Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Định vị doanh nghiệp: lựa chọn vùng và địa điểm doanh nghiệp

Định vị doanh nghiệp: lựa chọn vùng và địa điểm doanh nghiệp

by Ngo Thinh
1,3K views
  • Định vị doanh nghiệp là gì? Thực chất và vai trò của định vị doanh nghiệp trong việc thực hiện những mục tiêu chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Hiểu rõ các mục tiêu chiến lược của định vị doanh nghiệp.
  • Nắm chắc quy trình các bước khi tiến hành tổ chức lựa chọn vùng và địa điểm đặt doanh nghiệp.
  • Xác định, phân tích và đánh giá được các nhân tố ảnh hưởng đến chọn vùng và địa điểm đặt doanh nghiệp.
  • Nắm được các phương pháp được sử dụng để ra quyết định lựa chọn địa điểm định vị doanh nghiệp trong từng tình huống cụ thể.

1. Thực chất và mục tiêu của định vị doanh nghiệp

a) Thực chất của định vị doanh nghiệp

Định vị doanh nghiệp là quá trình lựa chọn vùng và địa điểm bố trí doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện những mục tiêu chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Định vị doanh nghiệp là nội dung cơ bản của quản trị sản xuất và tác nghiệp. Việc lựa chọn địa điểm bố trí doanh nghiệp hợp lý về mặt kinh tế – xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sau này và góp phần nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội và dân cư trong vùng.

Quyết định lựa chọn vùng và địa điểm đặt doanh nghiệp là một quyết định mang tính chiến lược. Hoạt động này rất phức tạp có nội dung rộng lớn đòi hỏi phải xem xét, đánh giá toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường… Định vị doanh nghiệp thường được thực hiện theo những hướng sau:

  • Xây dựng doanh nghiệp mới.
  • Mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các chi nhánh, phân xưởng, các cửa hàng mới.
  • Chuyển doanh nghiệp từ vị trí cũ sang vị trí mới (Đây là trường hợp bắt buộc và tốn kém, cần cân nhắc thận trọng giữa chi phí đóng cửa và lợi ích tại địa điểm mới).

b) Mục tiêu của định vị doanh nghiệp

Các doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có mục tiêu định vị khác nhau.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh: định vị doanh nghiệp là một giải pháp chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường, thu lợi tối đa.

Các mục tiêu cụ thể của định vị doanh nghiệp có thể là:

  • Tăng doanh số bán hàng;
  • Mở rộng thị trường;
  • Huy động các nguồn lực tại chỗ;
  • Đa dạng hoá sản phẩm;
  • Giảm chi phí sản xuất nói chung và đặc biệt là chi phí vận chuyển;
  • Tạo ra lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý;
  • Tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đối với các tổ chức phi lợi nhuận (công ích), mục tiêu của định vị doanh nghiệp có thể là giải quyết một mục đích xã hội nào đó như: giải quyết công ăn việc làm, thay đổi cơ cấu kinh tế, hay khai thác tiềm năng vùng nguyên liệu…

2. Tầm quan trọng của định vị doanh nghiệp

Định vị doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Định vị doanh nghiệp mang tính chiến lược lâu dài đối với doanh nghiệp, quyết định định vị thường được xem xét tương quan với hai yếu tố là chi phí và sự cải tiến.

Định vị và chi phí: Vị trí là một nhân tố chi phí đáng kể, vị trí thường có sức mạnh thiết lập hay phá hủy một chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Các quyết định vị trí dựa trên chiến lược chi phí thấp đòi hòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Khi thống nhất một vị trí cụ thể, thì nhiều chi phí sẽ hiện diện và khó cắt giảm. Ví dụ, nếu vị trí của một nhà máy ở một vùng có chi phí năng lượng cao, dù việc quản lý tốt với một chiến lược về năng lượng xuất sắc vẫn có thể bắt đầu khởi sự kinh doanh với sự bất lợi. Việc quản lý cũng gặp khó khăn tương tự với chiến lược về nguồn nhân lực nếu vị chí được lựa chọn có chi phí lao động cao, hay không được đào tạo tốt, hoặc tinh thần làm việc kém. Kết quả là nỗ lực xác định một vị trí tối ưu để đặt cơ sở kinh doanh là một đầu tư tốt.

Định vị và sự cải tiến, đổi mới: Chí phí không phải luôn là khía cạnh được xem xét quan trọng duy nhất của một quyết định chiến lược, khi mà việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển là điều thiết yếu đối với chiến lược sản xuất và vận hành. Khi mà chiến lược dựa trên sự đổi mới là tâm điểm thì bốn thuộc tính chủ chốt sau cần được phân tích kỹ:

  • Sự hiện diện của các đầu vào chất lượng và chuyên môn cao như năng lực về khoa học kỹ thuật;
  • Một môi trường khuyến khích việc đầu tư và cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương;
  • Áp lực và sự am hiểu có được từ một thị trường địa phương phức tạp; o Sự hiện diện của các ngành công nghiệp phụ trợ và liên quan ở địa phương.

Như vậy, một chiến lược vị trí tốt sẽ là giải pháp quan trọng tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nâng cao khả năng thu hút khách hàng, thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường mới, tăng doanh thu và lợi nhuận. Giải pháp quan trọng giảm giá thành sản phẩm, bởi nếu chọn địa điểm tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, nhất là các chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm, do tận dụng được hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi như đường giao thông, điện, nước… Định vị doanh nghiệp hợp lý cho phép doanh nghiệp khai thác, tận dụng tối đa các nguồn lực bên trong và bên ngoài doanh nghiệp như nguồn lực lao động, tài nguyên thiên nhiên, thị trường. Định vị doanh nghiệp nếu có tầm nhìn chiến lược sẽ không phải khắc phục những sai lầm trong tương lai như phải chuyển vị trí sản xuất, hay gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất. Xét ở tầm vĩ mô, định vị doanh nghiệp còn cho phép khai thác tốt nhất tiềm năng của một địa phương như lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo bảo vệ môi trường…

3. Quy trình tổ chức định vị doanh nghiệp

Để có quyết định định vị đúng đắn, hợp lý cần thực hiện các bước chủ yếu sau:

B1. Xác định mục tiêu, tiêu chuẩn sẽ sử dụng để đánh giá các phương án định vị doanh nghiệp. Đây là cơ sở để so sánh các phương án với nhau, để chọn phương án định vị có hiệu quả nhất, phù hợp với mục tiêu đề ra.

B2. Xác định và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến định vị doanh nghiệp. Những nhân tố cần được phân tích kỹ, thận trọng và đầy đủ như điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hoá, dân cư… sẽ tác động đến khả năng thực hiện các mục tiêu của định vị doanh nghiệp.

B3. Xây dựng các phương án định vị khác nhau. Đây là một yêu cầu bắt buộc, bởi vì trong thực tế doanh nghiệp sẽ có rất nhiều phương án định vị khác nhau, mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế. Việc xây dựng các phương án định vị khác nhau sẽ có cơ sở để chọn phương án có hiệu quả nhất.

B4. Đánh giá và lựa chọn các phương án trên cơ sở những tiêu chuẩn và mục tiêu đã lựa chọn. Phương án được lựa chọn là phương án thỏa mãn được các tiêu chuẩn và mục tiêu đã lựa chọn. Thường thì các tiêu chuẩn có thể là định lượng, hoặc định tính. Chú ý, về khía cạnh kinh tế cần thiết phải lượng hóa các yếu tố có thể, trên cơ sở đó so sánh hệ thống các chỉ tiêu của từng phương án, tìm ra những phương án có lợi nhất tính theo chỉ tiêu đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phương án được chọn không phải là phương án có chỉ tiêu kinh tế đã lượng hóa cao nhất mà là những phương án khả thi và hợp lý thõa mãn những mục tiêu chính của doanh nghiệp đã đặt ra. Các tiêu chuẩn lựa chọn thường được xem xét trên các mặt chủ yếu như kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường, an ninh quốc phòng…

4. Các nhân tố ảnh hưởng đến định vị doanh nghiệp

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn địa điểm. Tuy nhiên, vai trò và tầm quan trọng của các nhân tố không giống nhau. Khi xây dựng phương án định vị doanh nghiệp cần tập trung phân tích đánh giá những nhân tố quan trọng nhất.

Ở đây ta đề cập đến các nhân tố quan trọng nhất được phân loại dựa vào việc ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn vùng và lựa chọn địa điểm đặt doanh nghiệp.

4.1. Các nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn vùng

(1). Thị trường tiêu thụ

Các doanh nghiệp thường coi việc bố trí doanh nghiệp gần thị trường tiêu thụ là một bộ phận trong chiến lược cạnh tranh của mình. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng tác động đến quyết định định vị doanh nghiệp. Nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sau đây:

  • Các doanh nghiệp dịch vụ: các cửa hàng bán lẻ, khách sạn, bệnh viện, viễn thông, vận tải hành khách, du lịch lữ hành, tư vấn thiết kế, phần mềm…
  • Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng khó vận chuyển như những mặt hàng dễ vỡ, dễ bị thối hỏng, hàng đông lạnh, hoa tươi, cây cảnh,…
  • Các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia, nước giải khát,…

Để xác định địa điểm doanh nghiệp, cần thu thập, phân tích và xử lý các thông tin về thị trường bao gồm:

  • Dung lượng thị trường;
  • Đặc điểm sản phẩm, dịch vụ và các loại hình kinh doanh;
  • Tính chất và tình hình cạnh tranh;
  • Xu hướng phát triển của thị trường.

(2). Nguồn nguyên liệu

Nguyên liệu có ảnh hưởng quan trọng đến quyết định định vị doanh nghiệp trong một số trường hợp và một số ngành.

Khi quyết định định vị doanh nghiệp, cần phân tích các yếu tố sau:

– Quy mô, số lượng và chủng loại nguồn nguyên liệu. Đối với một số ngành sản xuất, việc bố trí doanh nghiệp gần vùng nguyên liệu là một đòi hỏi bắt buộc do tính chất và đặc điểm của sản xuất kinh doanh. Ví dụ. Ngành khai khoáng luôn phụ thuộc chặt chẽ vào địa điểm và quy mô nguồn nguyên liệu sẵn có.

– Chất lượng và đặc điểm của nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả cần phải đặt gần vùng nguyên liệu. Một số doanh nghiệp khác do yêu cầu về phương tiện, khối lượng vận chuyển và tính chất dễ hư hỏng, khó bảo quản, cồng kềnh, khó vận chuyển của nguyên vật liệu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đặt gần nguồn nguyên liệu. Ví dụ. Các doanh nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

– Chi phí vận chuyển nguyên liệu. Chi phí vận chuyển nguyên liệu thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm chí phí vận chuyển gồm có chi phí vận chuyển nguyên liệu và chi phí vận chuyển sản phẩm. Nguyên tắc chung là khi chi phí vận chuyển nguyên liệu lớn hơn chi phí vận chuyển sản phẩm thì vị trí đặt doanh nghiệp được lựa chọn gần vùng nguyên liệu và ngược lại.

(3). Nguồn lao động

Thông thường doanh nghiệp đặt ở đâu thì sử dụng nguồn lao động tại đó là chủ yếu. Tùy theo đặc tính của công nghệ sản xuất mà chọn vùng dân cư có khả năng đáp ứng nguồn lao động có những đặc điểm như số lượng, chất lượng lao động, trình độ chuyên môn, tay nghề, chi phí lao động và sự khác biệt về văn hóa của cộng đồng dân cư.

Các ngành có nhu cầu về lao động có trình độ tay nghề cao nên bố trí ở các thành phố lớn, gần trung tâm đào tạo khoa học kỹ thuật. Các ngành có nhu cầu lao động phổ thông thì có thể bố trí ở những vùng tập trung dân cư, giá thuê lao động rẻ.

Chi phí thuê lao động có ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, khi xem xét yếu tố giá thuê nhân công cần đặt nó trong mối quan hệ với năng suất lao động. Sự khác biệt về năng suất lao động hiện diện ở nhiều quốc gia. Điều mà giới quản lý thường thực sự quan tâm là sự kết hợp giữa năng suất lao động và tiền lương làm cơ sở cho quyết định của mình. Bởi năng suất lao động mà thấp có thể làm gia tăng tổng chi phí.

(4). Cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng kinh tế cũng được coi là nhân tố hết sức quan trọng khi xác định phương án định vị doanh nghiệp bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến khả năng nắm bắt thông tin và thích ứng kịp thời với nhu cầu thị trường. Có 2 nhân tố quan trọng nhất của cơ sở hạ tầng kinh tế là hệ thống giao thông và hệ thống thông tin liên lạc.

Khi đánh giá nhân tố giao thông vận tải cần tập trung vào xác định những điểm cơ bản sau:

  • Các loại hình vận tải sẵn có trong vùng;
  • Trình độ và đặc điểm phát triển hiện tại của hệ thống giao thông;
  • Khả năng và xu hướng phát triển của hệ thông giao thông trong tương lai; –
  • Tỷ trọng và cấu thành của chi phí vận chuyển trong giá thành sản phẩm.

(5). Môi trường văn hóa xã hội, rủi ro chính trị và thái độ của người lao động

Văn hóa, xã hội được xem là một nhân tố có tác động lớn đến quyết định định vị doanh nghiệp. Các nhân tố thuộc về văn hóa như cộng đồng dân cư, tập quán tiêu dùng, cách sống, thái độ lao động có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Những nhân tố này lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi vùng. Tiếp xúc với nền văn hóa của một quốc gia cũng là một thách thức. Sự khác biệt về văn hóa trong quan niệm của nhân viên và các nhà phân phối về làm việc đúng giờ. Tham nhũng, hối lộ cũng tạo sự phi hiệu quả về kinh tế, tương tự những vấn đề đạo đức và pháp lý trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thái độ của chính phủ và chính quyền địa phương đối với tài sản tư nhân và tài sản trí tuệ, tình hình quy hoạch, ô nhiễm môi trường, và sự ổn định về việc làm trong lãnh thổ một quốc gia, một vùng miền.

Thái độ của công nhân có thể khác biệt giữa các quốc gia, khu vực, thành phố. Thái độ của công nhân đối với sự luân chuyển công việc, các nghiệp đoàn, và sự vắng mặt là các yếu tố liên quan. Những thái độ này có thể ảnh hưởng tới quyết định của công ty khi xem xét có tiếp tục tuyển dụng công nhân ở vùng sở tại không, nếu công ty đặt vị trí mới ở một địa điểm khác.

Ngoài các yếu tố văn hóa, rủi ro chính trị và thái độ lao động cũng cần phải tính tới hàng loạt các nhân tố khác như: Chính sách phát triển kinh tế, xã hội của các vùng; Sự phát triển của các ngành bổ trợ trong vùng; Quy mô cộng đồng dân cư trong vùng và tình hình xã hội; Tôn giáo tín ngưỡng và tập quán; Rủi ro tỷ giá và tiền tệ…

(6). Gần đối thủ cạnh tranh

Xu hướng này gọi là clustering (hình thành cụm) và thường xảy ra khi nguồn lực chính được tìm thấy trong khu vực đó. Các nguồn lực chính thường bao gồm tài nguyên thiên nhiên, thông tin, vốn, và nguồn lực nhân tài. Clustering là việc tập trung địa điểm của các công ty cạnh tranh gần nhau, thường do có sự tập trung và mức độ quan trọng về lượng thông tin, nguồn lực có hàm lượng chất xám cao, nguồn vốn, và tài nguyên thiên nhiên. Bảng 5.1 thể hiện sự kết cụm các công ty và lý do định vị.

Ngành Vị trí Lý do kết cụm
Sản xuất rượuThung lũng Napa (US), vùng Bordeaux (France)Tài nguyên thiên nhiên, đất đai và khí hậu
Hãng phần mềmThung lũng Silicon, Boston, Bangalore (India)Nguồn tài năng tốt nghiệp đại học xuất sắc về lĩnh vực khoa học/kỹ thuật, các nhà tư bản mạo hiểm
Sản xuất xe đuaKhu vực Huntington/Bắc Hampton (Anh)Nguồn quan trọng về nhân tài và thông tin
Công viên giải trí (Disney World, Universal Studios)Orlando, FloridaNhiều phong cảnh đẹp, thời tiết ấm áp, khách du lịch, nhân công rẻ
Doanh nghiệp điện tửBắc MexicoNAFTA, xuất khẩu tự do vào Mỹ
Nhà sản xuất phần cứng máy tínhSingapore, Đài loanVùng thâm nhập công nghệ, GDP/người cao, nguồn lực có kỹ năng được đào tạo tốt với một lượng lớn kỹ sư
Chuỗi sản xuất đồ ăn nhanh (Wendy’s, McDonald’s, Burger King, và Pizza Hut)Các vị trí chỉ cách nhau trong phạm vi 2 kmKhuyến khích tiêu thụ đồ ăn, dòng lưu thông lớn
Sản xuất máy bay (Cessna, Learjet, Boeing)Wichita, KansasTập trung kỹ năng hàng không (6070% các máy bay nhỏ và phản lực được sản xuất tại đây)
Thiết bị chỉnh hìnhWarsaw, IndianaNguồn lao động có kỹ năng sẵn có, Mỹ là thị trường lớn

Bảng 1: Sự kết cụm các công ty và lý do định vị doanh nghiệp

4.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chọn địa điểm

Nếu như việc phân tích các yếu tố về vùng đòi hỏi tính tổng quát cao thì việc phân tích các nhân tố về vị trí cụ thể của doanh nghiệp lại đòi hỏi phải cụ thể và chi tiết hơn.

Những yếu tố cụ thể cần cân nhắc, tính toán là:

  • Diện tích mặt bằng và tính chất đất đai của địa điểm đặt doanh nghiệp;
  • Nguồn nước cấp cho sản xuất và sinh hoạt, nguồn điện;
  • Hệ thống xử lý nước, rác thải sản xuất, sinh hoạt;
  • Khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh trong tương lai;
  • Tình hình an ninh, công tác phòng chống cháy nổ, các dịch vụ y tế, hành chính;
  • Chi phí đất đai và các công trình sẵn có;
  • Quy định của chính quyền địa phương về lệ phí dịch vụ và nghĩa vụ đóng góp cho công ích…

4.3. Xu hướng định vị doanh nghiệp hiện nay trên thế giới

Trong bối cảnh toàn cầu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, sự hợp tác liên kết kinh tế giữa các quốc gia, các khu vực vùng miền cùng với tính chất cạnh tranh ngày càng gay gắt thì xu thế định vị doanh nghiệp thường diễn ra chủ yếu như sau:

– Định vị ở nước ngoài. Đây là xu hướng khá phổ biến ngày nay khi phong trào tự do hoá thương mại, toàn cầu hoá ngày càng lan rộng và sự phát triển của các tập đoàn xuyên quốc gia. Có 3 lý do chủ yếu để định vị doanh nghiệp ở nước ngoài: + Để hàng hoá ở gần thị trường tiêu thụ, đặc biệt đối với thị trường dịch vụ;

+ Do giá nhân công rẻ;

+ Do hạn chế bởi các rào cản thương mại tại các nước là thị trường tiêu thụ;

– Định vị trong các khu công nghiệp. Điểm thuận lợi của các khu công nghiệp là nơi tập trung nhiều nhà máy nên nguyên liệu của nhà máy này có thể là sản phẩm của nhà máy bên cạnh, mặt khác các khu công nghiệp thường được sự ủng hộ rất nhiệt tình của chính quyền địa phương bằng các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của địa phương, giảm thất nghiệp và có thể kiểm soát được vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, định vị tại các khu công nghiệp còn giúp cho doanh nghiệp ứng dụng phát triển các hình thức tổ chức kinh doanh hiện đại, tiết kiệm chi phí nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

– Xu hướng chia nhỏ doanh nghiệp đưa đến đặt ngay tại thị trường tiêu thụ. Điều này giúp doanh nghiệp giảm được tối đa thời gian giao hàng và tăng các điều kiện thuận lợi trong dịch vụ sau khi bán hàng.

5. Các phương pháp định vị doanh nghiệp

5.1. Phân tích điểm hòa vốn chi phí theo vùng

Sử dụng việc phân tích chi phí – khối lượng để so sánh về mặt kinh tế của các phương án địa điểm. Phương pháp này có thể thực hiện bằng công thức toán học hay đồ thị, bằng việc xác định chi phí cố định và chi phí biến đổi, và vẽ đồ thị chi phí cho mỗi vị trí. Địa điểm được chọn lựa có tổng chi phí thấp nhất ứng với quy mô đầu ra của doanh nghiệp. Để áp dụng phương pháp này cần có những giả định sau:

+ Doanh nghiệp sản xuất một loại sản phẩm;

+ Chi phí cố định không đổi trong phạm vi khoảng đầu ra đã cho;

+ Phương trình để biểu diễn chi phí là tuyến tính.

Ba bước đối với phân tích điểm hòa vốn về địa điểm:

B1. Xác định chi phí cố định và biến đổi cho mỗi vị trí;

B2. Vẽ đồ thị chi phí cho mỗi vị trí, với chi phí thể hiện trên trục tung và khối lượng hàng năm trên trục hoành;

B3. Chọn lựa vị trí có tổng chi phí thấp nhất đối với khối lượng sản xuất kỳ vọng.

Trong trường hợp tổng sản lượng đầu ra nằm gần sát hay trùng với một trong các điểm giới hạn của đầu ra thì có thể chọn một trong hai phương án liền kề nhau. Để quyết định chính xác sẽ chọn phương án nào, thì cần phân tích thêm các yếu tố khác.

Ví dụ 1. Một nhà sản xuất một bộ phận của xe ô tô của Mỹ đang cân nhắc xem xét ba vị trí ở ba thành phố Akron, Bowling Green và Chicago cho việc xây dựng một nhà máy mới. Qua khảo sát về chi phí cho thấy chi phí cố định hàng năm và chi phí biến đổi cho mỗi đơn vị như ở trong bảng dưới đây, giá bán một đơn vị sản phẩm là 120$. Công ty muốn tìm vị trí có chi phí nhỏ nhất cho sản lượng kỳ vọng là 2.000 đơn vị trong một năm, vậy công ty nên lựa chọn vị trí nào cho quyết định của mình?

Thành phố Chi phí cố định hàng năm Chi phí biến đổi
Akron$30.000$75
Bowling Green$60.000$45
Chicago$110.000$25

Giải

Đối với mỗi vị trí, ta xác định tổng chi phí tại từng vùng định lựa chọn theo công thức:

TC = FC + (AVC x Q)

  • Đối với vị trí Akron: TC = $30.000 + $75. (2000) = $180.000;
  • Đối với vị trí Bowling Green:TC = $60.000 + $45.(2000) = $150.000;
  • Đối với vị trí Chicago: TC = $110.000 + $25.(2000) = $160.000;

Như vậy, với khối lượng kỳ vọng là 2000 sản phẩm mỗi năm thì thành phố Bowling Green là vị trí có chi phí thấp nhất. Do đó, lợi nhuận kỳ vọng hàng năm là: Tổng thu nhập – Tổng chi phí = 120$.(2000) – $150.000 = $90.000/năm.

Nếu trường hợp sản lượng kỳ vọng đầu ra chưa xác định được thì ta có thể sử dụng công cụ đồ thị để vẽ đường tổng chi phí của ba địa điểm trên cùng một hệ trục tọa độ như hình 1.

  • Đối với vị trí Akron: TC = $30.000 + $75.Q;
  • Đối với vị trí Bowling Green: TC = $60.000 + $45.Q;
  • Đối với vị trí Chicago: TC = $110.000 + $25.Q.
Hình 1: Đồ thị so sánh chi phí khi phân tích điểm hòa vốn về địa điểm

Hình 1: Đồ thị so sánh chi phí khi phân tích điểm hòa vốn về địa điểm

  • Nếu sản xuất với công suất nhỏ hơn 1000 sản phẩm, thì sẽ đặt ở Akron.
  • Nếu sản xuất từ 1000 đến 2500 sản phẩm, thì sẽ đặt ở Bowling Green.
  • Nếu sản xuất từ 2500 sản phẩm trở lên, thì sẽ đặt ở Chicago.
  • Nếu sản xuất đúng 1000 sản phẩm thì có thể xem xét cân nhắc giữa Akron và Bowling Green.
  • Nếu sản xuất đúng bằng 2500 sản phẩm thì có thể xem xét cân nhắc giữa Bowling Green và Chicago.

5.2. Phương pháp đánh giá theo nhân tố

Thực chất của phương pháp này là sử dụng các ý kiến của các chuyên gia, các chuyên gia sẽ xác định các nhân tố ảnh hưởng đến định vị doanh nghiệp trong từng trường hợp cụ thể sau đó đánh giá tầm quan trọng của từng nhân tố và cho trọng số của từng nhân tố ứng với từng vùng. Vùng được lựa chọn sẽ là nơi có tổng số điểm cao nhất. Phương pháp này vừa cho phép đánh giá được các phương án về định tính, vừa có khả năng so sánh giữa các phương án về định lượng. Nó cho phép kết hợp những đánh giá định tính của các chuyên gia với lượng hóa một số chỉ tiêu. Tuy nhiên, phương pháp dùng trọng số đơn giản nghiêng về định tính nhiều hơn. Quy trình lựa chọn vùng, địa điểm thích hợp để định vị doanh nghiệp theo phương pháp này bao gồm các bước như sau:

B1. Xác định những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến định vị doanh nghiệp;

B2. Cho trọng số cho từng nhân tố căn cứ vào mức độ quan trọng của nó phản ánh mục tiêu của công ty. Điều chỉ ra mức độ quan trọng tương ứng của nó so với nhân tố khác;

B3. Cho điểm từng nhân tố theo địa điểm bố trí doanh nghiệp, thang điểm thích hợp có thể từ 1 đến 100;

B4. Nhân trọng số của từng nhân tố với số điểm tương ứng;

B5. Tính tổng số điểm cho từng địa điểm;

B6. Đưa ra kiến nghị dựa trên số điểm tối đa, cùng với việc cân nhắc các kết quả của các phương án định lượng khác.

Ví dụ 2. Một hãng chuyên kinh doanh lĩnh vực dịch vụ giải trí cần lựa chọn địa điểm để xây dựng một công viên giải trí ở Châu Âu. Qua khảo sát, nghiên cứu cho thấy có thể lựa chọn một trong hai địa điểm là Pháp và Đan Mạch. Kết quả đánh giá của các chuyên gia về các nhân tố của từng địa điểm được cho trong bảng sau:

Các nhân tố quan trọng Trọng số Điểm số (thang 100) Điểm trọng số
Pháp Đan Mạch Pháp Đan Mạch
Số lượng và thái độ của lao động0,257060(0,25).(70) = 17,5(0,25).(60) = 15,0
Tỷ lệ người/xe ô tô0,055060(0,05).(50) = 2,5(0,05).(60) = 3,0
Thu nhập/đầu người0,108580(0,10).(85) = 8,5(0,10).(80) = 8,0
Cơ cấu thuế0,397570(0,39).(75) = 29,3(0,39).(70) = 27,3
Giáo dục và y tế0,216070(0,21).(60) = 12,6(0,21).(70) = 14,7
Tổng số 1,00   70,4 68,0

Bảng trên chỉ ra cách sử dụng trọng số để đánh giá các phương án về vị trí, dùng thang điểm 100 cho mỗi nhân tố quan trọng. Căn cứ vào kết quả trên ta nên chọn địa điểm Pháp làm địa điểm để xây dựng công viên giải trí.

5.3. Phương pháp tọa độ trung tâm

Phương pháp này chủ yếu được dùng để lựa chọn địa điểm bố trí doanh nghiệp trung tâm hoặc kho hàng trung tâm có nhiệm vụ cung cấp hàng hoá cho nhiều địa điểm tiêu thụ khác nhau.

Mục tiêu của phương pháp là tìm được địa điểm sao cho tổng quãng đường vận chuyển lượng hàng hoá đến các địa điểm tiêu thụ là nhỏ nhất. Phương pháp tọa độ trung tâm coi chi phí tỷ lệ thuận với khối lượng hàng hoá và khoảng cách quãng đường vận chuyển.

Phương pháp này xét đến các yếu tố sau:

  • Vị trí của thị trường;
  • Khối lượng hàng hóa được chuyển đến các thị trường;
  • Chi phí vận chuyển (hoặc khoảng cách).

Đặt các vị trí vào một hệ thống tọa độ, điểm gốc của hệ thống tọa độ và thang đo tùy ý, miễn là khoảng cách tương đối được thể hiện chính xác theo một tỷ lệ nhất định. Để tính toán tọa độ Xtt và Ytt của “điểm trung tâm” ta giả sử mỗi địa điểm tương ứng với toạ độ có hoành độ Xi và tung độ Yi trong hệ tọa độ hai chiều. Công thức tính toán tọa độ trung tâm như sau:

Ví dụ 3. Công ty Discount Stores có bốn vị trí tiêu thụ sản phẩm được cung cấp bởi một nhà kho dự trữ cũ ở vị trí xa không thuận lợi. Công ty quyết định tìm một vị trí mới để xây dựng nhà kho mới. Hãy xác định vị trí trung tâm để xây dựng nhà kho mới để tổng chi phí vận chuyển thấp nhất? Biết rằng tọa độ và lượng hàng vận chuyển tới mỗi vị trí tiêu thụ sản phẩm được cho ở bảng sau:

Vị trí đặt kho hàng tiêu thụ Tọa độ XiTọa độ YiSố container vận chuyển/ tháng
Chicago301202.000
Pittsburgh901101.000
New York1301301.000
Atlanta60402.000

Giải

5.4. Phương pháp bài toán vận tải

Trong phương pháp toạ độ trung tâm đã đã xét đến khối lượng vận chuyển, nhưng chưa xét đến chi phí vận chuyển. Chi phí vận chuyển không chỉ phụ thuộc vào khối lượng vận chuyển mà còn phụ thuộc vào phương thức vận chuyển, chất lượng đường giao thông, cự ly vận chuyển…

Để xác định cách vận chuyển hàng hoá có lợi nhất từ nhiều điểm sản xuất (cung cấp) đến nhiều nơi phân phối (thị trường) sao cho có tổng chi phí vận chuyển nhỏ nhất, ta cần sử dụng phương pháp bài toán vận tải.

Để xây dựng và giải bài toán vận tải cần có các thông tin sau:

  • Danh sách các nguồn sản xuất cung cấp hàng hoá
  • Danh sách các địa điểm tiêu thụ và nhu cầu của từng địa điểm
  • Chi phí chuyên chở một đơn vị sản phẩm từ địa điểm cung cấp đến nơi tiêu thụ.

Căn cứ vào các thông tin đó, ta lập ma trận vận tải, trong đó, có cột nguồn và cột địa điểm tiêu thụ cùng với các số liệu về tổng số lượng cung và tiêu thụ của từng địa điểm, cùng với chi phí vận chuyển 1 đơn vị sản phẩm.

Để giải bài toán vận tải cần thực hiện 3 bước:

Bước 1: Tìm giải pháp ban đầu.

Tìm giải pháp ban đầu (phương án cực biên) có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp, như phương pháp góc Tây Bắc, phương pháp chi phí đơn vị nhỏ nhất,…

Theo nguyên tắc góc Tấy Bắc

Bắt đầu với ô trên cùng tay trái của bảng và thực hiện phân bổ như sau:

  • Lần lượt phân bổ tối đa cung (khả năng) của từng dòng trước khi chuyển tới dòng tiếp theo;
  • Phân bổ tối đa lượng cầu của từng cột trước khi chuyển tới cột tiếp theo bên phải;
  • Kiểm tra để chắc chắn rằng tổng cung đã bằng tổng cầu.

Theo nguyên tắc trực quan (nguyên tắc chi phí nhỏ nhất)

Phân bổ cho những ô có chi phí thấp nhất, cụ thể là:

  • Xác định ô có chi phí nhỏ nhất;
  • Phân bổ hết lượng hàng hóa có thể vào ô chi phí nhỏ nhất;
  • Kiểm tra để chắc chắn tổng cung bằng tổng cầu;
  • Lần lượt phân bổ hết lượng hàng hóa có thể vào những ô có chi phí nhỏ nhất trong những ô còn lại.

Bước 2: Kiểm tra tính tối ưu của phương án ban đầu, có thể thực hiện theo 1 trong 2 phương pháp sau.

Phương pháp chuyển ô

  • Chọn một ô chưa sử dụng, giả sử ta chuyển một sản phẩm từ ô đã sử dụng sang ô đó và vẽ đường đi của sản phẩm bằng một đường khép kín đi qua các góc là ô đã sử dụng.
  • Lần lượt đặt dấu (+) xen kẽ với dấu (-) bắt đầu từ ô chưa sử dụng ban đầu tại góc của đường khép kín vừa vẽ.
  • Tính chỉ số cải tiến của ô chưa sử dụng bằng cách lấy tổng chi phí vận chuyển một đơn vị sản phẩm của các ô có chứa dấu cộng (+) trừ đi tổng chi phí vận chuyển đơn vị ở các ô có chứa dấu (-).
  • Lần lượt thực hiện tương tự cho tất cả các ô chưa sử dụng. Nếu chỉ số cải tiến tính được đều lớn hơn hoặc bằng 0 thì ta có phương án tối ưu. Ngược lại nếu có giá trị âm thì cần chuyển xuống bước tiếp theo (bước 3).

Phương pháp MODI

  • Gọi thừa số của hàng i là Ni và của cột j là Mj ;
  • Chi phí vận chuyển trên một đơn vị sản phẩm là Cij tại hàng i cột j;
  • Lập hệ phương trình cho tất cả các ô đã sử dụng theo công thức:

Cij = Ni + Mj

  • Cho giá trị bất kỳ Ni =0 để tính các giá trị NiM j ;
  • Tính chỉ số cải tiến cho các ô chưa sử dụng theo công thức:

Kij = Cij −(Ni + Mj )

  • Thay các giá trị NiM j để tính Kij ; Nếu thấy tồn tại ô chưa sử dụng nào có giá trị cải tiến Kij<0 thì phương án tìm được chưa tối ưu và cần phải chuyển sang bước 3.

Bước 3: Cải tiến phương án ban đầu để tìm phương án tối ưu.

  • Chọn ô có giá trị cải tiến âm nhỏ nhất để cải tiến;
  • Trên một đường khép kín đã vẽ được ở bước 2, chọn số nhỏ nhất đã tìm được trong các ô đã sử dụng có ký hiệu dấu trừ (-);
  • Cộng số đã chọn nhỏ nhất đó cho tất cả các ô có ký hiệu dấu cộng (+) trên đường khép kín đã vẽ và trừ số đã chọn nhỏ nhất đó trong tất cả các ô có ký hiệu dấu trừ (-);
  • Tính chỉ số cải tiến cho các ô chưa sử dụng ở phương án cải tiến mới để kiểm tra tính tối ưu. Nếu phương án vẫn chưa tối ta tiếp tục lặp lại bước 2 và bước 3.

Nguồn: Tài liệu học tập Quản trị sản xuất, Trường Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp, 2019

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net