- Nắm được các khái niệm và ý nghĩa của việc phân loại công suất.
- Hiểu rõ các yêu cầu trong hoạch định công suất.
- Nắm rõ trình tự các bước trong hoạch định công suất.
- Nắm được các phương pháp lựa chọn công suất trong những điều kiện thị trường khác nhau.
- Xác định được công suất hòa vốn.
1. Khái niệm và phân loại công suất
1.1. Khái niệm công suất
Công suất (hay năng lực sản xuất) là khả năng sản xuất của máy móc, thiết bị, lao động và các bộ phận của doanh nghiệp trong một đơn vị thời gian nhất định trong điều kiện xác định.
Công suất cũng có thể được xem như đầu ra tiềm năng của một hệ thống trong một khoảng thời gian nhất định, được xác định rõ bởi quy mô, mức độ và cấu trúc sự biến đổi đầu vào của hệ thống. Hay trong một số trường hợp có thể được hiểu là số lượng vật liệu đưa vào một quá trình, một hệ thống, hoặc là số lượng các đơn vị mà một cơ sở có thể nắm giữ, tiếp nhận trong một đơn vị thời gian nhất định.
1.2. Phân loại công suất
Người ta có thể thể hiện công suất bằng nhiều loại đơn vị đo khác nhau như hiện vật (cái, chiếc, lít…), giá trị thông qua tiền tệ , số lượt phục vụ, đồng thời việc tính toán công suất cũng có nhiều cách khác nhau. Chúng ta nghiên cứu một số phương pháp xác định công suất sau:
Công suất thiết kế: là giới hạn tối đa về năng lực sản xuất mà doanh nghiệp có thể thực hiện được trong những điều kiện thiết kế. Trên thực tế hầu như không đạt được công suất thiết kế. Nó chỉ được sư dụng để đánh giá mức độ sử dụng năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
Công suất hiệu quả: là tổng đầu ra tối đa mà doanh nghiệp mong muốn đạt được trong những điều kiện cụ thể về cơ cấu sản phẩm, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ, khả năng điều hành sản xuất, điều kiện bảo dưỡng thiết bị và cân đối các hoạt động. Công suất hiệu quả được biểu thị bằng mức độ sử dụng (tỷ lệ phần trăm) công suất thiết kế.
Công suất thực tế: là công suất thực mà doanh nghiệp đạt được trong điều kiện sản xuất thực tế.
Nghiên cứu đồng thời các loại công suất đó cho phép đánh giá trình độ quản lý, sử dụng công suất một cách chính xác hơn và toàn diện hơn. Kết hợp giữa ba khái niệm trên để tính toán hai chỉ tiêu mức hiệu quả và mức độ sử dụng công suất của doanh nghiệp.
Mức hiệu quả E = Công suất thực tế / Công suất hiệu quả x 100%
Mức sử dụng U = Công suất thực tế / Công suất thiết kế x 100%
Cần sử dụng đồng thời hai chỉ tiêu trên, vì mỗi chỉ tiêu chỉ phản ánh một khía cạnh của quản trị công suất. Thực tế cho thấy rằng mức hiệu quả có thể đạt được rất cao nhưng mức độ sử dụng công suất lại rất thấp. Điều này phản ánh trình độ quản lý sử dụng công suất không tốt. Ngược lại mức độ sử dụng công suất có thể cao nhưng mức hiệu quả lại không cao do tốn kém trong sửa chữa, vận hành và quản lý máy móc, thiết bị.
1.3. Vai trò của hoạch định công suất:
Công suất như đã định nghĩa ở trên là khả năng sản xuất của máy móc thiết bị, và dây chuyền công nghệ. Công suất luôn là một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạch định và lựa chọn công suất được xác định giữ vị trí trung tâm đối với các nhà quản trị sản xuất và những quyết định về công suất sẽ tác động tới toàn bộ các quyết định của quản trị sản xuất cũng như các lĩnh vực chức năng khác của tổ chức.
Một trong những nguyên nhân quan trọng cần hoạch định, lựa chọn công suất là sự ảnh hưởng tiềm năng của nó tới khả năng đáp ứng của doanh nghiệp đối với nhu cầu của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ trong tương lai. Nhờ hoạch định, ước tính các khả năng có thể xảy ra trên thị trường ngay từ khi thiết kế, lựa chọn công suất, doanh nghiệp có khả năng sẵn sàng nắm bắt các cơ hội kinh doanh, chiếm lĩnh và mở rộng thị trường. Do đó, những quyết định về công suất và lựa chọn công suất cần phải được tích hợp vào sứ mệnh và chiến lược của tổ chức.
Quyết định lựa chọn công suất còn xuất phát từ mối quan hệ giữa chi phí và công suất. Ở đây, doanh nghiệp cần tìm kiếm được một mức độ hoạt động (khối lượng sản xuất) tối ưu. Lý thuyết về hiệu quả kinh tế theo quy mô (economics of scale) đã chứng minh rằng năng lực sản xuất lớn hay sản xuất hàng loạt thường có chi phí sản xuất/sản phẩm thấp. Tuy nhiên, việc quyết định lựa chọn công suất không chỉ đơn giản như vậy. Nó còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình và đặc điểm nhu cầu về sản phẩm trên thị trường. Nếu như nhu cầu thị trường trong tương lại thấp mà công suất của doanh nghiệp lại lớn sẽ gây tổn hại rất lớn cho doanh nghiệp và không dễ dàng khắc phục được điều này. Ngược lại, công suất của doanh nghiệp lại nhỏ trong khi nhu cầu của thị trường lớn doanh nghiệp lại bỏ lỡ cơ hội kinh doanh trên thị trường trước các đối thủ cạnh tranh, điều này dẫn đến khả năng phát triển của doanh nghiệp thấp.
Quyết định lựa chọn công suất có mối quan hệ chặt chẽ với vốn đầu tư. Việc xây dựng công suất phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư ban đầu và khả năng huy động vốn đầu tư. Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể huy động đủ số vốn cần thiết, hoặc huy động được những chi phí quá lớn không thể đem lại hiệu quả đầu tư. Hoạch định công suất giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư mở rộng công suất sản xuất.
Ngoài ra, việc quyết định lựa chọn công suất còn phụ thuộc vào việc đảm bảo các nguồn lực lâu dài cho sự hoạt động của doanh nghiệp.
2. Các căn cứ và yêu cầu khi lựa chọn phương án công suất
2.1. Căn cứ khi lựa chọn phương án công suất
Quá trình hoạch định công suất của doanh nghiệp bị chi phối bởi nhiều nhân tố khác nhau. Khi tiến hành xây dựng công suất đòi hỏi doanh nghiệp cần phải phân tích và đánh giá đầy đủ các yếu tố sau:
- Nhu cầu sản phẩm/dịch vụ.
- Hiểu biết về đặc điểm và công nghệ sử dụng.
- Trình độ tay nghề và tổ chức của lực lượng lao động trong doanh nghiệp.
- Diện tích mặt bằng nhà xưởng, bố trí kết cấu hạ tầng và mức độ khai thác sử dụng máy móc thiết bị trong doanh nghiệp.
- Khả năng liên kết của doanh nghiệp với các đối tác bên ngoài.
Các yếu tố khác: Ngoài các yếu tố trên, việc lựa chọn công suất còn phải xem xét đến những yếu tố khác như các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm, những quy định của chính phủ về thời gian lao động, an toàn lao động, tình hình thị trường và mức độ cạnh tranh, khả năng huy động vốn đầu tư, khả năng cung cấp các yếu tố đầu vào – nhất là đối với các loại nguyên vật liệu nhập khẩu, và khả năng đặt mua các thiết bị công nghệ có công suất phù hợp trong dây chuyền sản xuất.
2.2. Các yêu cầu khi lựa chọn phương án công suất
Trong quá trình hoạch định công suất cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
– Đảm bảo tính linh hoạt của phương án công suất đưa ra.
– Phải có cách nhìn tổng hợp, cân đối và đồng bộ khi hoạch định công suất.
– Đối với các doanh nghiệp sản xuất có tính thời vụ, phương án công suất đưa ra là cần tìm ra những sản phẩm và dịch vụ bổ sung để khắc phục tính thời vụ đó, nhằm khai thác tốt, có hiệu quả năng lực sản xuất sản phẩm chính.
– Xây dựng nhiều phương án công suất khác nhau để lựa chọn phương án tối ưu.
– Một yêu cầu khác là, ngay từ khi xây dựng phương án công suất cần phải tính toán và chỉ ra những chi phí tác nghiệp cần thiết; hoạch định được những chi phí cho công tác duy trì, bảo dưỡng hoạt động của máy móc, thiết bị. Trên cơ sở đó chủ động về nguồn tài chính và các chế độ kế hoạch bảo dưỡng dự phòng, nhằm đảm bảo khai thác tối ưu công suất đã xây dựng.
– Khi quyết định chọn lựa phương án công suất cần phân tích xem xét kỹ mối quan hệ của công suất với quy mô và đặc điểm nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm. Việc xây dựng và khai thác nguyên liệu cần có vốn đầu tư, thời gian và phải tiến hành quy hoạch trước mới đảm bảo cho công suất xây dựng xong được khai thác có hiệu quả.
3. Các phương pháp hỗ trợ lựa chọn phương án công suất
3.1. Lý thuyết quyết định
Doanh nghiệp ra quyết định thường xảy ra trong những tình huống khác nhau do môi trường và điều kiện chi phối. Những tình huống chủ yếu chủ yếu thường gặp trong quá trình ra quyết định lựa chọn công suất là:
– Ra quyết định trong điều kiện chắc chắn
Trong trường hợp này, người ra quyết định biết rõ kết quả của bất kỳ một quyết định nào của mình. Trường hợp này việc lựa chọn công suất tương đối dễ dàng. Xét về các chỉ tiêu tài chính doanh nghiệp sẽ lựa chọn phương án có giá trị tiền tệ mong đợi thu được lớn nhất.
Ví dụ 1. Một doanh nghiệp nhận được một đơn hàng 1000 sản phẩm A, với giá 500 USD/ sản phẩm. Để sản xuất ra sản phẩm A, doanh nghiệp bỏ ra chi phí cho một sản phẩm là 380 USD. Như vây, trong trường hợp này người ra quyết định biết chắc chắn mình sẽ nhận đơn hàng đó và sẽ thu được chắc chắn sỗ lãi là:
(500 – 380) x 1000 = 120.000 USD
– Ra quyết định trong điều kiện không chắc chắn
Trong trường hợp này, người ra quyết định không biết điều gì sẽ xảy ra đối với các quyết định của mình.
Ở ví dụ trên doanh nghiệp chỉ biết được rằng, sản xuất sản phẩm A nếu bán được sẽ thu được số lãi là 120 USD/ sản phẩm. Nhưng doanh nghiệp không biết chắc chắn có bán được hay không? và bán được bao nhiêu mặc dù đã có dự báo về nhu cầu.
Để lựa chọn công suất người ta sử dụng các tiêu chí khác nhau tùy thuộc vào mức độ mạo hiểm của các doanh nghiệp. Sau đây là một số tiêu chí chủ yếu:
- Chỉ tiêu Maximax
Theo chỉ tiêu này doanh nghiệp sẽ lựa chọn phương án công suất có giá trị tiền tệ mong đợi thu được lớn nhất trong các phương án đưa ra. Doanh nghiệp có mức chấp nhận rủi ro cao.
- Chỉ tiêu Maximin
Theo chỉ tiêu này, doanh nghiệp lựa chọn phương án công suất khi bị thua lỗ thì có mức thua lỗ thấp nhất. Mức mạo hiểm của doanh nghiệp thấp. Phương án được lựa chọn là phương án có giá trị tiền tệ mong đợi lớn nhất trong những giá trị mong đợi nhỏ nhất mà mỗi phương án thu được.
- Chỉ tiêu rủi ro ngang nhau
Theo tiêu chí này, doanh nghiệp chấp nhận một mức mạo hiểm trung bình. Doanh nghiệp chọn phương án có giá trị tiền tệ mong đợi trung bình lớn nhất trong các phương án đưa ra. Mức chấp nhận rủi ro vừa phải.
- Chỉ tiêu giá trị cơ hội bỏ lỡ thấp nhất
Sử dụng chỉ tiêu này, doanh nghiệp chọn phương án công suất sao cho khi bỏ lỡ cơ hội kinh doanh trên thị trường thì có giá trị bị bỏ lỡ thấp nhất. Để lựa chọn cần thực hiện những bước sau:
+ Lập bảng các giá trị có thể bị bỏ lỡ bằng cách lấy giá trị lớn nhất trong từng tình huống trừ đi các giá trị của phương án trong tình huống đó.
+ Tìm các giá trị lớn nhất trong từng phương án bảng các giá trị bị bỏ lỡ.
+ Chọn phương án có giá trị nhỏ nhất trong các giá trị lớn nhất vừa tìm được.
Ví dụ 2. Công ty Tuấn Phong dự định xây dựng một nhà máy mới. Vì không rõ tình hình nhu cầu trên thị trường nên các chuyên gia đưa ra 3 phương án công suất với dự định tính giá trị tiền tệ mong đợi thu được của từng phương án trong các tình huống cụ thể, cho ở bảng sau:
Đơn vị: triệu đồng
Phương án | Tình hình nhu cầu trên thị trường | ||
Thấp | Trung bình | Cao | |
1. Nhà máy có công suất thấp | 120 | 120 | 120 |
2. Nhà máy có công suất vừa | 90 | 140 | 140 |
3. Nhà máy có công suất lớn | -10 | 40 | 180 |
Hãy lựa chọn phương án công suất theo các chỉ tiêu trên?
Giải
Chỉ tiêu Maximax, ta có Max (120; 140; 180) = 180. Chọn phương án 3, xây dựng nhà máy công suất lớn với giá trị mong đợi lớn nhất thu được là 180 triệu đồng.
Chỉ tiêu Maximin, ta có Max (120; 90; -10) = 120. Chọn phương án 1, xây dựng nhà máy công suất thấp với giá trị mong đợi lớn nhất thu được 120 triệu đồng.
Chỉ tiêu may rủi ngang nhau, ta có Max (120; 123,3; 70) = 123,3. Chọn phương án 2, xây dựng nhà máy công suất vừa với giá trị mong đợi trung bình lớn nhất thu được là 123,3 triệu đồng.
Chỉ tiêu giá trị cơ hội bỏ lỡ thấp nhất, ta lập bảng giá trị cơ hội bỏ lỡ như sau:
Đơn vị: triệu đồng
Phương án | Tình hình nhu cầu thị trường | Giá trị cơ hội bỏ lỡ lớn nhất | ||
Thấp | Trung bình | Cao | ||
1. Nhà máy có công suất thấp | 120 – 120 = 0 | 140 – 120 = 20 | 180 – 120 = 60 | 60 |
2. Nhà máy có công suất vừa | 120 – 90 = 30 | 140 – 140 = 0 | 180 – 140 = 40 | 40 |
3. Nhà máy có công suất lớn | 120 – (-10) = 130 | 140 – 40 = 100 | 180 – 180 = 0 | 130 |
Min (60; 40; 130) = 40. Đây chính là phương án có giá trị nhỏ nhất trong các giá trị cơ hội bỏ lỡ lớn nhất. Chọn phương án 2 xây dựng nhà máy có công suất vừa với giá trị bỏ lỡ nhỏ nhất là 40 triệu đồng.
– Ra quyết định trong điều kiện rủi ro
Trong trường hợp này, các doanh nghiệp không biết rõ kết quả từ mỗi phương án công suất đưa ra nhưng biết thêm xác suất của từng tình huống xảy ra trên thị trường.
Phương án được chọn lựa là phương án có tổng giá trị tiền tệ mong đợi thu được lớn nhất có tính đến xác suất của tình huống trên thị trường. Công thức tính toán và lựa chọn phương án công suất:
Vẫn dùng số liệu từ ví dụ 2 trên nhưng hiện nay công ty Tuấn Phong biết thêm xác suất của từng tình huống cụ thể như sau:
Nhu cầu thị trường thấp có xác suất là 0,2;
Nhu cầu thị trường trung bình có xác suất là 0,5; Nhu cầu thị trường cao có xác suất là 0,3.
Hãy lựa chọn phương án công suất trong điều kiện này?
Giải.
+ Phương án công suất thấp (Phương án i=1): EMV1 =120.0,2 + 120.0,5 + 120.0,3 =120
+ Phương án công suất vừa (Phương án i=2): EMV2 = 90.0,2+140.0,5 + 140.0,3 =130
+ Phương án công suất cao (Phương án i=3): EMV3 =−10.0,2+40.0,5 + 180.0,3 = 72
Căn cứ vào kết quả trên, ta chọn phương án 2 xây dựng nhà máy công suất vừa với tổng giá trị mong đợi (kỳ vọng) lớn nhất là 130 triệu đồng. Chọn phương án này điều quan trọng là phải biết được nhu cầu của thị trường, chính vì thế doanh nghiệp cần đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu thị trường.
Ngoài cách trình bày bằng bảng, trong những trường hợp, khi quá trình ra quyết định là một chuỗi các quyết định, trong đó quyết định trước dùng làm căn cứ để ra quyết định sau thì dùng cây quyết định để lựa chọn phương án công suất sẽ thuận lợi hơn.
Cây quyết định là cách trình bày bảng sơ đồ quá trình ra quyết định dưới dạng hình cây, trong đó có ghi đầy đủ các thông tin cần thiết về phương án, tình huống xác suất và giá trị mong đợi trên sơ đồ. Để vẽ cây quyết định cần sử dụng 2 ký hiệu chủ yếu là nút quyết định và nút tình huống.
Nút quyết định là điểm mà ở đó có nhiều phương án lựa chọn khác nhau và được ký hiệu: ô vuông
Nút tình huống là điểm mà ở đó xảy ra các tình huống khác nhau và được ký hiệu: O – ô tròn.
Sơ đồ cây quyết định tổng quát:
Để sử dụng cây quyết định trong lựa chọn phương án công suất, cần thực hiện các bước cơ bản sau:
B1. Vẽ cây quyết định.
B2. Ghi các giá trị mong đợi và xác suất tương ứng cho từng tình huống.
B3. Tính giá trị tiền tệ mong đợi ở từng nút tình huống. Cách tính được làm từ phải qua trái.
B4. Lựa chọn phương án có giá trị mong đợi ở từng nút tình huống lớn nhất.
Vẫn lấy ví dụ số liệu của doanh nghiệp Tuấn Phong ở trên, ta có cách vẽ và tính toán như sau:
Kết quả tương tự như công thức trên là chọn phương án 2, xây dựng doanh nghiệp có công suất vừa vì tổng giá trị mong đợi ở phương án này cao nhất là EMV2 =130.
3.2. Phân tích “Chi phí – Sản lượng”
Đây là một công cụ quan trọng để xác định công suất mà một nhà máy phải có nhằm đạt khả năng lợi nhuận. Mục tiêu của phân tích là tìm ra điểm mà tại đó chi phí bằng doanh thu, tính theo số tiền hay đơn vị sản phẩm. Điểm này gọi là điểm hòa vốn. Phân tích Chi phí – sản lượng đòi hỏi phải ước lượng về chi phí cố định, chi phí biến đổi, và doanh thu. Hầu như không có chi phí biến đổi nào là tuyến tính nhưng ở đây để đơn giản chúng ta giả định là tuyến tính và cả chi phí cố định cũng vậy.
– Chi phí cố định là chi phí vẫn hiện diện ngay cả khi không sản xuất đơn vị sản phẩm nào. Ví dụ các chi phí khấu hao, thuế, nợ, trả nợ thế chấp…
– Chi phí biến đổi là những chi phí thay đổi theo số lượng sản phẩm được sản xuất. Ví dụ, lao động, nguyên vật liệu, phần chi phí nhà máy thay đổi theo khối lượng;
– Một thành phần khác của phân tích hòa vốn là hàm số của thu nhập, nó bắt đầu từ gốc tọa độ và tiến lên trên về bên phải tăng lên nhờ giá bán của mỗi đơn vị. Đường doanh thu như ở hình 1, điểm mà đường này cắt đường tổng chi phí là điểm hòa vốn, với vùng lợi nhuận nằm về phía bên phải và vùng lỗ nằm về phía trái.
Gọi chi phí cố định là FC; Chi phí biến đổi cho một đơn vị sản phẩm là AVC ; Tổng chi phí TC; Tổng doanh thu TR; Giá bán một đơn vị sản phẩm P; Khối lượng sản xuất Q.
Nguồn: Tài liệu học tập Quản trị sản xuất, Trường Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp, 2019