Trang chủ Xã hội học Lý thuyết tương tác biểu trưng (Symbolic Interactionism)

Lý thuyết tương tác biểu trưng (Symbolic Interactionism)

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,K views

Một nhóm ba học giả, John Dewey, George H. Mead và Charles H Cooley, đã xây dựng những nền móng của môn tâm lý xã hội. Tâm lý xã hội nghiên cứu các vấn đề như đám đông, nhóm, tập thể, vị trí tâm lý của con người trong tập thể, độ kết dính của một tập thể, các hình thức ảnh hưởng lẫn nhau giữa con người trong tập thể…

Theo tâm lý xã hội học, một cơ sở quan trọng của xã hội học, thì cái tôi về cơ bản là sự nhập tâm các khía cạnh của một quá trình giữa cá nhân, hay quá trình xã hội. Cái tôi có chức năng là chỉ dẫn trong ứng xử xã hội-tức là con người ta có xu hướng hành động để giữ gìn hình ảnh hiện hữu hoặc đáng mong muốn về bản thân họ trong cộng đồng

Theo lý thuyết này, đặc tính cá nhân được hình thành thông qua sự tương tác của cá nhân với các cá nhân khác và các nhóm khác. Trong tương tác, mỗi người hiểu biết “ta là ai” và “ta phải làm gì” thông qua những phản ứng của người khác đối với các hành động của ta. H Cooley đã đưa ra khái niệm “cái tôi phản chiếu” (looking-glass self) để nói rằng cái tôi chính là sản phẩm của sự tương tác. Cái tôi phụ thuộc vào những phản ứng cảm nhận của người khác,  hay nói theo lời của Charles Cooley “mối người với nhau là một tấm gương phản chiếu. Người này phản ánh người kia qua đó” (Bùi Thế Cường, Đặng Thị Việt Phương, Trịnh Huy Hóa (dịch), 2010) . Sự tương tác để lại các biểu tượng tượng trưng cho các giá trị xã hội. Sự tương tác-biểu trưng là sự tương tác giữa người và người thông qua các biểu tượng tượng trưng cho các giá trị xã hội.

Lý thuyết tương tác biểu trưng gây sự chú ý về việc làm thế nào cuộc sống xã hội được “xây dựng” thông qua các hoạt động trần tục của giao tiếp xã hội. Ví dụ, trong tất cả các lựa chọn mà sinh viên đã đưa ra-sự gia nhập các nhóm bạn, việc học các quy tắc không chính thức của trường, những thách thức của họ và phá vỡ các quy tắc đó-trật tự xã hội của xã hội sinh viên, hay “văn hóa đại học- college culture” thật sự được “xây dựng” nên. Guffman đã nghiên cứu các quá trình này. Ông ứng dụng quan điểm tương tác biểu trưng để nghiên cứu các tương tác hàng ngày như nghi thức chào hỏi khi gặp nhau và chia tay, cuộc sống hàng ngày ở bệnh viện tâm thần, sòng bạc và cho đến các hành vi ở nơi công cộng, đường phố. Nghiên cứu của ông tìm hiểu cách con người ứng xử trong các tình huống xã hội và những cách thể hiện của họ được những người khác đánh giá như thế nào.

Sức mạnh của lý thuyết này nằm ở chỗ khả năng của nó trong việc tạo ra các lý thuyết về việc làm thế nào con người học cách đóng vai những vai trò cụ thể và làm thế nào những vai trò này được sử dụng trong các nhóm xã hội và tổ chức xã hội.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]