Trang chủ Nông nghiệp Kỹ thuật lúa sạ (gieo sạ)

Kỹ thuật lúa sạ (gieo sạ)

by Ngo Thinh
316 views

1. Làm đất lúa sạ (gieo vãi)

– Chuẩn bị đồng ruộng: Dọn cỏ sạch sẽ xung quanh bờ ruộng, loại bỏ nơi trú ẩn của chuột bọ và mầm mống sâu bệnh. Bố trí ruộng tập trung tiện cho chăm sóc, bảo vệ, chống chim chuột.

– Làm đất: Ruộng lúa sạ cần làm đất kỹ hơn lúa cấy. Cày, bừa, xới hoặc trục rồi san ruộng sao cho mặt ruộng thật bằng phẳng, giảm những chỗ trũng nước gây úng, lúa giống khó lên mầm được. Có hệ thống tưới tiêu chủ động, có thể bón lót phân rồi mới sạ. Nếu có trũng nước nên đánh rãnh thoát nước, tốt nhất nên chuẩn bị đất 1 ngày trước khi

2. Hình thức gieo sạ

Lúa sạ có hai hình thức cơ bản là sạ khô và sạ ướt, khác nhau về cách làm đất và tưới nước.

– Sạ khô: thường gieo hạt xong bơm nước ngập mặt ruộng, ngâm 1 ÷ 2 ngày sau đó rút nước cạn để cho hạt mọc hoặc những nơi không có điều kiện bơm tưới nước thì cứ để đó chờ trời mưa xuống, hạt lúa đủ ẩm sẽ mọc mầm.

– Sạ ướt: Có hai cách gieo hạt

+ Sau khi làm đất, rút cạn hết nước rồi gieo trên mặt ruộng

+ Sau khi làm đất cứ để nguyên nước và gieo hạt giống, gọi là sạ ngầm

3. Kỹ thuật gieo sạ

a. Kỹ thuật sạ lan:

Sạ lan là dùng tay gieo hạt giống trực tiếp xuống ruộng, khi lúa mọc lên không có hàng lối phân biệt. Trong trường hợp ruộng khó điều chỉnh mặt bằng và điều kiện ngâm ủ hạt giống thì thường phải sạ lan, vì sạ lan thời gian ủ giống và chuẩn bị ruộng không khắt khe. Nhưng sạ lan sẽ tốn lượng giống lớn (200 ÷ 300kg/ha), mật độ dày, dẫn đến yếu cây, dễ đổ ngã, sâu bệnh dễ phát triển, tốn nhiều phân để bón và tốn nhiều thuốc để trừ sâu bệnh, năng suất và phẩm chất sẽ bị kém. Nếu sạ lan thưa thì cây lúa phát triển cũng không có hàng lối, khó chăm sóc. Quá trình bón phân và chăm sóc giống như lúa sạ theo hàng.

b. Kỹ thuật sạ lúa theo hàng:

Sạ lúa theo hàng là sau khi sạ lúa lên thành hàng lối theo mục đích người sản xuất lúa cũng như đặc điểm nông học của giống lúa.

Khi sạ cho lúa giống đã ngâm ủ đúng kỹ thuật vào dụng cụ được thiết kế trước. Kéo dụng cụ này đi đến đâu, hạt lúa giống sẽ rơi ra đến đó thành hàng. Hàng cách hàng và lượng hạt rơi ra trên hàng tùy thuộc vào yêu cầu người sản xuất lúa, điều kiện nông học của cây lúa và điều kiện nơi ứng dụng. Dụng cụ có thể làm bằng kim loại, gần đây dụng cụ này được cải tiến và làm bằng mủ, nên nhẹ nhàng hơn. Bề rộng của dụng cụ tùy thuộc vào yêu cầu, có thể 6, 8, 10, 12, 16, 18 hàng, … Dụng cụ này có thể kéo bằng tay, có thể gắn với máy kéo.

– Lúa để gieo sạ theo hàng có thể là: Lúa khô; Lúa đã ngâm 24 giờ để ráo nước; Lúa ủ vừa nhú mầm (1 ÷ 2mm).

– Yêu cầu kỹ thuật:

+ Lúa giống (hạt khô hoặc hạt đã ngâm 24 giờ để ráo nước, ủ cho hạt lúa nứt nanh hay mầm của hạt dài 1 ÷ 2mm) được đổ vào các trống chứa hạt của dụng cụ gieo, chỉ nên đổ khoảng 2/3 trống, không nên đổ đầy. Trong quá trình di chuyển trên mặt ruộng, bánh xe lăn làm cho các trống của máy gieo lăn theo đồng bộ, hạt lúa giống trong trống bị xáo trộn sẽ theo các lỗ mở thoát ra ngoài rơi tự do xuống mặt ruộng thành hàng.

+ Mật độ gieo trồng được điều chỉnh bởi các vòng cao su che các dãy lỗ. Với các dãy lỗ, số lỗ và đường kính lỗ đã chọn sẵn, hạt lúa giống có chiều dài trung bình và gieo ở mật độ trung bình có thể xấp xỉ ở 3 mức: 50 – 75 – 100 kg/ha.

Nếu muốn đảm bảo mật độ gieo tương đối chính xác, trước khi gieo chính thức cần kiểm tra mật độ gieo trên 100m2 bằng phương pháp đơn giản: đo bề rộng làm việc thực tế của dụng cụ gieo, tính chu vi của bánh xe để biết diện tích gieo được khi bánh xe quay một vòng, như vậy tính được số vòng bánh xe quay khi gieo 100m2. Sau khi cho hạt giống vào các trống, kê kích máy lên, lót giấy hoặc bạt nilon phía dưới để hứng hạt, quay bánh xe sao cho số vòng quay tương ứng với thực tế là 100m2. Thu số hạt lúa giống rơi xuống đem cân sẽ cho biết mật độ cần gieo, nếu có chênh lệch thừa hoặc thiếu theo yêu cầu có thể điều chỉnh tăng giảm nhờ các vòng cao su che trên các dãy lỗ.

Cũng bằng phương pháp này, các nhà kỹ thuật có thể tính khoan số lỗ và chọn đường kính lỗ cho phù hợp với mật độ yêu cầu ở các giống lúa có kích thước khác nhau. Trường hợp có yêu cầu gieo hạt giống có mầm hơi dài có thể khoan lỗ có dạng hình bầu dục, hạt dễ ra hơn để đảm bảo mật độ gieo sạ.

– Ưu điểm của sạ lúa theo hàng:

Theo kết quả nghiên cứu của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và ứng dụng trong sản xuất thực tế tại Nông trường sông Hậu và nhiều tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy máy gieo lúa theo hàng có những hiệu quả sau đây:

  • Tiết kiệm hạt lúa giống so với sạ lúa từ 50 ÷ 70% (một ha đất gieo trồng tiết kiệm khoảng 200 kg lúa giống)
  • Năng suất lúa cao hơn trường hợp sạ lan đối chứng từ 0,5 ÷ 1,0 tấn/ha
  • Dễ áp dụng cơ giới hoá trong khâu làm cỏ, bón phân
  • Giảm được sâu bệnh trên ruộng lúa, giảm được lượng thuốc trừ sâu bệnh
  • Rất thích hợp cho ruộng lúa kết hợp với nuôi cá
  • Rất thuận lợi trong việc sản xuất lúa giống: dễ khử lần, tránh lẫn tạp từ lúa nền vụ trước và dễ trừ lúa cỏ
  • Chất lượng hạt lúa giống tốt hơn, hạt lúa mẩy hơn và tỷ lệ gạo nguyên cao hơn

Nhờ cải tiến liên hợp máy gieo với máy kéo nên năng suất máy gieo cao hơn sạ tay, giảm được nhiều công lao động vất vả cho người sản xuất lúa. Máy và công cụ gieo lúa theo hàng hiện nay đã được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, một số tỉnh miền Trung. Với hiệu quả rất rõ ràng của máy gieo lúa theo hàng, hy vọng sắp tới toàn bộ diện tích lúa sẽ được áp dụng bằng phương pháp gieo lúa theo hàng thay tập quán sạ lan.

– Máy và công cụ gieo lúa theo hàng rất đơn giản, gọn, nhẹ, dễ sử dụng và hiệu quả rất cao.

Nhưng để thực hiện tốt cần chú ý những điểm cơ bản sau:

+ Chuẩn bị đồng ruộng: Làm đất thật kỹ, san ruộng sao cho mặt ruộng thật bằng phẳng, đánh đường nước sao cho mặt ruộng khi sạ không còn nước đọng.

+ Chuẩn bị lúa giống:

Số lượng giống cần dùng tùy theo yêu cầu nông học: 50 – 75 – 125 kg/ha (mức trung bình là 100kg/ha), lúa giống cần được làm sạch, độ nẩy mầm trên 85%.

Ngâm, ủ: Lúa được ngâm trong nước 24 giờ, sau đó rửa sạch nước chua, để lúa ráo nước rồi ủ ở nhiệt độ 30-35oC cho hạt lúa giống nứt nanh (mầm dài từ 1 ÷ 2mm) là đem gieo được. Trường hợp gieo khô nên dùng máy gieo có bộ phận lấp hạt tránh chim chuột ăn.

Để bảo vệ hạt giống, trước khi sạ có thể sử dụng thuốc xử hạt giống như Regent Hai lúa đỏ: dùng 1 chai 25cc cho 50 kg lúa giống. Cách làm: cho vào bình 2,5 lít nước hoà tan với 25cc thuốc, xịt vào lúa giống, trộn đều và ủ từ 10 ÷ 12 giờ rồi mới sạ. Tốt nhất là trộn thuốc vào buổi chiều để ủ, sáng hôm sau sạ.

– Gieo hạt

  • Nên gieo vào buổi sáng. Chú ý thời tiết, tránh trường hợp vừa gieo xong bị mưa sẽ làm cho hạt giống bị trôi hoặc lệch hàng.
  • Đổ lúa giống vào trống gieo khoảng 2/3 trống, không đổ quá đầy hạt giống sẽ khó rơi.
  • Điều chỉnh lượng hạt ra trên máy gieo theo mật độ yêu cầu
  • Hạt giống nên vừa nhú mầm, không nên để mầm quá dài dính lẫn vào nhau khó rơi ra ngoài sẽ không đảm bảo mật độ gieo sạ.
  • Lúc gieo nên kéo máy đi thẳng hàng, đợt đi đầu và đợt đi kế tiếp nên trùng vết bánh xe để đảm bảo khoảng cách. Nếu được nên kéo theo hướng Bắc – Nam để tăng khả năng quang hợp của cây lúa.

– Những trở ngại khi dùng máy gieo hàng:

Lúa gieo hàng lên không đều thường do những nguyên nhân sau:

+ Tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống thấp: Cần chọn giống tốt, thử độ nẩy mầm trước khi

+ Làm đất không kỹ, đất không được bằng phẳng lượng giống rơi ra không đều. Mặt ruộng có nhiều chỗ trũng, hạt rơi xuống chỗ trũng nước sâu không lên mầm được. Hạt giống nảy mầm quá dài lượng hạt rơi xuống không đủ theo mật độ yêu cầu. Chính vậy cần chú ý làm đất kỹ, ngâm ủ giống đảm bảo độ dài mầm đúng yêu cầu.

+ Khi vừa gieo xong bị mưa lớn: hạt giống bị nhảy hàng hoặc bị trôi do chưa kịp bám vào đất. Nếu vừa gieo xong bị mưa lớn có thể khắc phục bằng cách giữ ngập nước mặt ruộng ngay khoảng 5cm để tránh bị mưa trôi hạt giống.

+ Lúa mới gieo, thân mềm dễ bị bù lạch hoặc cua, ốc ăn làm giảm mật độ.

– Chăm sóc lúa gieo hàng

  • Nên chú ý xử lý thuốc cỏ hoặc dùng dụng cụ làm cỏ sục bùn để trừ cỏ, vì gieo mật độ thưa cỏ rất dễ phát triển.
  • Ngày thứ 5 sau khi gieo cho nước vào từ từ
  • Chăm sóc dặm lại những nơi lúa không lên vào ngày thứ 18 ÷ 20 sau khi sạ
  • Từ lúc gieo tới 20 ngày tuổi, lúa chưa nảy chồi, nhìn cánh đồng lúa rất thưa. Nhưng đến tuần thứ tư sau sạ, lúa đã đẻ nhánh trông rất đẹp. Với khoảng cách hàng cách hàng 20 cm, lúc trỗ trông như lúa cấy: cây cứng, bông lúa dài, hạt mẩy, ít lép, … Đó là điều kiện tăng năng suất hơn nhiều so với sạ lan mật độ cao

c. Bón phân cho lúa sạ

– Phân đạm

Cây lúa có 4 thời kỳ sinh lý có nhu cầu đạm cao đó là: bén rễ, nảy chồi, làm đòng và khi trỗ. Ở các thời kỳ này nếu thiếu đạm sẽ giảm năng suất mạnh, bón đúng phân đạm vào giai đoạn cây cần sẽ gia tăng năng suất lúa đáng kể, đồng thời tiết kiệm được lượng đạm mất. Tuỳ theo giống có thời gian sinh trưởng khác nhau mà xác định thời kỳ bón cho đúng nhu cầu của cây, ảnh hưởng của phân đạm đối với cây lúa

+ Tạo cho bộ lá phát triển và có màu xanh đậm

+ Thúc đẩy cây lúa sinh trưởng mạnh, tăng nhanh chiều cao cây và nẩy chồi khỏe

+ Tăng trưởng kích thước của lá và hạt

+ Tăng số hạt trên bông

+ Tăng tỷ lệ hạt chắc trên bông

+ Bón thừa đạm sẽ có tác dụng xấu, sâu bệnh phát triển mạnh, lúa bị lốp đổ sớm đặc biệt trong vụ Hè – Thu

+ Khi cây lúa bị thiếu đạm sinh trưởng còi cọc, nẩy chồi kém, thời gian sinh trưởng của cây bị rút ngắn lại. Lá lúa nhỏ và ngắn, lá còn non chuyển sang màu vàng nhạt, lá lúa già có màu tro sáng, ban đầu xuất hiện từ mép lá, sau đó lan rộng ra toàn lá và chết. Dẫn đến thất thu năng suất. Phân đạm thường được bón làm 4 đợt tùy theo thời gian sinh trưởng của cây lúa.

  • Đợt 1: Từ 5 ÷ 10 ngày sau sạ 20%
  • Đợt 2: Từ 20 ÷ 25 ngày sau sạ 40%
  • Đợt 3: Từ 35 ÷ 40 ngày sau sạ 30%
  • Đợt 4: Từ 55 ÷ 70 ngày sau sạ 10%

– Phân lân:

Tác dụng của phân lân trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa

  • Kích thích sự phát triển của bộ rễ
  • Thúc đẩy cây lúa trỗ và chín sớm
  • Tăng cường nẩy chồi mạnh, giúp cây phục hồi nhanh sau khi gặp các điều kiện bất lợi
  • Phát huy tác dụng của phân đạm, nhất là trên vùng đất chua phèn nghèo lân

Khi cây lúa bÞ thiếu lân: Cây lúa sinh trưởng còi cọc, lá lúa nhỏ và ngắn, có màu xanh đậm gần giống với màu lá lúa khi bón dư đạm, lá lúa về già chuyển sang màu nâu màu tía rồi chết

Cây lúa cần lân ngay từ đầu vụ, phân lân tham gia vào các quá trình đồng hoá và vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cây, quá trình phân chia tế bào và phát triển bộ rễ. Do vậy khi bón phân lân cho lúa nên bón vào giai đoạn đầu mới có hiệu quả, thường bón lót trước khi gieo sạ

– Phân kali:

Tác dụng của kali

+ Xúc tiến quá trình quang hợp, hình thành và vận chuyển các chất dinh dưỡng và đường bột trong cây.

+ Tăng cường khả năng đẻ nhánh, sự tạo thành các mô chống đỡ làm cho cây lúa cứng, giảm tác dụng vươn lóng, vươn lá do quá mức của đạm, hạn chế đổ ngã sớm và chống chịu sâu bệnh

+ Đóng vai trò quan trọng trong các quá trình sinh lý của cây, giúp cây chống chịu các điều kiện bất lợi như: hạn hán, nóng, sâu, bệnh.

Khi cây lúa bị thiếu kali: Cây lúa sinh trưởng còi cọc, hạn chế nảy chồi, cây lùn, lá lúa xòe và có màu xanh đậm, những lá lúa ở dưới mép lá bị vàng, bắt đầu từ đỉnh lá chạy xuống và khô dần, sau đó chuyển sang màu nâu nhạt, đôi khi xuất hiện nhiều đốm nâu trên bề mặt của các lá có màu xanh đậm. Liều lượng và giai đoạn bón có thể áp dụng như sau:

  • Đợt 1: Bón 20 kg K2O/ha (3,5kg KCL/1000m2) vào 30 ÷ 35 ngày sau khi sạ
  • Đợt 2: Bón 30 kg K2O/ha (5kg KCL/1000m2) vào 40 ÷ 45 ngày sau khi sạ

– Kỹ thuật bón phân theo bảng so màu lá lúa:

Bảng so màu lá là dụng cụ được chuẩn hoá từ máy đo diệp lục tố, sử dụng rất đơn giản và tiện lợi. Bảng so màu lá có 6 khung từ 1 ÷ 6, theo chiều tăng dần từ thiếu đạm đến dư đạm.

Bón phân đạm dựa vào bảng so màu lá để quyết định liều lượng phân đạm bón cho từng giai đoạn. Bón phân theo công cụ này sẽ tiết kiệm được lượng phân bón đáng kể và cho năng suất lúa cao hơn. Khi bón phân đạm theo bảng so màu, thì bón phân lân và kali phải đủ nhu cầu của cây.

Cách sử dụng bảng so màu lá lúa như sau: sau 14 ngày đối với lúa cấy và sau 21 ngày đối với lúa sạ, bắt đầu sử dụng bảng so màu lá được. Cứ 7 ÷ 10 ngày dùng bảng so màu lá để so một lần. Mỗi điểm đo 30 lá, nếu màu lá ở khung màu số 1, 2, 3 là thiếu đạm. Liều lượng bón cho mỗi lần là 20 ÷ 40 kgN/ha tùy theo độ vàng của lá và mùa vụ. Màu xanh của lá lúa ở khung số 4 là đủ đạm và khung số 5 và 6 là dư đạm. Thừa đạm không những gây lãng phí phân đạm mà còn gây lốp đổ sớm, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa.

Các đợt đo nên cùng một thời gian hoặc buổi sáng hoặc buổi chiều, khi đo quay lưng lại với hướng mặt trời, dùng lưng che ánh sáng mặt trời chiếu vào bảng so màu lá, lấy lá lúa Y, đã phát triển đầy đủ, đo khoảng giữa chiều dài lá kể từ chóp lá, dùng tay di chuyển lá trên bề mặt bảng so màu, màu lá lúa trùng với khung màu nào trên bảng so màu lá là thể hiện tình trạng đạm trong cây lúc đó mà quyết định bón đạm hay không.

Bón phân theo bảng so màu cho lúa cần lưu ý phải đủ cả lân và kali, bảng so màu lá lúa không dùng để xác định liều lượng lân và kali để bón cho lúa.

4. Quản lý chăm sóc ruộng sạ

– Trong điều kiện quản lý được ốc bươu vàng, nên đưa nước vào ruộng sớm sau khi sạ từ 3- 5 ngày, độ sâu khoảng từ 2 ÷ 4 cm tùy theo độ cao của cây lúa, và giữ nước liên tục tại ruộng sẽ hạn chế được nhiều loài cỏ dại.

– Trước khi bón phân nên điều chỉnh để nước láng mặt ruộng là đủ, sau khi bón phân hai ngày tiếp tục đưa nước vào từ từ và duy trì ở mức

– Không nên để ruộng lúa bị khô, ngập xen kẽ, vì như vậy sẽ mất đi một lượng lớn dinh dưỡng đặc biệt là phân đạm.

– Bón phân cân đối là khâu quan trọng để có năng suất cao, phẩm chất tốt và tăng hiệu quả kinh tế. Bón cho cây lúa đủ yêu cầu dinh dưỡng, không quá nhiều, quá ít hoặc thiếu một loại dưỡng chất nào đó và bón đúng thời kỳ yêu cầu dinh dưỡng của cây.

Áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hoá học, đặc biệt là các loại thuốc có độ độc tính cao để trừ sâu bệnh trong vòng 40 ngày từ khi sạ, mục đích để bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng, ưu tiên sử dụng các thuốc thảo mộc hoặc thuốc sinh học để bảo vệ môi trường. Chỉ áp dụng thuốc hóa học khi sâu, bệnh tấn công nghiêm trọng có thể làm giảm năng suất lúa.

– Đối với cỏ dại: Quan sát và ghi nhận các loại cỏ hiện diện trên ruộng từ vụ trước để áp dụng các biện pháp phòng trừ. Nếu ruộng có nhiều cỏ lồng vực hoặc có đuôi phụng nên đưa nước vào ruộng sớm từ 3 ÷ 5 ngày sau sạ, hoặc sử dụng thuốc trừ cỏ chuyên biệt.

+ Trường hợp làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng chỉ cần áp dụng thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm như Sofit 300EC là đủ, với nồng độ 50 ÷ 60 ml thuốc chobình 16 lít, xịt (phun) 2 bình/1000m2. Nhóm thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm chỉ có tác dụng ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ nhưng khi hạt cỏ đã nẩy mầm thì thuốc không có tác dụng. Do đó, nên áp dụng sớm từ 1 ÷ 3 ngày sau sạ (hoặc cây), khi xịt yêu cầu mặt ruộng phải cạn nước, sau khi xịt 2 ÷ 3 ngày phải đưa nước ngay vào ruộng. Nếu ruộng không bằng phẳng, sau khi xịt thuốc cỏ tiền nảy mầm, các gò cao cỏ vẫn còn mọc, có thể sử dụng bổ sung bằng một số thuốc diệt cỏ hậu nảy mầm như: Nominee 100SC, Satanil 60ND, Cantanil 55EC, Tiller, …Thời gian sử dụng thuốc là sau sạ từ 7 ÷ 20 ngày.

+ Nhóm thuốc diệt cỏ hậu nảy mầm: Thời gian áp dụng từ 5 ÷ 15 ngày sau sạ, khi cây cỏ được 3 ÷ 5 lá mầm.

(Nguồn tài liệu: Giáo trình Cây lương thực)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net