triển kinh tế đầu thế kỷ XX

1. Sự hình thành các tổ chức lũng đoạn

Thời kỳ phồn vinh cuối thế kỷ XIX và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1900-1903 được coi là cái mốc chung của bước ngoặt sang chủ nghĩa đế quốc. Sự tiến bộ về kỹ thuật đầu thế kỷ XX đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế. Động cơ điện thay thế cho máy hơi nước, việc sản xuất thép bằng phương pháp sử dụng vônphram dẫn tới một bước tiến lớn trong ngành cơ khí, các ngành công nghiệp mới phát triển: điện khí, hóa học, ôtô… Tổng sản lượng công nghiệp tăng lên rõ rệt, thường gấp từ 1,5 – 3 lần. Các công ty lũng đoạn xuất hiện rất nhiều và nhanh.

Đức, xanhdica than Ranh-Vetxphali đã thu hút 20 xí nghiệp trong khoảng từ 1893-1902 và đến năm 1910 nắm 95,4% việc khai thác than trong vùng Rua. Hai độc quyền diện “Ximen Hanxcơ” và “Tổng công ty điện khí” (A.E.G) tập trung 213 ngành điện. Tơrơt dầu lửa Xtanda của Mỹ thành lập năm 1900 có số vốn là 150 triệu đôla. Tơrơt thép Mỹ khống chế 2/3 sản xuất thép trong nước. Ở các nước khác hiện tượng hình thành các tổ chức lũng đoạn cũng diễn ra tương tự.

Mục đích của lũng đoạn là đảm bảo nguồn lợi nhuận cao, hạn chế cạnh tranh và ngăn ngừa khủng hoảng. Nhưng thực ra nó không thể chấm dứt được tình trạng cạnh tranh, sản xuất vô chính phủ và khủng hoảng là những hậu quả tất nhiên của chủ nghĩa tư bản. Trái lại, nó còn làm cho những hiện tượng đó trở nên gay gắt hơn, mâu thuẫn cơ bản của nền kinh tế sâu sắc thêm gấp bội.

Cùng lúc này, sự tập trung cũng diễn ra trong ngành ngân hàng và có những nơi nhanh hơn tập trung công nghiệp. Những nhà ngân hàng lớn thu hút hoặc khống chế các ngân hàng nhỏ. Phần lớn tài chính ở Đức tập trung trong tay 6 ngân hàng, ở Pháp có 3-4, ở Mỹ có 2. Sử dụng nguồn tư bản to lớn của mình, chủ ngân hàng gây áp lực đối với chủ các ngành sản xuất để thiết lập quyền kiểm soát trong công nghiệp, thương nghiệp, vận tải… Từ đó, đại diện của nhà ngân hàng thường tham gia các ban quản trị, có khi nắm chức vụ giám đốc của xí nghiệp, hội buôn, công ty vận tải bảo hiểm… Mặt khác, đại diện các chủ xí nghiệp cũng tham gia trong ban quản trị nhà ngân hàng. Sự hình thành tư bản tài chính với số vốn kếch sù, quyền lực vô hạn đã tạo nên một bọn trùm tư bản khống chế các mặt sinh hoạt kinh tế và chính trị của nhà nước.

2. Xuất khẩu tư bản, sự phân chia thị trường thế giới và tranh chấp thuộc địa

Điều đặc biệt quan trọng của thời kỳ lũng đoạn là sự xuất khẩu tư bản. Bọn trùm tài chính ở các nước chuyển vốn ra kinh doanh ở bên ngoài dưới hình thức xây dựng xí nghiệp khai thác và chế tạo, đặt đường sắt và các phương tiện giao thông vận tải hoặc là đem cho vay. Làm như vậy, thu được nhiều lãi hơn vì ở các thuộc địa hoặc những nơi kém phát triển, giá nguyên liệu và nhân công còn rẻ. Các nước tư bản “già” như Anh, Pháp thường thu được nhiều lời hơn các nước “trẻ” vì nó có nhiều thuộc địa hơn. Điều đó làm cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nó không còn là cuộc tranh chấp giữa các công ty tư nhân mà là giữa các tập đoàn lũng đoạn lớn của Nhà nước. Để tạm thời hòa hoãn mâu thuẫn, các liên minh độc quyền phải thương lượng với nhau để lập nên cácten quốc tế với mục đích phân chia thị trường đầu tư.

Năm 1907, hai công ty điện của Mỹ (G.E.C) và Đức (A.E.C) chia nhau thị trường: G.E.C được “nhận phần” nước Mỹ và Canada, A.E.C được “nhận phần” Đức, Áo, Nga, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, bán đảo Bancăng. Như vậy, những công ty điện khí khác khó có thể đối chọi được với hai tập đoàn trên.

Nhưng khi tương quan lực lượng thay đổi, sự thỏa hiệp khi trước không còn phù hợp thì lại diễn ra cuộc cạnh tranh mới để đòi hỏi sự phân chia mới. Trong các ngành dầu lửa, thép, đường ray… đều thành lập những cácten quốc tế như vậy. Đến năm 1914 đã có 114 cácten quốc tế, chia nhau thị trường tiêu thụ ở nhiều nước.

Những biện pháp trên không thủ tiêu được cạnh tranh và khủng hoảng. Trái lại, sự thống trị của các tổ chức lũng đoạn càng thúc đẩy việc xâm chiếm thuộc địa. Tới giai đoạn này, chiếm thuộc địa có nghĩa là độc chiếm nguồn cung cấp nguyên liệu và nhân công rẻ, độc chiếm thị trường đầu tư và tiêu thụ hàng hóa, xây dựng một cơ sở chắc chắn cho mình trong cuộc tranh chấp với đối thủ khác. Đó là chưa kể tới ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự và nguồn cung cấp bia đỡ đạn trong những cuộc chiến tranh ăn cướp. Các nước đế quốc vẫn ráo riết đi tìm thuộc địa ở những vùng đất còn “bỏ trống”. Các đế quốc “già” không chỉ muốn duy trì thuộc địa cũ mà còn muốn mở rộng thêm đất đai. Các đế quốc “trẻ” thì đòi hỏi “một chỗ đứng dưới ánh mặt trời”, không chỉ muốn chiếm vùng đất còn “trống” mà còn lăm le giành giật thuộc địa của kẻ khác. Nhất là đến đầu thế kỷ XX, việc phân chia thế giới hầu như đã “hoàn thành” thì các lãnh thổ chỉ có thể đem chia lại mà thôi.

Cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha (1898) mở đầu cho thời kỳ này, thời kỳ chiến tranh đế quốc chủ nghĩa. Tiếp theo là những cuộc chiến tranh AnhBôơ (1899-1902). chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) và cuối cùng là cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918 mà trong đó, hầu hết những nước tham gia là phi nghĩa.

3. Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa đế quốc

V.I.Lênin phân tích một cách khoa học giai đoạn phát triển mới của chủ nghĩa tư bản, nêu lên bản chất và địa vị lịch sử của nó. Người vạch ra 5 đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa đế quốc là:

  • Sự tập trung sản xuất và tư bản đạt tới mức độ phát triển rất cao,tạo thành những tổ chức lũng đoạn có một vai trò quyết định trong sinh hoạt kinh tế.
  • Sự dung hợp tư bản ngân hàng với tư bản công nghiệp thành tư bảntài chính.
  • Việc xuất khẩu tư bản trở thành đặc biệt quan trọng.
  • Sự hình thành những khối liên minh tư bản độc quyền chia nhauthế giới.
  • Việc các cường quốc tư bản lớn nhất đã chia nhau xong đất đai trênthế giới.

Với năm đặc trưng cơ bản trên, mỗi nước do điều kiện lịch sử và kinh tế của mình đã chuyển sang chủ nghĩa đế quốc với những nét riêng biệt. Lênin đã chỉ ra đặc điểm ở Mỹ là sự hình thành các tơrơt. khổng lồ với những tập đoàn tài chính giàu sụ; ở Anh là “đế quốc thực dân” với hệ thống thuộc địa rộng lớn và đông dân; ở Pháp là “đế quốc cho vay lãi” với những món tiền cho vay xuất cảng sang các nước khác, nhất là sang nước Nga, ở Đức là “đế quốc tư sản gioongke” với sự câu kết về quyền lợi của hai giai cấp tư sản và quý tộc; ở Nga và Nhật là “đế quốc phong kiến quân sự” với những tàn dư của chế độ phong kiến và quân phiệt.

4. Sự gia tăng mâu thuẫn xã hội

Nền kinh tế tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa có những bước tiến rất lớn nhưng còn kém xa so với khả năng mà sự tiến bộ kỹ thuật có thể tạo ra được. Trong cuộc cạnh tranh kiếm lợi nhuận, vì không thể thường xuyên trang bị theo kỹ thuật mới, bọn tư bản rất lo ngại trước các phát minh khoa học, hủy bỏ hoặc cất giấu những sáng kiến mới, kìm hãm bước tiến của sản xuất. Sự xuất khẩu tư bản đã tách rời một tầng lớp người ra khỏi sản xuất, chuyên sống bằng thực lợi rút từ xương máu của quần chúng lao động. Tình trạng trì trệ của tốc độ sản xuất ở một số nước tư bản lớn như Anh, Pháp… là hậu quả tất nhiên của việc chạy đua xuất khẩu vốn và bóc lột nhân dân các thuộc địa và nửa thuộc địa.

Nền sản xuất trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa được xã hội hóa ở mức độ cao. Hàng ngàn vạn công nhân, kỹ sư được tập trung làm việc theo một quy trình sản xuất. Sự phân công lao động rất tinh vi. Các ngân hàng và nhà công nghiệp tập trung vốn vào các phương tiện sản xuất trên một quy mô lớn. Nhưng trong khi sự sản xuất được xã hội hóa thì quyền sở hữu tư nhân lại tập trung ở mức độ rất cao. Những mâu thuẫn của quy luật cơ bản của nền kinh tế tư bản hết sức gay gắt. Những cuộc khủng hoảng năm 1900-1903, 1907, 1913 báo hiệu thời kỳ tổng khủng hoảng sắp tới. Đối kháng giai cấp sâu sắc dẫn tới cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp tư sản và vô sản. Trong khi giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa nhân dân thì giai cấp vô sản tập trung và đông đảo về số lượng, trưởng thành về ý thức, vững mạnh về tổ chức, tiến hành đấu tranh giải phóng lao động. Những mâu thuẫn khác của chủ nghĩa đế quốc cũng chi phối sự tiến triển của thời cuộc: giữa các nước đế quốc với nhau, giữa giai cấp tư sản và nhân dân thuộc địa. Trong tình hình đó, giai cấp vô sản sẽ lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng những người lao động bị áp bức, bóc lột.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net