Trang chủ Tài chính Tiền tệ Đầu tư chứng khoán là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư

Đầu tư chứng khoán là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 212 views

1. Khái niệm và đặc điểm của đầu tư chứng khoán

Đầu tư là việc bỏ vốn vào một lĩnh vực nào đó để nhằm đạt được mục tiêu xác định. Tương ứng với tính chất bỏ vốn và mục tiêu đầu tư, đầu tư bao gồm nhiều loại như: đầu tư cho tiêu dùng và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, đầu tư của Chính phủ và đầu tư của cá nhân, đầu tư không vì mục tiêu lợi nhuận và đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận… Đầu tư chứng khoán là một trong những loại đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận.

Khái niệm: Đầu tư chứng khoán là hình thức đầu tư trong đó nhà đầu tư sử dụng các nguồn vốn để mua chứng khoán nhằm mục tiêu chủ yếu là thu lợi nhuận.

Thu nhập mà nhà đầu tư nhận được thông qua hành vi bỏ vốn mua chứng khoán của một tổ chức phát hành nào đó trước hết là lợi tức do chứng khoán mang lại theo những kỳ hạn nhất định như: cổ tức, trái tức. Với khía cạnh này, chúng ta mới chỉ đề cập đến các giao dịch chứng khoán trên thị trường sơ cấp khi tổ chức phát hành phát hành chứng khoán ra thị trường để huy động vốn. Cùng với sự phát triển của TTCK nhất là thị trường thứ cấp, hoạt động đầu tư còn được thực hiện trên thị trường thứ cấp. Hơn thế nữa, đầu tư chứng khoán cũng không phải chỉ nhằm mục tiêu hưởng thu nhập từ tổ chức phát hành (trừ trường hợp không có ý định bán chứng khoán mà mình sở hữu) mà còn để tìm kiếm những khoản thu nhập từ chênh lệch giá chứng khoán, thu nhập từ việc mua bán các chứng khoán phái sinh, hoặc để phân tán rủi ro trong đầu tư. Ngoài ra, hoạt động đầu tư còn có thể nhằm thực hiện các mục tiêu phi kinh tế theo chiến lược đầu tư của họ.

đầu tư chứng khoán

Đặc điểm của đầu tư chứng khoán:

  • Thứ nhất, đầu tư chứng khoán là hình thức đầu tư tài chính linh hoạt do các chứng khoán thường có tính thanh khoản khá cao. Xuất phát từ tính thanh khoản của chứng khoán mà các nhà đầu tư có thể linh hoạt hóa trong việc đầu tư và rút vốn đầu tư dưới hình thức mua và bán chứng khoán trên thị trường.
  • Thứ hai, so với việc gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán thường đem lại mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn nhưng rủi ro tiềm ẩn cũng cao hơn. Với đặc trưng này, đầu tư chứng khoán phù hợp hơn với các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có mức thu nhập kỳ vọng cao.
  • Thứ ba, đầu tư chứng khoán được thực hiện ở kênh tài chính trực tiếp nhưng các giao dịch này thường được thực hiện thông qua các trung gian.

2. Các hình thức đầu tư chứng khoán

Có nhiều hình thức đầu tư chứng khoán khác nhau tùy theo tiêu thức phân loại.

– Căn cứ vào công cụ đầu tư, đầu tư chứng khoán bao gồm: đầu tư cổ phiếu, đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương, đầu tư chứng chỉ quỹ đầu tư, đầu tư các chứng khoán phái sinh.

– Căn cứ vào mục đích đầu tư, đầu tư chứng khoán bao gồm: đầu tư nhằm hưởng lợi ích về kinh tế (cổ tức, trái tức, lãi vốn), đầu tư nhằm nắm giữ quyền quản lý kiểm soát tổ chức phát hành.

– Căn cứ theo cách thức đầu tư, đầu tư chứng khoán bao gồm: đầu tư trực tiếp (tự đầu tư) và đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư (đầu tư ủy thác).

Đầu tư thông qua một quỹ đầu tư là cách làm chuyên nghiệp và hiệu quả mà các nhà đầu tư cá nhân ở các nước phát triển thường thực hiện. Thay vì tự mình nghiên cứu thông tin và ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư sẵn sàng giao phó công việc này cho công ty quản lý quỹ theo các tiêu chí và mục tiêu định sẵn. Công ty quản lý quỹ gom tiền từ các nhà đầu tư khác nhau, hình thành một quỹ đầu tư và tiến hành đầu tư theo tiêu chí và mục tiêu của quỹ. Với việc tập trung hóa và chuyên môn hóa cao, quỹ đầu tư có nhiều ưu điểm so với tự đầu tư, đó là:

  • Tăng cường khả năng quản lý bởi các chuyên gia tài chính được đào tạo bài bản;
  • Giảm rủi ro thông qua đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với số tiền tập trung lớn, cho phép việc đa dạng hóa được thực hiện dễ dàng và hiệu quả;
  • Tiết kiệm chi phí giao dịch và quản lý so với việc xé lẻ các khoản đầu tư;
  • Nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn loại quỹ muốn tham gia dựa theo tiêu chí rủi ro và mục tiêu đầu tư.

– Căn cứ vào thời gian đầu tư, đầu tư chứng khoán bao gồm: đầu tư ngắn hạn, đầu tư dài hạn.

Đầu tư ngắn hạn có thể thực hiện theo các hình thức sau:

  • Đầu tư trái phiếu ngắn hạn: hình thức đầu tư này thường thích hợp với các nhà đầu tư ngại rủi Do tính hoán tệ của các trái phiếu ngắn hạn cao nên chi phí chuyển đổi thành tiền không lớn, thời gian chuyển đổi thành tiền ngắn.
  • Đầu tư cổ phiếu, trái phiếu dài hạn và bán đi khi cần thiết. Với hình thức đầu tư này nhà đầu tư có thể thu được món lợi lớn qua các thương vụ đầu tư nhưng mức độ rủi ro cũng rất cao và vì thế nó chỉ thích hợp với những nhà đầu tư mạo hiểm.

Đầu tư dài hạn có thể thực hiện theo các hình thức sau:

  • Đầu tư cổ phiếu: Trong hình thức đầu tư này thu nhập của nhà đầu tư không chỉ là cổ tức và giá trị cổ phiếu gia tăng theo thời gian mà nhà đầu tư còn là chủ sở hữu, tham gia quản lý và kiểm soát công ty tương ứng với tỉ lệ sở hữu cổ phiếu.
  • Đầu tư trái phiếu dài hạn: Trong hình thức này, nhà đầu tư nhận được trái tức theo định kỳ nhất định nào đó, nhưng khác với đầu tư trái phiếu ngắn hạn, lãi suất trái phiếu dài hạn thường cao hơn.

Việc phân chia hoạt động đầu tư theo thời gian chỉ có tính tương đối, vì:

  • Mục tiêu cuối cùng của tất cả các hoạt động đầu tư dù là ngắn hạn hay dài hạn đều là tối đa hóa lợi ích;
  • Sự chuyển giao giữa các hình thức đầu tư trên có thể thực hiện một cách dễ dàng do phát sinh nhu cầu thanh toán đột xuất hoặc do sự biến động giá cả trên thị trường. Một nhà đầu tư có ý định mua cổ phiếu hoặc trái phiếu dài hạn và giữ chúng lâu dài, nhưng vì một lý do nào đó, ví dụ như giá cổ phiếu tăng giảm quá mạnh, do nhu cầu chi tiêu đột xuất quá lớn họ sẽ bán chứng khoán đó đi để chuyển hướng đầu tư hoặc đáp ứng nhu cầu thanh toán. Ngược lại, một nhà đầu tư mua trái phiếu dài hạn hoặc cổ phiếu với mục đích đầu tư ngắn hạn, nhưng do giá các chứng khoán đã đầu tư liên tục gia tăng nên họ có thể quyết định nắm giữ chúng trong dài hạn.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư chứng khoán

Do theo đuổi mục tiêu tìm kiếm lợi ích tối đa và hạn chế thấp nhất những rủi ro cũng như đáp ứng nguyện vọng có thể dễ dàng chuyển chứng khoán thành tiền khi cần thiết, nên trước khi ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần nghiên cứu và cân nhắc các yếu tố sau:

a. Thu nhập

Thu nhập là mục đích của đầu tư. Vì vậy, thu nhập là yếu tố đầu tiên mà nhà đầu tư cần quan tâm tính toán và phân tích trước khi ra quyết định đầu tư. Thu nhập trong đầu tư chứng khoán thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: ví dụ: lợi tức trái phiếu (trái tức), lợi tức cổ phiếu (cổ tức), chênh lệch giá trên thị trường, chênh lệch giá trị sổ sách của cổ phiếu qua quá trình tích lũy vốn của công ty cũng như sự xuất hiện của các tài sản vô hình… Do đó, để có thể đánh giá được mức thu nhập trong hoạt động đầu tư, nhà đầu tư không chỉ quan tâm tới mức lãi suất, hoặc các lợi tức hiện hành (đặc biệt đối với cổ phiếu) mà phải đặt sự chú ý nhiều hơn đối với triển vọng của công ty phát hành và những thay đổi trong tổng số cổ đông. Thông thường trong phân tích khả năng thu nhập của các cổ phiếu, người ta thường sử dụng các hệ số chi trả cổ tức, hệ số thị giá/ thư giá (P/B), hệ số P/E, tốc độ tăng trưởng của công ty…

b. Rủi ro

Rủi ro trong đầu tư chứng khoán là khả năng xảy ra những sự cố không lường trước, và khi nó xảy ra làm thu nhập thực tế khác thu nhập dự kiến.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong đầu tư chứng khoán và theo đó tác động của chúng đến thu nhập thực tế cũng rất khác nhau, với các đặc trưng và mức độ rủi ro cao thấp khác nhau. Khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư có thể phải chấp nhận một số loại rủi ro chính sau đây:

  • Rủi ro lãi suất: là sự tổn thất, suy giảm hiệu quả vốn đầu tư do biến động của lãi suất thị trường.
  • Rủi ro sức mua: là sự suy giảm thu nhập thực tế của chứng khoán do sự sa sút về sức mua của tiền tệ.
  • Rủi ro thị trường: là những biến động của thị trường (quan hệ cung cầu, cạnh tranh giữa các nhà đầu tư…) dẫn đến sự mất giá của chứng khoán đang được giao dịch trên thị trường.
  • Rủi ro quản lý: là những sai sót và nhầm lẫn của các nhà quản trị doanh nghiệp phát hành chứng khoán dẫn đến sự giảm sút về hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư chứng khoán.
  • Rủi ro phá sản: là rủi ro do sự phá sản của tổ chức phát hành (chủ yếu là các doanh nghiệp) gây ra những tổn thất về vốn đầu tư và lợi nhuận dự kiến của các nhà đầu tư chứng khoán.
  • Rủi ro thanh khoản: là sự suy giảm về tính thanh khoản của chứng khoán biểu hiện dưới hình thức tăng chi phí chuyển đổi chứng khoán thành tiền và từ đó làm giảm lợi nhuận dự kiến của chứng khoán.
  • Rủi ro ngành: là những biến động của ngành làm giảm lợi nhuận đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra, còn có thể phát sinh nhiều loại rủi ro khác như rủi ro kỹ thuật, rủi ro đạo đức, rủi ro pháp luật… Nhận dạng và tiên liệu trước các rủi ro có thể phát sinh đối với mỗi hình thức đầu tư là biện pháp quan trọng giúp nhà đầu tư đạt được các mục tiêu đặt ra trong đầu tư chứng khoán.

c. Tính thanh khoản của chứng khoán

Tính thanh khoản của chứng khoán là yếu tố quan trọng tác động đến các quyết định đầu tư chứng khoán. Bởi vì, hầu hết các nhà đầu tư không phải lúc nào cũng tính trước được những nhu cầu tiêu dùng để xác định lượng tiền dự trữ phục vụ yêu cầu thanh toán, nên hành động bán chứng khoán để đáp ứng nhu cầu chi trả có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mặt khác, do nhiều yếu tố tác động khác nhau mà nhu cầu và mục tiêu đầu tư có thể thay đổi theo thời gian, và do đó nhu cầu hoán tệ (bán chứng khoán) cũng sẽ nảy sinh. Trên thực tế, khả năng thanh khoản của chứng khoán phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản sau:

  • Số người nắm giữ chứng khoán: loại chứng khoán nào được phát hành rộng rãi ra công chúng thì số người nắm giữ chứng khoán đông đảo hơn, từ đó việc mua bán chúng cũng phổ biến và dễ dàng hơn.
  • Chất lượng của chứng khoán: thể hiện chủ yếu ở mức độ an toàn của chứng khoán và điều này lại phụ thuộc vào khả năng thanh toán của tổ chức phát hành. Thông thường những chứng khoán có rủi ro tiềm ẩn thấp thì tính hoán tệ cao và ngược lại.
  • Chi phí giao dịch: việc mua bán trên TTCK chủ yếu được thực hiện thông qua các nhà môi giới. Vì thế, các nhà đầu tư luôn phải trả một khoản chi phí nào đó khi mua bán chứng khoán. Nếu khoản chi phí là hợp lý, nhà đầu tư có thể dễ dàng bán chứng khoán khi cần thiết, ngược lại nếu chi phí quá cao nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định dẫn tới thời gian bán chứng khoán kéo dài, làm giảm tính hoán tệ của chứng khoán. Thông thường, tính hoán tệ của chứng khoán tỉ lệ thuận với khả năng sinh lợi, tỉ lệ nghịch với tính rủi ro và thời gian đáo hạn của chứng khoán.
  • Chế độ quản lý ngoại hối: các nhà đầu tư nước ngoài, khi bán chứng khoán và chuyển thu nhập về nước thường chuyển đổi ra tiền nước ngoài. Do đó, nếu thủ tục chuyển đổi ngoại hối phức tạp, thời gian thanh toán kéo dài, đứng trên giác độ là nhà đầu tư nước ngoài, tổng thời gian để chuyển đổi chứng khoán thành loại tiền mà họ yêu cầu sẽ lâu hơn, và đó cũng là một nguyên nhân cản trở đối với nhà đầu tư nước ngoài.

d. Tâm lý và bản lĩnh của nhà đầu tư

Có thể nói rằng, trong đầu tư chứng khoán, nếu thu nhập (doanh lợi) kỳ vọng là động lực thôi thúc, lôi kéo các nhà đầu tư sẵn sàng tiếp cận các quyết định đầu tư thì ngược lại, rủi ro luôn là một trở ngại, làm giảm sự nhiệt tình đó, buộc họ phải cẩn trọng, cân nhắc. Thu nhập là cái mà nhà đầu tư có thể nhận được, ngược lại rủi ro là cái giá vô hình cho mức thu nhập dự kiến trong tương lai mà nhà đầu tư phải chấp nhận nếu muốn đạt được mục tiêu của mình. Thu nhập và rủi ro đồng thời hiện hữu với các quyết định đầu tư. Tuy nhiên, việc ra quyết định lựa chọn loại chứng khoán, phương thức đầu tư cũng có những điểm khác biệt giữa các nhà đầu tư. Ngoài thu nhập, rủi ro và khả năng thanh khoản, một quyết định đầu tư nào đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan của nhà đầu tư như: trình độ kiến thức, kinh nghiệm, tâm lý và bản lĩnh của nhà đầu tư. Thông thường trên TTCK có 3 nhóm nhà đầu tư:

  • Nhóm những người có năng lực, kiến thức và bề dày kinh nghiệm. Thêm vào đó họ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Nhóm người này thường lựa chọn những chứng khoán có khả năng rủi ro cao, đổi lại họ sẽ có một mức thu nhập tương xứng với cái giá họ phải chấp nhận. Đây là nhóm người đại diện cho những nhà đầu tư cổ phiếu, hoặc các loại trái phiếu dài hạn của các công ty.
  • Nhóm những người mua, bán chứng khoán theo trào lưu là những người thiếu bản lĩnh, lý trí, kinh doanh một cách thụ động. Loại chứng khoán mà họ mua, bán là tất cả các loại chứng khoán hiện hữu đang được giao dịch sôi động trên thị trường.
  • Nhóm những người thuộc trường phái thận trọng, không dám chấp nhận mạo hiểm, đổi lại họ sẽ có những khoản thu nhập chắc chắn khiêm tốn trong tương lai. Chứng khoán mà họ sẵn sàng giao dịch là những chứng khoán có mức thu nhập hợp lý với một hệ số an toàn khá cao, điển hình là trái phiếu chính phủ ngắn hạn.
Câu chuyện chứng khoán: Lời khuyên đầu tư vô giá

“Đầu tư vào một công ty tuyệt vời với một mức giá hợp lý sẽ tốt hơn nhiều việc đầu tư vào một công ty hợp lý với một mức giá tuyệt vời”. Nếu có thể lĩnh hội đầy đủ lời khuyên đơn giản này từ cây đại thụ Warren Buffett, bạn hẳn đã là một nhà đầu tư hiệu quả. Trên thị trường chứng khoán, có rất nhiều chiến lược đầu tư khác nhau, nhưng công thức đầu tư của Buffett không chỉ dễ dàng thực hiện mà còn diễn giải rõ ràng những thành công có một không hai của nhà đầu tư huyền thoại này trên thị trường hơn 50 năm qua. Vì vậy, tại sao bạn lại phải thử một chiến lược khác nào đó?

Một nghiên cứu thú vị mới đây đã cho thấy kỷ lục đầu tư kỳ diệu của Buffett. Trong thời gian từ năm 1980 đến năm 2003, danh mục đầu tư cổ phiếu của Berkshire Hathaway, công ty đầu tư do Buffett quản lý, đã đánh bại chỉ số S&P 500 trong 20 năm liền. Cùng thời gian đó, mức lợi nhuận trung bình của Berkshire Hathaway từ danh mục đầu tư cổ phiếu luôn ở mức 12,24% trong cả những thời kỳ khủng hoảng của thị trường. Các học thuyết về thị trường đã dự đoán điều này là không thể. Nhưng các học thuyết này đã sai trong trường hợp của Buffett. Buffett quan niệm rằng cổ phiếu chỉ là tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu của cổ đông đối với công ty đó. Ông không đầu tư vào cổ phiếu, mà đầu tư vào công ty. Và từ đó, Buffett đã đảm bảo những khoản lợi nhuận kỷ lục bằng việc mua cổ phiếu của rất nhiều công ty tuyệt vời như Gillette, Washington Post. Ngoài ra, Berkshire còn có mặt trong các công ty khác như Nike, M&T Bank và Wesco Financial. Quả vậy, giá trị khoản đầu tư của ông vào Gillette đã tăng gấp 3 lần trong suốt thập niên 90. Những cổ phiếu Buffett hướng tới thường là cổ phiếu của các công ty lớn có tiếng tăm, tiềm lực tài chính mạnh, thành tích kinh doanh vững chắc, lợi nhuận ổn định. Việc nắm giữ cổ phiếu này sẽ giảm thiểu yếu tố rủi ro, ngay cả trong thời kỳ suy thoái hay khủng hoảng kinh tế. Chiến lược này phù hợp với những nhà đầu tư ngại rủi ro và muốn có thu nhập đều đặn. Rõ ràng việc mua cổ phiếu của những công ty lớn với mức giá hợp lý sẽ đảm bảo những khoản lợi nhuận ổn định cho các nhà đầu tư dài hạn.

(Lytuong.net – Nguồn tham khảo: topica.edu.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net