I – Vài nét sơ lược về châu Phi trước thời kỳ bị xâm lược
Châu Phi là lục địa lớn thứ hai trên thế giới. Tính cả các đảo thì diện tích châu Phi hơn 30 triệu km2, trải rộng hai bên đường xích đạo. Châu Phi cách châu Âu bởi Địa Trung Hải và châu Á bởi Hồng Hải. Từ Bắc đến Nam dài 8.000km và từ Đông sang Tây rộng 7.600km. Châu Phi có nhiều đảo và các nhóm quần đảo ở Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Đảo lớn nhất là Mađagaxca cách bờ biển phía đông-nam lục địa 400km. Dân số châu Phi có hơn 232 triệu người. Trong thời kỳ cổ đại người ta chỉ biết có Bắc Phi. Qua việc phát kiến địa lý, người ta tìm thấy các miền khác của châu Phi đi sâu dần vào lục địa. Theo sự phát triển của lịch sử, có thể chia châu Phi làm hai miền chính: Bắc Phi và Nam Phi. Hai miền đó có sự khác biệt nhau rất lớn về sự phát triển xã hội, kinh tế cũng như chế độ chính trị.
Bắc Phi là miền từ Bắc Sahara đến Địa Trung Hải. Nhân dân ở đây theo Hồi giáo, thuộc người Arập và các dân tộc Arập hóa. Bắc Phi bao gồm nhiều chế độ xã hội khác nhau. Trong khi một số thành phố đã bắt đầu xuất hiện những mầm mống của chủ nghĩa tư bản thì có nơi vẫn còn giữ chế độ bộ lạc, nhưng bao trùm tất cả là quan hệ phong kiến.
Nam Phi là miền từ Nam Sahara đến Cáp. Miền Đông bắc – Đông Xuđan, Êtiôpia và các nước ở ven bờ Hồng Hải có các dân tộc theo ngữ hệ Hamít Xêmít. Còn những người da đen thuộc ngữ hệ Bantu hoặc ngữ hệ Xuđan thì sống dọc theo miền nhiệt đới Nam Phi. Xuống phía cực nam thì có dân tộc Khoi Khoi (Hốttentôt) và người San (Pymeen). Dân ở Mađagaxca thuộc ngữ hệ Malai-Pôlynêdi, Về cơ cấu xã hội, kinh tế và các hình thức tổ chức chính trị ở miền Nam châu Phi cũng có sự khác biệt nhau. Ở nhiều miền thuộc Tây Xuđan và Mađagaxca thì chế độ phong kiến là quan hệ xã hội chủ yếu. Tuy nhiên vẫn còn giữ nhiều tàn tích của chế độ nô lệ và bộ lạc. Bên cạnh các quốc gia phong kiến tập quyền như Êtiôpi, Buganđa, Imêrina ở Mađagaxca thì ở Atbanti và Mangbêtu vùng nhiệt đới Tây Phi cũng như Dulu vẫn còn các liên minh bộ lạc. Ở đây không có biên giới quy định rõ ràng cho nên thường xảy ra các cuộc xung đột giữa các quốc gia và các bộ lạc với nhau. Trong những điều kiện đó, châu Phi dễ dàng bị bọn thực dân xâm chiếm.
Châu Phi rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên, có rất nhiều loại cây gỗ quý, cây có dầu, cao su, bông, ca cao, cà phê, mía v.v…; có mỏ quặng mănggan, cơrôm, đồng, phốtpho, dầu lửa, vàng, platin, uran, kim cương v. v… Châu Phi còn cung cấp nhiều động vật quý cho các vườn bách thú trên thế giới. Châu Phi đã có một nền văn hóa lâu đời như Kim tự tháp ở Ai Cập là một trong những nôi của văn minh loài người. Trước khi người châu Âu xâm chiếm và phân chia châu Phi, phần lớn nhân dân ở đây đã biết dùng đồ sắt, có nền điêu khắc cao; nghề dệt và nghề gốm phát triển, ngành chăn nuôi và trồng trọt phổ biến.
Nhưng cuộc sống yên ổn của họ, tài nguyên phong phú, nền văn hóa cổ truyền và cả giống nòi đã bị bọn thực dân châu Âu xâm chiếm phá hoại, cướp bóc và đàn áp.
II – Các nước đế quốc xâm lược và xâu xé châu Phi
1. Sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân châu Âu
Người Bồ Đào Nha là những người châu Âu đầu tiên đặt căn cứ ở châu Phi. Từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI, Bồ Đào Nha đã thăm dò bờ biển châu Phi từ Gibranta cho đến miền Bắc Môdămbích, và thành lập ở Tây Phi thuộc địa Ghinê và Angôla, ở Đông Phi thuộc địa Môdămbích.
Nửa cuối thế kỷ XVII Hà Lan chiếm phần cực Nam châu Phi. Nhiều thế hệ người gốc Hà Lan sinh sống ở vùng này được gọi là người Bôơ. Đầu thế kỷ XIX, thực dân Anh xâm chiếm Cáp, gây chiến với người Bôơ, hòng xâm chiếm hai quốc gia của họ là Tơrăngxvan và nước Cộng hòa Orănggiơ. Anh còn mở rộng thuộc địa Cáp của mình về phía Bắc. Năm 1843 Anh xâm chiếm Natan và đánh đuổi người Bôơ.
Mục tiêu xâm chiếm thuộc địa của thực dân Pháp ở châu Phi trước hết là vùng bờ biển Bắc Phi. Sau cuộc chiến tranh lâu dài chống lại người Arập, thực dân Pháp chiếm toàn bộ Angiêri vào giữa thế kỷ thứ XIX.
Đầu những năm 20 của thế kỷ XIX, Mỹ mua một vùng đất ở bờ biển phía Tây châu Phi làm xuất phát điểm để mở rộng việc xâm chiếm châu Phi. Mỹ tuyên bố trao trả độc lập cho cư dân vùng đất này, đặt tên là Libêria vào năm 1847, nhưng thực tế là nước phụ thuộc đế quốc Mỹ.
Căn cứ quân sự của thực dân Tây Ban Nha đặt tại Ghinê và Riôdơ Orô, Pháp đặt tại Xênêgan và Gabông, còn Anh thì ở Siêra Lêôna, Gambia, Bờ biển Vàng và Lagốt.
Sau những phát kiến địa lý, thực dân châu Âu xâm nhập và phân chia châu Phi, ăn cướp và xâm chiếm thuộc địa. Ban đầu, hình thức phổ biến mà bọn thực dân dùng vào việc xâm nhập châu Phi là trao đổi hàng hóa công nghiệp để lấy nguyên liệu rẻ mạt. Từ thế kỷ XV, nghề buôn người xuất hiện, dần dần phát triển với một quy mô lớn. Rất nhiếu người da đen bị đưa từ châu Phi đến châu Mỹ để làm nô lệ. Nghề buôn nô lệ da đen phải coi là một vết nhơ trong lịch sử phát triển của nhân loại. Con số nô lệ da đen đến Mỹ la-tinh trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ thứ XV đến đầu thế kỷ XIX đã lên tới 60 triệu. Trong cuộc hành trình đầy gian khổ qua Đại Tây Dương, những người nô lệ da đen đã bị trói chân tay và nhốt dưới hẩm tàu không khác gì súc vật. Hàng triệu người bị chết dọc đường, xác bị quẳng xuống biển. Những người còn lại phải làm nhiều công việc khổ sai cực nhọc, bị chà đạp dưới báng súng, và roi vọt của bọn chủ mỏ, chủ đồn điền và tay sai của chúng; bị giày vò vì đói rét, bệnh tật và tai nạn lao động.
Thực dân châu Âu đã vơ vét tài nguyên thiên nhiên phong phú ở châu Phi, cướp ruộng đất, sử dụng nhân công rẻ mạt, đuổi dân, giết hại hầu như toàn bộ dân cư, phá hoại các di sản cổ truyền và nền văn hóa dân tộc, bóc lột đến tận xương tủy, cướp hết nguồn lợi, đàn áp vô cùng dã man tàn ác nhân dân châu Phi.
Vào giữa những năm 70 của thế kỷ XIX, châu Phi bị chiếm 10,8% đất đai, nhưng đến đầu thế kỷ XX châu Phi đã bị các đế quốc thực dân, chủ yếu là Anh, Pháp, Đức chiếm 90,4% đất đai. Ý, Bồ Đào Nha, Bỉ cũng có thuộc địa ở châu Phi. Việc phân chia châu Phi trở thành một “chính sách lớn” của các chính phủ châu Âu.
2. Thực dân Anh xâm chiếm Ai Cập
Giữa những năm 70, Ai Cập bị lôi cuốn vào kinh tế tư bản thế giới. Sự đầu hàng của Môhamét Ali năm 1840 và sự mở rộng buôn bán của Anh và Pháp ở Ai Cập mở đầu cho việc biến Ai Cập thành nửa thuộc địa của bọn tài chính Anh và Pháp. Hàng hóa nước ngoài nhập vào Ai Cập không còn bị cản trở nữa, Ai Cập bắt đầu trồng các loại cây xuất khẩu, trước hết là bông, xây dựng các nhà máy để sản xuất hàng xuất khẩu bằng sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hải cảng và đường sá. Những giai cấp mới tư sản và vô sản – xuất hiện. Nhưng sự phát triển tư bản chủ nghĩa ở đây bị quan hệ phong kiến trong nước và tư bản nước ngoài cản trở. Chính phủ Ai Cập buộc phải vay tiền của nước ngoài, nhất là vay để đầu tư vào việc xây dựng kênh đào Xuyê cũng như hải cảng và đường sá. Vào năm 1863 chính phủ Ai Cập đã vay 16 triệu đồng bảng Anh.
Sau năm 1869, tức là sau khi kênh đào Xuyê khánh thành thì giữa các nước tư bản châu Âu, nhất là giữa đế quốc thực dân Anh và Pháp càng tranh giành nhau gay gắt trong việc xâm chiếm Ai Cập. Việc chiếm Ai Cập có một tầm quan trọng quyết định đối với quyền khống chế kênh đào Xuyê. Anh chạm trán với Pháp, vì cả hai nước đều muốn gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở đây. Quan hệ Anh-Pháp vì thế trở nên gay gắt và đặc biệt căng thẳng vào cuối thế kỷ XIX.
Lợi dụng tình thế khó khăn về kinh tế của Ai Cập, Anh buộc Ai Cập bán cổ phần tham gia vào công ty kênh đào Xuyê cho Anh và đòi đặt quyền kiểm soát tài chính. Tháng 9 năm 1882, Anh chiếm Cairô và xâm chiếm toàn bộ Ai Cập. Pháp cũng thèm muốn Ai Cập nhưng lại phải tập trung lực lượng ở châu Âu do việc thành lập Liên minh tay ba Anh-PhápNga nên đành để mất mồi ngon đó.
3. Sự bành trướng thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi
Bắc Phi không chỉ là đối tượng đầu tiên về sự bành trướng thuộc địa của Pháp mà là cửa ngõ để Pháp làm bàn đạp bành trướng thuộc địa xuống phía Nam. Từ năm 1830 Pháp đã xâm chiếm Angiêri. Phải 20 năm sau, qua cuộc chiến tranh đẫm máu chống lại nhân dân Angiêri, Pháp mới đặt được ách đô hộ trên đất nước này. Chiếm được Angiêri, Pháp tiếp tục xâm lược Tuynidi sau khi dập tắt cuộc chiến đấu kiên quyết của nhân dân địa phương.
Cuối thế kỷ XIX ở Bắc Phi chỉ còn lại Marốc là giữ được độc lập. Nguyên nhân chủ yếu là vì ở đây có sự cạnh tranh dữ dội giữa các cường quốc châu Âu. Marốc là một địa điểm chiến lược quan trọng và rất giàu về nguyên liệu. Cuộc khủng hoảng lần thứ nhất về vấn đề Marốc đã xảy ra vào năm 1905-1906. Lợi dụng lúc nước Nga tạm thời bị suy yếu vì chiến tranh với Nhật, không thể giúp Pháp (theo tinh thần hiệp ước Nga-Pháp), chính phủ Đức tuyên bố không công nhận hiệp nghị Anh-Pháp về vấn đề Marốc và đòi triệu tập một hội nghị quốc tế để xét lại hiệp nghị đó. Đức còn dọa sẽ gây chiến tranh với Pháp. Đầu năm 1911 lại nổ ra một cuộc khủng hoảng mới về vấn đề Marốc. Những bộ lạc ở Marốc nổi dậy chống lại quốc vương Marốc và chống lại cả người Pháp. Pháp tăng cường việc chiếm đóng Marốc bằng quân sự, mượn cớ dẹp những cuộc khởi nghĩa để mang quân đội sang chiếm đóng Phêdơ, thủ đô của Marốc. Đức cũng muốn chiếm một phần Marốc, một lần nữa đe dọa gây chiến tranh với Pháp và cho pháo hạm đậu trong cửa biển Agađin. Nhưng đế quốc Anh can thiệp vào cuộc tranh chấp Pháp-Đức và tuyên bố vấn đề Marốc cũng liên quan tới quyền lợi của mình, nên Anh không thể giữ thái độ dửng dưng được. Anh ủng hộ Pháp vì không muốn
Đức chiếm được một căn cứ hải quân ở Đại Tây Dương. Chính phủ Anh tuyên bố nếu Pháp bị tiến công thì Anh sẽ hết lòng giúp đỡ Pháp về mặt quân sự. Đế quốc Đức không dám đẩy việc đó đến chiến tranh nên phải nhượng bộ. Do đó, mùa thu năm 1911 một hiệp ước được ký kết giữa Pháp và Đức. Đức công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Marốc và ngược lại Pháp cho Đức một bộ phận của xứ Cônggô thuộc Pháp ở cạnh Camơrun thuộc Đức. Nhưng việc giải quyết cuộc khủng hoảng lần thứ hai về vấn đề Marổc chỉ làm cho quan hệ giữa các đế quốc Đức, Anh và Pháp thêm nghiêm trọng.
4. Thực dân Anh xâm chiếm Nam Phi
Bọn thực dân châu Âu vào Nam Phi đã tiêu diệt một phần dân tộc Khoi Khoi và San, số còn sóng sót thì bị dồn vào sa mạc. Tình hình ở Nam Phi phức tạp hơn các miền khác của Phi châu, vì bên cạnh mâu thuẫn chính giữa bọn thực dân xâm lược và nhân dân bản xứ, còn có mâu thuẫn giữa bọn thực dân Anh và người Bôơ (người Bôơ là con cháu người Hà Lan sinh cơ lập nghiệp từ lâu ở Nam Phi, không còn liên hệ với Hà Lan. Họ chủ yếu là nông dân).
Vào những năm 70 của thế kỷ XIX, Anh chiếm đóng Cáp và Natan. Sự chiếm đóng của quân Anh ở đây như một vành móng sát dài dọc bờ biển ngăn cản người Bôơ lên phía đông. Mùa hạ 1867, người ta tìm thấy kim cương lần đầu tiên ở Orănggiơ thuộc Nam Phi. Trước đó nơi đây không có người ở, là vùng sa mạc hoang vu, nay thành phố mọc lên và dân cư đông đúc. Để khai thác kim cương, các công ty cổ phần được thành lập và sử dụng người dân bản xứ làm nhân công rẻ mạt. Sau cuộc đấu tranh dữ dội giữa các công ty cổ phần để giành quyền khai thác kim cương, công ty Xêxin Rôdơ (Cecil Rhodes) kiểm soát việc này. Nhưng việc xâm chiếm thuộc địa của thực dân Anh ở Nam Phi vấp phải những cuộc nổi dậy của người Dulu và Bôơ. Đầu năm 1883, Dulu trở thành đất bảo hộ của Anh và đến năm 1897, Dulu hợp nhất với Nalan. Sau đó Anh tiếp tục bành trướng thuộc địa của mình về phía Bắc. Từ năm 1884 đến 1886, người ta tìm thấy mỏ vàng ở Tơrăngxvan. Công ty Xêxin Rôdơ lại nhanh tay dùng thủ đoạn mua của các chủ trại phạm vi đất đai có vàng và bỏ vốn vào việc khai thác vàng. Đế quốc thực dân Anh đã thực hiện chương trình xâm lược, chiếm thuộc địa của Rôdơ từ Cairô kéo dài đến Cáp. Ngoài ra, Anh còn ký kết hiệp ước với các thủ lĩnh người địa phương để được toàn quyền khai thác tài nguyên không hạn chế.
Nhưng trở ngại lớn đối với chính sách thuộc địa của đế quốc thực dân Anh ở Nam Phi là sự chống lại của hai nước cộng hòa Tơrăngxvan và Orănggiơ do người Bôơ thành lập.
5. Các nước đế quốc kết thúc việc phân chia châu Phi
Đến năm 1900 việc phân chia châu Phi giữa các nước đế quốc kết thúc. Nếu chương trình của đế quốc thực dân Anh đã thực hiện từ Cairô đến Cáp thì thực dân Pháp cũng thực hiện kế hoạch xâm lược ở châu Phi từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương. Pháp xâm chiếm phần lớn đất đai ở Tây Phi là Xênêgan, Sahara, Tây Xuđan. Đất đai Pháp chiếm được rộng lớn nhưng phần nhiều là sa mạc, không phì nhiêu. Đế quốc Đức đi xâm chiếm thuộc địa muộn hơn so với các đế quốc đàn anh nên bằng lòng với phần nhỏ ở Tây Phi, nhưng về kinh tế mà xét thì có giá trị lớn so với các thuộc địa khác. Đức chiếm được Tôgô và Camơrun. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp thì chia nhau lãnh thổ Ghinê, thành Ghinê thuộc Pháp, Ghinê xích đạo thuộc Tây Ban Nha và Ghinê Bitxao thuộc Bồ Đào Nha. Còn Anh thì thành lập nền bảo hộ ở Nigiêria và Bờ biển Vàng. Bỉ bành trướng thuộc địa ở Trung Phi, chủ yếu là Cônggô. Vì sự tranh chấp giữa các nước đế quốc nên năm 1884, một hội nghị quốc tế được triệu tập ở Béclin gồm 14 nước có liên quan đến châu Phi tham gia. Hội nghị thỏa thuận việc tự do buôn bán ở Cônggô và cho tàu bè của các nước tự do qua lại trên các con sông của châu Phi. Mười năm sau, Cônggô mới bị Bỉ xâm chiếm, Bỉ gặp phải sự phản kháng của tất cả các dân tộc ở Cônggô, nhất là miền Nam Cônggô, nhưng những cuộc nổi dậy đó đều bị đàn áp. Pháp cũng chiếm được một phần lưu vực sông Cônggô – dọc hữu ngạn sông đó và chi nhánh của nó là sông Ubanga. Vì vậy, trên bản đồ châu Phi có Cônggô thuộc Pháp và Cônggô thuộc Bỉ (nay là Daia).
Vào những năm 70, 80 Anh có điều kiện thuận lợi hơn trong việc xâm chiếm Đông bắc Phi châu, vì trước khi chiếm Ai Cập, Anh đã đặt cơ sở của mình ở Đông Xuđan. Đế quốc Pháp và Ý cũng muốn xâm chiếm thuộc địa ở Đông Phi. Anh chiếm được bờ biển thuộc vịnh Ađen, một phần đất của Xômali, Ý đặt nền bảo hộ của mình ở Xômali và mưu đồ xâm chiếm Êtiôpi. Nhưng cuộc nổi dậy ở Xuđan năm 1885 đã làm ngừng việc phân chia Đông Phi giữa các nước đế quốc. Phải 11 năm sau, tức là năm 1896, Anh mới dám trở lại xâm lược Đông Xuđan và cuộc chiến tranh ăn cướp đó phải kéo dài 2 năm mới bình định được, nhưng quân Anh và Pháp chạm chán nhau ở vùng Phasôđa. Chính phủ Pháp đành nhượng bộ Anh và hạ lệnh cho quân Pháp rút khỏi Phasôđa. Như vậy Pháp đành chịu không dám tranh chấp với Anh trong việc xâm chiếm vùng thung lũng sông Nin tức là Ai Cập và miền Đông Xuđan.
Tháng 8 năm 1885, Đức xâm chiếm một số vùng và thành lập miền Đông Phi thuộc Đức.
Năm 1896, Ý mưu toan xâm lược Êtiôpi, nhưng bị nhân dân Êtiôpi đánh bại và quân đội Ý phải chạy dài.
Năm 1889 Anh chiếm thêm Buganđa (một phần đất đai của Uganda) và cùng năm đó chiếm luôn Rôđêdi.
Biên giới xâm chiếm đất đai giữa Anh và Đức ở miền nhiệt đới Đông Phi đã được giải quyết năm 1890 với sự ký kết Hiệp ước HengôlanDandiba, trong đó Đức chỉ nhận được đảo Hengôlan. Còn Anh thì chiếm Dandiba, Vitu, Pemba, Kênia, Uganda, Nasalan, một số lãnh thổ ở Tây Phi và biên giới giữa Bờ biển Vàng và Tôgô.
Việc phân chia Đông Phi kết thúc vào năm 1900. Êtiôpi là nước ở Đông Phi giữ được nền độc lập của mình.
Miền giàu có nhất của Đông Phi do Anh chiếm. Các thuộc địa của Anh kéo dài từ Hồng Hải đến sông Nin. Kế hoạch xâm chiếm thuộc địa của Rôdơ hầu như hoàn thành. Đức thành lập Đông Phi thuộc Đức và Ruanđa, Urunđi. Bồ Đào Nha chiếm Môdămbích.
6. Đế quốc Pháp thôn tính Mađagaxca
Từ những năm 30 của thế kỷ XIX, đế quốc Pháp đã ký kết một số hiệp ước “bảo hộ” với các thủ lĩnh ở đảo Mađagaxca và chiếm đóng một số vùng ở bờ biển phía tây và Sakalava. Trong những năm sau, Pháp tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra toàn đảo. Năm 1882 Pháp đòi Mađagaxca phải công nhận quyền bảo hộ của chúng và bắt đầu gây chiến tranh xâm lược bằng cách đem tuần dương hạm bao vây đảo, đổ bộ vào các hải cảng quan trọng. Nhân dân Mađagaxca chiến đấu anh dũng chống bọn thực dân Pháp xâm lược, nhưng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, nên Mađagaxca phải ký hiệp ước nhận hầu hết các điều kiện của Pháp. Năm 1891, Pháp lại buộc Mađagaxca ký một hiệp ước đã soạn sẵn, trong đó Pháp yêu cầu kiểm soát chính sách đối nội, đối ngoại của Mađagaxca và có quyền đóng quân trên đảo nhiều ít tùy theo yêu cầu của Pháp. Nhân dân Mađagaxca phản đối kịch liệt, tổ chức chiến đấu chống lại, nhưng thất bại. Tháng 10-1895, Mađagaxca phải ký Hiệp ước công nhận nền thống trị của Pháp. Mùa hè năm 1896, Quốc hội Pháp phê chuẩn hiệp ước đó, phế truất nữ hoàng, chia Mađagaxca thành các tỉnh quân sự và thực hiện chế độ chuyên chế thực dân đối với nhân dân bản xứ. Tuy vậy, những cuộc nổi dậy ở nhiều miền trên đảo vẫn tiếp diễn cho đến năm 1904.
Như vậy, đến cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, châu Phi đã bị các đế quốc phân chia như sau: Anh xâm chiếm Ai Cập, Đông Xuđan, Tây Nigiêria, Bờ biển Vàng, Gambia, Siera Lêôna, thành lập Đông Phi thuộc Anh, chiếm Nam Rôđêdi, Cáp, Natan và Xômali thuộc Anh.
Đế quốc Pháp thành lập Tây Phi thuộc Pháp, Angiêri, Tuynidi, Sahara, Tây Xuđan, Sênêgan, Cônggô thuộc Pháp, Mađagaxca, một phần Xômali.
Đế quốc Đức thành lập Tây Nam Phi thuộc Đức và Đông Phi thuộc Đức, chiếm Camơrun và Tôgô.
Bồ Đào nha giành được Môdămbích, Angôla, Ghinê thuộc Bồ Đào Nha.
Bỉ thì xâm chiếm phần lớn đất đai Cônggô. Tây Ban Nha thì có Ghinê thuộc Tây Ban Nha.
III – Phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân châu Phi
Quyền hành không hạn chế và sự áp bức bóc lột vô cùng dã man của bọn thực dân châu Âu đã làm tổn thương đến tinh thần dân tộc và đời sống của nhân dân châu Phi. Nhân dân châu Phi rên xiết dưới ách nô dịch của thực dân xâm lược. Lúc mới bị xâm chiếm, dân số ở đây có gần 20 triệu, nhưng đến đầu thế kỷ XX chỉ còn lại 8 hoặc 9 triệu người. Đế quốc thực dân Anh là kẻ bóc lột chủ yếu ở châu Phi. Chúng đã gây ra nhiều vụ thảm sát trong cuộc chiến tranh chống nhân dân Đông Xuđan, biến Kháctum thành một lò giết người ghê rợn, chém đầu tù binh và đem treo ở tường thành. Trong chiến tranh Anh-Bôơ, thực dân Anh hoành hành dữ dội, lập các trại tập trung để nhốt phụ nữ và trẻ em, v.v…
Thực dân xâm lược càng tàn ác bao nhiêu, càng bị nhân dân châu Phi nổi dậy chống lại quyết liệt bấy nhiêu. Đứng đầu phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược, giành độc lập dân tộc là giai cấp tư sản dân tộc còn non yếu, sĩ quan, tầng lớp trên bị chèn ép, và một số giáo sĩ. Điều đố tất nhiên có hạn chế đến kết quả của cuộc đấu tranh. Nhưng lực lượng quyết định là quần chúng nhân dân đông đảo, chủ yếu là nông dân thành phần chủ lực của nghĩa quân. Giai cấp công nhân mới bắt đầu xuất hiện ở một số thành phố còn non yếu. Nói chung, khắp mọi nơi trên lục địa châu Phi, ở đâu bọn thực dân xâm lược đặt chân đến là ở đó có những cuộc nổi dậy chống lại.
1. Phong trào đấu tranh của nhân dân Angiêri chống thực dân Pháp xâm lược
Từ năm 1830 đến năm 1847 các bộ lạc ở Angiêri đã nổi dậy chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Ápen Kađe.
Ápen Kađe đã vận động phong trào dân tộc khởi nghĩa ở vùng Tây miền Maxcava vào năm 1832. Dưới khẩu hiệu “bài công giáo” ông đã có ảnh hưởng lớn trong quần chúng Hồi giáo. Tháng 6 năm 1835, ông chỉ huy nghĩa quân Angiêri phục kích quân Pháp và thắng trận lớn ở đèo La Macla, buộc Pháp phải ký hòa ước năm 1837. Ông lợi dụng thời gian tạm ngừng chiến để chuẩn bị lực lượng, bí mật liên lạc với Anh và Marốc để tấn công quân Pháp. Năm 1839 ông lãnh đạo nghĩa quân tấn công vào đồng bằng Mitiga. Nhưng chính phủ Pháp tổ chức đàn áp Angiêri với quy mô lớn, số quân viễn chinh lên tới 11 vạn rưỡi, với các tướng tá có kinh nghiệm quen đánh ở các thuộc địa. Ápen Kađe phải trốn sang Marốc và trở về phản công thắng lợi ở Xiđi Brahin. Nhưng, sau trận thắng cuối cùng này, Ápen Kađe bị vây bắt năm 1847. Sau đó Angiêri trở thành thuộc địa của Pháp. Cuộc kháng chiến của nhân dân Angiêri tuy thất bại nhưng có tiếng vang rất lớn đến các thuộc địa, và tên tuổi của Ápen Kađe được các dân tộc bị áp bức ghi nhớ sâu sắc.
2. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ai Cập
Thực dân Anh cũng như Pháp đều muốn chiếm Ai Cập, nhất là sau khi kênh đào Xuyê khánh thành năm 1869. Mặc dầu chế độ kênh là trung lập quốc tế, Anh vẫn tìm cách mua cổ phần để tham gia việc quản lý kênh, tìm cách kiểm soát tài chính Ai Cập. Anh lợi dụng lúc Ixmain (Ismail) được vua Thổ phong vương, tiêu hoang phí phải vay của Anh và Pháp một số tiền lớn rồi cuối cùng phải nhường cho Anh cổ phần Xuyê vào năm 1875 và từ đó Anh đẩy mạnh việc xâm chiếm Ai Cập.
Năm 1878 ở Ai Cập thành lập chính phủ mà người ta gọi là “Nội các châu Âu” vì trong chính phủ đó, người Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính và người Pháp giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động. Chính phủ đặt dưới quyền của Nuba Pasa thân Anh, tìm cách tăng mọi thứ thuế và giảm quân đội. Điều đó làm cho nhân dân yêu nước Ai Cập phẫn nộ. Tháng 4 năm 1879, 300 sĩ quan Ai Cập gửi thư cho Chính phủ đòi thải hồi các bộ trưởng ngoại quốc ra khỏi Chính phủ. Do áp lực của sĩ quan và sự phẫn nộ của đông đảo quần chúng nhân dân Ai Cập, Chính phủ buộc phải thực hiện yêu cầu đó và thành lập nội các mới do Sêrip Pasa đứng đầu, trong đó không còn bộ trưởng người nước ngoài nữa.
Anh cũng như Pháp đòi vua Thổ lật đổ Ixmain và đem Chiuphích lên ngôi. Vua mới Chiuphích (Tewfik) công nhận việc kiểm soát tài chính của Anh, Pháp và giảm số lượng quân đội Ai Cập xuống chỉ còn lại 18.000 người. Điều đó làm cho sự công phẫn của nhân dân Ai Cập càng lớn và phong trào giải phóng dân tộc ngày càng lên cao. Đứng đầu phong trào này là tầng lớp tư sản dân tộc còn non trẻ, tầng lớp sĩ quan trong quân đội Ai Cập, các trí thức và một số địa chủ yêu nước Ai Cập. Họ liên kết lại với nhau dưới khẩu hiệu “Ai Cập của người Ai Cập” và thành lập một tổ chức chính trị của mình là Đảng Quốc gia.
Tháng 5 năm 1880, một nhóm sĩ quan lại nổi dậy phản đối việc thải hồi sĩ quan, chống lại việc bắt binh lính Ai Cập làm những việc lao dịch và đòi phải tôn trọng họ. Đầu năm 1881, đại tá Átmet Arabi đứng đầu một nhóm sĩ quan tổ chức khởi nghĩa đòi thải hồi Bộ trưởng Chiến tranh. Átmet Arabi là con một gia đình nông dân, là nhà chính trị của Đảng Quốc gia. Ông hiểu được quân đội là lực lượng có tổ chức duy nhất ở Ai Cập và đóng vai trò quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc giành độc lập. Ông đã ủng hộ nông dân. Cuộc khởi nghĩa do Arabi chỉ huy chiếm Bộ Chiến tranh, bỏ tù tên bộ trưởng, đòi nội các từ chức, đòi tăng cường quân đội và đòi thảo ra hiến pháp mới. Nhà vua phải đồng ý với những yêu sách của Đảng Quốc gia và nghĩa quân. Sau hai lần thay đổi nội các, Arabi giữ chức Bộ trưởng chiến tranh. Việc đó làm cho bọn đế quốc thực dân Anh cũng như Pháp không yên lòng. Anh đã tổ chức cho Thổ xâm nhập vào Ai Cập, nhưng không thành. Pháp cũng định tổ chức một cuộc kiểm soát giữa Anh và Pháp về Ai Cập, nhưng Anh phản đối việc đó vì muốn thống trị Ai Cập một mình. Cuối cùng Pháp không dám can thiệp, Anh còn phản đối trong một bức công hàm gửi cho Chiuphích, đòi nội các mới từ chức, đòi đày Arabi và đuổi các nhà lãnh đạo Đảng Quốc gia ra khỏi Cairô. Nhưng vì cuộc nổi dậy ở Cairô cũng như ở Alêchxăngđria nên Chiuphích không dám làm gì. Cuối cùng, ngày 11-7-1882 tư lệnh hải quân Anh ra lệnh bắn 10 giờ liền vào Alêchxăngđria, đổ bộ 25.000 tên lính và chiếm thành phố này. Chiuphích phản bội chạy đến Alêchxăngđria.
Lúc này, một cuộc hội nghị được triệu tập ở Cairô gồm có đại biểu
quý tộc và sĩ quan Ai Cập. Hội nghị tổ chức tự vệ chống lại sự xâm nhập của quân viễn chinh Anh, tuyên bố phế truất Chiuphích và chỉ định Arabi làm tổng tư lệnh quân đội, Quân đội của Arabi gồm khoảng 19.000 người và 40.000 lính mới nhập ngũ, có nhiều đạn dược và vũ khí, trong đó có 500 đại bác. Nhưng trong việc thực hiện chiến thuật quân sự đó, đại tá tổng tư lệnh Arabi phạm sai lầm nghiêm trọng về quân sự và chính trị là ông đã không tăng cường lực lượng chiến đấu ở khu vực kênh đào Xuyê vì cho rằng, thực dân Anh không thể vi phạm quy định trung lập của kênh này. Nhưng thực dân Anh không đếm xỉa đến điều quy định về trung lập kênh đào Xuyê mà dùng đường đó để tấn công Ai Cập. Ngày 13-9-1882 quân Arabi bị thua. Ngày 14-9 quân viễn chinh Anh chiếm đóng kênh Xuyê, chiếm Cairô và chiếm nhanh toàn bộ Ai Cập, đánh bại quân khởi nghĩa, Arabi bị bắt và bị đi đày.
3. Nhân dân Đông Xuđan nổi dậy chống thực dân Anh
Đây là một sự kiện lớn trong lịch sử phong trào chống xâm lược của nhân dân châu Phi. Cuộc nổi dậy của nhân dân Đông Xuđan năm 1885 đã buộc bọn đế quốc xâm lược phải tạm dừng việc phân chia Đông Phi trong một thời gian khá dài.
Trước đây, vùng Đông Xuđan thuộc Ai Cập, nhưng từ năm 1882 tách khỏi Ai Cập. Nhân dân vùng thượng lưu sông Nin thành lập một đội quân tôn giáo do Muhamét At mét (Muhammed Admed) biệt hiệu là Mátdi (tức Cứu thế) chỉ huy. Mátdi là nhà truyền đạo trẻ rất quen biết ở Xuđan. Ông kêu gọi nhân dân Xuđan đứng dậy, tổ chức cuộc “kháng chiến thần thánh” chống bọn ngoại xâm, đòi bỏ các thứ thuế và tuyên bố quyền bình đẳng của mọi người. Mátdi trở thành kẻ “cứu thế”, người lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Xuđan chống đế quốc Anh. Số người tham gia kháng chiến ngày càng đông, tuy trang bị thiếu thốn, nhưng rất kiên quyết tiêu diệt kẻ thù. Cuộc khởi nghĩa lan nhanh khắp Xuđan vào cuối năm 1882 đầu năm 1883. Điều đặc biệt nguy hiểm cho sự thống trị của Anh là nghĩa quân đã tràn đến các miền ở bờ biển Hồng Hải – gần con đường tiếp nối chính giữa nước Anh và thuộc địa Anh. Nghĩa quân hạ Kháctum – thủ đô Đông Xuđan vào tháng 1 năm 1885 và giết chết tên tướng Anh đóng giữ ở đây. Quân Anh bị đuổi hết khỏi Đông Xuđan.
Cuộc nổi dậy của nhân dân Đông Xuđan chống thực dân Anh và chống phong kiến Ai Cập mang tính chất một phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau chiến thắng này, miền Đông Xuđan có những biến đổi lớn về xã hội. Chế độ bộ lạc cũ bị tiêu diệt. Các cơ quan cũ bị lật đổ và thay vào đó là dòng quý tộc lên cầm quyền. Qua cuộc chiến đấu, các dân tộc đã đoàn kết lại và dần dần hình thành một tổ chức quốc gia. Sau khi Mátdi chết (6-1885), Ápđulabi (Abdullabi) cầm đầu chính phủ và nắm tất cả các quyền bính trong tay.
Mười năm sau khi thất bại ở Kháctum, quân Anh không dám tấn công vào Đông Xuđan. Nhưng trong thời gian đó, tình hình chính trị ở Đông Phi đã thay đổi. Bọn đế quốc tiếp tục xâm chiếm, tung gián điệp và bành trướng thuộc địa vào các vùng gần Đông Xuđan. Do đó, chính phủ Anh quyết định có biện pháp cứng rắn đối với Đông Xuđan dùng quân viễn chinh tấn công xâm lược, tiêu diệt nhân dân Đông Xuđan. Quân viễn chinh Anh có đến 10.000 tên được trang bị đầy đủ. Nghĩa quân Đông Xuđan có 50.000, nhưng chỉ 1/3 trong số đó là có súng, Năm 1896, Anh đánh chiếm miền Đông Xuđan ở phía nam Ai Cập. Cuộc tiến công của quân Anh về phía thượng lưu sông Nin chậm chạp và kéo dài mấy năm liền. Nghĩa quân và nhân dân Đông Xuđan chiến đấu anh dũng và quyết liệt, song không tránh khỏi thất bại. Mãi đến năm 1898, quân Anh mới chiếm được Kháctum sau một cuộc thảm sát đẫm máu. Tháng 1 năm 1899, Anh hoàn thành việc chinh phục Đông Xuđan.
4. Phong trào đấu tranh giải phóng ở Êtiôpi
Trước đây Êtiôpi chia thành nhiều công quốc nhỏ. Giữa thế kỷ XIX, Êtiôpi bắt đầu hình thành một quốc gia tập quyền. Bên cạnh những thay đổi về mặt kinh tế, những yếu tố chính trị cũng được thay đổi. Do sự đe dọa của một cuộc tấn công của các lực lượng thực dân châu Âu, Êtiôpi phải tập trung lực lượng để đấu tranh bảo vệ nền độc lập. Vào năm 1856, các miền Tigơrơ, Soa và Ambara thống nhất với nhau dưới quyền của Têôđôrốt II. Têôđôrốt II lên ngôi lấy tên là Nêgút (tức Vua của các vị Vua). Từ năm 1856 đến 1868, Nêgút thực hiện cải cách và làm yếu bọn phong kiến cát cứ, tập trung quyền vào tay mình. Ông đã tổ chức được một quân đội thống nhất. Hệ thống thuế má được thay đổi, thu nhập được quy định và cấm việc buôn bán nô lệ.
Vào những năm 80, Ý đã chú ý đến Êtiôpi. Năm 1870 Ý chiếm vịnh Atxáp, một số vùng ở Hồng Hải và dùng những nơi đó để xâm nhập vào Êtiôpi. Năm 1886-1887, Ý tìm cách xâm nhập nhiều lần vào Êtiôpi, nhưng đều thất bại. Đầu năm 1889, khi mà giữa các thế lực phong kiến lớn ở Êtiôpi tranh chấp ngôi vua thì Ý lợi dụng tình thế đó ủng hộ Manêlích II (Manelik) thủ lĩnh vùng Soa lên ngôi. Giữa Manêlích II và Ý đã ký hiệp ước Uxiali (Uccialli) vào ngày 2-5-1889, rồi dần dần, biến Êtiôpi thành đất bảo hộ của Ý.
Năm 1890, Ý tuyên bố công khai lập nền bảo hộ ở Êtiôpi và chiếm đóng Etiôpi. Vua Tigơrơ, Mênêlích phản đối kịch liệt và phủ nhận quyền bảo hộ của Ý ở Êtiôpi. Mênêlích chuẩn bị lực lượng để đấu tranh chống lại. Một đội quân gồm 11 vạn 2 ngàn người được tổ chức. Mênêlích đã thống nhất được các tỉnh để chiến đấu, đó là điều mà từ trước đến bấy giờ lịch sử Êtiôpi chưa hề làm được.
Năm 1895, Ý mở cuộc tấn công, nhưng ngày 1-3-1896 Ý bị thua thảm hại trong trận Adua, bị chết 3.000 quân, lại thêm 3.000 thương binh bị chết vì thiếu thuốc men và chăm sóc, hơn 3.000 quân bị bắt làm tù binh. Tất cả khí giới của quân Ý đều bị tịch thu. Có 4 viên tướng chỉ huy thì 2 tử trận, 1 bị thương và 1 bị bắt. Đây là cuộc thua trận lớn nhất trên đường chinh phục của bọn thực dân Ý.
Tháng 10 năm 1896, Ý buộc phải ký Hiệp ước hòa bình ở Atđi Abeba (Addis Abeba), công nhận nền độc lập của Êtiôpi, hủy bỏ hiệp ước Uxiali và bồi thường chiến phí. Cuộc kháng chiến của Êtiôpi giành được thắng lợi, nói lên sức mạnh đoàn kết của nhân dân Êtiôpi và có ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với phong trào đấu tranh chống xâm lược của nhân dân châu Phi.
Châu Phi vào thời kỳ cận đại đã bị các nước đế quốc châu Âu, chủ yếu là đế quốc Anh, Pháp và Đức xâu xé phân chia. Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, hầu như toàn bộ châu Phi đã bị thôn tính và trở thành thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc thực dân.
Nhân dân châu Phi đã anh dũng đứng lên chống ngoại xâm để gìn giữ nền độc lập của đất nước.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục