Phép lịch sự khi giao tiếp với người dân tộc khác và với người nước ngoài
Người dân tộc khác và người nước ngoài khác ta về ngôn ngữ, về tâm lý và về truyền thống văn hóa của dân tộc, về cách ăn mặc và có thể khác cả về màu da, màu mắt, màu tóc và chiều cao… Vì thế, họ có thể ngỡ ngàng, lúng túng, vụng về khi tiếp xúc và đối tác với ta, nhất là khi cùng sinh hoạt với ta theo cách của ta. Họ sẽ ngượng nghịu, thậm chí khó chịu khi thấy ta nhìn họ một cách tò mò, giơ tay chỉ chỏ vào mặt họ rồi cười với nhau về họ. Họ rất cám ơn và đánh giá cao nếu ta tỏ ra kính trọng, yêu mến, cởi mở và giúp đỡ họ, không chế nhạo họ vì họ đã tỏ ra lúng túng, vụng về, lóng ngóng không làm được như ta làm (ví dụ ăn cơm bằng bát và đũa như ta) hoặc không nói được tiếng Việt như ta nói.
Điều quan trọng nhất là ta chớ có làm điều gì đối với họ hoặc trước mắt họ để họ hiểu lầm hoặc khinh bỉ đối với dân tộc ta và đất nước ta. Rất tiếc là có một số ít người vì ham tiền, hám lợi nên đã bán hàng cho họ với giá cắt cổ, đã nói dối, nói sai với họ về chất lượng hàng hóa, thậm chí có kẻ còn lừa gạt, ăn cắp và cướp giật đối với họ. Đó là những việc làm xấu xa, làm nhục quốc thể, làm tổn thương nghiêm trọng danh dự của dân tộc Việt Nam.