Trang chủ Văn học - Nghệ thuật Đặc trưng đối tượng và nội dung của văn học

Đặc trưng đối tượng và nội dung của văn học

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,4K views

Văn học là một hình thái ý thức xã hội, bắt nguồn từ đời sống, phản ánh đời sống, bày tỏ một quan điểm, một cách nhìn, một tình cảm đối với đời sống. Nhưng văn học nói riêng cũng như nghệ thuật nói chung, không giống các hình thái ý thức xã hội khác bởi có những đặc thù riêng mang tính thẩm mĩ về đối tượng, nội dung và phương thức thể hiện.

Đặc trưng đối tượng và nội dung của văn học:

Đối tượng của văn học

Nội dung là yếu tố đầu tiên quy định sự khác nhau của văn học so với các hình thái ý thức xã hội khác như chính trị, đạo đức, tôn giáo, lịch sử, địa lí, sinh học… Nội dung, trước hết là cái được nhận thức, chiếm lĩnh từ đối tượng.

Vậy đối tượng của văn học là gì?

Mĩ học duy tâm khách quan từ thời Platông đến Hêghen đều cho rằng đối tượng của nghệ thuật chính là biểu hiện của thế giới thần linh, của những linh cảm thần thánh, của ý niệm tuyệt đối – một thế giới sản sinh trước loài người. Nghĩa là, mọi đối tượng của nghệ thuật cũng như của văn học đều là thế giới của thần linh, của những điều huyền bí, cao cả. Văn học nghệ thuật suy cho cùng là sự hồi tưởng và miêu tả thế giới ấy, một thế giới không thuộc phạm vi đời sống hiện thực.

Quan điểm này đã đề cao và thần thánh hóa đối tượng của văn học nghệ thuật. Cho nên không lạ gì khi chúng ta bắt gặp hầu hết đối tượng phản ánh của văn học, nghệ thuật thời cổ chính là các câu chuyện về các vị thần linh: từ người khổng lồ Khoa Phụ đuổi bắt mặt trời, Nữ Oa vá trời trong thần thoại Trung Quốc, đến các vị thần trên đỉnh Olempơ và con cháu của của các vị thần đó như Hécquyn, Asin trong văn học Hi Lạp cổ đại, rồi Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Lạc Long Quân và Âu Cơ của người Việt.

Mĩ học duy tâm chủ quan lại cho rằng, đối tượng nghệ thuật chính là những cảm giác chủ quan, là cái tôi bề sâu trong bản chất con người của nghệ sĩ, không liên quan gì đến đời sống hiện thực. Đây là một quan điểm đầy mâu thuẫn, bởi mọi cảm giác của con người bao giờ cũng chính là sự phản ánh của thế giới hiện thực.

Còn các nhà mĩ học duy vật từ xưa đến nay đều khẳng định, đối tượng của nghệ thuật chính là toàn bộ đời sống hiện thực khách quan. Tsécnưsépxki đã nói: Phạm vi của nghệ thuật gồm tất cả những gì có trong hiện thực (trong thiên nhiên và trong xã hội) làm cho con người quan tâm1. Quan điểm này đã đưa đối tượng của nghệ thuật về gần gũi với hiện thực đời sống.

Thực ra, từ thời xa xưa, con người đã biết văn học nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống.

Ở Trung Quốc, thuyết cảm vật đã chỉ rõ: mùa xuân, mùa thu, các mùa thay thế nhau, làm cảnh vật biến đổi, tâm hồn cũng thay đổi theo. Còn theo các thuyết thi ngôn chí, thi duyên tình: văn chương tạo nên do con người có cảnh ngộ trong lòng mình muốn bộc lộ, mà cảnh ngộ đó cũng là do tác động của đời sống tạo nên.

Như vậy, có thể nói, đối tượng của văn học, nghệ thuật là toàn bộ đời sống xã hội và  tự nhiên. Tsécnưsépxki từng nói: “Cái đẹp là cuộc sống” vì lí do đó. Nhưng phạm vi này vô cùng rộng. Bởi lẽ, nếu nói đối tượng của văn học là đời sống thì chưa tách biệt với đối tượng của các ngành khoa học và các hình thái ý thức xã hội khác như lịch sử, địa lí, hóa học, y học, chính trị, đạo đức… Văn học phải có cách nhận thức và thể hiện đối tượng khác biệt.

Nếu như đối tượng của triết học là những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy, là mối quan hệ giữa vật chất và ý thức; đối tượng của lịch sử là các sự kiện lịch sử, sự thay thế nhau của các chế độ; đối tượng của đạo đức học là các chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ người với người… thì đối tượng của văn học là toàn bộ đời sống hiện thực, nhưng chỉ là hiện thực có ý nghĩa đối với đời sống tâm hồn, tình cảm con người. Tức là, dù văn học có miêu tả thế giới bên ngoài như thiên nhiên, lịch sử, chiến tranh, hòa bình…, văn học cũng chỉ chú ý tới quan hệ của chúng đối với con người. Văn học, nghệ thuật nhìn thấy trong các hiện tượng đời sống những ý nghĩa “quan hệ người kết tinh trong sự vật”2.

Thế giới khách quan trong văn học là thế giới được kết cấu trong các mối liên hệ với con người. Người ta gặp tất cả các hình thức đời sống trong văn học, từ những hiện tượng tự nhiên “mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”, tiếng sấm rền vang, giọt mưa rơi tí tách, tiếng sóng ào ạt xô bờ, một tiếng chim ban mai đến những biến cố lịch sử lớn lao. Nhưng cái văn học chú ý là kết quả, ý nghĩa của tất cả những hiện tượng đời sống đó đối với con người. Văn học không nhìn thiên nhiên như một nhà sinh học, một nhà khí tượng học, mà thấy ở đó tâm trạng, số phận, vận mệnh con người: tiếng chim ban mai là âm thanh của niềm vui sống, đám mây trắng vô tận là hình ảnh của sự hư vô, cái hư ảo, phù du của kiếp người. Ngay cả các hiện tượng lịch sử cũng được văn học nhìn nhận dưới góc độ khác biệt. Sau những những biến cố dữ dội của cách mạng Nga tháng Hai và tháng Mười năm 1917, Rôtsin đã nói với Katia: “Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, cách mạng sẽ thôi gào thét, chỉ còn tấm lòng em dịu dàng ngàn đời bất diệt” (Con đường đau khổ – A. Tônxtôi). Khi nhìn thấy ngôi sao chổi trên bầu trời Matxcơva năm 1812, trong lòng Pie Bêdukhốp tràn ngập những tình cảm cao thượng và mới mẻ (Chiến tranh và hòa bình – L. Tônxtôi). Điều văn học quan tâm là tác động của những biến cố lịch sử, của tự nhiên, của thế giới xung quanh tới tâm hồn con người chứ không phải bản thân những biến cố ấy.

Như vậy, đối tượng của văn học là hiện thực mang ý nghĩa người. Văn học không miêu tả thế giới trong ý nghĩa chung nhất của sự vật. Điều mà văn học chú ý chính là một “quan hệ người kết tinh trong sự vật”: dòng sông là nơi lưu giữ những kỉ niệm tuổi thơ, đầm sen là nơi gặp gỡ, giao duyên, con đê làng là ranh giới của hồn quê và văn minh thị thành… Đó chính là những giá trị nhân sinh thể hiện trong sự vật. Có thể nói, đối tượng của văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung, là toàn bộ thế giới hiện thực có ý nghĩa đối với sự sống con người, mang tư tưởng, tình cảm, khát vọng của con người. “Nghệ thuật được tác thành bởi con người. Nó là sự biểu đạt của con người trước thế giới tự nhiên và đời sống” (Bách khoa toàn thư Comtorp’s). Trong toàn bộ thế giới hiện thực đó, con người với toàn bộ các quan hệ của nó là đối tượng trung tâm của văn học.

Toàn bộ thế giới khi được tái hiện trong tác phẩm đều được tái hiện dưới con mắt một con người cụ thể. Đó có thể là người kể chuyện, là nhân vật hoặc nhân vật trữ tình… Con người trong văn học trở thành những trung tâm giá trị, trung tâm đánh giá, trung tâm kết tinh các kinh nghiệm quan hệ giữa con người và thế giới. Khi lấy con người làm hệ quy chiếu, làm trung tâm miêu tả, văn học có một điểm tựa nhìn ra thế giới, bởi văn học nhìn thế giới qua lăng kính của những con người có cá tính riêng. Do đó, miêu tả con người là phương thức miêu tả toàn thế giới3.

Văn học không miêu tả con người như một nhà triết học, chính trị học, đạo đức học, y học, giải phẫu học…, mà thấy đó là con người có lịch sử cá nhân, có tính cách, có tình cảm, có số phận với những quan hệ cụ thể, cá biệt. Khi nhà thơ Tố Hữu viết về Bác Hồ: Cha đã đi đày đau nỗi riêng, Còn nghe dưới gót nặng dây xiềng, Mẹ nằm dưới đất hay chăng hỡi, Xin sáng lòng con ngọn lửa thiêng (Theo chân Bác) ta thấy hiện lên hình ảnh Bác Hồ không phải như một nhà chính trị trừu tượng mà là một con người có tâm hồn, tình cảm và số phận riêng.

Con người trong văn học còn tiêu biểu cho những quan hệ xã hội nhất định, vì vậy, con người được miêu tả vừa như những kiểu quan hệ xã hội kết tinh trong những tính cách (tham lam, keo kiệt, hiền lành, trung hậu…), vừa cả thế giới tâm hồn, tư tưởng của chính họ. Có thể nói, toàn bộ lịch sử văn học của nhân loại chính là lịch sử tâm hồn con người. Vì thế, con người trong văn học không giống với con người là đối tượng của các ngành khoa học khác như lịch sử, đạo đức, sinh học, y học… Điều đó khẳng định tính không thể thiếu được của văn học trong lịch sử ý thức nhân loại.

Bên cạnh con người là đối tượng chính, văn học còn hướng tới đời sống trong toàn bộ tính phong phú và muôn vẻ của các biểu hiện thẩm mĩ của nó. Đó là toàn bộ đời sống trong tính cụ thể, sinh động, toàn vẹn, với mọi âm thanh, màu sắc, mùi vị… vô cùng sinh động và gợi cảm. Văn học cũng như nghệ thuật luôn hướng tới cái đẹp của đời sống, đặc biệt là cái đẹp về hình thức của sự vật: ánh chiều tà đỏ ối, một lá ngô đồng rụng, giọt sương mai long lanh. Nhưng tất cả cái đẹp này của cuộc sống cũng đều được tái hiện dưới con mắt của một con người cụ thể với những kinh nghiệm, ấn tượng và sự tinh tế. Có những bài thơ chỉ như bức tranh thiên nhiên, thiếu vắng con người:

Lạc hà dữ cô lộ tề phi,

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

(Ráng chiều vạc lẻ cùng bay,

Nước thu cùng với trời thu một màu) (Vương Bột)

Nhưng bức tranh thực sự vẫn bộc lộ gián tiếp về cái nhìn của con người về tự nhiên, một tự nhiên giàu màu sắc và nhịp điệu, giàu sức sống và sức biểu hiện, làm thư thái tâm hồn con người. Đúng như Hêghen nhận xét “Đối tượng của thơ không phải là mặt trời, núi non, phong cảnh mà là những hứng thú về tinh thần”4, hoặc “Thiên nhiên là mẫu mực vĩnh hằng của nghệ thuật, và trong thiên nhiên thì đẹp đẽ và cao quý nhất vẫn là con người” (Biêlinxki)5. Vì vậy, có thể khẳng định, đối tượng của văn học là toàn bộ thế giới mà đời sống của con người là trung tâm. M. Gorki nhận xét “Văn học là nhân học” chính vì những lí do đó.

Nội dung của văn học

Nội dung của văn học thống nhất với đối tượng của nó. Nội dung văn học cũng chính là con người với những quan hệ của nó ở một bình diện phức tạp hơn: Nội dung văn học là toàn bộ đời sống đã được ý thức, cảm xúc, đánh giá và phán xét phù hợp với một tư tưởng về đời sống, một cảm hứng và một lí tưởng thẩm mĩ và xã hội nhất định. Đó là một nội dung hòa quyện giữa hai mặt khách quan và chủ quan, vừa có phần khái quát, tái hiện đời sống khách quan vừa có phần bắt nguồn từ nhận thức, cảm hứng và lí tưởng của nghệ sĩ.

Nội dung khách quan của văn học là toàn bộ đời sống hiện thực được tái hiện, từ các vấn đề lịch sử, con người, phong tục, đạo đức, xã hội, từ các chi tiết hiện thực đời sống nhỏ nhặt đến những biến cố xã hội lớn lao. Song như Lênin đã phát biểu về L. Tônxtôi “Nếu trước mắt chúng ta là một nghệ sĩ thực sự vĩ đại, thì chí ít trong tác phẩm của anh ta cũng phản ánh được vài ba khía cạnh căn bản của cuộc cách mạng”6. Điều đó có nghĩa là nội dung của đời sống khi đi vào tác phẩm văn học còn phải phản ánh được những chiều rộng, chiều sâu hiện thực và tầm cao tư tưởng của thời đại mình. Theo Lênin, Tônxtôi sở dĩ vĩ đại, bởi ông đã chỉ ra được sự bất bình, phẫn nộ của hàng triệu nông dân Nga khi bắt đầu cuộc cách mạng tư sản Nga. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã phơi bày một bức tranh hiện thực đầy rẫy những bất công, oan trái của xã hội phong kiến, mà thậm chí màn đoàn viên cũng là “bản cáo trạng cuối cùng” theo lời đánh giá của Xuân Diệu. Các nghệ sĩ lớn mọi thời đại đều là những người đứng giữa trung tâm của các vấn đề rộng lớn của hiện thực. Từ Khuất Nguyên đến Đỗ Phủ, từ Thi Nại Am đến Tào Tuyết Cần, từ Secxpia đến Bairơn, Đichken, Tháccơrây, Bandắc, Huygô, Đôtxtôiépxki, Puskin, Tônxtôi, Gôgôn, Gorki, Hêminguê, Sôlôkhốp, Macket… không ai đứng bên lề các cơn bão táp của lịch sử và số phận của nhân dân. Các tác phẩm của họ đều đề cập đến số phận rộng khắp của nhân dân trên các vấn đề trung tâm của thời đại mình: niềm khao khát tự do, hạnh phúc, sự bạo ngược của cường quyền, quá trình làm giàu của tư sản và sự bần cùng hóa con người, các cuộc chiến tranh giành quyền bính của các tập đoàn phong kiến, các cuộc khởi nghĩa của nông dân, số phận con người trong dòng thác lịch sử cách mạng…

Bên cạnh đó, còn có những nội dung khách quan không mang những tầm vóc hiện thực lớn lao song ít nhiều đều chứa đựng ý nghĩa nhân sinh. Cứ tưởng rằng thế giới trong tác phẩm của Sêkhốp nằm bên lề những con đường lớn của lịch sử, những xung đột phức tạp của thời đại, nhưng nó lại đụng chạm đến lịch sử ở bề sâu tâm hồn và đời sống, qua những nỗi chán chường, sự đơn điệu, cuộc đời ngưng đọng7. Thơ ca trữ tình, từ những bài ca dân gian giản dị, mộc mạc đến những bài thơ tâm tình đều có những ý nghĩa nhân sinh đặc biệt: niềm yêu cuộc đời, nỗi xót xa thân phận, niềm mơ ước và khát vọng về hạnh phúc, tình cảm thiết tha nồng thắm về tình mẹ con, nghĩa vợ chồng… Tất cả những nội dung đó đều góp phần bộc lộ thế giới tinh thần vô cùng phong phú của con người.

Văn học phản ánh nội dung ý thức xã hội của thời đại mình. Văn học là sự vật thể hóa, ngưng kết hóa đời sống lịch sử với cấu trúc tâm lí thẩm mĩ của con người thuộc các thời đại là như thế.

Không chỉ miêu tả đời sống khách quan (nội dung mang tính khách quan, gắn liền với đối tượng), trong văn học còn thể hiện những tình cảm xã hội, ước mơ, khát vọng, cảm hứng, lí tưởng thẩm mĩ, những chân lí được thể nghiệm, những thiên hướng đánh giá… của chính tác giả. Toàn bộ đời sống hiện thực đi vào tác phẩm đã hóa thành nỗi niềm, khát vọng. Đọc Truyện Kiều, ta đâu chỉ thấy bộ mặt đời sống hiện thực xã hội phong kiến mà còn cảm nhận “tấm lòng sáu cõi, rộng nghìn đời” của Nguyễn Du thấm từng con chữ. Người xưa nói “viết như máu chảy đầu ngọn bút” chính là nói đến phần nội dung đầy cảm xúc chủ quan mãnh liệt này của chính bản thân con người sáng tác. Như vậy, nội dung chủ quan của văn học là hiện thực được nhìn nhận dưới con mắt nghệ sĩ, được khái quát theo kiểu nghệ thuật, được phơi bày dưới ánh sáng một thế giới quan, một lí tưởng thẩm mĩ và những thiên hướng tình cảm nhất định.

Nội dung chủ quan có những khi được phát biểu trực tiếp, nhưng phần lớn ẩn đằng sau cách miêu tả hiện thực đời sống.

Trong cấu trúc chủ quan của các yếu tố nội dung, yếu tố tình cảm là quan trọng nhất. Tình cảm, là thái độ, là phản ứng của con người đối với hiện thực. Đó là sự nhạy cảm và chiều sâu của những rung động tâm hồn, là sự phong phú của của các cung bậc cảm xúc, là sự mãnh liệt, say mê của lí tưởng, là sự phẫn nộ của con tim và khối óc… Tình cảm, do đó, vừa là đối tượng mô tả, vừa là nội dung biểu hiện của nghệ thuật nói chung, là động cơ sáng tạo, làm cho cảm xúc, ý nghĩ, tư tưởng trở thành bức tranh, lời thơ, nốt nhạc, pho tượng. Tình cảm được thể hiện qua nhiệt tình, qua trực giác, qua cảm xúc thấm đẫm câu văn, lời thơ: Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán, Phá vòng vây bạn với Kim ô (Chim trong lồng – Nguyễn Hữu Cầu), Gìn vàng giữ ngọc cho hay, Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Có những câu ca dao, lời lẽ rất đơn giản, nhưng vẫn là tác phẩm văn học bởi sức nặng của tình cảm chứa đựng trong đó: Chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều. Không có yếu tố tình cảm không thể có tác phẩm văn học.

Tình cảm trong văn học là tình cảm mang tính xã hội. Đó là loại tình cảm dù là của  cá nhân nhưng vẫn hướng tới mẫu số chung trong tình cảm nhân loại: tình yêu quê hương, niềm thương cha nhớ mẹ, lòng chung thuỷ, khát vọng tự do, hạnh phúc, chí khí bất khuất trước cường quyền… Chính những tình cảm như vậy mới có khả năng chia sẻ và “lây lan tình cảm” (L. Tônxtôi), làm cho văn học không chỉ là tiếng nói riêng của một người mà trở thành tiếng nói chung của mọi người, thể hiện sâu sắc dấu ấn tinh thần thời đại và dân tộc. Tình cảm trong văn học còn thấm đượm màu sắc thẩm mĩ: đó là những tình cảm hướng tới những giá trị thẩm mĩ. Thơ ca cổ điển hướng tới cái đẹp hài hòa, tĩnh lặng; thơ ca lãng mạn thiên về hai thái cực: rực rỡ và u buồn; thơ ca cách mạng chiêm ngưỡng vẻ đẹp anh hùng, cao cả như những tiêu chuẩn của lí tưởng thẩm mĩ từng thời đại.

Tuy nhiên, nghệ thuật không chỉ là tiếng nói tình cảm. Biêlinxki cho rằng, bản thân tình cảm chưa tạo thành thi ca. Bên cạnh tình cảm, nghệ thuật còn mang sức mạnh của tư tưởng và nó dùng tiếng nói của tình cảm để thể hiện quan niệm, lí tưởng thẩm mĩ của nghệ sĩ. Nghệ thuật bởi vậy không chỉ là tiếng nói tâm sự, giãi bày mà còn là tiếng nói của những tình cảm lớn, những tư tưởng lớn.

Giá trị của tác phẩm còn nằm ở tầm tư tưởng của nó. Những nghệ sĩ lớn bao giờ cũng là nhà tư tưởng lớn. Qua tác phẩm, người nghệ sĩ thể hiện nguyện vọng, tư tưởng, tâm tư, yêu cầu xã hội. Tính cấp bách, chiều sâu, tầm cỡ và khuynh hướng xã hội – lịch sử của những tư tưởng và vấn đề được nêu ra xác định giá trị tác phẩm. Giá trị của những tác phẩm như Chiến tranh và hòa bình (L. Tônxtôi), Con gái viên đại úy (Puskin), Hội chợ phù hoa (Tháccơrây), Tấn trò đời (Bandắc), Con đường đau khổ (A. Tônxtôi), Chuông nguyện hồn ai (Hêminguê)… nằm ở nội dung tư tưởng của những tác phẩm đó.

Nhưng, tư tưởng tác phẩm không đơn thuần khô khan, thuần lí mà phải biến thành khát vọng, cảm hứng, thấm đượm tình cảm. Tư tưởng về nhân đạo trước hết phải gắn liền với nỗi đau về số phận con người, lòng thông cảm sâu xa (Truyện Kiều – Nguyễn Du), niềm tự hào về sức mạnh và khả năng con người (Hămlét – Sếchxpia). Tư tưởng về tự do thường gắn liền với nỗi đau về sự ràng buộc, về những giới hạn của con người (thơ Puskin). Tất nhiên, cũng có tác phẩm nghệ thuật mà ta thấy ở đó chủ yếu là kinh nghiệm, tư tưởng, như những câu tục ngữ, những loại thơ triết lí (thơ hai ku chẳng hạn), nhưng về cơ bản, những loại nghệ thuật đó cũng không tách rời được tình cảm ở phương thức biểu đạt, ở động cơ sáng tạo…

Tác phẩm văn học luôn mang khát vọng thiết tha muốn thể hiện một quan niệm về chân lí đời sống (chân lí về cái đẹp, cái thật, thể hiện trong các hiện tượng tự nhiên, trong tính cách và phẩm chất con người, trong các quan hệ người với người…). Đó là những chân lí đời sống mà nghệ sĩ đã thể nghiệm và muốn thuyết phục mọi người thấu hiểu. Trong thiên truyện Số phận con người của Sôlôkhốp là chân lí: lòng nhân ái có thể giúp con người vượt lên trên số phận bất hạnh. Trong cảnh sống khốn cùng vì đói khát, con người vẫn khát khao hạnh phúc và có quyền được hạnh phúc là chân lí của tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.

Gắn liền với khẳng định chân lí là cảm hứng mãnh liệt, một trạng thái tình cảm mạnh mẽ, khẳng định phủ định một điều gì đó. Cảm hứng tự do trong những câu chuyện thời kì sáng tác đầu tay của M. Gorki được thể hiện với hình ảnh chàng trai Đancô giơ cao trái tim mình làm ngọn đuốc tỏa ánh sáng dẫn đường cho mọi người đến với tự do, với cô gái Rátđa thà bị người yêu giết chết chứ không muốn chàng từ bỏ giấc mơ tự do của mình. Tất cả những nhiệt tình khẳng định đó biểu hiện thành một khuynh hướng tư tưởng nhất định, phù hợp với những xu hướng tư tưởng đang tồn tại trong đời sống.

Thực ra, trong văn học, hai nội dung khách quan và chủ quan này không hề tách bạch, mà xuyên thấm trong hình tượng. Khi chúng ta chiêm ngưỡng một hình tượng nghệ thuật, trong đó đã bao hàm sự phản ánh, đánh giá, cũng nhưng sự lí giải đời sống một cách trọn vẹn.

Tóm lại, nội dung của văn học là cuộc sống được ý thức về mặt tư tưởng và giá trị, gắn liền với tình cảm, với một quan niệm về chân lí đời sống, với cảm hứng thẩm mĩ và thiên hướng đánh giá. Nhận thức nội dung của văn học, ý thức được những ưu thế riêng của văn học, cho phép khẳng định, văn học có thể đáp ứng những nhu cầu xã hội phổ biến mà các hình thái ý thức xã hội khác không đáp ứng được.

(Nguồn tham khảo: Lê Lưu Oanh, Giáo trình lý luận văn học, ĐH Sư phạm Hà Nội)


1Tsécnưsépki. Quan hệ thẩm mĩ của nghệ thuật đối với hiện thực, tập 2, Nxb Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, Matxcơva, 1949, trang 64 (tiếng Nga). Theo Phương Lựu, Trần Đình Sử… Lí luận văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, trang 124

2Theo Phương Lựu, Trần Đình Sử. Lí luận văn học (sách đã dẫn), trang 125

3Theo Phương Lựu, Trần Đình Sử. Lí luận văn học (sách đã dẫn), trang 126

4Hêghen. Mĩ học, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, trang 484

5Biêlinxki. Nhận định về văn học Nga năm 1847, Tư liệu khoa Ngữ văn ĐHSPHN, 2000, trang 38

6Lênin. Bàn về Văn hóa Văn học, Nxb Văn học, Hà Nội, 1979, trang 249

7Pôxpêlốp. Những vấn đề phát triển lịch sử văn học, Nxb Giáo dục, Matxcơva, 1971, trang 25 (tiếng Nga)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]