Trang chủ Văn học - Nghệ thuật Không gian nghệ thuật là gì?

Không gian nghệ thuật là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 868 views

1. Khái niệm không gian nghệ thuật

Khác với không gian, không gian nghệ thuật là một bình diện của thi pháp. Giữa không gian nghệ thuật với không gian vật chất bên ngoài sẽ có những đường biên ranh giới nhất định. Và khái niệm không gian nghệ thuật được các nhà lí luận phát biểu như sau:

“Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” (Lê Bá Hán chủ biên, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000).

“Không gian nghệ thuật là môi trường hoạt động của nhân vật” (Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp Ca dao, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992).

“Không gian nghệ thuật là mô hình thế giới độc lập có tính chủ quan và mang ý nghĩa tượng trưng của tác giả” (Trần Đình Sử, Tuyển tập – tập 2, Nxb Giáo dục, 2005).

Mỗi ý kiến tuy không thật giống nhau về cách diễn đạt nhưng đều gặp nhau ở những luận điểm sau:

  • Không gian nghệ thuật thuộc về phương diện hình thức bên trong của tác phẩm.
  • Không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại của thế giới hình tượng.
  • Không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối và mang tính quan niệm.

Như vậy, có thể hiểu không gian nghệ thuật là một bình diện quan trọng của thi pháp, chỉ hình thức tồn tại chủ quan của thế giới nghệ thuật.

2. Vai trò, ý nghĩa của không gian nghệ thuật trong kết cấu nghệ thuật của tác phẩm

Với tư cách là một phương diện thi pháp trong kết cấu nghệ thuật của một tác phẩm, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại chủ quan của hình tượng nghệ thuật. Tính chủ quan của không gian thể hiện ở chỗ nó là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ, được biểu hiện dưới hệ quy chiếu của điểm nhìn chủ thể. Và đến lượt mình, không gian cũng mở ra một trường nhìn khác về thế giới. Tùy theo cá tính sáng tạo, mỗi nghệ sĩ sẽ cho ra đời những mô hình thế giới riêng để chuyển tải những quan niệm riêng của chủ thể về cuộc đời.

Không gian nghệ thuật trong tác phẩm là sự mô hình hóa các mối liên hệ về thời gian, đạo đức, xã hội của bức tranh thế giới. Với vai trò này, không gian thể hiện rõ mối quan hệ chặt chẽ với thời gian nghệ thuật. Có nhiều khi, thời gian được không gian hóa, trở thành một chiều của không gian. Trong không – thời gian ấy, hình tượng nhân vật đã vận động qua nhiều mối quan hệ với chính cái tôi nội cảm dưới những quan điểm đạo đức nhất định của xã hội. Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật còn tạo thành các ngôn ngữ, biểu tượng nghệ thuật để biểu hiện thế giới quan niệm của tác phẩm. Vai trò ấy đã khẳng định tính biểu trưng của không gian trong văn học. Người nghệ sĩ khi sáng tác không đơn thuần là việc vẽ lại những không gian vật lí mang tính vật chất đơn thuần mà  cái chính là muốn gửi gắm một góc nhìn về con người và cuộc đời. Chính vì vậy, trong quá trình khám phá tác phẩm cần phải xem xét không gian nghệ thuật như một quan niệm về thế giới, một phương diện thể hiện cảm xúc và tư tưởng thẩm mĩ của tác giả. Bởi lẽ, cũng như thời gian thì không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống.

Lưu ý rằng, mô hình không gian nghệ thuật trong văn học rất đa dạng. Iu. Lốtman đã đưa ra ba mô hình không gian: Không gian điểm, không gian tuyến, không gian mặt phẳng. Nếu như không gian tuyến có hướng vươn đến chiều dài, không gian mặt phẳng có hướng vươn ra chiều rộng thì không gian điểm lại được xác định bằng các giới hạn và tính chất chức năng của nó, tính đối lập của nó. Giáo sư Trần Đình Sử thì chia không gian nghệ thuật theo những ranh giới giá trị để có không gian bên trong và không gian bên ngoài, không gian bất biến và không gian khả biến, không gian trên cao và không gian dưới thấp…

(Nguồn tham khảo: Bùi Thanh Truyền, Giáo trình văn học 2)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net