Vấn đề tương quan giữa đạo đức và tôn giáo cũng là vấn đề tương quan giữa tư duy đạo đức và tư duy tôn giáo. Ở đây chúng ta giới hạn sự xem xét ở vấn đề : phải chăng những nguyên tắc căn bản của tôn giáo là một học thuyết đạo đức? Tôn giáo và đạo đức đều đề cập đến vấn đề hạnh phúc, nghĩa vụ, lương tâm, số phận con người…Tôn giáo và đạo đức đều hướng con người tới lý tưởng sống thiện, nhân đạo…Đó là những nhu cầu đạo đức của nhân loại được phản ánh ít nhiều trong các giáo lý tôn giáo. Nhưng về nguyên tắc giáo lý tôn giáo không phải là một học thuyết đạo đức. Nghiên cứu những nguyên tắc căn bản của tôn giáo chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
Nguyên tắc căn bản của tôn giáo
a/ Nền tảng của mọi tôn giáo là lòng tin ở cuộc sống sau khi chết. Tôn giáo là con đường cứu rỗi linh hồn con người khỏi sự đau khổ. Nếu sự cứu vớt và sự giải thoát không thực hiện được trên cỏi đời này thì những sự việc ấy sẽ được thực hiện sau khi chết.
b/ Lý tưởng của bất cứ tôn giáo nào cũng đều đặt trên cơ sở khước từ cuộc sống hiện thực trên trần gian và hướng vào cuộc sống hư ảo. Các tôn giáo đều bắt nguồn từ giả định về tội lỗi , về sự phụ thuộc của con người trước đấng tối cao. Với quan điểm này tôn giáo đã hạ thấp giá trị của con người.
c/ Một nguyên tắc quan trọng khác của tôn giáo là con người phải biết chịu đựng đau khổ, phải giữ được mình, không lao vào sự hưởng lạc thì mới sớm rứt bỏ được sự trói buộc của cuộc sống ở trần thế.
Nguyên tắc cơ bản của tôn giáo không phải là một học thuyết đạo đức
a/ Nguyên tắc cơ bản của tôn giáo đi ngược lại xu hướng phát triển khách quan của xã hội loài người. Bởi vì con người thường không cam chịu đau khổ, con người luôn vươn tới thịnh vượng và tự do.
b/ Bản thân nguyên tắc hướng thiện của tôn giáo xét cho cùng không phải là giá trị riêng của tôn giáo mà thực chất đó là giá trị đạo đức chung của nhân loại được chắc lọc qua nhiều thế hệ và được tôn giáo kế thừa. Mặt khác tôn giáo đã quan niệm cái thiện, cái ác là ý chí của đấng tối cao.
c/ Rõ ràng tôn giáo ra đời và tồn tại có cơ sở của nó, trong đó có nguyên nhân xã hội. Tất nhiên, những lời khuyên dạy , những điều răn mang tính đạo đức chung chung của tôn giáo có tác dụng tích cực trong việc giáo dục, rèn luyện đức tính tốt ở con người đáng được chúng ta trân trọng. Hơn thế nữa, trong xu thế đổi mới, ngày nay tôn giáo đã chú ý nhiều hơn đến “việc đời” và muốn bằng hành động tu nhân, tích đức trong đời sống ở trần thế để tỏ lòng ngưỡng mộ và sùng đạo. Do vậy để đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, Đảng ta thừa nhận tôn giáo là nhu cầu tinh thần của bộ phận nhân dân có đạo và đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với xã hội mới. Nhưng không vì thế mà nhất thiết phải cần tôn giáo để xác lập những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức. Khi nào nhân loại tự do có đủ năng lực chinh phục tự nhiên và tạo ra được hạnh phúc trong cuộc sống trần gian này thì con người sẽ không quan tâm đến những ảo tưởng về sự giải thoát ở thế giới bên kia nữa. Thay thế hoàn toàn cho lòng tin vào thượng đế và cuộc sống sau khi chết sẽ là lòng tin lạc quan vào sức mạnh rất thực của nhân loại ở trần gian.
d/ Đạo đức xã hội chủ nghĩa đề cao hạnh phúc đích thực, hạnh phúc chân chính của con người, là sự thừa nhận những giá trị cao quý của con người. Đạo đức xã hội chủ nghĩa khuyên và tạo điều kiện để con người thông qua lao động sáng tạo của mình xây dựng một xã hội mà ở đó con người sống trong mối quan hệ công bằng và hạnh phúc. Vì vậy những lí tưởng đạo đức xã hội chủ nghĩa hoàn toàn khác biệt với ảo tưởng tôn giáo.