Mật độ dân số là chỉ số xác định mức độ tập trung của số dân sinh sống trên một lãnh thổ và được tính bằng tương quan giữa số dân trên một đơn vị diện tích ứng với số dân đó.
Công thức tính như sau:
D = P / S (người/km2)
Trong đó:
- D: mật độ dân số
- P: là tổng số dân sinh sống trên vùng lãnh thổ.
- S: là diện tích vùng lãnh thổ tính theo km2 .
Trong mọi trường hợp mật độ dân số càng lớn mức độ tập trung dân cư càng cao và ngược lại.
Mật độ dân số Việt Nam và các khu vực:
Tính đến ngày 06/09/2021, theo danso.org:
- Mật độ dân số của Việt Nam là 317 người/km2 với tổng số dân là 98.313.340 và diện tích lãnh thổ là 310.060 km2
- Mật độ dân số của Đông Nam Á là 156 người/km2
- Mật độ dân số của Trung Quốc là 154 người/km2
- Mật độ dân số của Hoa Kỳ là 36 người/km2
- Mật độ dân số của Nhật Bản là 346 người/km2.
Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.
Tỷ trọng dân số từng vùng: là tỷ lệ phần trăm dân số ở một vùng so với toàn bộ dân số của một lãnh thổ, ví dụ như: tỷ lệ dân số thành thị và dân số nông thôn, tỷ lệ dân số ở từng châu lục.
Dân số nước ta đông, nhưng phân bố không đồng đều giữa các vùng trong nước. Đồng bằng mật độ dân số quá cao, số người tăng thêm hàng năm khá lớn, nhưng khả năng mở rộng sản xuất lại có hạn. Trong khi đó miền núi đất đai khá rộng, có ưu thế phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi, nghề rừng, nhưng mật độ dân cư lại thưa thớt, thiếu lao động. Chẳng hạn, đến năm 1989 Tây Nguyên chiếm 17% diện tích nhưng chỉ chiếm 2,8% dân số, trong khi đó đồng bằng Sông Hồng chỉ chiếm có 5,2% diện tích nhưng chiếm 21,1% dân số.