Trang chủ Nông nghiệp Quản lý nước cho cây lúa

Quản lý nước cho cây lúa

by Ngo Thinh
339 views

Bài hướng dẫn Quản lý nước cho cây lúa.

1. Xác định nhu cầu nước của cây lúa

1.1.  Xác định nhu cầu nước của cây lúa từ sau gieo đến 20 ngày

a/ Giai đoạn nảy mầm

Hạt giống mới được gieo xuống ruộng, cho đến 2-3 ngày sau gieo, ruộng chỉ cần độ ẩm bão hòa. Bị ngập nước ở giai đoạn này còn ảnh hưởng xấu đến quá trình mọc mầm của hạt, thậm chí mầm không mọc được.

b/ Giai đoạn cây lúa sau sạ 5-20 ngày

– Sau sạ từ 5-7 ngày: Cây lúa cần lớp nước mỏng săm sắp mặt ruộng.

– Lúc này ruộng bị khô sẽ tổn thương đến rễ lúa, nên không thể để ruộng khô nứt nẻ.

– Duy trì lớp nước ở mặt ruộng cho đến khi cây lúa được 20 ngày sau gieo.

1.2.  Xác định nhu cầu nước của cây lúa ở thời kỳ đẻ nhánh

a/ Nhu cầu nước của cây lúa sau sạ 20 – 25 ngày

Lúc này cây lúa bắt đầu bước vào thời kỳ đẻ nhánh, chỉ cần mực nước săm sắp mặt ruộng, ngập nước sâu cây lúa đẻ nhánh kém.

b/ Nhu cầu nước của cây lúa trong giai đoạn đẻ nhánh

Giữ mực nước trong ruộng ổn định từ 3-5 cm.

c/ Nhu cầu nước của cây lúa sau giai đoạn đẻ nhánh

Từ 30-40 ngày sau sạ, để ruộng cạn, mặt ruộng không có nước, ruộng lúa khô ráo, thông thoáng, các lá già bên dưới khô, ít bị bệnh.

1.3.  Xác định nhu cầu nước của cây lúa ở giai đoạn trỗ

Ở giai đoạn lúa trỗ, mực nước trong ruộng từ 5-10cm là vừa.

Ruộng khô lúa sẽ bị lép nhiều, ruộng ngập nước sâu, ảnh hưởng đến trỗ bông, thậm chí bị thối đòng.

1.4. Xác định nhu cầu nước của cây lúa ở giai đoạn lúa chín

a/ Nhu cầu nước của cây lúa ở thời kỳ chín sữa

Ở thời kỳ chín sữa, cây lúa vẫn cần nước, mực nước trong ruộng từ 3- 5cm là vừa.

b/ Nhu cầu nước của cây lúa ở thời kỳ chín sáp

Đầu thời kỳ chín sáp tức là sau khi trỗ khoảng 10 ngày, để nước săm sắp mặt ruộng. Đến cuối thời kỳ chín sáp (sau trỗ 20 ngày) bắt đầu rút cạn hết nước ở mặt ruộng.

c/ Nhu cầu nước của cây lúa ở thời kỳ chín hoàn toàn

Ở thời kỳ chín hoàn toàn, lúa không cần nước, chỉ cần độ ẩm đất của ruộng lúa từ 60-70%, đến khi thu hoạch, ruộng khô sẽ dễ dàng cho thu hoạch.

2.  Điều chỉnh nước cho lúa – Tưới ướt khô xen kẽ

 Tưới ướt khô xen kẽ vừa tiết kiệm được nước tưới vừa giúp đất thông thoáng, rễ lúa ăn sâu, huy động tốt dưỡng chất, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

* Cách tưới như sau:

– Lúa ở giai đoạn cây con: Trước khi sạ giống, mặt ruộng phải khô nước để đảm bảo cho hạt giống mọc mầm và sử dụng thuốc trừ cỏ thuận lợi (đối với thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm). Sau khi lúa mọc mầm ổn định hoặc sau khi phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm 2 đến 3 ngày thì cho nước vào ruộng. Từ giai đoạn này đến khi lúa bắt đầu đẻ nhánh chỉ cần giữ mực nước trên ruộng từ 1 – 3

– Giai đoạn lúa đẻ nhánh: Cây lúa bắt đầu đẻ nhánh ở giai đoạn sau sạ từ 15 đến 20 ngày, đối với vụ Đông Xuân; 12 đến 15 ngày, đối với vụ Hè Từ giai đoạn này đến khi lúa đứng cái làm đòng áp dụng biện pháp tưới nước “Ướt – Khô xen kẽ” theo cách: Cho nước vào ruộng với mực nước từ 3 – 5 cm và để cho đợt nước này tự cạn, khô đến khi thấy mặt ruộng nứt nhẹ (nứt chân chim) thì cho nước vào lại, rồi tiếp tục để ruộng tự khô nứt chân chim trở lại. Cứ tưới nước theo kiểu “Ướt – Khô xen kẽ” như vậy trong suốt quá trình cây lúa đẻ nhánh.

– Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng đến trỗ, chín sữa: Thông thường lúa đứng cái làm đòng ở giai đoạn khoảng 40 đến 45 ngày, đối với giống ngắn ngày; 50 đến 55 ngày, đối với giống trung ngày. Từ giai đoạn đứng cái làm đòng đến trỗ, chín sữa cây lúa rất cần nước, không được để ruộng khô nước. Tưới luân phiên nhưng ruộng vừa cạn thì phải tưới lại. Nên duy trì mực nước trên ruộng khoảng 5 cm, để lúa phát triển một cách tốt nhất.

– Giai đoạn lúa chín, thu hoạch: Giai đoạn lúa chín, từ 10 đến 12 ngày trước khi thu hoạch cần tháo cạn nước để mặt ruộng được khô ráo, nhằm thuận lợi cho công tác thu hoạch.

Một số lưu ý trong quản lý nước tưới đối với cây lúa:

– Trong điều kiện thời tiết rét lạnh (nhiệt độ dưới 200C) không nên để ruộng cạn nước, phải giữ mực nước trên ruộng từ 3 – 5 cm để chống rét cho cây.

– Phải quản lý tốt cỏ dại trên ruộng lúa. Khi phun thuốc trừ cỏ cho lúa chú ý phải đúng kỹ thuật; đặc biệt phải đảm bảo phun đủ lượng thuốc, lượng nước pha và phun ướt đều mặt ruộng.

– Trong giai đoạn tưới nước ướt khô xen kẽ cho lúa (giai đoạn lúa đẻ nhánh), nên kết hợp tốt giữa các đợt tưới nước với các đợt bón phân cho lúa.

(Nguồn tài liệu: Kỹ thuật thâm canh lúa tiên tiến, Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, 2016)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net