1. Các nguyên tắc của lý luận nhận thức duy vật biện chứng
Một là, thừa nhận thế giới vật chất tồn tại khách quan bên ngoài và độc lập với ý thức con người. Đây là nguyên tắc nền tảng của lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định, thế giới vật chất tồn tại khách quan, độc lập với ý thức, với cảm giác của con người và loài người nói chung, mặc dù người ta có thể chưa biết đến chúng. Trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, V.I.Lênin viết: “Chủ nghĩa duy vật nói chung thừa nhận rằng tồn tại thực tại khách quan (vật chất) là không phụ thuộc vào ý thức, cảm giác, kinh nghiệm, v.v., của loài người. Chủ nghĩa duy vật lịch sử thừa nhận rằng tồn tại xã hội không phụ thuộc vào ý thức xã hội của loài người. Trong hai trường hợp đó, ý thức chỉ là phản ánh của tồn tại, nhiều lắm cũng chỉ là một phản ánh gần đúng (ăn khớp, chính xác một cách lý tưởng)”.
Hai là, công nhận cảm giác, tri giác, ý thức nói chung là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, các cảm giác của chúng ta (và mọi tri thức) đều là sự phản ánh, đều là hình ảnh chủ quan của hiện thực khách quan: “Cảm giác là một hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”. Nhưng không phải sự phản ánh thụ động, cứng đờ của hiện thực khách quan giống như sự phản ánh vật lý của cái gương trong quan niệm của chủ nghĩa duy vật trước Mác. Đó chính là quan niệm trực quan của chủ nghĩa duy vật siêu hình, không đánh giá đúng mức vai trò tích cực của chủ thể, của nhân cách và hoạt động thực tiễn của con người trong phản ánh.
Ba là, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn để kiểm tra hình ảnh đúng, hình ảnh sai của cảm giác, ý thức nói chung. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra hình ảnh đúng, hình ảnh sai của cảm giác, ý thức nói chung; là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý. Tất nhiên, “… thực tiễn mà chúng ta dùng làm tiêu chuẩn trong lý luận về nhận thức, phải bao gồm cả thực tiễn của những sự quan sát, những sự phát hiện về thiên văn học…”. Do vậy, “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”.
2. Nguồn gốc, bản chất của nhận thức
Triết học Mác – Lênin thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới và cho rằng thế giới khách quan là đối tượng của nhận thức. Không phải ý thức của con người sản sinh ra thế giới mà thế giới vật chất tồn tại khách quan độc lập với ý thức con người là nguồn gốc “duy nhất và cuối cùng” của nhận thức. Triết học Mác – Lênin khẳng định khả năng nhận thức thế giới của con người. V.I.Lênin đã chỉ rõ chỉ có những cái mà con người chưa biết chứ không có cái gì không thể biết: “Dứt khoát là không có và không thể có bất kỳ sự khác nhau nào về nguyên tắc giữa hiện tượng và vật tự nó. Chỉ có sự khác nhau giữa cái đã được nhận thức và cái chưa được nhận thức”.
Triết học Mác – Lênin cho rằng nhận thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc người; là quá trình tạo thành tri thức về thế giới khách quan trong bộ óc con người: “Tri giác và biểu tượng của chúng ta là hình ảnh của các sự vật đó”; “Cảm giác của chúng ta, ý thức của chúng ta chỉ là hình ảnh của thế giới bên ngoài và dĩ nhiên là nếu không có cái bị phản ánh thì không thể có cái phản ánh, nhưng cái bị phản ánh tồn tại độc lập với cái phản ánh”. Điều này thể hiện quan niệm duy vật về nhận thức, chống lại quan niệm duy tâm về nhận thức. Nhận thức là một quá trình phức tạp, quá trình nảy sinh và giải quyết mâu thuẫn chứ không phải quá trình máy móc giản đơn, thụ động và nhất thời: “Nhận thức là sự tiến gần mãi mãi và vô tận của tư duy đến khách thể. Phản ánh của thế giới tự nhiên trong tư tưởng con người phải được hiểu không phải một cách “chết cứng”, “trừu tượng”, không phải không vận động, không mâu thuẫn, mà là trong quá trình vĩnh viễn của vận động, của sự nảy sinh mâu thuẫn và sự giải quyết những mâu thuẫn đó”.
Nhận thức là một quá trình biện chứng có vận động và phát triển, là quá trình đi từ chưa biết đến biết, từ biết ít tới biết nhiều hơn, từ biết chưa đầy đủ đến đầy đủ hơn. Đây là một quá trình, không phải nhận thức một lần là xong, mà có phát triển, có bổ sung và hoàn thiện: “Trong lý luận nhận thức, cũng như trong tất cả những lĩnh vực khác của khoa học, cần suy luận một cách biện chứng, nghĩa là đừng giả định rằng nhận thức của chúng ta là bất di bất dịch và có sẵn, mà phải phân tích xem sự hiểu biết nảy sinh ra từ sự không hiểu biết như thế nào, sự hiểu biết không đầy đủ và không chính xác trở thành đầy đủ hơn và chính xác hơn như thế nào”.
Trong quá trình nhận thức của con người luôn luôn nảy sinh quan hệ biện chứng giữa nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận; nhận thức thông thường và nhận thức khoa học. Nhận thức kinh nghiệm là nhận thức dựa trên sự quan sát trực tiếp các sự vật, hiện tượng hay các thí nghiệm thực nghiệm khoa học. Kết quả của nhận thức kinh nghiệm là những tri thức kinh nghiệm thông thường hoặc tri thức thực nghiệm khoa học. Tri thức kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng trong đời sống thường ngày của con người. Tuy nhiên, tri thức kinh nghiệm còn hạn chế vì nó mới đem lại sự hiểu biết về các mặt riêng lẻ, bề ngoài của sự vật và còn rời rạc. Tri thức kinh nghiệm chưa chỉ ra được tính tất yếu, mối quan hệ bản chất của các sự vật, hiện tượng. Do vậy, Ph.Ăngghen đã khảng định: “Sự quan sát dựa vào kinh nghiệm tự nó không bao giờ có thể chứng minh được đầy đủ tính tất yếu”. Nhận thức lý luận là nhận thức sự vật, hiện tượng một cách gián tiếp dựa trên các hình thức tư duy trừu tượng như khái niệm, phán đoán, suy luận để khái quát tính bản chất, quy luật, tính tất yếu của các sự vật, hiện tượng. Nhận thức thông thường là nhận thức được hình thành một cách tự phát, trực tiếp trong hoạt động hàng ngày và trong của con người. Nhận thức khoa học là nhận thức được hình thành chủ động, tự giác của chủ thể nhằm phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của đối tượng nghiên cứu.
Nhận thức là quá trình tác động biện chứng giữa chủ thể nhận thức và khách thể nhận thức trên cơ sở hoạt động thực tiễn của con người. Bản chất của nhận thức là quá trình phản ánh tích cực, sáng tạo thế giới vật chất khách quan bởi con người. Vì thế, chủ thể nhận thức chính là con người. Nhưng đó là con người hiện thực, đang sống, đang hoạt động thực tiễn và đang nhận thức trong những điều kiện lịch sử – xã hội cụ thể nhất định, tức là con người đó phải thuộc về một giai cấp, một dân tộc nhất định, có ý thức, lợi ích, nhu cầu, cá tính, tình cảm,v.v..Các yếu tố đó gián tiếp hay trực tiếp đều tham gia vào quá trình nhận thức của chủ thể. Con người là chủ thể nhận thức cũng bị giới hạn bởi điều kiện lịch sử có tính chất lịch sử – xã hội. Theo triết học Mác – Lênin, con người chỉ trở thành chủ thể nhận thức, khi con người đó là thành viên của xã hội, tham gia vào hoạt động của cộng đồng nhằm cải tạo khách thể. Vì thế, chủ thể nhận thức không chỉ là những cá nhân con người (với tư cách là thành viên của xã hội) mà còn là những tập đoàn người cụ thể, một dân tộc cụ thể, là loài người nói chung. Nếu chủ thể nhận thức trả lời câu hỏi: ai nhận thức, thì khách thể nhận thức trả lời câu hỏi: cái gì được nhận thức?
Theo triết học Mác – Lênin, khách thể nhận thức không đồng nhất với toàn bộ hiện thực khách quan mà chỉ là một bộ phận, một lĩnh vực của hiện thực khách quan, nằm trong miền hoạt động nhận thức và trở thành đối tượng nhận thức của chủ thể nhận thức. Vì thế, khách thể nhận thức không chỉ là thế giới vật chất mà có thể còn là tư duy, tâm lý, tư tưởng, tinh thần, tình cảm ,v.v.. Khách thể nhận thức cũng có tính lịch sử – xã hội, cũng bị chế ước bởi điều kiện lịch sử – xã hội cụ thể. Bởi lẽ, do điều kiện lịch sử – xã hội mà một bộ phận nào đó của hiện thực khách quan mới trở thành khách thể nhận thức. Khách thể nhận thức luôn luôn thay đổi trong lịch sử cùng với sự phát triển của hoạt động thực tiễn cũng như sự mở rộng năng lực nhận thức của con người. Khách thể nhận thức cũng không đồng nhất với đối tượng nhận thức. Đối tượng nhận thức là một khía cạnh, một phương diện, một mặt nào đó của hiện thực khách quan mà chủ thể nhận thức tập trung vào nghiên cứu, tìm hiểu. Như vậy, khách thể nhận thức rộng hơn đối tượng nhận thức.
Hoạt động thực tiễn của con người chính là là cơ sở của mối quan hệ giữa chủ thể nhận thức và khách thể nhận thức. Chính vì vậy, hoạt động thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý. Từ trên chúng ta có thể thấy, nhận thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan một cách tích cực, chủ động, sáng tạo bởi con người trên cơ sở thực tiễn mang tính lịch sử cụ thể.
Xem thêm: Thực tiễn là gì? Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức
3. Các giai đoạn cơ bản của quá trình nhận thức
Các nhà triết học dù thuộc trường phái nào đều thừa nhận quá trình nhận thức bao gồm nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Tuy nhiên, việc xác định vai trò, vị trí, mối quan hệ lẫn nhau giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính rất khác nhau. V.I.Lênin đã khái quát con đường biện chứng của quá trình nhận thức như sau: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”.
Trực quan sinh động và tư duy trừu tượng là hai giai đoạn nhận thức có những thuộc tính khác nhau, kế tiếp nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình nhận thức thống nhất của con người về thế giới. Thực tiễn ở đây vừa là cơ sở, động lực, mục đích của quá trình nhận thức, vừa là mắt khâu kiểm tra chân lý khách quan. Thực tiễn ở đây, vừa là yếu tố kết thúc một vòng khâu của sự nhận thức, vừa là điểm bắt đầu của vòng khâu mới của sự nhận thức. Cứ thế, sự nhận thức của con người là một quá trình không có điểm cuối.
Nhận thức cảm tính
Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, gắn liền với thực tiễn. Ở giai đoạn này, nhận thức của con người phản ánh trực tiếp khách thể thông qua các giác quan, được diễn ra dưới ba hình thức: cảm giác, tri giác và biểu tượng. Cảm giác là hình thức đầu tiên, giản đơn nhất của quá trình nhận thức ở giai đoạn cảm tính, được nảy sinh do sự tác động trực tiếp của khách thể lên các giác quan của con người, đưa lại cho con người những thông tin trực tiếp, giản đơn nhất về một thuộc tính riêng lẻ của sự vật. Cảm giác chính là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Thế giới khách quan là nguồn gốc, nội dung khách quan của cảm giác, do đó là nguồn gốc của mọi hiểu biết của con người.
Tri giác là một hình thức nhận thức của giai đoạn trực quan sinh động (nhận thức cảm tính). Tri giác là kết quả của sự tác động trực tiếp của sự vật đồng thời lên nhiều giác quan của con người. Do đó, có thể nói, tri giác là tổng hợp của nhiều cảm giác. Vì vậy, tri giác cho ta hình ảnh về sự vật trọn vẹn hơn cảm giác. Nhưng tri giác vẫn là hình ảnh trực tiếp, cảm tính về sự vật. Từ tri giác, nhận thức chuyển lên hình thức cao hơn là biểu tượng.
Biểu tượng là hình thức cao nhất và phức tạp nhất của nhận thức cảm tính. Khác với cảm giác và tri giác, biểu tượng là hình ảnh sự vật được tái hiện trong óc nhờ trí nhớ, khi sự vật không trực tiếp tác động vào giác quan của con người. Nhưng biểu tượng vẫn giống tri giác ở chỗ, nó vẫn là hình ảnh cảm tính về sự vật, mặc dù tương đối hoàn chỉnh. Cho nên, biểu tượng chưa phải là hình thức của nhận thức lý tính. Nó như là khâu trung gian chuyển từ nhận thức cảm tính lên nhận thức lý tính.
Như vậy là, ở giai đoạn nhận thức cảm tính, nhận thức chưa đem lại những hiểu biết sâu sắc, khái quát trong tính chỉnh thể về sự vật. Nhận thức cảm tính chưa phân biệt được cái riêng và cái chung, bản chất và hiện tượng, nguyên nhân và kết quả, v.v..của sự vật. Để hiểu được bản chất sự vật sâu sắc hơn, hoàn chỉnh hơn, nhận thức phải chuyển lên hình thức cao hơn là nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng).
Nhận thức lý tính
Bắt nguồn từ trực quan sinh động, thông qua tư duy trừu tượng, con người phản ánh sự vật một cách gián tiếp, khái quát hơn, đầy đủ hơn dưới các hình thức: Khái niệm, phán đoán và suy lý.
Khái niệm là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng, phản ánh khái quát, gián tiếp một, hoặc một số thuộc tính chung có tính bản chất nào đó của một nhóm sự vật, hiện tượng được biểu thị bằng một từ hay một cụm từ. Chẳng hạn: Thủ đô, Tổ quốc, Dân tộc, v.v.. Khái niệm được hình thành trên cơ sở hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức của con người. Nó là kết quả của sự tổng hợp, khái quát biện chứng những tài liệu thu nhận được trong hoạt động thực tiễn. Do đó, khái niệm “là chủ quan trong tính trừu tượng của chúng, trong sự tách rời của chúng, nhưng là khách quan trong chỉnh thể, trong quá trình, trong kết cuộc, trong khuynh hướng, trong nguồn gốc”.
Hoạt động thực tiễn của con người ngày càng đa dạng, phong phú và luôn luôn vận động, phát triển, vì vậy, khái niệm để phản ánh đúng thực tiễn cũng phải luôn phát triển, biến đổi cho phù hợp. Mỗi khái niệm đều nằm trong mối liên hệ với các khái niệm khác và tham gia vào quá trình nhận thức tiếp theo của con người: “những khái niệm của con người không bất động, mà luôn luôn vận động, chuyển hoá từ cái nọ sang cái kia; không như vậy, chúng không phản ánh đời sống sinh động”.
Phán đoán là hình thức liên hệ các khái niệm, phản ánh mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng của thế giới trong ý thức con người. Phán đoán là một hình thức của tư duy trừu tượng, bằng cách liên kết các khái niệm lại để khẳng định hay phủ định một thuộc tính hay một mối liên hệ nào đó của sự vật. Phán đoán được biểu hiện dưới hình thức ngôn ngữ thành một mệnh đề, bao gồm lượng từ, chủ từ, hệ từ và vị từ. Trong đó, hệ từ đóng vai trò quan trọng nhất vì nó biểu thị mối quan hệ của sự vật được phản ánh. Ví dụ: Một số sinh viên là người Hà Nội. “Một số” là lượng từ (đối lập với nó là lượng từ “Tất cả”, “Sinh viên” là chủ từ; “là” (đối lập với nó “không là) – ở đây là hệ từ – đặc trưng cho phán đoán về mặt chất, “người Hà Nội” là vị từ. Căn cứ vào lượng và chất của phán đoán đơn như ở phân chia ở trên, logic học hình thức nghiên cứu bốn kiểu phán đoán đơn cơ bản. Song, dựa vào nội dung và mức độ phổ quát của tri thức về đối tượng logic biện chứng phân chia phán đoán thành ba loại cơ bản là: phán đoán đơn nhất, phán đoán đặc thù và phán đoán phổ biến.
Suy lý (suy luận và chứng minh) là những hình thức của tư duy trừu tượng, trong đó các phán đoán đã liên kết với nhau theo quy tắc: phán đoán cuối cùng (kết luận) được suy ra từ những phán đoán đã biết làm tiền đề. Có hai loại suy luận chính: quy nạp và diễn dịch. Quy nạp là loại hình suy luận trong đó từ tiền đề là những tri thức về riêng từng đối tượng người ta khái quát thành tri thức chung cho cả lớp đối tượng, tức là tư duy vận động từ cái đơn nhất đến cái chung, cái phổ biến. Diễn dịch là loại hình suy luận trong đó từ tiền đề là tri thức chung về cả lớp đối tượng người ta rút ra kết luận là tri thức về riêng từng đối tượng hay bộ phận đối tượng, tức là tư duy vận động từ cái chung đến cái ít chung hơn, đến cái đơn nhất (cái riêng). Trong quá trình nhận thức của con người, hai loại suy luận này có liên hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau. Suy lý là phương thức quan trọng để tư duy của con người đi từ cái đã biết đến cái chưa biết một cách gián tiếp, rút ngắn thời gian trong việc phát hiện tri thức mới. Tính chân thực của tri thức thu nhận được nhờ suy lý, phụ thuộc vào tính chân thực của các phán đoán tiền đề và sự tuân thủ chặt chẽ, đúng đắn các quy tắc lôgíc của chủ thể suy lý.
Như vậy, nhận thức lý tính khác với nhận thức cảm tính ở chỗ, nó đã phản ánh, khái quát, trừu tượng, gián tiếp sự vật, hiện tượng trong tính tất yếu, chỉnh thể toàn diện. Vì vậy, nhận thức lý tính có thể phản ảnh được mối liên hệ bản chất, tất nhiên, bên trong của sự vật, phản ánh sự vật, hiện tượng sâu sắc hơn nhận thức cảm tính. Đồng thời nó luôn hàm chứa nguy cơ xa rời hiện thực. Do đó, nhận thức lý tính phải được gắn liền với thực tiễn và được kiểm tra bởi thực tiễn. Đây cũng là thực chất bước chuyển từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn.
Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai giai đoạn khác nhau về chất nhưng lại thống nhất với nhau, liên hệ, bổ sung cho nhau trong quá trình nhận thức của con người. Nhận thức cảm tính là cơ sở cho nhận thức lý tính, không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lý tính. Ngược lại, nhờ có nhận thức lý tính mà con người mới đi sâu nhận thức được bản chất của sự vật, hiện tượng. Trong thực tiễn, cần tránh cường điệu, tuyệt đối hoá vai trò của nhận thức cảm tính, hạ thấp và phủ nhận vai trò của nhận thức lý tính. Như vậy sẽ rơi vào chủ nghĩa duy cảm. Đồng thời, cần phải tránh cường điệu thái quá vai trò của nhận thức lý tính, của trí tuệ dẫn đến hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của nhận thức cảm tính, của cảm giác rơi vào chủ nghĩa duy lý cực đoan.
Sự thống nhất giữa trực quan sinh động, tư duy trừu tượng và thực tiễn.
Một vòng khâu của quá trình nhận thức được bắt đầu từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Trong đó, thực tiễn vừa là cơ sở, vừa là khâu kết thúc và đồng thời có vai trò kiểm tra tính chân thực các kết quả nhận thức. Quá trình nhận thức thông qua các vòng khâu nhận thức này để ngày càng tiến sâu hơn vào bản chất của các sự vật, hiện tượng. Kết thúc vòng khâu này cũng đồng thời là sự bắt đầu của một vòng khâu mới của sự nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Cứ thế, nhận thức của con người là vô tận. Mỗi nấc thang mà con người đạt được trong quá trình nhận thức, đều là kết quả của cả nhận thức cảm tính và cả nhận thức lý tính, được thực hiện trên cơ sở của hoạt động thực tiễn.
Vòng khâu của nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, được lặp đi lặp lại nhưng sâu hơn về bản chất. Đó cũng chính là quá trình giải quyết những mâu thuẫn không ngừng nảy sinh trong nhận thức. Đó là mâu thuẫn giữa chưa biết và biết, giữa biết ít và biết nhiều, giữa chân lý và sai lầm, v.v..Cứ mỗi khi mâu thuẫn được giải quyết, thì nhận thức của con người lại tiến gần tới chân lý hơn.
(Nguồn tài liệu: GS.TS. Phạm Văn Đức, Giáo trình Triết học Mác Lenin, 2019)