Trang chủ Tâm lý học Định kiến là gì? Nguồn gốc, nguyên nhân và cách điều chỉnh định kiến xã hội

Định kiến là gì? Nguồn gốc, nguyên nhân và cách điều chỉnh định kiến xã hội

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,3K views

Định kiến là gì? Định kiến xã hội (Social Prejudice) là gì? Nguồn gốc, nguyên nhân định kiến xã hội; Một số biện pháp làm giảm bớt định kiến xã hội.

Định kiến là gì?

Định kiến là gì?

1. Khái niệm định kiến xã hội

Theo từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì: Định kiến là ý kiến riêng đã có sẵn, khó có thể thay đổi được.

Định kiến (Prejudice) là một vấn đề trọng tâm trong các nghiên cứu về nhóm của Tâm lý học xã hội. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này. Đây là một trong những khía cạnh tâm lý xã hội đặc trưng của nhóm, phản ánh đời sống tâm lý phức tạp trong ứng xử và quan hệ của con người trong phạm vi nhóm và phạm vi xã hội. Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về định kiến.

Theo cách hiểu đơn giản, định kiến là ý kiến đánh giá có trước về một vấn đề nào đó. Thường người ta dùng từ định kiến để chỉ một sự nhìn nhận không đúng sự thật nhưng người có định kiến không chịu thay đổi ý kiến của mình. Như vậy, định kiến được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Người ta thường không chấp nhận những người có định kiến về một vấn đề nào đó.

Các nhà tâm lý học Xô viết quan niệm: định kiến là quan niệm đơn giản, máy móc, thường không đúng sự thật về một vấn đề xã hội, về một cá nhân hay nhóm xã hội nào đó. Như vậy, theo các nhà tâm lý học Xô viết thì định kiến mang tính tiêu cực trong ứng xử đối với thế giới xung quanh.

Theo Fischer: Định kiến xã hội là những thái độ bao hàm sự đánh giá một chiều và sự đánh giá đó là tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm khác tuỳ theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ. Nói cách khác, định kiến là một loại phân biệt đối xử bao gồm 2 thành tố chính là nhận thức và ứng xử.

Theo J.P.Chaplin, định kiến : 1) Là thái độ có thể tích cực hoặc tiêu cực được hình thành trước trên cơ sở những dấu hiệu rõ ràng trong đó đặc biệt là yếu tố cảm xúc; 2) Là lòng tin hoặc cách nhìn, thường là không thiện cảm làm cho chủ thể có cách ứng xử hoặc cách nghĩ như vậy đối với những người khác.

G.W. Allport cho rằng, định kiến được xem như thái độ có tính ác cảm và thù địch đối với các thành viên của nhóm (Allport, 1954).

Theo Rosenberg: Định kiến xã hội là một định hướng được tiếp thụ có mục đích thiết lập một sự phân biệt xã hội. Như vậy, có thể nói rằng định kiến là một sự phân  biệt đối xử. Quan điểm này của ông cho phép phân biệt hai thành tố căn bản của định kiến: thành tố nhận thức và thành tố ứng xử. Ta có thể sơ đồ hoá khái niệm định kiến:

Có thể có nhiều quan niệm nữa về định kiến, nhưng chỉ cần qua các quan niệm đã nêu, chúng ta có thể nhận thấy, các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng: định kiến là một kiểu thái độ có trước, mang tính tiêu cực. Có thể là thái độ tiêu cực đối với nhóm hoặc các thành viên của nhóm. Người ta có thể có những thái độ tiêu cực đối với các cá nhân hoặc các nhóm. Không phải tất cả các thái độ tiêu cực đều trở thành định kiến, nhưng định kiến có nguồn gốc từ các thái đô tiêu cực đó.

Có thể hiểu định kiến là thái độ có trước mang tính tiêu cực, bất hợp lý đối với một hiện tượng, một cá nhân hoặc một nhóm. Có nhiều loại định kiến xã hội như: định kiến chủng tộc, giới tính, tôn giáo, giai cấp,…

Khi nói định kiến là nói tới sự phán xét, là thái độ đã có sẵn từ trước khi hiện tượng xảy ra hoặc trước khi biết một cá nhân hay nhóm xã hội nào đó của cá nhân hay của một nhóm. Định kiến mang tính bất hợp lý, tiêu cực. Điều này thể hiện qua một số khía cạnh sau: Thứ nhất, thái độ này được dựa trên nguyên nhân sai lầm hoặc thiếu lôgic. Chẳng hạn, khi có chuyện quan hệ ngoài hôn nhân của một cặp trai gái nào đó thì thường người ta lên án phụ nữ. Đó chính là định kiến đối với nữ giới. Mặc dù, thực tế chuyện đó là có lỗi thì không phải chỉ là lỗi của phụ nữ. Tuy mọi người thấy là vô lý nhưng rất khó thay đổi ý kiến và thái độ của họ.

2. Sự khác nhau giữa Định kiến và Phân biệt đối xử.

Trong cách nói thường ngày, nhiều người sử dụng thuật ngữ định kiến và phân biệt đối xử như những từ đồng nghĩa. Có thực là chúng như nhau không? Hầu hết các nhà tâm lý học đều chỉ ra sự khác biệt rất rõ ràng giữa chúng.

Định kiến ám chỉ một kiểu thái độ đặc biệt mà thông thường là những thái độ tiêu cực đối với thành viên của nhóm xã hội khác. Vì một kiểu thái độ nên định kiến không phải lúc nào cũng được phản ánh công khai trong hành động. Trong rất nhiều trường hợp, cá nhân mang định kiến nhận ra rằng mình không thể biểu đạt nó một cách trực tiếp. Có một nghìn lẻ một các lý do khiến họ làm như vậy: luật lệ, áp lực xã hội, nỗi sợ hãi bị trả thù… đã ngăn cản họ thực hiện hành động tiêu cực một cách rộng rãi. Nhưng khi không còn những rào cản và sự kiềm toả như vậy thì những niềm tin, cảm giác tiêu cực thắng thế và nó được thể hiện một cách công khai và trở thành sự phân biệt đối xử.

3. Nguồn gốc của định kiến xã hội

Định kiến được hình thành qua một quá trình lâu đài và có thể được truyền lại cho thế hệ sau thông qua các tập tục của cộng đồng. Lúc đầu có thể muốn giữ vị thế có lợi cho mình nên người ta đặt ra các luật lệ, quy tắc và có thái độ cảnh giác với một nhóm hoặc cộng đồng khác. Ví dụ, đàn ông luôn muốn giữ vị thế thống trị trong gia đình và xã hội nên đặt ra các quy tắc khắt khe với phụ nữ và tạo ra thái độ không tôn trọng phụ nữ. Từ đó hình thành định kiến giới và cứ thế định kiến giới tồn tại cho đến bây giờ thông qua các tục lệ và các quy tắc xã hội. Đôi khi, người ta thấy nó vô lý nhưng do nó tồn tại quá lâu đời nên đã ăn vào tiềm thức con người. Thậm chí ăn vào tiềm thức của chính người bị định kiến. Muốn xóa bỏ định kiến này phải có thời gian.

Quan niệm không đúng về một vấn đề xã hội hoặc về một nhóm người nào đó cũng là nguồn gốc dẫn đến định kiến xã hội. Ví dụ, người ta quan niệm rằng: Giọt máu đào hơn ao nước lã, nên không thể hi vọng con dâu thương bố mẹ chồng, con rể thương bố mẹ vợ. Quan niệm như vậy nên dẫn đến họ định kiến với con dâu, con rể (những người khác máu tanh lòng), họ cho rằng con dâu, con rể không bao giờ thương mình nên cũng không dại gì mà thương họ. Nhưng thực tế lại khác, nhiều cô con dâu rất có tình cảm và trách nhiệm với bố mẹ chồng. Nhưng do những câu ca dao, tục ngữ, những câu chuyện truyền miệng làm cho người đời hiểu sai, dần dần hình thành những quan niệm không đúng dẫn đến định kiến về những người làm dâu, làm rể.

Trong các định kiến xã hội thì định kiến giới và định kiến dân tộc là biểu hiện rõ nét. Các định kiến này có nguồn gốc từ các chuẩn mực của xã hội do các giai cấp thống trị xã hội đặt ra từ trước và khuyến khích, cổ vũ cho các định kiến dân tộc đó. Hầu hết các thành viên trong xã hội chấp nhận các chuẩn mực đó và định kiến càng phát triển và càng được được thể hiện nhiều hơn. Sự hình thành định kiến này có thể ở ngay trong đời sống gia đình. Như trước đây, con trai được học cao đến khi không thể học được nữa thì mới thôi. Còn con gái chỉ được bố mẹ cho học đến một mức độ nào đó thì phải dừng để nhường cho anh trai, em trai ăn học. Trong trường hợp này, sự phân biệt đối xử thường xuyên xảy ra và trở thành cách ứng xử của mọi người. Mọi người cho rằng như thế là hợp lý. Ai tuân theo các chuẩn mực đó thì được chấp nhận, ai không tuân theo sẽ bị tẩy chay. Điều đáng quan tâm hơn là ngay trong các chuẩn mực của xã hội trước đây đã cổ vũ cho thái độ coi thường phụ nữ nên định kiến càng sâu sắc hơn.

Ngoài các nguồn gốc nêu trên có thể có một số nguyên nhân khác dẫn đến định kiến xã hội. Đó là sự xây dựng các biểu tượng xã hội. Ví dụ, một thời gian dài, chúng ta có những tấm pano, áp phích vẽ hình ảnh người nhiễm HIV/AIDS gầy guộc, siêu vẹo. Từ đó, dưới con mắt của mọi người, người nhiễm HIV/AIDS rất đáng sợ và người ta hình thành một định kiến rất xấu về họ. Mọi người sợ nên xa lánh những người nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Mặc dù, trên thực tế họ là người bình thường và HIV không thể lây truyền sang người khác qua đường giao tiếp thông thường.

Có thể có một số nguyên nhân xã hội khác dẫn đến định kiến xã hội. Có thể do sự phát triển xã hội chưa đạt đến một trình độ xóa bớt được khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội về dân trí và về địa vị kinh tế dẫn dấn có sự chênh lệch trong mức sống và điều kiện sinh hoạt của các cộng đồng. Điều này có thể tạo nên cách nhìn nhận vấn đề có sự khác nhau dẫn đến ít nhiều có sự kì thị và định kiến về nhau. Tuy đây không phải là nguyên nhân quan trọng nhưng nếu xóa bớt đi được khoảng cách về giàu nghèo giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp xã hội thì cũng bớt đi được một nguyên nhân tạo ra định kiến xã hội

4. Các nguyên nhân hình thành định kiến xã hội

a. Sự cạnh tranh (competition)

Thật không may mắn, những điều mà con người coi trọng nhất trong cuộc đời này như công việc tốt, nhà cửa đẹp đẽ, vị trí cao, một nền giáo dục hoàn hảo,.. lúc nào cũng hiếm hoi nhưng lại không bao giờ có đủ cho mọi người. Thực tế này có thể chính là sự giải thích lâu đời nhất cho sự ra đời của định kiến.

Theo quan điểm này, định kiến ra đời từ cuộc cạnh tranh giữa những nhóm xã hội khác nhau về những tiện nghi giá trị và cơ hội. Thành viên của những nhóm liên quan tiếp tục nhìn nhận ngày một tiêu cực về nhau. Họ “dán nhãn” nhau là kẻ thù, coi nhóm mình là đạo đức tối thượng, dựng lên rào cản ở giữa và sự thù địch giữa họ ngày một sâu sắc. Kết quả tất yếu là từ những cuộc cạnh tranh đơn giản chẳng liên quan gì tới oán hận và thù ghét đã dần phát triển thành những định kiến gay gắt. Thậm chí những cuộc cạnh tranh kiểu như vậy thường dẫn tới mâu thuẫn trực tiếp, công khai và những hành vi có tính xâm khích.

Nghiên cứu của Hovland và Sear đã cho ta thấy điều này: Họ đã tiến hành kiểm tra mối liên hệ giữa số người da đen bị phân biệt đối xử ở 14 bang của nước Mỹ với hai chỉ số về kinh tế là giá trị trang trại của cây bông và giá trị đồng cỏ. Họ đã lấy số liệu trong 49 năm và kết quả là: điều kiện kinh tế càng xấu bao nhiêu thì số vụ bạo lực xảy đến với người da đen càng nhiều bấy nhiêu.

Điều đó cho thấy một khi kinh tế khủng hoảng thì những cuộc cạnh tranh về tài nguyên kinh tế càng khan hiếm. Những người thất bại trong cuộc cạnh tranh hiện tại nảy sinh tâm lý lo hãi vì sẽ bị mất đi vị thế của mình. Lúc này nhóm thiểu số (người da đen, người nhập cư) trở thành những người giơ đầu chịu báng, những “con vật hy sinh” đối với những kẻ thất bại và là nơi để họ đổ lỗi, trút giận bằng những hành vi hung tính. Những nạn nhân này trở thành sự lý giải hợp lý đối với nạn thất nghiệp, mức sống thấp và nhờ đó biện minh cho hành động của những cá nhân mang định kiến. Với quan điểm như vậy, định kiến là một cơ chế bảo vệ được kích hoạt bởi sự giận dữ, lo hãi và cảm giác bị hạ thấp giá trị.

Nghiên cứu của Sherif và những cộng sự: Xung đột và định kiến trong một trại hè.

Nghiên cứu của họ bao gồm việc gửi những cậu bé 11 tuổi đến một trại hè ở vùng hẻo lánh. Khi những cậu bé đến trại hè, các em được chia làm 2 nhóm riêng biệt và được phân làm 2 khu cách biệt nhau khá xa. Trong một tuần các cậu bé sống và chơi với nhóm của mình, tham gia những hoạt động như đi bộ đường trường, bơi lội và nhiều loại thể thao thú vị khác. Trong giai đoạn đầu, các em phát triển sự quan tâm đối với nhóm của mình, các em chọn tên cho đội (Đại bàng, Trống lắc) và trang trí cờ hiệu của nhóm mình.

Trong giai đoạn hai của cuộc nghiên cứu, các cậu bé được thông báo rằng các em sắp tham gia vào một cuộc thi đấu. Đội chiến thắng sẽ được nhận chiến lợi phẩm và giải thưởng. Liệu sự ganh đua có làm phát sinh định kiến không? Câu trả lời đang đến gần. Khi những cậu bé thi đấu thì tình trạng căng thẳng giữa hai đội tăng lên. Đầu tiên mọi việc chỉ giới hạn trong việc lăng mạ, chọc phá nhưng sau đó nó nhanh chóng leo thang thành những hành động trực tiếp như đội Trống lắc đốt cờ đội Đại bàng. Ngày hôm sau, đội Đại bàng trả thù bằng việc tấn công vào cabin của đối thủ, lật ngược giường chiếu, xé mùng màn và lấy đi vật dụng cá nhân. Cùng lúc đó, hai nhóm ngày càng có nhiều cái nhìn xấu hơn về nhau. Các em dán nhãn, đối thủ là những kẻ yếu đuối, vô tích sự và nhát gan trong khi không ngừng ca tụng nhóm của mình.

Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã phải can thiệp bằng cách tạo ra một hoàn cảnh mới. Bằng cách làm việc cùng nhau để khôi phục nguồn nước, chung tiền mướn phim và cùng sửa chữa chiếc xe tải bị hỏng, không khí căng thẳng đã phai mờ, rào cản giữa 2 nhóm đã thực sự biến mất và tình bạn xuyên nhóm giữa các em đã được thiết lập.

b. Bất bình đẳng xã hội (social unequality)

Trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại những địa vị xã hội không ngang bằng. Các cá nhân không có sự bình đẳng với nhau về cơ hội, lợi ích, về các giá trị… và sự không ngang bằng đó dễ dàng làm phát sinh định kiến. Những người có định kiến thường đánh giá vị trí của mình cao hơn người khác và bằng thái độ kẻ cả, họ thường yên tâm về giá trị của mình. Họ tự cho mình cái quyền được phán xét người khác, họ cho mình là tốt hơn, cao quý hơn còn những người thuộc về nhóm xã hội khác thì bị gán cho những đặc điểm tiêu cực và bị đối xử kém ưu ái.

Theo một số tác giả, lúc này định kiến là sự hợp lý hóa bất bình đẳng xã hội và nó được sử dụng như một công cụ để chứng minh cho tính đúng đắn của những người có thế lực và tiền bạc, sở hữu nhiều giá trị cao hơn.

c. Xã hội hóa (socialization)

Định kiến xã hội được hình thành qua quá trình xã hội hóa ngay từ lúc đứa trẻ bắt đầu sinh ra. Môi trường gia đình, đặc biệt là những khuôn mẫu của bố mẹ là nguồn hiểu biết quan trọng nhất đối với trẻ. Qua bố mẹ, đứa trẻ hiểu và tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hình thành xu hướng lặp lại những gì mà bố mẹ và người lớn đã dạy dỗ nó. Đứa trẻ học cách ứng xử xã hội bằng cách quan sát người khác và bắt chước họ. Vì thế những kinh nghiệm đầu tiên trong cuộc đời có thể có tầm quan trọng nhất định đến sự hình thành định kiến. Trẻ em học cách suy nghĩ, nhìn nhận và đánh giá như những người xung quanh chúng.

Mặt khác, những phương tiện truyền thông đại chúng cũng đóng vai trò quan trọng đối với các em trong việc nhận thức xã hội và những áp lực phải tuân theo các quy tắc xã hội. Chẳng hạn, thành viên của những dân tộc, chủng tộc thiểu số ít được xuất hiện trên những phương tiện thông tin đại chúng mà khi xuất hiện họ lại thường đóng những vai có thân phận thấp hèn và vai trò hài hước. Khi những tình huống như thế cứ lặp lại nhiều lần thì cuối cùng tin là thành viên của những nhóm đó thực sự là thấp hèn.

Người ta có thể chứng minh rằng những người có nhân cách độc đoán, được tạo nên do hoàn cảnh và sự giáo dục chính là những người nhạy cảm nhất trong việc phát triển định kiến. Một nhân cách như vậy hàm chứa một cái gì đó cứng nhắc, một sự khó khăn trong việc tiếp xúc với người khác, một khuynh hướng đơn giản hóa các tình huống đến cực đoan và nhất là lòng tin vào tính chất thượng đẳng của nhóm xã hội và nền văn hóa của mình. Những con người này có khuynh hướng phân biệt tất cả những ai khác với mình, khác với cơ cấu tư duy của mình. Nhà nghiên cứu Adorno và những cộng sự của ông đã nhận thấy rằng những nhân cách có thiên hướng căm ghét những cá nhân khác biệt thuộc tầng lớp thấp thường xuất hiện trong những gia đình gia trưởng – nghiêm khắc có người bố tàn bạo và người mẹ nhu nhược, phục tùng. Trẻ em trong những gia đình như vậy thường căm ghét và sợ hãi bố của mình. Tuy nhiên các em thường phủ nhận và che giấu tình cảm này do sợ bị trừng phạt. Những người trưởng thành thuộc mẫu tính cách độc đoán hướng sự giận dữ của mình vào những nhóm cá biệt trong xã hội như nhóm da đen, nhóm đồng tính, nhóm Do thái hay những nhóm không thích ứng với tiêu chuẩn xã hội.

Xem thêm: Xã hội hóa là gì? Quá trình xã hội hóa

d. Khuôn mẫu trong nhận thức

Trong một hoàn cảnh thiếu hụt thông tin, kinh nghiệm sống hạn chế chúng ta thường lựa chọn giải pháp dễ dàng nhất để giải bài toán về người khác.

Chúng ta có xu hướng xếp những con người rất đa dạng vào những hạng đơn giản và có những kết luận sai lầm về họ. Chúng ta cũng có xu hướng dựa vào những khuôn mẫu nhận thức có sẵn hơn là tìm hiểu về chúng để có một sự phản ánh chân thực hơn. Trong điều kiện đó thì những khuôn mẫu giúp ta rút ngắn thời gian nhận thức và đưa ra một hình ảnh giản ước về đối tượng.

Như vậy, các khuôn mẫu có những ảnh hưởng nhất định đến cách chúng ta xử lý thông tin. Chúng ta có khuynh hướng chỉ lựa chọn những thông tin phù hợp với khuôn mẫu, những thông tin được ưa thích, mong đợi và những thông tin này được xử lý nhanh hơn, được ghi nhớ sâu hơn. Còn những thông tin không phù hợp nó sẽ được ý thức của chúng ta chủ động bác bỏ.

Ngày nay, tuy một số đông đã chống lại các khuôn mẫu nhận thức tiêu cực không còn phù hợp với quan điểm và niềm tin có ý thức của họ nhưng khi họ hành động hoặc phản ứng một cách không có chủ ý thì những khuôn mẫu tiềm thức vẫn thắng thế. Chẳng hạn, một người da trắng rất dễ có xu hướng kiểm tra lại vị trí của mình sau khi đứng cạnh một anh da đen trong xe điện ngầm, dù người này hoàn toàn không có cảm giác thù địch nào với người da mầu.

e. Biểu tượng xã hội

Trong xã hội thường tồn tại những biểu tượng xã hội. Chẳng hạn trong xã hội Mỹ người da trắng thường được quan niệm như những người có lòng tốt, sự trong sạch và thông minh. Trong khi đó những người da đen thường bị liên tưởng là những kẻ bệnh hoạn, tàn ác, ngu dốt và không có tinh thần trách nhiệm.

Những biểu tượng xã hội này đã làm ảnh hưởng đến định kiến và phản ứng của trẻ em. Nghiên cứu của nhà tâm lý học người da đen Mamie Clack đã chứng minh điều đó. Ông đã tiến hành thực nghiệm trên một số lượng lớn trẻ em da đen từ 3 – 7 tuổi. Nội dung thực nghiệm của ông như sau: ông đưa ra 2 loại búp bê da trắng và da đen, ông yêu cầu các em trả lời câu hỏi:

Búp bê nào xấu nhất? Búp bê nào xinh nhất? Búp bê nào da đen?

Búp bê nào ngoan?

Búp bê nào em thích chọn làm bạn?

Phần lớn trẻ em tham gia thực nghiệm đều nhận thức đúng mầu da của búp bê và chúng cho biết chúng thích chơi với búp bê mầu trắng hơn vì nó đẹp hơn, tốt hơn còn búp bê mầu đen thì xấu xí và độc ác. 2/3 trẻ em da đen đã bị búp bê da trắng cuốn hút.

Các nhà nghiên cứu đã giải thích hiện tượng này là hậu quả từ những biểu tượng xã hội khinh miệt người da đen và sự chối bỏ của chính trẻ em da đen đối với con búp bê có cùng màu da với mình thể hiện một sự khinh miệt lạc hướng chống lại chính bản thân mình.

Những biểu tượng xã hội tiêu cực đã khiến cho nhóm thiểu số không chỉ là nạn nhân của sự phân biệt đối xử mà còn làm họ đánh mất niềm tin vào những giá trị của mình, tự hạ thấp mình và thay vì hướng ra bên ngoài để chống lại những định kiến mà họ là đối tượng thì họ lại chấp nhận nó, tin vào nó.

f. Trường học

Trường học được đánh giá là một trong những nguồn gốc hình thành định kiến vì nhiều định kiến đã được ra đời từ ảnh hưởng của trường học.

Sự phân tích này cho thấy sách giáo khoa trong nhà trường là một sự chuyển tiếp hàng đầu trong việc tập luyện định kiến. Việc học trong nhà trường là một

trong những hình thức phát triển và duy trì định kiến qua sự hấp thụ nhập tâm những khuôn mẫu từ sách vở. Con người lại rất dễ bị cầm tù bởi những quan niệm, những hiểu biết cũ kỹ được thấy trong sách hoặc được học trong nhà trường. Nếu thấy ở đâu đó có điều gì không phù hợp với những điều mình đã học, đã đọc là bác bỏ ngay không cần xem xét gì.

Hiện tượng đó đã từng xảy ra với rất nhiều lý thuyết khác nhau xuất hiện trong lịch sử. Một ví dụ, đó là hiện tượng của Phân tâm học. Có rất nhiều người chưa từng đọc một tác phẩm nào của phân tâm, hoặc biết rất ít về phân tâm học nhưng khi nghe người khác nói hay – nói dở như thế nào đấy là tin ngay, nhất là những điều đó lại được nói ra từ sách giáo khoa hoặc từ những người có học vấn. Và kết quả là người ta thổi phồng quá mức những thành tựu phân tâm học hoặc cho rằng đó chỉ là một lý thuyết nhảm nhí, dung tục, chỉ quan tâm đến vấn đề bản năng và tình dục.

g. Kiểu hình thần kinh

Quan điểm này cho rằng những người thuộc kiểu hình thần kinh yếu (trong đó quá trình ức chế mạnh hơn quá trình hưng phấn) là những người có yếu tố thuận lợi để phát triển định kiến. Những người có kiểu hình thần kinh như vậy thường không linh hoạt, rụt rè, tự ti. Khi gặp phải hoàn cảnh không thuận lợi họ thường suy nghĩ một cách tiêu cực, thậm chí bệnh hoạn. Họ rất ngại giao du và nếu buộc phải tiếp xúc với người khác thì thái độ của họ thiếu cởi mở, không lường trước được. Họ là những người rất khó khăn trong việc chấp nhận những giá trị mới và ít thích nghi với những biến động của môi trường. Xem thêm về: tính khí (khí chất)

Nói tóm lại, định kiến xã hội là một hiện tượng tâm lý phức tạp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân đa dạng nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống của con người.

Các nguyên nhân này không tách rời nhau mà có mối liên hệ ràng buộc chặt chẽ. Hiểu được nguyên nhân hình thành định kiến ta sẽ có cách khắc phục được nó. Bởi vì suy đến cùng định kiến là một kiểu thái độ mà thái độ của con người có thể thay đổi.

5. Các mức độ của định kiến xã hội

Theo như định nghĩa về định kiến xã hội, có thể chia định kiến xã hội ra thành 3 mức độ như sau: lời nói – nhận thức – hành vi, trong đó hành vi là mức độ cao nhất của định kiến xã hội.

Có thể phân chia mức độ của định kiến theo sơ đồ:

Tuy nhiên, ta cũng cần phải hiểu sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối, bởi định kiến dù ở mức độ nào thì nó cũng vẫn là một thái độ tiêu cực của chủ thể mang định kiến.

6. Thay đổi định kiến

Như đã nói ở trên, định kiến xã hội là một thái độ tiêu cực và chủ quan của chủ thể mang định kiến đối với đối tượng của họ, mặt khác định kiến xã hội có thể khiến ta tri giác sai người khác cũng như các hiện tượng khác nhau của xã hội, chúng ta không thể dựa vào nó để làm cơ sở định hướng cho cuộc sống cá nhân. Do đó, việc thay đổi định kiến, nhất là những định kiến “nguy hiểm” như : phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo,.. là rất cần thiết và có ý nghĩa không chỉ cho các cá nhân mà còn cho lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, thay đổi định kiến là cả một quá trình không hề đơn giản.

a. Khó khăn trong thay đổi định kiến

Con người hầu như ai cũng có định kiến không về cái này thì về cái khác, không trong lúc này thì trong lúc khác. Tuy nhiên, họ lại không ý thức được rằng mình mang định kiến, thậm chí là không chịu ý thức về điều đó. Điều này tạo ra khó khăn rất lớn khi muốn thay đổi định kiến.

Thứ hai, định kiến với các chức năng của mình đã trở thành cái để đảm bảo cho sự phân biệt đối xử, sự biện minh xã hội và đặc biệt định kiến khiến cho cá nhân (mang định kiến) giữ vững và gán cho mình những giá trị của nhóm nhằm nâng cao giá trị của bản thân. Do đó, mà không phải ai cũng có nhu cầu thay đổi định kiến của mình.

Thứ ba, định kiến gắn liền với những giá trị của nhóm cũng như của mỗi cá nhân, vì vậy, khi thay đổi định kiến cũng có nghĩa là cá nhân và nhóm mất đi những giá trị, từ đó dẫn đến việc bị đánh đồng với người khác. Điều này cũng tạo ra những khó khăn không nhỏ khi muốn thay đổi định kiến.

Thứ tư, định kiến có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, định kiến phụ thuộc vào nhận thức, tình cảm, hành vi của mỗi cá nhân, vào áp lực của nhóm… dẫn đến khó thay đổi.

b. Các bước thay đổi định kiến

Có hai bước chủ yếu để thay đổi định kiến:

– Thay đổi nguyên nhân dẫn đến định kiến: như trình bày ở phần trên, định kiến có nhiều nguyên nhân khác nhau, muốn thay đổi được định kiến thì trước tiên ta phải xác định được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến định kiến đó để tác động vào.

– Thay đổi định kiến: sau khi xác định rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến định kiến ta sẽ dùng các biện pháp cụ thể phù hợp để thay đổi định kiến.

c. Biện pháp thay đổi định kiến

– Ngăn chặn quá trình hình thành định kiến: Định kiến xã hội được hình thành qua quá trình xã hội hóa ngay từ khi đứa trẻ vừa sinh ra. Môi trường gia đình, đặc biệt là những khuôn mẫu sống của bố mẹ là nguồn hiểu biết quan trọng nhất của đứa trẻ. Qua bố mẹ, đứa trẻ hiểu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài và có xu hướng lặp lại những gì bố mẹ trao cho. Trẻ con học cách ứng xử xã hội qua hoạt động thực tiễn, qua bắt chước, quan sát, giao tiếp với người khác. Chúng tiếp thu thái độ và định kiến của bố mẹ. Định kiến gắn chặt với thái độ, cũng giống như thái độ, định kiến có thể tiếp thu được và cũng có thể từ bỏ được. Nó gây ảnh hưởng tới hành vi vào những thời điểm nhất định và có khả năng suy giảm vào thời điểm khác.

Trường học là cơ sở quan trọng hình thành định kiến. Nhiều định kiến được hình thành từ những ảnh hưởng của sách vở, của nhóm bạn, của cuộc sống đời thường. Trong quá trình sống, ảnh hưởng của các nhóm xã hội, thể chế chính trị, bối cảnh xã hội làm cho các định kiến hoặc bền vững hoặc bị xóa bỏ đi. Ví dụ như định kiến trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến khó xóa bỏ ngay được.

Nắm được quá trình hình thành định kiến, ta có thể dùng chính các môi trường hình thành nên định kiến (gia đình, nhà trường, các thể chế…) để tác động giúp ngăn chặn hoặc mất dần định kiến.

– Trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm: Đây là phương pháp nhằm nâng cao khả năng tri giác xã hội cho các cá nhân và nhóm. Quá trình trị liệu sẽ giúp cá nhân nhận thức đúng hơn về bản thân, về người khác cũng như hoàn thiện hơn nhận thức xã hội của mình. Qua trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm sẽ góp phần ngăn chặn quá trình hình thành định kiến cũng như làm mờ dần những định kiến vốn có của cá nhân do nhận thức của cá nhân đã được hoàn thiện.

– Thay đổi hành vi: Phương pháp này chủ yếu là dùng pháp luật và các thiết chế xã hội để điều chỉnh, thay đổi hành vi (mang tính định kiến) của các cá nhân.

– Tiếp xúc trực tiếp nhóm: Sự tiếp xúc trực tiếp giữa các nhóm cũng có thể giúp ngăn chặn và làm mờ dần định kiến giữa các nhóm. Bởi qua sự tiếp xúc trực tiếp các nhóm sẽ nhận thức đúng đắn hơn về “địch thủ” của mình.

Tuy nhiên, sự tiếp xúc giữa các nhóm muốn có hiệu quả cũng cần tuân theo một số những nguyên tắc nhất định:

  • Những nhóm tác động phải ngang bằng nhau về địa vị, vị thế xã hội.
  • Các nhóm phải tương trợ nhau.
  • Sự tiếp xúc giữa các nhóm phải chính thức (ràng buộc, trói buộc lẫn nhau)
  • Sự tiếp xúc phải có bối cảnh, các quy tắc, các nhóm như nhau.
  • Các nhóm ảnh hưởng lẫn nhau theo cách cho phép phản đối những hành vi tiêu cực.
  • Nhìn nhận từng thành viên của nhóm bạn như là tiêu biểu của nhóm đó.

d. Điều chỉnh các định kiến xã hội

Khi nghiên cứu về định kiến, các nhà nghiên cứu vừa chỉ ra nguyên nhân của định kiến, vừa đưa ra những cách thức để làm giảm bớt định kiến xã hội. Có thể nêu ra một số biện pháp làm giảm bớt định kiến xã hội dưới đây:

– Tuyên truyền vận động làm thay đổi thái độ của các bộ phận dân cư về một vấn đề nào đó. Ví dụ, tuyên truyền để người dân thay đổi thái độ đối với người nhiễm HIV, thay đổi thái độ đối với phụ nữ trong xã hội chúng ta. Ngày nay, thông tin đại chúng hết sức phát triển, có thể sử dụng sức mạnh của nó để tác động đến tâm lý con người. Qua phương tiện thông tin người ta đã tổ chức hoạt động truyền thông nhằm làm giảm bớt sự kì thị với người nhiễm HIV. Đề cao vai trò phụ nữ để mọi người có quan niệm đúng hơn vai trò quan trọng của phụ nữ.

– Đối với một số cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn tới mọi người có thể tác động trực tiếp đến cá nhân họ. Bằng cách đưa họ vào các hoạt động nhằm giúp họ nhận thức đúng các vấn đề mà họ thành kiến để họ thay đổi nhận thức và có thái độ phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội.

– Một số vấn đề xã hội hiện nay có thể đưa vào giáo dục gia đình. Từ trong gia đình, đứa trẻ đã được giáo dục một cách đúng đắn về các vấn đề xã hội thì các em sẽ có nhận thức đúng, thái độ phù hợp. Lớn lên các em sẽ là người truyền lại sự thay đổi đó cho thế hệ sau và xóa đi được những định kiến đã hình thành lâu đời.

– Những chuẩn mực xã hội (tập tục) có thể hình thành định kiến cần được thay đổi. Ví dụ, các tục lệ cho con cái lấy chồng sớm ở các vùng đồng bào dân tộc hoặc vùng sâu vùng xa, cần được xóa bỏ. Một số phong tục lạc hậu nên thay đổi. Ví dụ, một số nơi khi nhà có khách, vợ con không được ngồi ăn chung với khách, khi nào khách và người bố ăn xong cả nhà mới được ăn. Điều đó đề cao ông chủ gia đình nhưng đã gieo vào lòng đứa trẻ quan niệm là đàn ông có quyền ngồi ăn uống còn phụ nữ thì phải phục vụ.

Nếu quan niệm định kiến là thái độ tiêu cực có trước về hiện tượng hay cá nhân, nhóm xã hội nào đó thì việc điều chỉnh định kiến trước hết phải tác động vào nhận thức. Trên cơ sở đó làm thay đổi thái độ và hành vi của mọi người kể cả người bị định kiến. Việc điều chỉnh các định kiến xã hội không dễ nên cần kiên trì và có những biện pháp tuyên truyền vận động mạnh mẽ, sâu rộng mới có thể có kết quả.

Kết luận

Như đã trình bày ở phần trước, định kiến xã hội là một kiểu thái độ tiêu cực – bất hợp lý đối với người khác dựa trên những nhận thức thiếu căn cứ, phiến diện và một chiều của chủ thể là người mang định kiến. Chính từ định kiến có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong các mối quan hệ xã hội (phân biệt đối xử trong gia đình, kỳ thị chủng tộc, xung đột tôn giáo…). Do đó, xóa bỏ định kiến là một yêu cầu rất thiết thực mà xã hội đặt ra, đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà khoa học mà trước hết là những nhà tâm lý học phải đi sâu tìm hiểu và đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết nó.

(Lytuong.net – Tổng hợp)

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]