Trang chủ Triết học Những tư tưởng cơ bản của triết học Pháp gia

Những tư tưởng cơ bản của triết học Pháp gia

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 612 views

Hàn Phi Tử (khoảng 280 – 233, trước công nguyên) là công tử nhà Hàn ở miền tây tỉnh Hà Nam bây giờ. Ông được Tần Thủy Hoàng tin dùng, nhưng do bài xích của Lý Tư, bị nhà Tần bức tử năm 233 trước công nguyên. Tư tưởng triết học cơ bản của ông là tư tưởng Pháp trị – lý luận về pháp luật.

Thời kỳ Xuân thu chiến quốc, xã hội Trung Hoa cổ đại đang chuyển từ hình thái kinh tế chiếm hữu nô lệ suy tàn sang chế độ phong kiến, làm trật tự xã hội đảo lộn, đạo đức suy đồi. Để cải biến xã hội hội ấy, nếu Nho gia chủ trương “nhân trị”, Mặc gia lấy “kiêm ái”, Đạo gia chủ trương sống theo đạo tự nhiên, “vô vi” để trị nước, thì Pháp gia với những căn cứ lý luận và lịch sử của mình, đã coi hình pháp là công cụ quan trọng cho sự ổn định, phát triển xã hội và củng cố chế độ chuyên chế ở Trung Quốc cổ đại.

Căn cứ vào học thuyết “đạo” và “lý” là sự biến đổi của quy luật phổ biến của giới tự nhiên, Hàn Phi cho rằng, phép trị nước không thể viện dẫn theo đạo đức và phương pháp của cổ nhân như Nho gia, Mặc gia, Lão giáo chủ trương. Theo ông, khi lý đã thay đổi thì phương pháp trị nước, cải cách chế độ xã hội có tính tất yếu, đó là pháp trị. Không những thế, trên quan điểm duy vật, ông thừa nhận rằng tự nhiên không có ý chí; ý chí chủ quan của con người cũng thể sửa đổi được quy luật của tự nhiên; vận mệnh của con người do chính con người quyết định. Với tư tưởng ấy, ông đã kịch liệt phê phán những học thuyết thần bí không thể quyết định được điều họa phúc của con người và không có gì chứng thực được sự hiện diện của qủy thần, v.v…

Theo Hàn Phi, pháp trị là tổng hợp giữa “pháp”, “thế” và “thuật”. Trong đó “pháp là nội dung chính của chính sách cai trị, “thế” và “thuật” như là phương tiện để thực hiện chính sách đó. Cả ba: Pháp – Thế – Thuật đều là công cụ quyền lực của đế vương.

“Pháp” là một phạm trù có thể hiểu theo nghĩa hẹp là quy định, luật lệ, hiến lệnh có tính chất khuôn mẫu mà mọi người phải tuân thủ; theo nghĩa rộng, pháp có thể coi là thể chế, chế độ chính trị xã hội. Vậy, “pháp” là tiêu chuẩn, căn cứ khách quan để định rõ danh phận, phải trái, công, tội từ đó mọi người biết bổn phận, trách nhiệm của mình đối với xã hội, v.v…

Trong phương pháp pháp trị cùng với “pháp” còn có “thế”. “Thế” theo quan niệm của Hàn Phi là địa vị, thế lực, quyền uy của những người cầm đầu chính thể. Địa vị đó là độc tôn, gọi là “Tôn công quyền”. Muốn thi hành được pháp lệnh tất phải có “thế”. Thế quan trọng đến mức có thể thay thế được hiền nhân trị nước, v.v…

Có thế vị, nhưng làm thế nào vua có thể điều khiển được thiên hạ thực hiện nghiêm minh pháp luật đã ban? Pháp gia cho rằng vua phải dùng “Thuật”, là cách thức, mưu lược điều khiển việc, điển người… “thuật” của Pháp gia cũng là “chính danh”. “Chính danh” theo Khổng Tử là yêu cầu mọi người trong xã hội làm tròn bổn phận của minh, thì ở Hàn Phi “chính danh” là phương sách trong “thuật” lãnh đạo của vua, là mọi người phải làm vì vua,v.v…

Tóm lại, Pháp gia là một trường phái triết học lớn của Trung Quốc cổ đại, chủ trương dùng những luật lệ, hình pháp của nhà nước là tiêu chuẩn điều chỉnh hành vi đạo đức của con người và là công cụ quan trọng cho sự phát triển đời sống xã hội thời Chiến quốc. Pháp gia là tiếng nói đại diện cho tầng lớp quý tộc mới, tiến hành đấu tranh quyết liệt chống lại tàn dư của chế độ truyền thống công xã gia trưởng và tư tưởng bảo thủ, mê tín tôn giáo đương thời. Học thuyết Pháp gia của Hàn Phi là đại biểu đã trở thành vũ khí tinh thần để nhà Tần thực hiện công cuộc thống nhất Trung Quốc, thiết lập chế độ phong kiến trung ương tập quyền của mình.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net