Nguyên tắc kế toán, chứng từ, tài khoản sử dụng và phương pháp kế toán tiền gửi ngân hàng;
1. Chứng từ kế toán
Trong quá trình kế toán tiền gửi ngân hàng, kế toán sử dụng các loại chứng từ chủ yếu sau:
– Ủy nhiệm chi: là phương tiện thanh toán mà người trả tiền lập lệnh thanh toán theo mẫu do Ngân hàng quy định, gửi cho ngân hàng nơi người trả tiền mở tài khoản yêu cầu trích một số tiền nhất định trên tài khoản của người trả tiền để trả cho người thụ hưởng.
– Giấy báo Nợ: là giấy do ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản phát hành nhằm thông báo cho chủ tài khoản biết số tiền trong tài khoản giảm và nội dung của giao dịch thanh toán.
– Giấy báo Có: là giấy do ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản phát hành nhằm thông báo cho chủ tài khoản biết số tiền trong tài khoản tăng và nội dung của giao dịch thanh toán.
– Bản sao kê: là bảng thông báo chi tiết các giao dịch phát sinh do ngân hàng phát hành, được ngân hàng gửi cho chủ tài khoản vào ngày sao kê. Bản sao kê giúp cho doanh nghiệp kiểm soát các giao dịch biến động tiền gửi và là cơ sở đối chiếu với số liệu của ngân hàng.
2. Tài khoản kế toán
Để phản ánh số hiện có và theo dõi tình hình tăng, giảm tiền gửi ngân hàng kế toán sử dụng TK 112 “Tiền gửi ngân hàng” với kết cấu như sau: Bên Nợ:
- Các khoản tiền gửi vào ngân hàng.
- Lãi tỷ giá do đánh giá lại ngoại tệ gửi ngân hàng.
- Thừa tiền gửi ngân hàng khi đối chiếu số liệu. Bên Có:
- Các khoản tiền rút ra khỏi ngân hàng.
- Lỗ tỷ giá do đánh giá lại ngoại tệ gửi ngân hàng.
- Thiếu tiền gửi ngân hàng khi đối chiếu số liệu.
Số dư bên Nợ:
Số tiền hiện còn gửi tại ngân hàng tại thời điểm báo cáo.
Tài khoản 112 – Tiền gửi ngân hàng được chi tiết thành 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1121 – Tiền Việt Nam: Phản ánh số tiền gửi vào, rút ra và hiện đang gửi tại ngân hàng bằng Đồng Việt Nam.
- Tài khoản 1122 – Ngoại tệ: Phản ánh số tiền gửi vào, rút ra và hiện đang gửi tại Ngân hàng bằng ngoại tệ các loại đã quy đổi ra Đồng Việt Nam.
- Tài khoản 1123 – Vàng tiền tệ: Phản ánh tình hình biến động và giá trị vàng tiền tệ của doanh nghiệp đang gửi tại ngân hàng tại thời điểm báo cáo.
Ngoài tài khoản 112, trong quá trình kế toán tiền gửi ngân hàng kế toán còn sử dụng các tài khoản khác như: 111, 113, 131, 121, 152, 153, 156, 211, 221, 222, 331, 333, 334, 341, 411, 511, 621, 627, …
Kế toán tiền gửi ngân hàng cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Tài khoản 112 dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng của doanh nghiệp. Căn cứ để hạch toán trên tài khoản 112 là các giấy báo Có, báo Nợ hoặc bản sao kê của ngân hàng kèm theo các chứng từ gốc (uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu, séc chuyển khoản, séc bảo chi,…).
– Tài khoản 112 được mở chi tiết theo từng ngân hàng và chi tiết theo loại tiền gửi. o Kế toán tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ tuân thủ nguyên tắc kế toán ngoại tệ.
3. Trình tự ghi sổ một số nghiệp vụ kế toán chủ yếu
– Khi chuyển tiền mặt vào tài khoản tiền gửi ngân hàng, ghi:
- Nợ TK 112
- Có TK 111
– Khi bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ thu ngay bằng tiền gửi ngân hàng, kế toán ghi nhận doanh thu:
+ Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế gián thu (thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường), kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán chưa có thuế, các khoản thuế gián thu phải nộp được tách riêng theo từng loại thuế ngay khi ghi nhận doanh thu (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi:
- Nợ TK 112: Tổng giá thanh toán
- Có TK 511: Giá không thuế GTGT
- Có TK 333: Thuế gián thu phải nộp
+ Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế gián thu phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp, định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
- Nợ TK 511
- Có TK 333
– Khi nhận được tiền của Ngân sách nhà nước thanh toán về khoản trợ cấp, trợ giá bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
- Nợ TK 112
- Có TK 333 (3339)
– Khi phát sinh các khoản doanh thu hoạt động tài chính, các khoản thu nhập khác bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
- Nợ TK 112: Tổng giá thanh toán
- Có TK 515, 711: Giá không thuế GTGT
- Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp
– Khi nhận được tiền ứng trước hoặc khi khách hàng trả nợ bằng chuyển khoản, căn cứ giấy báo Có của Ngân hàng, ghi:
- Nợ TK 112
- Có TK 131, 113
– Khi thu hồi các khoản nợ phải thu, cho vay, ký cược, ký quỹ bằng tiền gửi ngân hàng; nhận ký quỹ, ký cược của các doanh nghiệp khác bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
- Nợ TK 112
- Có TK 128, 131, 136, 141, 244, 344
– Khi bán các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn thu bằng tiền gửi ngân hàng, kế toán ghi nhận chênh lệch giữa số tiền thu được và giá vốn khoản đầu tư (được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền) vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính, ghi:
- Nợ TK 112: Số tiền thu được
- Nợ TK 635: Số lỗ
- Có TK 121, 221, 222, 228: Giá vốn
- Có TK 515: Số lãi
– Khi nhận được vốn góp của chủ sở hữu bằng tiền mặt, ghi:
- Nợ TK 112
- Có TK 411
– Khi được hoàn thuế GTGT đầu vào bằng chuyển khoản, ghi:
- Nợ TK 112
- Có TK 133
– Khi được hưởng chiết khấu thương mại, giảm giá hàng mua, trả lại tài sản đã mua cho người bán và nhận lại bằng chuyển khoản, ghi:
- Nợ TK 112: Giá có thuế GTGT
- Có TK 152, 153, 156, 211: Giá không thuế GTGT
- Có TK 133: Thuế GTGT đầu vào
– Khi rút tiền gửi Ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt, chuyển tiền gửi ngân hàng đi ký quỹ, ký cược, ghi:
- Nợ TK 111
- Nợ TK 244
- Có TK 112
– Khi mua chứng khoán, cho vay hoặc đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết… bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
- Nợ TK 121, 128, 221, 222, 228
- Có TK 112
– Khi mua hàng tồn kho (theo phương pháp kê khai thường xuyên), mua TSCĐ, chi cho hoạt động đầu tư XDCB bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
+ Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua không bao gồm thuế GTGT, ghi:
- Nợ TK 151, 152, 153, 156, 211, 213, 241: Giá không thuế GTGT
- Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
- Có TK 112: Giá có thuế GTGT
+ Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua bao gồm thuế GTGT:
- Nợ TK 151, 152, 153, 156, 211, 213, 241: Giá có thuế GTGT
- Có TK 112: Giá có thuế GTGT
– Khi mua hàng tồn kho bằng tiền gửi ngân hàng (theo phương pháp kiểm kê định kỳ), nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
- Nợ TK 611: Giá không thuế GTGT
- Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
- Có TK 112: Giá có thuế GTGT
+ Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua bao gồm thuế GTGT:
- Nợ TK 611: Giá có thuế GTGT
- Có TK 112: Giá có thuế GTGT
– Khi mua nguyên vật liệu thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng sử dụng ngay vào sản xuất, kinh doanh, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi: Nợ TK 621, 623, 627, 641, 642: Giá không thuế GTGT
- Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
- Có TK 112: Giá có thuế GTGT
+ Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh chi phí bao gồm thuế GTGT:
- Nợ TK 621, 623, 627, 641, 642: Giá có thuế GTGT
- Có TK 112: Giá có thuế GTGT
– Khi thanh toán các khoản nợ phải trả bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
- Nợ TK 331, 333, 334, 336, 338, 341
- Có TK 112
– Khi phát sinh chi phí tài chính, chi phí khác thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
- Nợ TK 635, 811: Giá không thuế GTGT
- Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
- Có TK 112: Giá có thuế GTGT
– Khi trả vốn góp hoặc trả cổ tức, lợi nhuận cho các bên góp vốn, chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
- Nợ TK 411, 421, 353
- Có TK 112
– Khi thanh toán các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại cho khách hàng bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
- Nợ TK 521: Giá không thuế GTGT
- Nợ TK 3331: Thuế GTGT phải nộp
- Có TK 112: Giá có thuế GTGT
– Khi đối chiếu phát hiện thiếu quỹ tiền gửi ngân hàng (số liệu ngân hàng < số liệu kế toán doanh nghiệp), ghi:
- Nợ TK 138 (1381)
- Có TK 112
– Khi kiểm kê phát hiện thừa tiền gửi ngân hàng (số liệu ngân hàng > số liệu kế toán doanh nghiệp), ghi:
- Nợ TK 112
- Có TK 338 (3381)
(Lytuong.net – Nguồn tham khảo: topica.edu.vn)