Khái niệm dân số:
Dân số là tập hợp người sinh sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính.
Khái niệm dân số thường được xem xét, nghiên cứu ở góc độ: Quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng. Trong đó:
– Quy mô dân số: là số người sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính tại thời điểm nhất định.
– Cơ cấu dân số: là tổng số dân được phân loại theo giới tính, độ tuổi, dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân và các đặc trưng khác.
– Phân bố dân số: là nói đến các kiểu định cư và sự phân tán dân số trong khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính.
– Chất lượng dân số: là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số.
Đặc điểm
Dân số khác dân cư, Nội hàm của khái niệm dân cư không chỉ bao gồm số người, cơ cấu theo độ tuổi và giới tính mà nó còn bao gồm cả các vấn đề phân bố, kinh tế, văn hóa, sức khoẻ, ngôn ngữ… tức là nó rộng hơn so với nội hàm của khái niệm dân số. Quy mô, cơ cấu dân số trên một lãnh thổ không ngừng biến động do có người được sinh ra, có người bị chết, có người di chuyển đến và có người chuyển đi, hoặc đơn giản chỉ là theo năm tháng, bất cứ ai cũng sẽ chuyển từ nhóm tuổi này sang nhóm tuổi khác.
Như vậy, nói đến dân số là thường nói đến quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số và một số đặc trưng thay đổi của chúng. Vì vậy, dân số cũng thường được nghiên cứu ở trạng thái tĩnh lẫn trạng thái động.
– Nghiên cứu dân số ở trạng thái tĩnh (tại một thời điểm): Nghiên cứu trạng thái dân cư tại một thời điểm (thời điểm điều tra, hoặc tổng điều tra dân số): Số lượng, cơ cấu dân số theo một hay nhiều tiêu thức đặc trưng như: Tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, nghề nghiệp…
– Nghiên cứu dân số ở trạng thái động (trong một thời kỳ): Nghiên cứu ba dạng vận động của dân cư: Vận động tự nhiên thông qua sinh và chết; Vận động cơ học tức là đi và đến; Vận động xã hội bao gồm những tiến triển về học vấn, nghề nghiệp, mức sống, hôn nhân…
Kết quả của 3 dạng vận động nêu trên là tập hợp đổi mới liên tục, hay nói một cách khác là xảy ra quá trình biến động dân số.
Bùng nổ dân số
Bùng nổ dân số là sự phát triển vượt bậc về số lượng khi tỷ lệ sinh vẫn cao nhưng tỷ lệ tử đã giảm xuống thấp.
Nguyên nhân là do dân số tăng nhanh vào những năm 50 của thế kỷ XX ( trên 2,1% ) trong khi tỷ lệ tử giảm nhanh do những tiến bộ về y tế, đời sống được cải thiện.
Hậu quả gây khó khăn cho các nước đang phát triển vì không đáp ứng được các yêu cầu quá lớn về ăn,mặc,học hành, nhà ở,việc làm… trong khi nền kinh tế còn đang chậm phát triển