Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Hệ thống Báo cáo tài chính

Hệ thống Báo cáo tài chính

by Ngo Thinh
498 views

1. Báo cáo tài chính là gì?

Kết thúc chu kỳ kế toán, sản phẩm được tạo ra là các báo cáo tài chính. Hay nói cách khác, báo cáo tài chính là sản phẩm mà kế toán tài chính hướng đến. Theo Luật Kế toán Việt Nam, Báo cáo tài chính của doanh nghiệp dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 (VAS 01) “Chuẩn mực chung” quy định: “Báo cáo tài chính phải ghi nhận các yếu tố về tình hình tài chính và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp; Trong đó, các yếu tố phải được ghi nhận theo từng khoản mục”.

2. Hệ thống báo cáo tài chính gồm những gì?

Luật Kế toán Việt Nam cũng quy định hệ thống báo cáo tài chính của đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh bao gồm:

  • Bảng cân đối kế toán;
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
  • Thuyết minh báo cáo tài chính.

2.1. Bảng cân đối kế toán

a. Khái niệm và ý nghĩa của Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán là bảng tổng hợp – cân đối tổng thể phản ánh tình hình tài sản của doanh nghiệp trên hai mặt: Giá trị tài sản và nguồn hình thành tài sản tại một thời điểm nhất định.

Thông qua các thông tin trên Bảng cân đối kế toán, các đối tượng sử dụng thông tin có thể đánh giá được tình hình huy động vốn, tình hình sử dụng vốn, cơ cấu đầu tư, các cân đối tài chính, tình hình và khả năng thanh toán, rủi ro phá sản hoặc triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp…

b. Nội dung và kết cấu của Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán có 2 nội dung chính là: Tài sản và Nguồn vốn, có thể được kết cấu theo 2 dạng:

Dù được trình bày dưới hình thức nào, các khoản mục thuộc các yếu tố tài sản, nguồn vốn trong Bảng cân đối kế toán cũng được sắp xếp theo một trật tự nhất định: Các khoản mục thuộc tài sản được sắp xếp theo thời gian luân chuyển của tài sản tăng dần; khoản mục thuộc nguồn vốn được sắp xếp theo trình tự Nợ phải trả trước, Nguồn vốn chủ sở hữu sau, trong đó, nợ phải trả được xếp theo thứ tự tăng dần của thời hạn thanh toán.

c. Mối quan hệ giữa Bảng cân đối kế toán và tài khoản kế toán

Giữa Bảng cân đối kế toán và tài khoản kế toán có mối quan hệ như sau:

  • Đầu kỳ, kế toán cần căn cứ vào số liệu của Bảng cân đối kế toán cuối kỳ trước để ghi số dư đầu kỳ vào tài khoản.
  • Trong kỳ, các nghiệp vụ kinh tế phát sinh được ghi trực tiếp vào tài khoản dựa trên các quan hệ đối ứng tài khoản phát sinh trong nghiệp vụ.
  • Cuối kỳ, số dư của tài khoản kế toán là cơ sở lập Bảng cân đối kế toán mới.

d. Nguyên tắc và phương pháp chung lập Bảng cân đối kế toán

– Số đầu kỳ này là số cuối kỳ trước (lấy số cuối kỳ ở trên Bảng cân đối kế toán kỳ trước).

– Không được bù trừ số dư công nợ khi lập Bảng cân đối kế toán.

– Tài khoản dư Nợ ghi bên Tài sản.

– Các tài khoản phản ánh Hao mòn tài sản cố định (dùng điều chỉnh giá trị tài sản cố định), phản ánh Dự phòng (điều chỉnh giá trị hàng tồn kho, nợ phải thu…) có số dư bên Có, nhưng được ghi âm bên Tài sản cùng với số dư của tài khoản mà nó điều chỉnh.

– Tài khoản dư Có ghi bên Nguồn vốn.

– Các tài khoản phản ánh Chênh lệch tỉ giá ngoại tệ, Chênh lệch đánh giá lại tài sản, Lợi nhuận chưa phân phối, nếu dư Có thì số dư sẽ được ghi bình thường bên nguồn vốn, nếu dư Nợ thì số dư được ghi âm bên nguồn vốn.

2.2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

a. Khái niệm và ý nghĩa của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Kết quả kinh doanh cũng là đối tượng của tổng hợp – cân đối kế toán. Do tính độc lập tương đối của từng quá trình kinh doanh, đối tượng của tổng hợp – cân đối cũng có thể là kết quả của từng quá trình cụ thể.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là bảng tổng hợp kết quả kinh doanh trong một thời kỳ cụ thể của doanh nghiệp, được chi tiết theo hoạt động.

Tác dụng của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:

  • Phản ánh tình hình kinh doanh của đơn vị theo từng hoạt động.
  • Là công cụ quan trọng của kế toán quản trị.
  • Biến động cơ cấu chi phí, thu nhập của doanh nghiệp được thể hiện, qua đó, doanh nghiệp có thể tìm ra phương hướng đầu tư, kinh doanh thích hợp cho tương lai.

b. Nội dung và kết cấu của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả kinh doanh có thể được trình bày theo 2 dạng: Kết cấu nhiều bước và kết cấu một bước.

Kết cấu nhiều bước: Từng loại chi phí sẽ được khấu trừ dần vào doanh thu theo một trình tự phù hợp, cung cấp nhiều chỉ tiêu trung gian sau mỗi bước khấu trừ trước khi tính được kết quả cuối cùng.

Kết cấu một bước: Tổng chi phí được khấu trừ một lần vào tổng doanh thu, không phân biệt trình tự. Báo cáo kết quả kinh doanh dạng này chỉ cung cấp được thông tin cơ bản theo 3 chỉ tiêu: Doanh thu, chi phí, kết quả, không có các chỉ tiêu trung gian. Báo cáo kết quả kinh doanh theo mẫu này thông thường chỉ thích hợp với các doanh nghiệp có quy mô kinh doanh nhỏ, nghiệp vụ đơn giản, nhu cầu thông tin kế toán, tài chính không cao.

c. Phương pháp lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Cơ sở số liệu: Báo cáo kết quả kinh doanh kỳ trước, số phát sinh của các tài khoản kế toán phản ánh doanh thu, chi phí.

Các chỉ tiêu cụ thể của Báo cáo kết quả kinh doanh được xác định như sau:

Ví dụ: Một doanh nghiệp có tài liệu như sau: (đơn vị tính: 1.000 đồng)

  • Doanh thu bán hàng: 950.000
  • Hàng bán bị trả lại: 60.000
  • Giá vốn hàng bán (sau khi trừ giá vốn bị trả lại): 680.000
  • Chi phí bán hàng: 35.000
  • Chi phí quản lý doanh nghiệp: 60.000
  • Chi phí tài chính: 48.000
  • Doanh thu hoạt động tài chính: 70.000
  • Chi phí khác: 130.000
  • Thu nhập khác: 175.000

Xác định lợi nhuận của doanh nghiệp trên.

Giải:

Lợi nhuận của doanh nghiệp được xác định như sau:

Kết quả tiêu thụ = 950.000 – 60.000 – 680.000 – 35.000 – 60.000 = 115.000

Kết quả hoạt động tài chính = 70.000 – 48.000 = 22.000

Kết quả hoạt động khác = 175.000 – 130.000 = 45.000

Tổng lợi nhuận = 115.000 + 22.000 + 45.000 = 182.000

Tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được là 182.000.000 đồng.

2.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

a. Khái niệm và ý nghĩa của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (còn gọi là Bảng cân đối Thu – Chi tiền tệ) là báo cáo tài chính tổng hợp có nhiệm vụ trình bày thông tin về các khoản thu và chi tiền trong kỳ của doanh nghiệp theo từng hoạt động (hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính).

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho phép người sử dụng nắm rõ các hoạt động, các nguồn tạo ra tiền trong doanh nghiệp (luồng tiền vào), cũng như tình hình sử dụng tiền của doanh nghiệp trong kỳ (luồng tiền ra). Qua báo cáo lưu chuyển tiền, doanh nghiệp có thể:

  • Nhận biết hoạt động tạo ra tiền cho doanh nghiệp trong kỳ.
  • Lập các dự toán thu – chi tiền cho các kỳ kế toán tương lai của doanh nghiệp.
  • Đưa ra các đánh giá chính xác về khả năng đầu tư, khả năng thanh toán… của doanh nghiệp, mà việc phân tích các báo cáo tài chính khác chưa thể cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết.
  • Nhận thức được quan hệ giữa luồng tiền với các chỉ tiêu liên quan đến chi phí, doanh thu, lợi nhuận trên báo cáo kết quả kinh doanh.
  • Xác định chính xác nhu cầu về tiền trong tương lai của doanh nghiệp trong từng hoạt động và khả năng đáp ứng nhu cầu này của doanh nghiệp, đưa ra các quyết định bổ sung luồng tiền từ khoản đi vay hay không…

b. Nội dung của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền bao gồm các nội dung:

  • Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh.
  • Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư.
  • Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính.

c. Phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể được lập theo phương pháp trực tiếp hoặc phương pháp gián tiếp.

– Phương pháp gián tiếp:

Theo phương pháp này, lưu chuyển tiền được lập bằng cách điều chỉnh lợi nhuận trước thuế của hoạt động sản xuất kinh doanh khỏi ảnh hưởng của các khoản làm tăng, giảm lợi nhuận mà không phải trực tiếp chi tiền, và loại trừ các khoản lợi nhuận (hoặc lỗ) của các hoạt động tài chính, hoạt động đầu tư đã tính vào lợi nhuận. Để lập báo cáo lưu chuyển tiền theo phương pháp gián tiếp, kế toán cần sử dụng các nguồn số liệu sau: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và một số sổ sách kế toán khác.

– Phương pháp trực tiếp:

Lưu chuyển tiền theo phương pháp trực tiếp được tính toán dựa trên các khoản đã thực thu, thực chi bằng tiền trên các sổ kế toán theo từng nội dung thu, chi và từng hoạt động của doanh nghiệp. Để lập báo cáo lưu chuyển tiền theo phương pháp này, kế toán phải sử dụng các sổ sách và báo cáo sau: Bảng cân đối kế toán, Sổ theo dõi thu chi tiền của doanh nghiệp, Sổ kế toán theo dõi công nợ (phải thu, phải trả).

2.4. Thuyết minh báo cáo tài chính

a. Mục đích của Thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh báo cáo tài chính là bộ phận hợp thành khong thể tách rời của Báo cáo tài chính doanh nghiệp. Thuyết minh báo cáo tài chính dùng để trình bày hoặc phân tích chi tiết các số liệu và thông tin kế toán đã được trình bày trong Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như trình bày các thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của các chuẩn mực kế toán.

b. Cơ sở lập Thuyết minh báo cáo tài chính

Để lập Thuyết minh báo cáo tài chính, kế toán cần căn cứ vào:

  • Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm báo cáo;
  • Sổ kế toán tổng hợp, Sổ kế toán chi tiết hoặc bảng tổng hợp chi tiết có liên quan;
  • Thuyết minh báo cáo tài chính năm trước;
  • Tình hình sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp và các tài liệu khác có liên quan.

c. Nội dung của Thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải trình bày những nội dung cơ bản sau:

– Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp (hình thức sở hữu vốn, lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, cấu trúc doanh nghiệp…)

– Thông tin về cơ sở lập và trình bày Báo cáo tài chính và các chính sách kế toán cụ thể được áp dụng đối với các giao dịch và các sự kiện quan trọng (kỳ kế toán, Chế độ kế toán áp dụng, tuyên bố về việc tuân thủ Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán, các loại tỷ giá hối đoái áp dụng trong kế toán, nguyên tắc kế toán các khoản đầu tư tài chính, nguyên tắc kế toán nợ phải thu, nguyên tắc ghi nhận hàng tồn kho, nguyên tắc kế toán và khấu hao …)

– Cung cấp thông tin bổ sung chưa được trình bày trong các báo cáo tài chính khác nhưng cần thiết cho việc trình bày trung thực và hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp (Tình bày và phân tích chi tiết các số liệu đã được tình bày trong Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính hiểu rõ hơn nội dung về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền trong kỳ của doanh nghiệp).

Doanh nghiệp chủ động sắp xếp số thứ tự trong Thuyết minh báo cáo tài chính theo cách phù hợp nhất với nguyên tắc mỗi khoản mục trong Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần được đánh dấu dẫn tới các thông tin liên quan trong Thuyết minh báo cáo tài chính.

(Lytuong.net – Nguồn tham khảo: topica.edu.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]