Nhóm là gì, khái niệm nhóm xã hội? Phân loại nhóm xã hội
Nhóm là gì?
Vấn đề các nhóm, trong đó con người liên kết với nhau trong quá trình sống của mình – vấn đề quan trọng nhất không chỉ của Tâm lý học xã hội mà còn của xã hội học. Trong các khoa học xã hội: về nguyên tắc có thể có hai cách sử dụng khái niệm “nhóm”.
Cách thứ nhất, trong thống kê thường đề cập đến các nhóm mang tính điều kiện: sự phân nhóm có chủ định con người theo một dấu hiệu chung nào đó cần thiết cho hệ thống phân tích cụ thể. Cách hiểu như vậy phổ biến trong thống kê. Khi cần thiết các nhóm người được phân chia theo tiêu chí nào đó. Ví dụ: nhóm người với một trình độ học vấn nhất định, nhóm người bị bệnh tim mạch, nhóm người đang cần có nhà ở… Đôi khi với cách hiểu như vậy thuật ngữ “nhóm” được sử dụng trong cả Tâm lý học. Ví dụ: trong trường hợp phân tích kết quả của các trắc nghiệm của một nhóm nghiệm thể: nhóm này cho các chỉ số này, còn nhóm khác cho chỉ số khác…
Cách thứ hai: trong một loạt các khoa học, xã hội nhóm được hiểu như là một thực thể xã hội tồn tại hiện thực: trong đó con người tập hợp lại, được liên kết lại bằng những dấu hiệu nhất định như bằng sự đa dạng của các hoạt động cùng nhau hay bằng những điều kiện đồng nhất nào đó trong những hoàn cảnh sống của họ. Những con người này ý thức được theo một cách nhất định sự thâu thuộc của mình vào cơ cấu này mặc dù mức độ và trình độ ý thức có thể rất khác nhau.
Chính trong phạm vi của cách hiệu thứ hai, Tâm lý học xã hội sẽ đề cập tới vấn đề nhóm. Thực hiện các vai trò xã hội khác nhau, con người là thành viên của nhiều nhóm xã hội, con người được hình thành dường như trong sự giao cắt của các nhóm đó, như là một điểm bao hàm trong đó các ảnh hưởng của các nhóm giao cắt nhau. Điều đó có hai hệ quả quan trọng đối với cá nhân: một mặt, xác định vị trí khách quan của cá nhân trong hệ thông hoạt động xã hội, mặt khác ảnh hưởng đến sự hình thành ý thức cá nhân. Cá nhân được tham gia vào hệ thống các quan điểm, các chuẩn mực của nhiều nhóm. Do vậy một công việc vô cùng có ý nghĩa là xác định “sự tác động tổng lực” của các ảnh hưởng của các nhóm khác nhau đến cá nhân sẽ như thế nào, sự tác động đó sẽ quy định nội dung ý thức của cá nhân ra sao. Nhưng để thực hiện nhiệm vụ này cũng cần phải xem xét nhóm không chỉ đơn giản là một tập hợp mà như là một đơn vị hiện thực của xã hội, nhóm tham gia vào bối cảnh rộng lớn hơn của hoạt động xã hội, với tư cách là nhân tố hội nhập cơ bản và dấu hiệu cơ bản của nhóm xã hội. Sự tham gia chung của các thành viên nhóm trong hoạt động cùng nhau của nhóm quy định sự hình thành chỉnh thể tâm lý giữa họ và như vậy trong điều kiện đó nhóm thực sự trở thành hiện tượng tâm lý xã hội, tức là đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học xã hội. Từ đó có thể chỉ ra các dấu hiệu cơ bản của một nhóm xã hội: có hoạt động chung của nhiều người được quy định bởi các mục đích, nhiệm vụ, quan hệ (cộng đồng về lợi ích, nhu cầu, chuẩn mực xã hội., chính kiến…), ý thức của các thành viên và của nhóm về sự đồng nhất các dấu hiệu duy trì sự tồn tại và phát triển của nhóm.
Với cách lý giải đó “nhóm” có thể được định nghĩa như là “cộng đồng những cá nhân tác động qua lại vì mục đích đã được ý thức, cộng đồng như là chủ thể của hành động” (Sercôvin, 1975. 50).
Hay J.P.Chaplin: “Nhóm là sự tập hợp các cá nhân mà ở đó họ có một số đặc điểm chung hoặc cùng theo đuổi một số mục đích giống nhau”.
Hoặc “Nhóm là một tập hợp của hai hoặc nhiều người, giữa các thành viên có sự tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau về hành vi. Nhóm là một đơn vị tồn tại một cách có tổ chức, các thành viên nhóm có cùng chung những lợi ích và các mục đích” John.C. Bringham, R. Schlenker.
Nhóm xã hội là gì?
Như vậy, có nhiều khái niệm về nhóm, nhưng khái niệm sau đây là một khái niệm tương đối phổ quát cho các nhóm xã hội (bao gồm cả nhóm xã hội có quy mô lớn như dân tộc, giai cấp và cả các nhóm nhỏ như một nhóm học tập, kinh doanh): Nhóm xã hội là những cộng đồng người được hình thành trong quá trình phát triển lịch sự xã hội, giữ vị trí nhất định trong hệ thống các quan hệ xã hội, do đó chúng ổn định trong những thời kì phát triển lâu dài trong xã hội (dân tộc, nghề nghiệp, lứa tuổi…).
Phân loại nhóm
Trong lịch sử Tâm lý học xã hội đã có nhiều cố gắng xây dựng một cách phân loại nhóm, đưa ra các nguyên tắc khác nhau, trên cơ sở đó đã xây dựng các phân loại như: trình độ phát triển văn hóa, loại cấu trúc, nhiệm vụ và chức năng, kiểu tiếp xúc chủ yếu trong nhóm… Thường bổ sung thêm các cơ sở như thời gian tồn tại của nhóm, nguyên tắc hình thành nhóm, các nguyên tắc trở thành thành viên nhóm vào việc phân loại nhóm. Tất cả các phân loại đó đều có quyền tồn tại.
Tuy nhiên nét chung của chúng là chỉ xác định hình thức hoạt động sống của nhóm. Nếu thừa nhận nguyên tắc xem xét các nhóm xã hội hiện thực với tư cách là chủ thể của hoạt động xã hội thì ở đây đòi hỏi phải có nguyên tắc phân loại khác. Sự phân loại xã hội học về nhóm tương ứng với vị trí của chúng trong hệ thống các quan hệ xã hội cần phải là cơ sở. Nhưng trước khi đưa ra sự phân loại cần phải đưa vào hệ thống những cách sử dụng khái niệm nhóm đã được nói đến ở trên. Theo cách phân loại của Anđrêeva có thể có sơ đồ như sau:
Trước tiên đối với Tâm lý học xã hội, việc phân chia nhóm thành nhóm ước lệ và nhóm hiện thực là có ý nghĩa. Cách phân chia này tập trung việc nghiên cứu vào nhóm hiện thực. Nhưng trong số những nhóm hiện thực đó, tồn tại cả những nhóm có hình hài trong nghiên cứu tâm lý học đại cương – nhóm trong phòng thí nghiệm hiện thực. Khác với chúng là các nhóm tự nhiên hiện thực. Sự phân tích Tâm lý học xã hội có thể có tương ứng với hình thức này khác của nhóm hiện thực.
Tuy nhiên các nhóm tự nhiên hiện thực được tách ra trong các phân tích xã hội học có ý nghĩa lớn hơn. Đến lượt nó, các nhóm tự nhiên này lại được chia thành các “nhóm lớn” và “nhóm nhỏ”. Các nhóm nhỏ – trường sinh sống của Tâm lý học xã hội. Vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu nhóm lớn phức tạp hơn và đòi hỏi được xem xét riêng biệt.
Điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng nhóm lớn hiện diện trong Tâm lý học xã hội không giống nhau: một số nhóm lớn có được truyền thống nghiên cứu lâu dài (các nhóm lớn xuất hiện không có tổ chức, tự phát, bản thân thuật ngữ “nhóm” được dùng chỉ các nhóm này cũng mang tính tương đối), những nhóm khác – những nhóm tồn tại lâu dài và có tổ chức như giai cấp, dân tộc, ít hiện diện hơn trong tâm lý học với tư cách đối tượng nghiên cứu.
Xem thêm:
- Cấu trúc của nhóm xã hội
- Chuẩn mực nhóm là gì?
- Ảnh hưởng của nhóm đối với hành vi của cá nhân
- Quan hệ giao tiếp ở quy mô nhóm
Nguồn: Trần Quốc Thành, Tâm lý học xã hội