Trang chủ Đạo đức học Hạnh phúc là gì? Các quan điểm về hạnh phúc

Hạnh phúc là gì? Các quan điểm về hạnh phúc

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,3K views

1. Hạnh phúc là gì?

Các khái niệm hạnh phúc

Thuật ngữ “hạnh phúc” là một thuật ngữ Hán-Việt vừa có nguồn gốc trong quan niệm truyền thống phương Đông về “phúc”, vừa kế thừa các quan niệm của triết học phương Tây.

Theo Từ điển Hán Việt Thiều Chửu, “Phúc, những sự tốt lành đều gọi là phúc. Kinh Thi chia ra năm phúc: (1) Giàu, (2) Yên lành, (3) Thọ, (4) Có đức tốt, (5) Vui đến tuổi trời”.

Theo Từ điển triết học Oxford, thuật ngữ “happiness” trong tiếng Anh (dịch ra tiếng Việt là “hạnh phúc”) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “eudaimonia”. Tuy nhiên, khái niệm hạnh phúc hiện nay không đồng nhất với thuật ngữ Hy Lạp này, vì eudaimonia “liên quan nhiều hơn đến trạng thái tâm lý cũng như tính chất chủ quan của cuộc sống cá nhân”.

Theo “Báo cáo về hạnh phúc thế giới năm 2013”, hạnh phúc (happiness) cần phải được xem xét ở hai cách (và đây cũng là cách họ đánh giá xếp hạng mức độ hạnh phúc của các nước trên thế giới, trong đó Việt Nam được xếp thứ 63 trong số 156 nước được xem xét): 1) cảm xúc ở một thời điểm xác định (Ngày hôm qua bạn có được hạnh phúc không?) và sự đánh giá cho cả một quãng đời (Bạn có hạnh phúc trong cuộc đời của mình không?).

Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam, Hạnh phúc là “khái niệm chỉ trạng thái con người thỏa mãn với cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa của mình”. Hạnh phúc “là một khái niệm có tính chất đánh giá, gắn liền với nhân sinh quan, tức là quan niệm về cuộc sống phải như thế nào, cái gì là niềm vui trong cuộc sống”. Hạnh phúc “là hình thức cảm tính của lí tưởng, lí tưởng nói lên khát vọng của con người, còn hạnh phúc là sự thỏa mãn khát vọng ấy”

Theo tự điển bách khoa định nghĩa: Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng.

Hạnh phúc với mỗi người là một khái niệm hoàn toàn khác nhau. Có những người, hạnh phúc là khi họ đạt được một thành công rực rỡ, lớn lao, nhưng cũng có người, hạnh phúc chỉ đơn giản là một buổi sáng nhìn thấy nụ cười trên môi ai đó…

Hạnh phúc và sung sướng là hai từ mà ta có thể nhầm lẫn. Ý nghĩa của cả hai đều để nói lên được một cảm giác thoải mái trong tư duy, khi ta đạt được kết quả tốt từ một việc làm, một mục đích và một giá trị mà ta mong muốn.

  • Hạnh phúc được thể hiện qua sự thành công, tình yêu, sự nổi tiếng có tên tuổi, được yêu mến của nhiều người chung quanh.
  • Sung sướng thì thể hiện qua tiện nghi sinh hoạt trong cuộc sống, giàu có và sống trong không gian đầy đủ mọi mặt. Còn vài thứ nữa cũng không kém phần quan trọng đó là sự thoả mãn trong cảm giác ăn uống, vui chơi giải trí và sinh hoạt trong tình dục.

Hạnh phúc đến với mỗi người một cách khác nhau, tùy nghề nghiệp, hoàn cảnh, tâm trạng ước mơ của mỗi người.

Ví dụ: người phu quét đường, người thợ lao động phổ thông nói chung là người nghèo, sau giờ làm việc mệt nhọc, về đến nhà nhìn cảnh con cố gắng học hành, người vợ đang đi làm thêm, gia đinh họ khi có chén cơm ăn, họ tự nghĩ mình như thế này hạnh phúc và may mắn lắm rồi, hơn gia đình anh hai chị ba… Còn người khá, trung lưu khi họ cảm thấy đủ và hơn người khác một vài điểm nào đó, họ tự an ủi mình: hạnh phúc lắm rồi. Tùy quan điểm sống của mỗi người có khi họ đã giàu có rồi, muốn giàu có hơn người khác, kiếm tiền và kiếm tiền, bất chấp đạo đức, để người khác phải kính trọng sự giàu sang, không coi thường họ, đối với họ đó là hạnh phúc!

Cảm giác hạnh phúc thay đổi theo năm tháng, lúc nhỏ và khi trưởng thành có thể khác biệt. Hạnh phúc cũng thay đổi tùy theo giới tính, môi trường và trình độ. Tuy nhiên, hạnh phúc có nhiều mẫu số chung. Mọi người đều cảm thấy hạnh phúc khi không khí gia đình êm thắm và con cái ngoan ngoãn. Ai cũng có cảm giác khoái trá khi được ngợi khen và tâng bốc. Và trong tình dục, khoái cảm luôn đem lại cảm giác thỏa mãn giống hệt nhau cho bất kỳ người nào.

Hạnh phúc, dường như chỉ là một hình thức cảm giác sinh ra từ trí tưởng tượng, có khi không thật nhưng lại tồn tại quanh quẩn đâu đó mà không được biết đến.

2. Các quan điểm về hạnh phúc

a. Những quan niệm khác nhau về hạnh phúc:

Hạnh phúc là một phạm trù cơ bản của đạo đức học, là mục đích chung của nhân loại.

Trong lịch sử tư tưởng trước Mác, đại diện cho phái duy tâm về hạnh phúc là Socrate, Platon và những người theo chủ nghĩa khắc kỷ. Đại diện cho phái duy vật về hạnh phúc là Democrit, Epicur và các nhà duy vật thế kỷ 17 -18.

Phái duy tâm từ xưa cho rằng hạnh phúc là sự yên tĩnh, thanh thản trong tâm hồn. Hạnh phúc hay bất hạnh là do thiên định. Sự sai lầm của quan niệm này thường đưa con người đến thái độ yên phận. Theo cách suy nghĩ đó thì muốn có hạnh phúc, con người phải làm sao cho không có gì là sung sướng hay đau khổ, cam chịu cuộc sống hiện tại như một sự an bài của định mệnh. Các giai cấp bóc lột cũng lợi dụng quan niệm này để ru ngủ nhân dân nhằm bảo vệ sự thống trị của họ. Phái khắc kỷ cho rằng khát vọng, ham muốn, nhu cầu của con người là nguyên nhân gây ra nỗi bất hạnh, đau khổ và chiến tranh. Vì vậy con người hãy sống khắc kỷ, cấm dục, vô vi, phải chế ngự những khát vọng để có được sự yên tĩnh tuyệt đối của tâm hồn. Như vậy hạnh phúc hay bất hạnh, theo chủ nghĩa khắc kỷ là hoàn toàn do chủ quan, phụ thuộc vào từng cá nhân con người có hạn chế được tối đa những nhu cầu của bản thân hay không. Các quan niệm duy tâm nêu trên về hạnh phúc đều không thấy được bản chất xã hội của con người, không giải thích đúng nguồn gốc đạo đức từ đời sống xã hội.

Thế nên những người duy tâm đã phủ nhận cuộc sống hiện thực, coi hiện thực chỉ toàn là bất hạnh còn hạnh phúc của họ thực chất cũng chỉ là tưởng tượng mà thôi.

Phái duy vật giải thích hạnh phúc xuất phát từ đời sống thực của con người, đưa con người về với hạnh phúc trần thế. Chẳng hạn Democit cho rằng hạnh phúc là cảm giác dễ chịu. Epicur cho rằng hạnh phúc là ở chỗ con người không sợ hãi cái chết. Sự hiểu biết của con người sẽ đem lại cho con người sự yên tĩnh và sự thanh thản trước cái chết. Đến thế kỷ 17-18, những nhà duy vật cho rằng hạnh phúc là lý tưởng tối cao và ý nghĩa của cuộc sống con người. Họ hướng hạnh phúc con người đến sự thỏa mãn những nhu cầu về vật chất và tinh thần rất tự nhiên của con người. Nhưng theo họ bản chất tự nhiên của con người là vị kỷ, trạng thái tự nhiên của con người được điều khiển bởi dục vọng và lợi ích cá nhân. Với trạng thái tự nhiên đó thì con người sẽ sống thù địch với nhau, như vậy con người chỉ có thể hạnh phúc khi lợi ích cá nhân phải tuân thủ lợi ích của xã hội.

Một số nhà duy vật khác quan niệm hạnh phúc là nhận thức được quy luật tự nhiên và sống hợp quy luật tự nhiên, nghĩa là khi con người đạt trạng thái tự do. Hầu hết các nhà duy vật thời này đều cho rằng hạnh phúc phụ thuộc vào điều kiện xã hội. Một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo hạnh phúc con người là chế độ chính trị. Như vậy những quan niệm này có nhiều điểm tiến bộ và đầy tính nhân đạo, đã đặt ra vấn đề mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội trong việc mưu cầu hạnh phúc và đưa ra những cách khác nhau để giải quyết mâu thuẫn này vào giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ. Thậm chí có quan điểm cho rằng nhiệm vụ chính của đạo đức học là vạch rõ những điều kiện trong đó lợi ích cá nhân là cơ sở tất yếu của hành vi con người có thể dung hợp với lợi ích xã hội. Tuy nhiên chưa có ai nêu lên được con đường khả dĩ tìm được sự hài hòa giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc chung của xã hội.

  • Trong triết học Ấn Độ

Các tôn giáo Ấn Độ đều quan niệm rằng hạnh phúc không tồn tại ở trần thế. Cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ và đầy rẫy những đau khổ. Vì vậy, các tôn giáo đều khuyến khích con người sống khổ hạnh, nhẫn nhục ở trần gian để được hưởng hạnh phúc cực lạc ở kiếp sau, thế giới bên kia.

Đối lập với chủ nghĩa khổ hạnh tôn giáo, phái Charvaka (còn gọi là Lokayata) – một trào lưu triết học duy vật vô thần ở Ấn Độ cổ đại lại bác bỏ ảo tưởng ở kiếp sau, phản đối phương pháp tu luyện khổ hạnh.

  • Trong triết học Trung hoa

Những người theo phái Nho gia, chủ trương người trí thức phải học hành đến nơi đến chốn và đem tài năng của mình ra giúp đời, giúp nước. Hạnh phúc lớn nhất của người quân tử là được cống hiến cho xã hội, lập được công danh.

Những người theo phái Đạo gia, ngược lại đã coi hạnh phúc cá nhân ở cuộc sống vô vi, nhàn hạ, hòa hợp với tự nhiên. Sống hạnh phúc là sống thanh đạm, biết thế nào là đủ, không tham lam, không bon chen, không cạnh tranh.

  • Quan niệm của chủ nghĩa khổ hạnh

Chủ nghĩa khổ hạnh Hy Lạp tuy không mang màu sắc tôn giáo, nhưng lại gắn liền với triết lý phủ nhận mọi giá trị của văn hóa, văn minh, coi văn hóa, văn minh là nguồn gốc của đau khổ, kêu gọi con người quay trở về với cuộc sống mông muội.

Trường phái Khắc kỷ chủ trương sống có đạo đức, có lý trí, dửng dưng trước tất cả mọi ham muốn vật chất.

  • Quan niệm của chủ nghĩa khoái lạc

Phái Xirenait (Cyrenaics), là một thứ chủ nghĩa khoái lạc tầm thường, vị kỷ, đưa ra một học thuyết theo đó sự thỏa mãn những dục vọng trực tiếp của cá nhân, không cần quan tâm đến người khác, được coi là mục đích tối cao.

Phái Êpiquya cho rằng sự khoái lạc chân chính chỉ có thể đạt được bằng lý trí. Họ lập luận rằng sẽ là không tốt nếu làm điều gì đó tuy cá nhân có được khoái cảm nhất thời nhưng để lại hậu quả xấu cho tương lai, chẳng hạn, sự hoang dâm quá độ sẽ có hậu quả bất hạnh về sau.

 

b. Quan điểm đạo đức học Mác – Lênin về hạnh phúc:

Đạo đức học Mácxít lý giải một cách khoa học về hạnh phúc.

a/ Hạnh phúc là tâm trạng hài lòng về cuộc sống thực tại của mình:

– Hạnh phúc là tâm trạng hài lòng, sự hài lòng ấy không có tính mơ hồ mà có nội dung và hình thức xác thực. Đó là khi con người được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của mình đồng thời không ngừng sáng tạo ra những giá trị mới.

– Nhu cầu của con người rất đa dạng bao gồm nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần như:

  • Nhu cầu ăn uống, đi lại, duy trì nòi giống.v.v.. Đây là những nhu cầu tất yếu của sự tồn tại của con người.
  • Nhu cầu về môi trường sống: Với tư cách là một sinh thể, con người có nhu cầu được sống trong môi trường tự nhiên phù hợp và ngày càng đẹp đẽ chẳng hạn như nhu cầu duy trì nhiệt độ bình thường, thuận lợi cho hoạt động của cơ thể bằng việc sưởi ấm nhà ở hoặc làm cho nhà ở mát mẻ, chọn quần áo thích hợp.v.v…Con người còn cảm thấy hạnh phúc nếu được sống trong môi trường xã hội tốt, ở đó con người được phát triển toàn diện. Đó là môi trường có “tính người”.
  • Nhu cầu thẩm mỹ: Con người không những chỉ bằng lòng với sự thưởng thức cái đẹp của tự nhiên, của người và vật ở xung quanh mình mà còn sáng tạo ra cái đẹp bằng màu sắc, âm thanh, hình ảnh…qua hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn học.v.v…
  • Nhu cầu nhận thức: Con người là một sinh thể có tư duy, có nhu cầu nhận thức hiện thực và có xu hướng làm giàu vốn tri thức của mình. Nhu cầu nhận thức nâng con người lên trên mọi sinh thể khác, là nhu cầu đặc trưng của con người.
  • Nhu cầu tương trợ: không có sự tương trợ thì con người và xã hội không thể tồn tại được. Con người sống trong xã hội thì nhất định có ý thức và có nhu cầu giao tiếp, giúp đỡ lẫn

Các nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần đó tồn tại trong mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Xã hội càng tiến bộ, nhu cầu tinh thần càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống con người.

b/ Hạnh phúc là sự đánh giá chung nhất đời sống con người, là tổng hợp những yếu tố xã hội và cá nhân:

– Hạnh phúc bao hàm sự đánh giá về ý nghĩa và giá trị của cuộc đời con người. Sự đánh giá đó vừa có yếu tố cảm nhận của cá nhân đồng thời có sự đánh giá và thừa nhận của xã hội. Cho nên hạnh phúc có mặt cá nhân và mặt xã hội, còn gọi là mặt chủ quan và mặt khách

– Mặt cá nhân của hạnh phúc biểu hiện ở năng lực, ý chí, sự nổ lực của cá nhân để thỏa mãn được nhu cầu của mình và giá trị của hạnh phúc của mỗi người cũng tùy thuộc vào sự nhận thức về giá trị ở từng cá nhân.

Mỗi người khác nhau về lợi ích, nhu cầu và khát vọng cụ thể. Sự khác nhau đó được giải thích bằng những phẩm chất và thiên hướng cá nhân ảnh hưởng bởi di truyền, những nhân tố dân tộc, xã hội và những điều kiện giáo dục, sinh hoạt v.v…Do những khát vọng và lợi ích của mỗi người hết sức đa dạng nên niềm vui, hạnh phúc cũng khác nhau. Rất khó xác định người nào hạnh phúc và người nào không có hạnh phúc, người nào hạnh phúc nhiều còn ai hạnh phúc ít hơn. Nhưng có thể nhận định về hạnh phúc của mỗi cá nhân căn cứ vào tương quan giữa nhu cầu tinh thần và nhu cầu vật chất ở người đó và mức thỏa mãn những nhu cầu ấy; nghĩa là xem coi những lợi ích, nhu cầu nào được người đó quan tâm nhiều nhất. Đối với những người mà nhu cầu vật chất chiếm ưu thế thì tiêu chuẩn chủ quan của họ về hạnh phúc sẽ là mức độ thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Đối với kẻ phàm tục như Gorky đã nói: Hạnh phúc chẳng qua chỉ là “làm rất ít, nghĩ rất ít và ăn rất nhiều”.

– Mặt xã hội của hạnh phúc là xã hội đánh giá và thừa nhận giá trị của cuộc sống của một con người.

Ở những trình độ xã hội khác nhau, những nhu cầu về hạnh phúc và những tiêu chuẩn giá trị để đánh giá hạnh phúc của con người cũng khác nhau. Xã hội càng phát triển thì việc tạo ra những điều kiện để con người hưởng thụ và cống hiến ngày càng đòi hỏi cao hơn. Nhưng trong bất kỳ xã hội nào thì tiêu chuẩn khách quan của hạnh phúc đều là sự thống nhất lâu bền giữa sự khỏe mạnh, sự dồi dào về đời sống vật chất và sự phong phú về tinh thần. Sự thống nhất và sự tương quan hợp lý giữa các lợi ích là tiêu chuẩn khách quan cho hạnh phúc chân chính của con người. Đạo đức chính thống của mọi xã hội bao giờ cũng thừa nhận ưu thế của những nhu cầu tinh thần so với những nhu cầu vật chất. Kẻ chỉ thấy hạnh phúc ở sự thỏa mãn những nhu cầu vật chất khó mà có được hạnh phúc bởi vì nhu cầu vật chất là nhu cầu tất yếu để tồn tại và duy trì khả năng tổ chức của một sinh thể. Sự thỏa mãn nhu cầu vật chất bao hàm sự bảo hoà, nó thường ngắn ngủi và có hạn. Nhu cầu tinh thần có giá trị dài lâu và sự thỏa mãn nhu cầu tinh thần bao hàm sự sáng tạo nhu cầu mới. Tuy nhiên khi nói đến ưu thế của nhu cầu tinh thần so với nhu cầu vật chất, ở đây chỉ muốn nói đến sự xác định cụ thể ý nghĩa và giá trị của các nhu cầu với mục đích chỉ ra tiêu chuẩn khách quan của hạnh phúc chân chính.

Mặt xã hội và mặt cá nhân của hạnh phúc quan hệ chặt chẽ nhau vì những nhu cầu phát triển của xã hội chi phối nhu cầu của mỗi cá nhân, định hướng cho mọi hoạt động và nổ lực của cá nhân để thỏa mãn nhu cầu của mình.

c/ Hạnh phúc vừa là lý tưởng tối cao vừa là sự thực hiện nghĩa vụ:

– Hạnh phúc không chỉ là sự thụ hưởng những niềm vui của cuộc sống, mà còn bao gồm sự công hiến, sự đầu tranh tích cực giành lấy niềm vui, giành hạnh phúc cho mọi người và cho chình mình. Vì vậy, hạnh phúc chân chính của con người phụ thuộc vào hành động, hành động sáng tạo. Hạnh phúc chân chính của con người là phấn đấu không mệt mỏi cho việc sáng tạo ra những giá trị mới cho mình, cho người khác và cho xã hội.

– Hạnh phúc không có sẵn, cũng không do ai ban tặng. Muốn có hạnh phúc phải tích cực và kiên trì đấu tranh vượt qua mọi trở lực để chống cái ác, thậm chí khi cần phải dám chịu đựng những mất mát, hy sinh. Đạt đến hạnh phúc, mỗi người có khi phải chấp nhận sự đau thương, gian khổ trước mắt đối với riêng mình để mưu cầu hạnh phúc lâu dài và lớn lao của xã hội. Điều đó không có nghĩa là lãng tránh hay chấp nhận sự đau khổ tiêu cực do khát vọng thấp hèn mà đòi hỏi con người phải biết bằng hành động tích cực sáng tạo của mình để vượt lên trên sự đau khổ, sự dằn vặt. Con người còn phải chia sẻ sự khổ đau của người khác, của cộng đồng để suy nghĩ và hành động cho hạnh phúc của người khác và cho tiến bộ xã hội.

d/ Hạnh phúc có tính tương đối và có tính lịch sử- xã hội:

– Trong xã hội nhu cầu của con người luôn phát triển cho nên sự thỏa mãn nhu cầu không có ý nghĩa tuyệt đối. Thỏa mãn nhu cầu và không thỏa mãn nhu cầu luôn tác động lẫn nhau tạo nên sự tiến bộ lịch sử. Ở mỗi người, sự cảm nhận về hạnh phúc cũng mang tính riêng tư. Đối với cùng một giá trị nhưng ở người này thì hạnh phúc trở nên tuyệt vời nhưng ở người khác có khi chỉ là bình thường thậm chí là đau khổ. Chính vì vậy hạnh phúc có tính tương đối.

– Hạnh phúc có tính lịch sử- xã hội vì mỗi thời đại lịch sử, nhu cầu xã hội khác nhau và sự tạo điều kiện để thỏa mãn những nhu cầu ấy cũng khác nhau cho nên quan niệm hạnh phúc của con người là rất khác nhau ở những thời đại, những giai đoạn lịch sử khác. Mỗi một con người trong những hoàn cảnh khác nhau, có quan niệm về hạnh phúc khách nhau. Mỗi lứa tuổi khác nhau quan niệm về hạnh phúc một cách khác v.v…

Tóm lại: Hạnh phúc là tâm trạng hài lòng về cuộc sống thực tại của mình; là sự đánh giá chung nhất đời sống con người, là tổng hợp những yếu tố xã hội và cá nhân; là lý tưởng tối cao đồng thời là sự thực hiện nghĩa vụ; là hiện tượng có tính tương đối và tính lịch sử – xã hội.

Hạnh phúc là gì?

Hạnh phúc là gì? Time to be happy

Ngày Quốc tế Hạnh phúc

Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan – Vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bhutan là quốc gia đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia từ những năm đầu tiên của thập niên 70 thế kỷ 20 và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội.

Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới và liên kết, đoàn kết toàn nhân loại.

Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau – là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… Bởi vậy ngày 20/3 – Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

3. Làm thế nào để có hạnh phúc?

Hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống khác nhau đối với tất cả chúng ta, những gì làm cho một người hạnh phúc không nhất thiết mang lại sự hài lòng cho người khác. Trong nhiều trường hợp, chúng ta đang hạnh phúc trong cuộc sống, nhưng chúng ta không thể nhận ra nó. Con người ngày nay hối hả và nhộn nhịp với cuộc sống, chúng ta bị cuốn hút bởi những mong muốn về sự nghiệp, địa vị mà có rất ít thời gian để tận hưởng những điều mà làm cho chúng ta mỉm cười và thỏa mãn.

Hạnh phúc và sự hài lòng phụ thuộc hoàn toàn vào chính chúng ta, không ai có thể cung cấp cho bạn, nó là một cái gì đó bên trong bạn mà bạn phải tìm và làm việc hướng tới, hoặc nói đúng hơn, mang nó ra để bắt đầu tận hưởng cuộc sống.

Do vậy, hạnh phúc có thể được tìm thấy trong hiện tại từ cuộc sống gia đình, công việc, các mối quan hệ… Trong thực tế, nó có thể được tìm thấy trong bất cứ điều gì, và bất kỳ tình huống nào nếu bạn chỉ cần biết nơi để tìm và nhìn vào đúng hướng, bên trong bạn.

Nếu một người nói rằng “Tôi không có hạnh phúc” thì chính xác là người đó sẽ không bao giờ có hạnh phúc, dù người ấy có những cái mà người khác luôn mong mỏi. Còn khi bạn hỏi một người sống trong cảnh nghèo khó rằng họ có hạnh phúc không mà họ trả lời rằng “Lúc nào tôi cũng thấy hạnh phúc” thì thật sự là họ đã được hạnh phúc.

Như vậy, hạnh phúc đơn giản là khi bạn chịu nhìn nhận hạnh phúc bên mình. Hạnh phúc không hiện hữu trong bóng hình quá khứ hay niềm mong mỏi nơi tương lại, hạnh phúc là ngay trong thực tại nếu bạn biết nắm bắt nó ngay hôm nay.

Vậy bí quyết của hạnh phúc đích thực là hãy sống mỗi ngày như thể nó không bao giờ quay trở lại và tận dụng hết sức những gì mình đang có.

Một số gợi ý để có hạnh phúc chủ động:

  • Hãy nhớ lại những cảm giác tuyệt vời nảy sinh trong bạn khi ngắm hoàng hôn ở một nơi tuyệt đẹp nào đó. Hãy nhớ lại sự nhẽ nhõm và niềm vui khi bạn hoàn thành tốt đẹp một công việc nào đó, hoặc khi bất ngờ nhận được món quà thú vị… Tự bạn sẽ biết những hồi tưởng và ý nghĩ nào sẽ cho cảm giác dễ chịu.
  • Hãy quen với việc cảm thấy mình hạnh phúc và điều đó trở thành một trong những bài tập chủ yếu của bạn. Thường xuyên cười với bản thân, những người khác và để họ cảm nhận được rằng bạn đang hạnh phúc.
  • Cố gắng làm cho những người xung quanh cảm thấy hạnh phúc. Khi thấy ai đó đang gặp nạn, cần trợ giúp, hãy đề nghị giúp đỡ họ. Đôi khi đó chỉ là những hỗ trợ rất nhỏ như chỉ đường ai đó đang lạc hướng, nhặt giúp cây viết… Nhưng chính từ niềm vui của người khác, chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy vui hơn.
  • Đừng quên những người đã làm cho cuộc đời bạn sáng sủa hơn, giàu có hơn, thú vị hơn, và hãy dành nhiều thời gian cho người đó.
  • Khi có những ý nghĩ và nỗi buồn, hãy xua tan chúng ra khỏi đầu và nhớ rằng có những hoàn cảnh bạn không đủ sức để thay đổi, vậy cách tốt nhất là phải bình tĩnh để suy xét mọi việc.
  • Cố gắng bớt chỉ trích hành động của người khác, khi đó bạn sẽ tránh được nhiều cảm giác tiêu cực cho mình.
  • Hãy quên đi sự ganh tị vì nó có thể làm hại cả cuộc đời bạn. Nhiều người cảm thấy mình bất hạnh vì những kỳ vọng của họ hoàn toàn không thực tế, bởi hạnh phúc chỉ là một cảm giác tương đối.
  • Tập cách tha thứ cho những người làm hại hoặc tổn thương bạn. Càng ghi nhớ, chất chứa những điều không tốt đẹp này sẽ càng làm cho bạn tiêu cực hơn với cuộc sống. Tha thứ và bao dung, con người sẽ tiến đến nấc thang hạnh phúc.
  • Đừng cố gắng ngay lập tức trở thành người hạnh phúc. Tất cả đều cần có quá trình. Do đó cách tốt nhất, bạn hãy vui mừng và tận hưởng với những việc nhỏ nhặt nhất.
Hạnh phúc diễn giải theo H-A-P-P-I-N-E-S-S

Trong tiếng Anh, từ hạnh phúc (happiness) được diễn giải như sau, nếu ta hội đủ tất cả những điều kiện này, nhất định chúng ta là người hạnh phúc.

Healthy (Sức khỏe)

Không gì quý giá bằng sức khỏe, nếu ta có một thân thể khỏe mạnh và không bệnh hoạn thì nó có thể giúp ta vượt qua nhiều việc khó khăn trước mặt.

Attitude (Thái độ)

Mọi hoàn cảnh, mọi lúc ta nên giữ vững niềm tin vào bản thân ta. Hãy tự tin rằng “điều

đó ta có thể thực hiện được bằng một sự cố gắng hết sức mình”.

Present (Hiện tại, món quà)

Quá khứ đã đi qua và không bao giờ trở lại, đừng tiếc nuối và than vãn. Hiện tại là món quà cao quý nhất hãy tận hưởng những gì mình đang có, đừng nghĩ nhiều những gì có thể sẽ xảy ra ngày mai.

Play (Vui chơi)

Đừng để cuộc sống chúng ta bị nô lệ về mọi mặt để rồi ta phải sống trong sự căng thẳng.

Đã đến lúc cần phải thư giãn như nghe nhạc, xem ti vi, hát karaoke…

Inward (Nội tâm)

Hạnh phúc đích thực bắt nguồn từ chính bạn chứ không thể chịu tác động bởi những lời nói hay việc làm của người khác. Tình yêu thương, sự cảm thông và lòng can đảm đều là những thứ không cần phải mua vì đã có trong chính con người bạn.

Nut (Hạt)

Hãy thử tưởng tượng một hạt bạn hay ăn với phần bên trong mềm mại được bảo vệ bởi lớp vỏ cứng bên ngoài. Chúng ta cũng như vậy đấy, vẻ bề ngoài chỉ là lớp vỏ để bảo vệ cho phần “nhân” ngọt ngào của bạn ở bên trong.

Express Yourself (Bộc lộ chính mình)

Đừng ngồi chờ phép màu nào sẽ đến mà phải tự biết làm sao để có được phép màu cho mình. Thử vẽ một bức tranh, chụp một kiểu ảnh, viết một câu chuyện tình yêu… Đó cũng là cách bạn bộc lộ mình đó, thật kỳ diệu biết bao! Hãy bộc lộ cảm xúc thật của mình!

Simple (Đơn giản)

Tại sao bạn cứ làm phức tạp cuộc sống của mình lên nhỉ? Hãy bằng lòng với những gì mình có và không cần phải níu kéo quá sức. Hãy dành thời gian với gia đình của bạn, hãy cùng nhau lắng nghe và chia sẻ.

Smile (Nụ cười)

Khi bạn cảm thấy thất vọng, buồn bã thì hãy cố gắng nghĩ ra hay làm điều gì đó để cười, để xoa dịu tâm trạng và cảm xúc của bạn. Bạn chính là người bạn thân nhất của bạn đó.

“Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất.” – Karl Marx.

(Tổng hợp)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]