Trang chủ Lịch sử Lịch sử Mỹ La Tinh cận đại (Thế kỷ 18-20)

Lịch sử Mỹ La Tinh cận đại (Thế kỷ 18-20)

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 558 views

I – Mỹ La Tinh đầu thời kỳ cận đại

1. Mỹ la tinh – thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha

Mỹ la-tinh là một bộ phận lãnh thổ rộng lớn của châu Mỹ, dài hơn 12,000 km, suốt từ Mêhicô đến tận phía nam châu Mỹ la-tinh nằm giữa hai đại dương là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Mỹ la-tinh gồm toàn bộ Trung Mỹ, Nam Mỹ và những hòn đảo lớn nhỏ ở vùng biển Caribê, diện tích khoảng 21 triệu km2.

Mỹ la-tinh là một lãnh thổ được thiên nhiên hậu đãi, rất phì nhiêu, cây cối tươi tốt, tài nguyên vô cùng phong phú. Rừng rậm ở đây có tới 4.000 loại cây khác nhau, trong đó có nhiều loại gỗ quý như gụ, trắc, cây “catêrô”, cây “campanô” v.v… Hầu hết sản phẩm của Mỹ la-tinh như càphê, cacao, mía, chuối, lúa mì, ngô, bông. v.v… đều được tiêu thụ trên thị trường thế giới. Mỹ la-tinh có những đồng cỏ bạt ngàn rất thuận tiện cho việc chăn nuôi và những vùng ruộng đất màu mỡ.

Ngoài những nguồn lợi nông nghiệp phong phú nói trên, còn có rất nhiều khoáng sản cần thiết cho đời sống và cho một nền công nghiệp phát triển cao, tập trung rất nhiều kim loại quý như vàng, bạc, kim cương, bạch kim. Hầu hết các nước Mỹ la-tinh đều có dầu lửa. Các mỏ đồng, kẽm, sắt, thiếc, mănggane, bốcxít, nitơrát, vônphơram ở Mỹ la-tinh cũng dồi dào và dễ khai thác. Gần đây, người ta còn phát hiện thấy ở Mỹ la-tinh một nguyên liệu quý là uranium với trữ lượng khá lớn.

Mỹ la-tinh có 207 triệu người, gồm nhiều chủng tộc khác nhau, nhưng chủ yếu là 3 giống người: người da đỏ cư trú lâu đời ở địa phương; người da trắng từ châu Âu di cư sang; người da đen từ châu Phi bị bán sang châu Mỹ làm nô lệ. Ngoài ra, còn có thêm một số ít người từ châu Á tới. Cuộc sống lâu dài bên nhau đã tạo nên những giống người lai mới trên các quốc gia đang hình thành.

Do ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân châu Âu kéo dài hàng mấy thế kỷ, hầu hết các dân tộc Mỹ la-tinh hiện nay đều nói tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha (ở Braxin) và một số ít nói tiếng Pháp (ở Haiti và vài đảo nhỏ trong vùng biển Caribê). Tiếng Anh và Hà Lan cũng được dùng ở một số khu vực như Guyana và một vài hòn đảo nhỏ, nhưng không phổ biến. Nhìn chung, tiếng nói của cả khối hơn 200 triệu người ở khu vực này đều nằm trong hệ ngôn ngữ la tinh và cũng vì lẽ đó, lãnh thổ rộng lớn này đã mang tên chung là Mỹ la-tinh.

Một số dân tộc ở Mỹ la-tinh trước kia đã đạt được trình độ văn hóa cao về các môn toán học, thiên văn học, y học, nghệ thuật. Trước khi Mỹ la-tinh bị thực dân châu Âu chinh phục, người Adơtêc đã thành lập quốc gia ở khu vực Mêhicô và xây dựng được thành phố Mêhicô là một trong những thành phố lớn nhất thế giới hồi bấy giờ. Từ thế kỷ thứ X, người Inca đã thành lập vương quốc trên một dải đất từ Côlômbia tới Chile. Hiện nay tại Mêhicô, Pêru, Côlômbia, Bolivia vẫn còn sót lại những di tích của một số thành cổ, đền đài và lối kiến trúc quy mô, có những nét điêu khắc độc đáo. Giữa biên giới Pêru và Bolivia có nhiều di tích của những công trình kiến trúc cổ xưa bằng đá rất đồ sộ. Những kim tự tháp do người Adơtêc xây dựng từ mấy nghìn năm trước, có quy mô to lớn hơn cả những kim tự tháp nổi tiếng ở Ai Cập.

Trong quá trình xâm lược, thực dân châu Âu đã gây ra nhiều tội ác dã man tàn khốc. Chỉ mấy năm đầu dưới ách thống trị cực kỳ dã man của Tây Ban Nha, hơn một triệu người thổ dân trên quần đảo Ăngti ở vùng biển Caribê bị tiêu diệt gần hết. Khi tiến đánh Mêhicô, thực dân Tây Ban Nha đã thẳng tay phá trụi tất cả những công trình văn hóa cổ xưa và tiêu diệt gần hết số dân trong thành Mêhicô.

Vào đầu thế kỷ XIX, đa số các nước Mỹ la-tinh đều là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sau khi đánh chiếm xong lục địa Mỹ la-tinh, Tây Ban Nha liền chia khu vực chiếm đóng của chúng thành 4 vùng, gọi là 4 phó vương quốc gồm Tân Tâybannha (Mêhicô và một phần Trung Mỹ), Tân Grenada (Côlôngbi, Panama. Vênêxuêla và Êquađo), Pêru (ngày nay là Pêru và Chilê) và LaPlata (ngày nay là Áchentina, Uruguay, Paraguay và Bolivia). Ngoài ra Tây Ban Nha còn chiếm các đảo Cuba, Poóctô Ricô và một phần Xantô Đômingô. Đất đai thuộc địa của Bồ Đào Nha có Braxin, hồi đó chiếm gần một nửa lãnh thổ Nam Mỹ.

2. Chế độ kinh tế-xã hội

Tuyệt đại đa số dân cư Mỹ la-tinh làm nghề nông. Phần lớn đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà vua Tây Ban Nha, của địa chủ và giáo hội. Những kẻ cầm đầụ giáo hội là những tên địa chủ lớn nhất, chiếm 1/3 số đất đai. Giáo hội ở Tân Tây Ban Nha đã dùng một nửa diện tích đất đai của họ để lập đồn điền, hầm mỏ; tiến hành những hoạt động tài chính và cho vay nặng lãi. Phần lớn người dân Anhđiêng làm tá điền hoặc nô lệ từ đời cha đến đời con cháu. Một bộ phận các bộ lạc Anhđiêng sống trong rừng núi vẫn giữ chế độ công xã thị tộc. Trong một số vùng như Braxin, La Plata, Tân Granada cũng có nông dân tự do, nhưng số người này chủ yếu làm nghề chăn nuôi.

Bọn thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn duy trì và tăng cường các quan hệ phong kiến cũ. Để thực hiện mục đích bóc lột, chúng áp dụng ở đây một chế độ gọi là “tô lao dịch( encomienda), kéo dài hơn 200 năm, từ 1503-1720. Dưới chế độ này, những người nông nô hàng năm phải làm việc không công cho bọn chúa đất từ 200 đến 300 ngày. Từ năm 1720 trở đi, chúng thay thế chế độ “tô lao dịch” bằng chế độ “đồn điền lớn” ( latifundio) Người nông nô làm việc trong các đồn điền, được phép lấy công trừ nợ, khi nào sạch nợ sẽ được giải phóng. Nhưng thực tế, những người nông nô vẫn bị cột chặt vào mảnh đất của bọn đại địa chủ, không bao giờ có thể trả hết nợ. Trong các hầm mỏ, đồn điền, các công trình giao thông, xây dựng và trong việc khai thác kim loại quý, bọn thực dân Tây Ban Nha cũng như Bồ Đào Nha thiết lập chế độ lao dịch cưỡng bức để ép buộc người Anhđiêng và người da đen làm việc. Ngay từ khi bọn thực dân bình định xong khu vực Mỹ la-tinh, chúng đã đưa rất nhiều nô lệ da đen tối và chỉ trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX bọn lái buôn nô lệ da đen đã liên tục chuyển hơn 60 triệu người dân cùng khổ từ châu Phi đến châu Mỹ. Họ bị xô đẩy ngay vào những công việc khổ sai cực kỳ nặng nhọc, bị chà đạp dưới báng súng và roi vọt của những tên lính gác, bọn chủ mỏ và chủ đồn điền, bị giày vò vì đói rét, bệnh tật và những tai nạn lao động. Họ cũng như người dân Anhđiêng phải làm việc khổ sai không công hoặc may ra chỉ được trả một số tiền công rất ít ỏi. Tính ra cứ 5 người đi làm trong các hầm mỏ, chỉ may ra còn 1 người sống sót trở về. Bọn thực dân một mặt vơ vét kim loại quý, một mặt đua nhau lập đồn điền. Những tên thực dân cai trị chính là những chủ đồn điền và chủ mỏ lớn nhất, nắm trong tay hàng chục vạn nô lệ.

Chủ nghĩa thực dân thiết lập ở các thuộc địa Mỹ la-tinh chế độ thống trị rất phản động. Chúng chia thành nhiều khu vực và đặt mỗi vùng 1 tên toàn quyền. Bên cạnh viên toàn quyền là bộ máy đàn áp, bóc lột khổng lồ bao gồm quân đội, cảnh sát, bọn chủ mỏ và chủ đồn điền. Nhân dân ở đây không biết đến quyền chính trị, tình trạng bất bình đẳng về chủng tộc rất phổ biến. Mọi quyền về hành chính, quân sự, tư pháp, giáo hội v.v… đều tập trung vào tay những người sinh ra ở chính quốc. Ngay cả những người Tây Ban Nha sinh trưởng ở thuộc địa, thường gọi là người Criôlô cũng bị phân biệt đối xử và thực ra trong công việc cai trị, họ cũng bị gạt ra ngoài. Nhà thờ công giáo là một công cụ để nô dịch các dân tộc Mỹ latinh. Nó cản trở việc du nhập và phổ biến sách báo tiến bộ, đàn áp bất cứ tư tưởng tự do nào và trấn áp các khuynh hướng tiến bộ.

Lịch sử phát triển của Mỹ la-tinh là cả một quá trình đấu tranh anh dũng, lâu dài chống chủ nghĩa thực dân.

II – Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XIX

1. Mâu thuẫn xã hội và bước đầu của phong trào đấu tranh

Các thuộc địa ở Mỹ la-tinh là một nguồn thu lợi nhuận vô tận của nhà vua và quý tộc Tây Ban Nha. Tầng lớp trên của thương gia Tây Ban Nha cũng thu được những món lãi kếch sù trong việc buôn bán với các thuộc địa. Để giữ độc quyền, Chính phủ Tây Ban Nha cấm người ngoại quốc không được buôn bán với các thuộc địa và không được vào thuộc địa. Ngay ở Tây Ban Nha, tầng lớp đại thương gia cũng giữ độc quyền ngoại thương. Chỉ một số ít thương gia được bán hàng ở một số hải cảng nhất định trong vùng châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha.

Chế độ cai trị của Tây Ban Nha ở Mỹ la-tinh đã kìm hãm sự phát triển kinh tế và chính trị của các thuộc địa. Các hàng rào thuế quan được dựng lên và ngay trong thuộc địa cũng có những sự cấm đoán cản trở việc buôn bán. Vì sợ bị cạnh tranh và muốn duy trì lợi nhuận ngày càng nhiều, chúng cấm các thuộc địa không được sản xuất những hàng hóa thiết yếu nhất và cấm cả việc trồng những hoa màu thường nhập từ Tây Ban Nha như ô liu, nho, v.v… Nhưng trong sự cấm đoán và hạn chế đó, các địa chủ Criôlô và giai cấp tư sản dân tộc mới hình thành, chủ yếu là tư sản thương nghiệp, cũng được hưởng một số quyền lợi nhất định trong việc xuất khẩu các sản phẩm thuộc địa như bông, đường, cà phê, ca cao… và được nhập một số hàng hóa công nghiệp. Song điều đó không thể làm cho các địa chủ và tư sản địa phương thỏa mãn, bởi vì ngay chính kinh tế Tây Ban Nha cũng lạc hậu không thể mua hết sản phẩm của các thuộc địa, mặt khác lại không thể cung cấp nổi cho thuộc địa những hàng hóa công nghiệp, trong khi việc buôn bán với các nước khác bị cấm. Chế độ độc quyền, hàng rào thuế quan, thuế má và những biện pháp tàn bạo đã ngăn cản tư sản địa phương kinh doanh về đủ mọi phương diện. Việc thủ tiêu chế độ thuộc địa trở thành một yêu cầu lịch sử.

Mọi tầng lớp nhân dân đều mong muốn thoát khỏi sự thống trị của Tây Ban Nha. Xu hướng đó dẫn đến phong trào giải phóng dân tộc, đôi khi nổ ra những cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền thực dân. Các tầng lớp hữu sản trong các thuộc địa, trừ những người sinh trưởng ở chính quốc vốn là tầng lớp trên có đặc quyền, đều tỏ ra bất mãn với ách thống trị Tây Ban Nha.

Vào khoảng 25 năm cuối thế kỷ XVIII, trong các thuộc địa Tây Ban Nha đã nổ ra những cuộc khởi nghĩa lớn của nhân dân.

Năm 1780 người Anhđiêng ở Pêru nổi dậy khởi nghĩa, kéo dài 2 năm. Họ tuyên bố sẽ phục hồi quốc gia của người Inca. Quân đội Tây Ban Nha phải vất vả lắm mới đánh tan được nghĩa quân và dìm gần 8 vạn người trong biển máu.

Năm 1781 ở Tân Granađa nổ ra cuộc khởi nghĩa nhân việc chống tăng thuế. Quân khởi nghĩa tiến đến gần thủ đô Bôgôta. Chính quyền địa phương phải vội vàng tuyên bố giảm thuế. Nhưng cuối cùng nghĩa quân vẫn bị quân đội Tây Ban Nha đánh bại.

Năm 1797 lại nổ ra một cuộc khởi nghĩa ở thành phố Kô rô thuộc Vênêxuêla, nhưng cũng bị trấn áp tàn nhẫn.

Một trong những người xuất sắc đấu tranh cho nền độc lập của các thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ la-tinh cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX là Frăngxixcô đô Miranđa quê ở Vênêxuêla. Ông đã tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và đã chiến đấu trong hàng ngũ quân đội cách mạng Pháp. Ông hy vọng vào sự giúp đỡ của nhóm Girôngđanh ở Pháp, đồng thời ông liên hệ chặt chẽ với chính phủ Anh. Từ nước ngoài, ông tìm cách tổ chức khởi nghĩa ở Vênêxuêla, đổ bộ vào bờ biển tiến hành đấu tranh, nhưng việc không thành.

Có ảnh hưởng lớn đối với các thuộc địa Tây Ban Nha là cuộc chiến tranh giải phóng ở Bắc Mỹ. Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 và hiến pháp của Hiệp chúng quốc Mỹ đã trở thành ngọn cờ đấu tranh đối với những người yêu nước ở Mỹ la-tinh. Họ cũng hấp thụ một cách say sưa tư tưởng của cuộc cách mạng Pháp 1789-1794. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền được dịch ra, xuất bản ở Côlôngbia và Áchentina. Bản “Công ước xã hội” của J.Ruxô cũng được phổ biến rộng rãi. Điều khoản về việc xóa bỏ chế độ nô lệ trong các thuộc địa Pháp dưới thời chính quyền Giacôbanh có tiếng vang rất lớn.

Ở quần đảo Ăngti và đặc biệt là ở XanĐômingô thuộc Pháp, những thủ lĩnh xuất thân từ nô lệ da đen đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1789. Bọn chủ đồn điền Pháp phải cầu cứu quân Tây Ban Nha đến đàn áp. Sau đó, quân Anh đến chiếm lấy đảo, định dập tắt cuộc khởi nghĩa.

Chỉ 4 năm sau, ở Haiti lại bùng nổ cuộc đấu tranh mãnh liệt của người da đen dưới sự lãnh đạo của một người nô lệ là Tutxanh Luvectuya. Ông buộc quân Anh phải rút khỏi đảo, tuyên bố thành lập nước Cộng hòa, củng cố trật tự trị an, tổ chức lại việc khai thác đồn điền, xóa bỏ chế độ nô lệ và ban hành quyền bình đẳng giữa người da đen với người da trắng. Năm 1803, cuộc đấu tranh giành được thắng lợi rực rỡ và Haiti trở thành nước Cộng hòa da đen đầu tiên ở Mỹ la-tinh.

Nhưng sau đó, quân Pháp trở lại đàn áp cuộc khởi nghĩa, bắt giữ T.Luvectuya, phục hồi chế độ nô lệ và lập lại nền thống trị thực dân. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa Haiti đã có tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở Mỹ la-tinh.

Vào cuối thế kỷ XVIII, ở biên giới phía bắc các thuộc địa Tây Ban Nha lại thêm một mối đe dọa mới là Hiệp chúng quốc Mỹ. Nhưng dự tính bành trướng của nước Mỹ đối với các thuộc địa Tây Ban Nha lộ rõ nhất là sau khi Mỹ chuộc Xan Luxia của Pháp (1803) và nhòm ngó xứ Florida của Tây Ban Nha. Năm 1806-1807 nước Anh tiến hành một cuộc tấn công vào phó vương quốc La Plata, nhưng thất bại.

Giống như các thuộc địa của Tây Ban Nha, cuối thế kỷ XVIII, phong trào đấu tranh chống chế độ thực dân Bồ Đào Nha ở Braxin mang hình thức đấu tranh cho nền độc lập dân tộc. Vào thời kỳ này ở Braxin đã thành lập một tổ chức bí mật đứng đầu là Xavơriê, biệt hiệu là Tirađăngti. Tổ chức yêu nước này đấu tranh đòi xóa bỏ chế độ nô lệ và thành lập nước cộng hòa. Nhưng năm 1789, chính phủ thuộc địa phát hiện được và Tirađăngti bị giết chết.

2. Phong trào cách mạng và việc thành lập các quốc gia độc lập (1810-1826)

Những biến cố năm 1808 ở Tây Ban Nha đã thúc đẩy trực tiếp phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa Tây Ban Nha.

Việc Tây Ban Nha thua quân Pháp trong cuộc chiến tranh của Napôlêông làm cho ngọn lửa đấu tranh ở các thuộc địa châu Mỹ bốc cháy dữ dội. Nền thống trị của Tây Ban Nha ở Mỹ la-tinh bị lung lay. Mùa hè năm 1809 đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa ở một số thành phố thuộc Pêru và Êcuađo, nhưng đều bị trấn áp nhanh chóng.

Tin tức về những cuộc bại trận lớn của quân đội Tây Ban Nha ở chính quốc và tin quân Pháp chiếm đóng phần lớn đất đai trong nước đầu năm 1810 làm cho khắp các thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ la-tinh đều nổi lên khởi nghĩa. Mùa xuân và mùa hè năm 1810, ở các trung tâm lớn nhất như Caracát, Kitô, Bôgôta, Buênốt Airét và sau đó trong hầu hết các thành phố, chính quyền thuộc địa Tây Ban Nha bị lật đổ, các ủy ban cách mạng được thành lập để lãnh đạo công cuộc kháng chiến cứu nước. Tháng 9 năm 1810, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bao trùm cả Mêhicô và Chilê. Một đợt sóng mới của cuộc đấu tranh giành độc lập ở các thuộc địa Tây Ban Nha đã bắt đầu.

– Cuộc đấu tranh giải phóng có quy mô lớn nhất là ở Mêhicô. Đứng đầu phong trào là linh mục Misen Hidangô. Ông tập trung một đạo quân rất lớn gồm hàng vạn nghĩa quân, chủ yếu là những người nông dân Anhđiêng. Hiđangô lãnh đạo phong trào giành quyền độc lập cho đất nước mình, đòi trả lại cho nông dân Anhđiêng đất đai bị bọn đại địa chủ chiếm hữu, đòi bãi bỏ chế độ nô lệ da đen và thực hiện nhiều cải cách khác. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân khởi nghĩa chiếm nhiều thành phố lớn trong nước và uy hiếp thủ đô Mêhicô. Nhưng đến năm 1811, họ bị đánh bại. Hiđangô và các lãnh tụ khác bị bắt và bị xử tử.

Sau khi Hiđangô chết, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục tiến triển ở miền Nam Mêhicô dưới sự lãnh đạo của linh mục Hôsê Môrêlôxơ – bạn của Hiđangô, một nhà quân sự có tài. Nghĩa quân dùng vũ khí thô sơ chiến đấu dũng cảm chống lại những đội quân tinh nhuệ của Tây Ban Nha, đánh thắng nhiều trận. Hầu khắp miền Nam Mêhicô đều lọt vào tay quân khởi nghĩa. Theo đề nghị của Môrêlôxơ, Đại hội dân tộc được triệu tập năm 1813, tuyên bố Mêhicô độc lập và hiến pháp của nền Cộng hòa được thông qua năm 1814.

Nhưng thực dân Tây Ban Nha kéo quân từ chính quốc sang và đánh tan quân của Môrêlôxơ. Năm 1815, Môrêlôxơ bị Tây Ban Nha xử bắn và Mêhicô lại trở thành thuộc địa. Quân khởi nghĩa còn lại kéo lên núi, tập trung lực lượng, chuẩn bị tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

– Vênêxuêla tuyên bố độc lập ngày 5-7-1811 và thông qua bản hiếnpháp của nền cộng hòa. Miranda trước đây định khởi nghĩa nhưng không thành, nay trở về nước và được chỉ định làm tổng tư lệnh lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa Vênêxuêla.

Năm 1812 quân Tây Ban Nha mở cuộc tấn công vào nước cộng hòa Vênêxuêla và chiếm Caracát. Miranđa bị bắt đưa về Tây Ban Nha và ông chết trong ngục. Nhưng cuộc đấu tranh ở đây vẫn tiếp tục. Người lãnh đạo kế tục Miranđa là Ximôn Bôliva, nhà hoạt động chính trị và nhà chỉ huy quân sự xuất sắc nhất của Mỹ la-tinh trong thời kỳ này. Ông sinh ở Caracát trong một gia đình địa chủ quý tộc Criôlô, đã ở châu Âu và đi du lịch nhiều nơi. Ông đã từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của Miranđa ở cấp trung tá và sau này được phong lên cấp tướng, ông tổ chức đạo quân giải phóng của Vênêxuêla, mở cuộc tấn công đánh chiếm Caracát vào mùa hạ năm 1813 và tuyên bố dựng lại nền Cộng hòa vào ngày 6-8-1813.

Nhưng nền Cộng hòa Vênêxuêla thứ hai này tồn tại không lâu. Vào giữa năm 1814, đội quân viễn chinh Tây Ban Nha tiến vào thủ đô, đánh tan các lực lượng cách mạng và đồng thời dẹp được các đội quân khởi nghĩa ở khắp Tân Granađa. Bôliva phải trốn ra nước ngoài.

– Tại các nước thuộc phó vương quốc LaPlata, sau một thời gian đấu tranh giải phóng dân tộc, những người Criôlô thành lập chính phủ của họ ở Buênốt Airét vào tháng 5-1810. Nhưng cuộc đấu tranh giành độc lập ở đây gặp nhiều trở ngại do sự chia rẽ giữa các tỉnh trong phó vương quốc. Chính phủ Buênốt Airét chủ trương thống nhất toàn lãnh thổ của phó vương quốc thành một quốc gia tập trung, nhưng một số tỉnh trong phó vương quốc lại chủ trương giành quyền tự trị rộng rãi cho các tỉnh. Do đó, những cố gắng của chính phủ Buênốt Airét nhằm mở rộng quyền hành của mình ra toàn phó vương quốc gặp phải sự phản kháng của các tỉnh. Cuộc xung đột giữa chính phủ Buênốt Airét và các tỉnh không thể nào tránh khỏi. Năm 1811, quân đội Paragoay đánh tan đội quân của chính phủ Buênốt Airét đến tấn công họ. Ít lâu sau ở Paragoay bùng nổ một cuộc khởi nghĩa, thành lập ủy ban cách mạng do Phơranxia dẫn đầu, rồi chuyển thành chiến tranh giải phóng đánh đuổi bọn thực dân Tây Ban Nha ra khỏi lãnh thổ. Năm 1813 Paragoay tuyên bố độc lập. Nhân dân Urugoay phải tiến hành một cuộc đấu tranh dai dẳng chống lại bọn thực dân Tây Ban Nha và chống lại cả những đội quân từ Braxin xâm nhập vào lãnh thổ họ. Cuộc đấu tranh đó càng trở nên phức tạp hơn vì những cuộc xung đột với chính phủ Buênốt Airét.

Trong khi đó, ở châu Âu, quân Pháp bị đuổi ra khỏi Tây Ban Nha. Chính phủ của Phécđinăng VII trở về nước năm 1814, phục hồi chế độ chuyên chế ở chính quốc, tăng cường việc trấn áp phong trào giải phóng ở các thuộc địa. Vào cuối năm 1815, quyền thống trị của thực dân Tây Ban Nha lại được khôi phục ở phần lớn các lãnh thổ Mỹ la-tinh, trừ La Plata.

Cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Mỹ la-tinh lại bùng nổ từ năm 1816. Cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Áchentina bắt đầu từ năm 1810, đến năm 1816 thì hoàn thành thắng lợi. Đại hội Tucuman (Bắc Áchentina) tuyên bố nền độc lập của một quốc gia mới, “Các tỉnh hợp nhất La Plata”, sau này gọi là nước Cộng hòa Áchentina.

Cũng vào năm 1816, Bôliva chuẩn bị lực lượng từ nước ngoài trở về tấn công quân Tây Ban Nha ở Vênêxuêla. Tháng 1 năm 1817, Bôliva được sự giúp đỡ của nước Cộng hòa Haiti đem quân đổ bộ vào Vênêxuêla. Cánh quân của ông đã phối hợp và sáp nhập với các đội du kích hoạt động ở trong nước, tấn công thắng lợi và giải phóng một số khu vực ở lưu vực sông Ồrinôcô. Thành phố Angotuva trở thành thủ đô lâm thời của quân khởi nghĩa. Nghĩa quân dưới ngọn cờ giải phóng của Bôliva là những chiến sĩ dũng cảm, có tinh thần chiến đấu cao và có kỷ luật. Ngay từ những ngày đầu, Bôliva đề ra khẩu hiệu giải phóng những người nô lệ da đen, da đỏ, kêu gọi họ gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng do ông chỉ huy và tuyên bố sau khi chiến tranh kết thúc sẽ được chia ruộng, nêu lên những biện pháp cải cách khác do ông tiến hành. Chính vì biết dựa vào đông đảo quần chúng nông dân và được nhân dân ủng hộ, quân đội của ông ngày càng mạnh và đã chiến thắng kẻ thù lớn hơn. Ngoài ra, quân đội của Bôliva còn có cả mấy ngàn người Anh, Áinhĩlan, Đức, Pháp và nhiều quân tình nguyện của các nước khác tham gia. Năm 1819, một đại hội được triệu tập ở Angôtuva và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Côlômbia, gồm có Vênêxuêla, Tân Granada và tỉnh Kitô (Êcuađo ngày nay). Đứng đầu nước Cộng hòa mới là Simon Bôliva. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã đánh thắng quân Tây Ban Nha nhiều trận quyết liệt ở Vênêxuêla và Tân Granada. Mùa hè năm 1822, quân đội Côlômbia tổ chức một cuộc hành quân rất táo bạo, tiến quân vào chiếm Kitô. Như vậy, toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa Colombia được giải phóng khỏi ách thống trị của bọn thực dân Tây Ban Nha.

Mêhicô ngay khi các lực lượng chủ yếu của phong trào giải phóng bị đánh tan, cuộc chiến tranh du kích vẫn tiếp diễn. Đa số địa chủ vẫn dựa vào bọn thực dân. Nhưng cuộc cách mạng năm 1820 ở Tây Ban Nha đã làm cho bọn đại địa chủ và bọn giáo sĩ cao cấp hoảng sợ nên bắt đầu đòi tách Mêhicô ra khỏi Tây Ban Nha. Chúng lo ngại trước việc phục hồi hiến pháp tự do Tây Ban Nha năm 1812 và trước những biện pháp phản phong và phản giáo hội tiến hành ở chính quốc. Người cầm đầu phong trào đòi tách Mêhicô ra khỏi Tây Ban Nha là Aguxtin Ituyếcbiđơ, nguyên là sĩ quan trong quân đội Tây Ban Nha đã từng tham gia tích cực vào việc trấn áp các cuộc đấu tranh giải phóng. Năm 1821 sau khi quân đội của Ituyếcbiđơ chiếm thủ đô, Mêhicô tuyên bố độc lập. Nhưng Ituyếcbiđơ thiết lập chế độ độc tài, lên ngôi vua, lấy biệt hiệu là Agrextin. Đến năm 1823, nền độc tài Ituyếcbiđơ bị lật đổ và chế độ cộng hòa được xác lập trong nước.

Trung Mỹ tuyên bố độc lập cùng một lúc với Mêhicô, nhưng về sau lãnh thổ Trung Mỹ được sáp nhập vào Mêhicô dưới chế độ độc tài của Ituyếcbiđơ. Mãi đến khi Ituyếcbiđơ bị lật đổ thì Trung Mỹ hình thành nước “Cộng hòa liên bang các tỉnh hợp nhất ở Trung Mỹ” vào năm 1823.

Ngay sau khi giành được độc lập, đội quân giải phóng của Áchentina do XanMactin chỉ huy bao gồm hơn một phần ba quân số là người da đen cũng từ phía Nam tiến lên phía Bắc. Năm 1817, ông đã hoàn thành một cuộc tiến công anh dũng vượt qua núi Anđơ cao 4000 mét, tiến vào lãnh thổ Chiỉê, hợp sức với quân giải phóng và nhân dân địa phương giải phóng hàng loạt thị trấn quan trọng, cuối cùng giải phóng Chilê khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha. Năm 1818 Chilê tuyên bố độc lập.

Năm 1821 quân giải phóng của XanMáctin vượt biển vào Pêru thành trì chủ yếu của quân đội Tây Ban Nha ở Nam Mỹ – và tháng 7 năm đó chiếm được thủ đô Lima. Pêru tuyên bố độc lập vào năm 1821.

Mùa hè năm 1822, XanMáctin gặp Simon Bôliva ở Êcuađo. Nhưng bọn thực dân Tây Ban Nha lại kéo quân chiếm đóng Thượng Pêru để chống lại quân giải phóng. Đóng vai trò quyết định trong việc thanh toán chỗ dựa cuối cùng này của bọn thực dân Tây Ban Nha trên lục địa châu Mỹ la-tinh là quân giải phóng của Colombia do Bôliva chỉ huy. Quân Tây Ban Nha bị quân của Bôliva đánh cho tơi bời, thua hết trận này đến trận khác. Năm 1826 đội quân chiếm đóng cuối cùng của Tây Ban Nha bị bao vây ở pháo đài Kaliao phải đầu hàng. Thượng Pêru được giải phóng và thành lập nước cộng hòa. Sau khi Bôliva mất, Thượng Pêru đã được đổi tên là Bôliva để ghi nhớ tên tuổi và công lao của Simon Bôlivia, người anh hùng đã góp phần lớn lao vào sự nghiệp giải phóng dân tộc ở nhiều khu vực trên mảnh đất Mỹ latinh rộng lớn.

Như vậy là cho đến năm 1826 hầu hết các thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ la-tinh đã được giải phóng khỏi ách thống trị của bọn thực dân Tây Ban Nha, giành được độc lập dân tộc. Quân viễn chinh Tây Ban Nha bị đánh đuổi khỏi lục địa châu Mỹ; Tây Ban Nha chỉ còn lại đảo Cuba và Puéctô Ricô.

Trong thời gian này, thuộc địa của Bồ Đào Nha là Braxin tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập. Sau khi bại trận trong cuộc chiến tranh với Napôlêông, hoàng thân phụ chính Bồ Đào Nha là Juan đã bỏ chạy khỏi Bồ Đào Nha đến Braxin dưới sự che chở của người Anh. Năm 1815 Juan tuyên bố Braxin là một vương quốc hợp nhất với Bồ Đào Nha và 1816 tự phong lên ngôi vua Juan VI. Cũng từ đây, đứng về hình thức thì Braxin không còn là thuộc địa nữa, nhưng quyền nhiếp chính vẫn nằm trong tay Bồ Đào Nha.

Trong những năm Juan cai trị, sự bất mãn trong nước ngày càng tăng. Chính sách bao vây lục địa, việc hạn chế buôn bán với châu Âu, việc tăng thuế má, cuộc chiến tranh với các tỉnh hợp nhất La Plata và những khó khăn về kinh tế do cuộc chiến tranh đó gây nên càng làm cho tình hình Braxin thêm trầm trọng. Những cuộc đấu tranh chống lại nền thống trị đó phát triển. Năm 1817 nổ ra một cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Pécnambucô, tuyên bố lập nước cộng hòa, kêu gọi nhân dân vùng lên đấu tranh, nhưng bị quân nhà vua dập tắt.

Sau cuộc cách mạng tư sản năm 1820 ở Bồ Đào Nha, Juan VI trở về chính quốc (1821) và nhường ngôi ở Braxin cho con là Prêđô. Prêđô đã thực hiện lời Juan VI dặn trước khi ông trở về Bồ Đào Nha là “Nếu tình thế trở nên quá xấu và Braxin đòi độc lập thì cứ tự tuyên bố độc lập và đặt dưới ngai vàng của con”. Mặc cho Quốc hội Bồ Đào Nha đòi Prêđô trở về chính quốc, Prêđô ở lại làm vua Braxin và ngày 7-9-1822 tuyên bố rằng: “Độc lập hay là chết! Tôi công bố rằng bây giờ chúng ta tách khỏi Bồ Đào Nha”. Đó là lời tuyên bố độc lập của Braxin.

Cuộc đấu tranh vì một nên cộng hòa, vì tự do dân chủ, chống lại nền quân chủ và chế độ nô lệ vẫn tiếp diễn trên đất nước Braxin.

III – Sự tăng cường xâm nhập của các nước đế quốc vào Mỹ la tinh

1. Tư bản châu Âu xâm nhập Mỹ la tinh

Cuối thế kỷ XVIII, Anh lần lượt chiếm xong các quần đảo Bacbađôt, Bahama, đảo Giamaica và đảo Triniđát, gọi chung là quần đảo Ăng ti thuộc Anh. Sau khi thực dân Tây Ban Nha bị đuổi ra khỏi Mỹ la-tinh, những nước cộng hòa mới giành được độc lập về chính trị và kinh tế còn yếu ớt, Anh lợi dụng tình trạng đó, ra sức xâm nhập và đầu tư một số vốn khá lớn vào các nước này. Phần lớn vốn đầu tư tập trung vào miền Nam Nam Mỹ và chủ yếu vào các ngành đường sắt, xây dựng hải cảng, khai thác nguyên liệu, trồng cà phê, cao su, bông, ngũ cốc, sản xuất thịt, len, khai thác dầu lửa v.v… Ngoài ra, Anh còn xâm nhập kinh tế bằng cách cho chính phủ các nước Mỹ la-tinh vay. Trong suốt thời gian dài cho đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Anh nắm được ưu thế ở Mỹ la-tinh. Tư bản Đức, Pháp, Mỹ chỉ chiếm được một vài vị trí quan trọng trong một số nước ở khu vực này.

Nước Đức cũng ra sức mở rộng thế lực vào Mỹ la-tinh. Nhưng đối với khu vực này, Đức không thể xâm chiếm được vì sự cản trở của tư bản Mỹ, nên tăng cường hoạt động kinh tế. Năm 1886 và 1893, Đức thành lập nhà ngân hàng để giao dịch riêng với khu vực này và đặt nhiều chi nhánh ở Braxin, Áchentina, Chilê, Pêru, Uruguay. Những tổ chức ngân hàng này cung cấp tài chính cho những nhà xuất nhập khẩu. Dựa trên cơ sở một nền công nghiệp phát đạt, quan hệ thương mại của Đức với Mỹ la-tinh phát triển khá nhanh. Thương thuyền Đức cập bến ngày càng nhiều. Hàng hóa xuất cảng sang Mỹ la-tinh tuy còn kém Anh, nhưng nhiều hơn Mỹ, sự bành trướng của Đức về kinh tế ngày càng mạnh.

2. Đế quốc Mỹ bành trướng ở Mỹ la tinh

Giai cấp tư sản Mỹ và những người cầm đầu chính phủ Mỹ khi nghĩ đến việc xâm chiếm thị trường đã lập tức hướng về Mỹ la-tinh, là các nước láng giềng phía nam. Mỹ gạt dần hoặc đẩy xuống hàng thứ yếu ảnh hưởng của các nước tư bản châu Âu ở Mỹ la-tinh. Ngày 2-12-1823 Tổng thống Mỹ Mơnrô chính thức tuyên bố chủ trương của Mỹ đối với Mỹ latinh như sau: “Lục địa châu Mỹ đã chọn và duy trì được độc lập, tương lai của nó không thể bị một cường quốc châu Âu nào đô hộ nữa”. Chủ trương đó nêu cao cái gọi là “chống sự xâm nhập của tư bản châu Âu” và khẩu hiệu “Châu Mỹ của người châu Mỹ”. Thực chất là đế quốc Mỹ muốn độc chiếm toàn bộ thị trường châu Mỹ, trước khi vươn tới nhiều khu vực khác trên trái đất.

Mới hai năm sau khi tung ra cái gọi là “học thuyết Mơnrô”, âm mưu xâm lược của Mỹ đã lộ rõ. Nảm 1825 Mỹ cho quân chiếm đảo Puectô Ricô là thuộc địa của Tây Ban Nha. Cùng năm đó, Mỹ gây sức ép với Côlômbia, buộc nước này phải cho Mỹ quyền tự do thông thương qua eo đất Panama. Đến năm 1846, theo hiệp ước ký với Côlômbia, Mỹ đã chiếm được nhiều quyền ưu tiên về thương mại, quyền tự do vận chuyển qua eo đất Panama, và được quyền đặt đường xe lửa qua Panama. Về phía Mỹ sẽ “bảo đảm” tính chất trung lập của Panama và chủ quyền của Côlômbia. Năm 1845, Mỹ lại kiếm cớ dùng vũ lực tiến đánh nước láng giêng phía nam là Mêhicô, sáp nhập hơn một nửa lãnh thổ của Mêhicô vào nước Mỹ. Cũng trong thời kỳ này, Mỹ liên tục tổ chức nhiều cuộc can thiệp vũ trang vào các nước khác ở Mỹ la-tinh.

Đến cuối thế kỷ XIX, hoạt động của Mỹ càng trở nên ráo riết. Năm 1889, nấp dưới những chiêu bài “hợp tác” và “đoàn kết”, đế quốc Mỹ đã triệu tập “Hội nghị toàn châu Mỹ” lần đầu tiên ở Oasinhtơn. Hội nghị đã thành lập “Cơ quan thương mại của các nước châu Mỹ” và 20 năm sau biến thành “Liên minh toàn châu Mỹ”. Ý đồ của đế quốc Mỹ là dùng chiêu bài “đoàn kết giúp đỡ” để tổ chức các nước châu Mỹ la-tinh thành một khối phụ thuộc vào Mỹ, buộc các nước đó phải theo đường lối chính trị của đế quốc Mỹ. Đồng thời dùng nó để đấu tranh giành quyền bá chủ xâm chiếm Mỹ la-tinh đối với đế quốc Anh và tăng thêm uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.

Năm 1898, Mỹ gây chiến với Tây Ban Nha. Mỹ vin cớ Tây Ban Nha đàn áp một cuộc khởi nghĩa ở Cuba và vu cáo Tây Ban Nha làm nổ chiến hạm Mênơ của Mỹ đang đậu ở cảng La Habana để tuyên chiến. Thực sự thì đế quốc Mỹ muốn chiếm Cuba là một vị trí vừa giầu đẹp, vừa có một tầm chiến lược quan trọng. Cùng với Puéctô Ricô, Cuba là chiếc chìa khóa ở cửa biển Ăngti và eo biển Panama là cửa ngõ bước vào Trung Nam Mỹ. Rõ ràng cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha là một cuộc tranh chấp thuộc địa, mang tính chất đế quốc chủ nghĩa, mặc dù Mỹ nêu lên chiêu bài “giải phóng các dân tộc bị Tây Ban Nha nô dịch”. Chiến tranh chỉ kéo dài 3 tháng, Tây Ban Nha bị thua và Mỹ giành lấy những thuộc địa còn lại của Tây Ban Nha hồi đó như Puéctô Ricô, Đôminica, Cuba, và quần đảo Philippin ở châu Á. Sau đó, Mỹ sáp nhập Puéctô Ricô vào lãnh thổ Mỹ, coi đó là một tỉnh của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Cuba tuy gọi là một nước cộng hòa độc lập, nhưng đặt dưới quyền bảo hộ của Mỹ và biến thành một thuộc địa của Mỹ. Đồng thời, Mỹ không ngừng gây sức ép chiếm các nước xung quanh và tăng cường dùng vũ lực trong việc xâm lược các nước Mỹ la-tinh. Trong suốt thời gian từ 1898 đến năm 1917, không mấy năm hải quân lục chiến Mỹ không đổ bộ lên nước này hay nước khác ở Mỹ la-tinh. Điển hình nhất là vụ tách Panama ra khỏi Côlômbia năm 1903.

Mỹ rất chú ý đến việc đào kênh Panama vì nó có tầm quan trọng rất lớn về mặt chiến lược và kinh tế. Để thực hiện việc này, Mỹ đã áp dụng chính sách can thiệp trắng trợn đối với Côlômbia. Tư bản Mỹ mua lại tất cả những cổ phần đã vỡ nợ của công ty Pháp trong việc đào kênh. Mỹ còn muốn mua lại của Côlômbia vùng đất kênh đào chạy qua. Ngày 22-1-1903 Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ký một hiệp ước với Đại sứ Côlômbia, theo đó Mỹ được quyền xây dựng kênh sau khi bồi thường cho Côlômbia một số tiền. Nhưng nhân dân Côlômbia phản đối, Quốc hội Côlômbia không phê duyệt hiệp ước đã ký. Vi phạm lời cam kết về sự trung lập của eo đất Panama và chủ quyền của Côlômbia ở đó, Mỹ liền tổ chức một cuộc đảo chính ở Panama để thiết lập nước “Cộng hòa Panama”. Chính phủ Panama liền ký hiệp ước nhường cho Mỹ đặc quyền đào một con kênh nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, được xây dựng đường sắt và pháo đài dọc theo con kênh ấy. Mỹ hoàn thành việc đào kênh Panama vào năm 1914 và coi là một sự kiện đặc biệt quan trọng mở đường cho Mỹ làm bá chủ Mỹ la-tinh và cả Viễn Đông. Tổng thống Mỹ Têôđo Rudơven đã gọi đường lối đó bằng thuật ngữ: “Chính sách cái gậy lớn”.

Trong thời kỳ một số cường quốc châu Âu còn bị mắc vào việc chuẩn bị và tiến hành cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Mỹ càng ráo riết can thiệp vào nội trị các nước Trung Mỹ: vào Cộng hòa Dominica năm 1904 và 1916, vào Cuba năm 1906, vào Nicaragoa năm 1909 và 1912, vào Haiti năm 1914 và 1915, vào Mêhicô năm 1914 và 1916.

Đi đôi với những cuộc tiến công bằng quân sự, Mỹ tăng cường xâm nhập Mỹ la-tinh bằng kinh tế: xuất khẩu tư bản, tăng cường đầu tư trên một quy mô lớn. Vốn của Mỹ đầu tư vào Mỹ la-tinh dưới hai hình thức: một là bỏ vào việc xây dựng các xí nghiệp khai thác, công nghiệp nhẹ v.v… hai là cho chính phủ các nước Mỹ la-tinh vay hoặc dùng “viện trợ” có điều kiện để lũng đoạn về kinh tế. Thông qua vốn đầu tư đó, dần dần đế quốc Mỹ tạo được một cơ sở kinh tế và một cơ sở xã hội để bước vào khống chế đời sống chính trị các nước này. Đồng thời, Mỹ mở cuộc cạnh tranh lớn với các nước tư bản châu Âu có bỏ vốn ở Mỹ la-tinh để giành quyền bá chủ Mỹ la-tinh. Đó là “chính sách ngoại giao dòng đô-la” của Mỹ.

Các nước cộng hòa ở Mỹ la-tinh, sau khi thoát khỏi ách thống trị của bọn thực dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v… trên danh nghĩa đều là những nước độc lập nhưng trong thực tế bị phụ thuộc vào đế quốc Mỹ ở nhiều mức độ khác nhau. Từ đầu thế kỷ XX đế quốc Mỹ khống chế các hoạt động chính trị và kinh tế-xã hội ở Mỹ la-tinh.

IV – Phong trào cách mạng ở các nước Mỹ la tinh đầu thế kỷ XX

1. Tình hình kinh tế-xã hội đầu thế kỷ thứ XX

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, kinh tế của các nước Mỹ la-tinh còn lạc hậu, tàn dư phong kiến và chế độ nô lệ vẫn còn nặng nề, nhân dân nghèo nàn. Đó là điều kiện thuận lợi cho tư bản nước ngoài như Anh, Đức, Pháp và đặc biệt là tư bản Bắc Mỹ xâm nhập ngày càng sâu, đóng vai trò ngày càng lớn trong kinh tế và chính trị các nước đó.

Đầu thế kỷ XX ở một số nước Mỹ la-tinh như Vênêxuêla, Braxin đã khai thác mỏ dầu. Riêng Mêhicô năm 1910 có 0,5 triệu tấn và đến năm 1917 đã có khoảng 8 triệu tấn. Trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất không lâu, người ta đã khai thác đồng. Có ý nghĩa lớn hơn là ở Colombia, Peru, Mêhicô và Vênêxuêla đã sản xuất thép màu.

Ở Nam Mỹ, đặc biệt ở Áchentina, Urugoay, Paragoay, Chilê và nam Braxin còn nhiều đất nên càng ngày càng có nhiều dân di cư đói nghèo từ châu Âu sang. Ở Áchentina từ 1896 đến 1913 có khoảng 3 triệu người và ở Braxin từ những năm 70 của thế kỷ XIX đến năm 1917 có khoảng 2 triệu rưỡi người đến sinh sống.

Việc phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Mỹ la-tinh làm cho thế lực kinh tế của các chủ đồn điền lớn thêm vững chắc. Chủ đồn điền lớn bao gồm các tư nhân hay công ty nước ngoài chuyển hướng canh tác phù hợp với việc sản xuất hàng hóa xuất cảng và là cơ sở của việc sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp.

Số lượng nông dân trên lục địa Mỹ la-tinh là 107 triệu, chiếm hơn 70% dân số, nhưng hơn 75% số nông hộ vẫn không có đất cày cấy. Trong khi đó, bọn đại điền chủ và các công ty lũng đoạn gồm 0,3% dân số lại chiếm tới 65% toàn bộ đất đai cày cấy. Chế độ chiếm hữu ruộng đất này gây nên tình trạng nông dân bị thiếu ruộng, biến thành công nhân nông nghiệp hoặc buộc phải đi lang thang kiếm ăn. Chế độ đồn điền dựa trên sự bóc lột lao động gần như không công, với những phương pháp canh tác thô sơ, đã cản trở sự phát triển của nông nghiệp và kìm hãm sự phát triển công nghiệp.

Các chủ đồn điền lớn và chủ trại giàu có đã phát canh một nửa số đất đai trong thời gian ngắn từ 1 đến 3 năm, một nửa số còn lại thì thuê công nhân làm để sản xuất hàng xuất khẩu như càphê, bông v.v… hoặc chăn nuôi súc vật. Một số nhà công thương cũng quay về tậu* đồn điền để làm giàu bằng cách bóc lột địa tô hoặc sức lao động làm thuê. Nhiều đại điền chủ dần dần tham gia kinh doanh công nghiệp và trở thành chủ nhà máy đường, đồ hộp, da, v.v.. Chính điều đó đã khiến cho những yếu tố phong kiến vẫn được duy trì một cách khá vững chắc trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và dẫn tới sự gắn bó chặt chẽ giữa giai cấp tư sản, giai cấp địa chủ với đế quốc bên ngoài. Nhà thờ cũng chiếm một số đất đai không nhỏ. Hầu hết các nước Mỹ la-tinh đều giữ đặc quyền chính trị của nhà thờ thiên chúa giáo. Các nước Mỹ la-tinh đều biến thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và cung cấp nguyên liệu, kể cả nguyên liệu chiến lược, là nơi bọn đế quốc khai thác, sử dụng sức lao động rẻ mạt^ nơi đầu tư có lợi cho bọn đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ. Nền kinh tế của các nước này mang tính chất phụ thuộc khá rõ rệt.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các ngành công nghiệp, thương nghiệp ở các nước Mỹ latinh có phát triển được ít nhiều là do đòi hỏi của thị trường trong nước và quốc tế: sản xuất hàng hóa trong công nghiệp nhẹ, khai thác mỏ, xây dựng cảng, đường sắt v.v…

Nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế phát triển rất chậm, không đồng đều giữa các nước và hầu hết đều phụ thuộc vào các nước đế quốc. Chỉ có một vài nước có nền công nghiệp như Mêhicô, Braxin, Ấchentina, Vênêxuêla v.v… còn nhìn chung vẫn là những nước kinh tế kém phát triển, nhất là những nước ở Trung Mỹ.

2. Phong trào công nhân và nông dân

Giai cấp vô sản Mỹ la-tinh bao gồm những người châu Âu di cư sang thuộc nhiều quốc gia, và người Anh điêng, người da đen. Đa số là công nhân không lành nghề, phải làm những công việc nặng nhọc trong các hầm mỏ, xây dựng đường sắt, bốc vác ở hải cảng v.v… Tình hình giai cấp công nhân ở tất cả các quốc gia Mỹ la-tinh đều rất khổ cực, đời sống nghèo nàn và không có quyền chính trị. Giờ làm việc kéo dài từ 12 đến 14 tiếng. Quần chúng lao động ở thành thị cũng như nông thôn đều không có quyền lợi gì cả. Những người không biết chữ, binh lính và phụ nữ không có quyền bầu cử.

Phong trào của giai cấp công nhân ở Ấchentina, Braxin, Mêhicô, Chilê, Urugoay và Cuba đã dần dần có được một số kinh nghiêm về tổ chức và đấu tranh. Các công đoàn đầu tiên và các hội tương tế đã được thành lập ở nhiều nước. Ngay từ những năm 70, những phần tử tiến bộ của giai cấp công nhân đã bắt đầu -tiếp thu tưởng của học thuyết Mác và tuyên truyền trong công nhân. Năm 1872, ở Áchentina và Mêhicô đã thành lập phân bộ Quốc tế I. Vào những năm 80 – 90 ở một số nước Mỹ la-tinh các nhóm Xã hội và báo chí của giai cấp công nhân ra đời. Trong những năm 90, Đảng xã hội Áchentina thành lập. Các nhóm xã hội ở Urugoay và Braxin cũng được thành lập. Đảng công nhân Cuba và Liên đoàn xã hội Chilê ra đời. Cũng trong những năm 90, giai cấp công nhân đã kỷ niệm ngày Lao động Quốc tế 1 tháng 5 và tổ chức một cuộc đình công lớn đầu tiên yêu cầu giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động và bảo hiểm xã hội. Từ năm 1904 đến 1909, những cuộc đình công liên tiếp xảy ra, nhưng đều bị đàn áp bằng vũ lực.

Trong thời kỳ này, phong trào nông dân cũng nổi dậy. Từ năm 1902 đến năm 1916 đã xẩy ra ở Nam Braxin một cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng bọn thống trị đem quân đội đến đàn áp, nên cuối cùng thất bại.

3. Cuộc cách mạng Mêhicô (1910-1917)

Sự kiện có ý nghĩa lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Mỹ la-tinh đầu thế kỷ XX là cuộc cách mạng Mêhicô. Cuộc cách mạng bùng nổ năm 1910 nhằm chống lại sự xâm nhập của bọn đế quốc và những tàn dư của chế độ phong kiến còn tồn tại ở trong nước.

Từ năm 1887 đến năm 1911 chính quyền độc tài phản động của Pođcphiriô Điát, đại biểu quyền lợi của giai cấp đại địa chủ và tư sản mại bản, thân Mỹ đã lên cầm quyền ở Mêhicô. Chính quyền Điát không hề chú ý đến quyền lợi của dân tộc, ngược lại dựa vào tư bản nước ngoài, chủ yếu là tư bản Anh và Bắc Mỹ. Do việc tìm được mỏ dầu, sự xâm nhập của tư bản nước ngoài ngày càng nhiều. Nhiều công ty dầu mỏ nổi tiếng trên thế giới cạnh tranh ở Mêhicô gay gắt, nhưng Mỹ đã thắng thế. Năm 1910 các công ty của Bắc Mỹ chiếm hơn 80% dầu khai thác ở Mêhicô.

Cuộc cách mạng năm 1910 mở đầu bằng những cuộc biểu tình vũ trang của nông dân đòi ruộng đất đã bị tước đoạt để làm đường sắt, đường ống dẫn dầu, xây dựng nhà máy…, phong trào kết hợp với những cuộc đấu tranh của công nhân đòi giảm giờ làm. Nhiều người thuộc tầng lớp trung gian ở thành thị tham gia. Nông dân đã nổi dậy vũ trang chống lại chính phủ độc tài Điát dưới khẩu hiệu “Vì ruộng đất và tự do”. Trung tâm các cuộc nổi dậy của phong trào nông dân ở Bắc Mêhicô do Pharăngxicô Vila và ở Nam Mêhicô do Emiliano Xapata lãnh đạo.

Giai cấp vô sản cũng nổi dậy đấu tranh. Các cuộc đình công đòi giảm giờ làm xẩy ra liên tiếp. Năm 1906 công nhân mỏ đồng ở Cananêa đình công. Công nhân ở các thành phố Coahuyla và Vêracơruxơ cũng đình công. Tháng 12-1906 công nhân dệt ở thành phò Puêbla, Tlaxcala, Orixaba nổi dậy. Nhiều cuộc đình công khác còn nổ ra ở thủ đô và tràn đến các tinh khác.

Các nhà tư sản dân tộc và một số địa chủ cũng chống lại Điát, bởi vì sự xâm nhập của tư bản nựớc ngoài đã cản trở bước phát triển của họ. Trong phong trào cách mạng, các nhà trí thức cũng tham gia.

Đứng đầu tất cả các nhóm tự do tham gia vào phong trào đấu tranh chống lại chính phủ độc tài Điát là Phơrăngxicô Mađêrô. Mađêrô sinh ra trong một gia đình đại địa chủ, không chỉ có nhiều ruộng đất mà có cả hầm mỏ và nhà máy. Mục đích tham gia của các nhóm này vào phong trào là muốn lật đổ Điát để nắm quyền thống trị, Đảng của các nhóm Tự do đã cử Mađêrô ra tranh cử Tổng thống. Việc Điát trúng cử đã gây thêm lòng căm phẫn sẵn có từ lâu của quảng đại quần chúng nhân dân ở Mêhicô. Do đó, những người lao động ở thành thị cũng như nông thôn đã vùng dậy tự phát đấu tranh. Nhóm Tự do bị Điát đàn áp, Mađêrô bị bỏ tù, nhưng ông trốn được. Ngày 5-10-1910 Mađêrô công bố chính sách của ông, trong đó công nhận cách mạng, nhưng đặt dưới quyền kiểm soát của nhóm Tự do, tuyên bố cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua không có giá trị. Trong chương trình của mình, ông nêu lên việc thành lập một nước cộng hòa, kêu gọi nhân dân Mêhicô cầm súng đứng lên lật đổ chính phủ độc tài Điát. Ông hiểu được vai trò quan trọng của nông dân trong cuộc đấu tranh chống Điát, nên hứa sẽ trả ruộng đất bị cướp cho nông dân. Điát đã dùng vũ lực đàn áp, nhưng phong trào cách mạng của quần chúng vẫn lên cao và đến ngày 10-11-1910 đã chiếm được một vùng đất rộng lớn. Công nhân khấp nơi đình công. Nông dân khắp nơi nổi dậy. Đơn vị cách mạng của Vila cũng như đội quân nông dân của Xapata thu được thắng lợi. Các thành phố khác cũng hưởng ứng đấu tranh. Nghĩa quân và những người nổi dậy đã lật đổ bộ máy chính quyền cũ của Điát. Trong tình hình đó Mađêrô đã liên hệ với quân của Vila và Xapata. Ngày 11-2-1911 đội quân cách mạng của Xapata có hàng ngàn quân đã bắt đầu tiến quân từ Nam Mêhicô tấn công vào thủ đô. Đội quân của Vila ở miền Bắc phối hợp tấn công, đánh tan quân của Điát vào tháng 5-1911 buộc quân của chính phủ phải đầu hàng. Do tình thế không thể cứu vãn nổi, Điát phải ký hiệp ước đình chiến với Mađêrô vào ngày 21-5-1911 và chính phủ Điát bị lật đổ. Cuộc đấu tranh của nhân dân Mêhicô chống lại chính phủ độc tài Điát kết thúc.

Sau khi cách mạng thành công, nền cộng hòa được xác lập ở Mêhicô. Sau cuộc bầu cử, Mađêrô đứng đầu chính phủ và như vậy chính quyền nằm trong tay phái Tự do. Mađêrô không giữ lời hứa của ông trước đây, trái lại các tướng tá cũ vẫn được sử dụng, vấn đề ruộng đất không được giải quyết, hàng triệu nông dân vẫn sống cảnh cũ. Vì thế Xapata – người lãnh đạo đội quân nông dân cách mạng ở miền Nam Mêhicô – đưa ra một bản kêu gọi nhân dân, gọi là “chương trình Ayala” (nơi sinh của Xapata), trong đó tuyên bố rằng Mađêrô đã phản bội cách mạng, ruộng đất mà bọn địa chủ chiếm đoạt phải trả lại cho nông dân. Trong chương trình có ghi điều quan trọng là “trong khi thực hiện chương trình Ayala, nếu địa chủ nào chống đối thì toàn bộ tài sản của địa chủ đó sẽ bị tịch thu”. Bản tuyên bố của ông được nhân dân, nhất là nông dân ủng hộ.

Giới nhà thờ cùng quý tộc phong kiến được sự ủng hộ của Mỹ đã lợi dụng sự bất mãn của quần chúng nhân dân với chính quyền Mađêrô, tổ chức một cuộc bạo động vào tháng 21913 lật đổ Mađêrô, đưa tướng Huécta là kẻ đã từng chống lại Xapata lên thay.

Trong tình hình đó, quân giải phóng ở Nam cũng như Bắc và nhân dân Mêhicô nổi dậy chống lại quân của Huécta, đồng thời chống lại sự khiêu khích của đế quốc Mỹ tổ chức đổ bộ vào Vêracơrút tháng 4-1914. Do tinh thần chiến đấu anh dũng của quân giải phóng và nhân dân Mêhicô, quân Mỹ phải rút khỏi Mêhicô. Quân của Xapata cũng như Vila lãnh đạo đã chiến đấu và thắng bọn Huécta. Nhưng cũng như lần trước, chính quyền lại lọt vào tay phái Tự do và lần này do Caranxa đứng đầu chính phủ.

Tháng 1-1915, Caranxa ban hành luật cải cách ruộng đất, nhưng không hể đụng chạm đến quyền chiếm hữu ruộng đất của địa chủ và không đem lại quyền lợi gì cho người nông dân.

Ngày 1 tháng 12 năm 1916, Quốc hội lập pháp đã họp và sau một cuộc đấu tranh gay gắt giữa một bên là phái tả đại diện cho yêu cầu của nông dân, vô sản và lực lượng dân chủ và một bên là bọn địa chủ, tư bản, quân phiệt xung quanh Caranxa, đã thông qua một bản hiến pháp mới. Bản hiến pháp này được coi là hiến pháp tiến bộ nhất Mỹ la-tinh lúc bấy giờ. Điều 123 của hiến pháp đã quy định rõ “quyền của công nhân xí nghiệp được làm việc 8 giờ một ngày, được phép lập nghiệp đoàn và được phép tiến hành các cuộc bãi công để đấu tranh bảo vệ những quyền lợi chính đáng”. Hiến pháp cũng hứa hẹn sẽ tiến hành cải cách ruộng đất và hạn chế sự bóc lột của giai cấp đại địa chủ. Hiến pháp còn nói đến việc hạn chế quyền của tư bản nước ngoài và việc chiếm hữu của nhà thờ được tuyên bố là quyền sở hữu của công cộng. Hiến pháp Mêhicô được thông qua là kết quả của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân chống lại bọn phản động trong nước và bọn đế quốc xâm lược.

Cuộc cách mạng Mêhicô không tiêu diệt hết tàn dư phong kiến, nền độc lập của đất nước không được bảo đảm chắc chắn đối với bọn đế quốc thực dân. Giai cấp công nhân Mêhicô lúc đó còn non trẻ, giai cấp tư sản đã nắm quyền lãnh đạo. Quần chúng nhân dân, chủ yếu là nông dân, là động lực của cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng đó đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Mêhicô, vì nó đã làm lung lay địa vị của bọn phong kiến, nhà thờ phản động và bọn đế quốc thực dân, tạo nên những điều kiện thuận lợi cho công cuộc cải cách tiến bộ sau này. Trên cơ sở của bản hiến pháp dân chủ đầu tiên, giai cấp công nhân Mêhicô liên tiếp đấu tranh giành những thắng lợi mới.

V – Kết luận

Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập của nhân dân Mỹ latinh có một ý nghĩa lịch sử rất lớn. Do cuộc đấu tranh này mà trên lục địa châu Mỹ xuất hiện những nước cộng hòa Mêhicô, Pêru, Chilê, Bôlivia, Áchentina, Paragoay, Vênêxuêla, Êcuađo, Urugoay, Goatêmala, Hônđurát, Xanvađo, Nicaragoa, Côxta Rica, Côlômbia và Braxin.

Nhìn toàn bộ mà xét, cuộc đấu tranh này mang tính chất nhân dân, bao gồm những giai cấp, tầng lớp khác nhau của xã hội thuộc địa tham gia: công nhân, nông dân Anh điêng, nô lệ da đen, thợ thủ công, tư sản đang hình thành, một số địa chủ, trí thức và một bộ phận giáo sĩ cấp thấp. Quấn chúng nhân dân, trong đó nông dân là thành phần chủ lực của các đội quân giải phóng đã phát huy tích cực cách mạng trong quá trình đấu tranh. Cuộc đấu tranh đó đã đáp ứng được quyền lợi thiết thân của quần chúng nhân dân là thủ tiêu chế độ thuộc địa và xây dựng nền độc lập của đất nước.

Cuộc đấu tranh đó về khách quan đã đáp ứng yêu cầu của đà phát triển tư bản chủ nghĩa đang bị chế độ thuộc địa kìm hãm. Việc giải phóng khỏi sự cấm đoán và hạn chế trong lĩnh vực kinh tế, giải phóng khỏi những quy chế cưỡng bức chặt chẽ về thương mại, việc thanh toán các độc quyền đã mở đường cho nền kinh tế phát triển nhanh hơn. Do đó đã tạo được những tiền đề thuận lợi hơn cho sự phát triển các quan hệ tư bản chủ nghĩa. Nhưng nhìn chung, đà phát triển tư bản chủ nghĩa còn chậm chạp và không đồng đều giữa các nước Mỹ la-tinh, chế độ đại điền trang và quan hệ bóc lột phong kiến vẫn duy trì. Hầu hết vẫn nằm trong tình trạng nông nghiệp lạc hậu.

Cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ chống thực dân châu Âu, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha kết thúc thắng lợi, nhân dân Mỹ la-tinh giành được chủ quyền, nhưng chưa thực sự được giải phóng. Thực chất mà xét, các nước này chỉ mới được độc lập trên một mức độ nhất định, hầu hết còn phụ thuộc nước ngoài về kinh tế và chính trị. Các đế quốc Anh, Pháp, Đức, nhất là Mỹ dần dần thay thế bọn thực dân Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha già cỗi, vì vậy, nhân dân Mỹ la-tinh vẫn phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc bảo vệ chủ quyền và phấn đấu xây dựng đất nước.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]