Trang chủ Tâm lý học Đặc điểm Tâm lý giai cấp

Đặc điểm Tâm lý giai cấp

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 333 views

Giữa sự đa dạng của các nhóm lớn các giai cấp xã hội có được sự quan tâm đặc biệt. Trong nhiều tập sách về Tâm lý học xã hội do H.Linđcey và E.Aronson chủ biên đã chỉ ra rằng bản thân thuật ngữ giai cấp có nội dung khác nhau đối với các nhà nghiên cứu châu âu và Mỹ. Đối với các nhà nghiên cứu phương Tây, khái niệm “giai cấp” hiện thực hơn bởi lẽ sự đồng nhất với giai cấp rõ ràng hơn, tương đối thường xuyên gắn với việc xác định sự thâu thuộc về chính trị. Đối với văn hóa, nhìn chung việc thao tác hóa khái niệm “giai cấp công nhân”, “giai cấp tư bản” là không đặc trưng nhưng họ lại quen hơn với khái niệm “giai cấp trung lưu”, “giai cấp bần cùng”… Điều đó liên quan tới việc trong các lý thuyết xã hội học cấu trúc xã hội được mô tả nhờ sự trợ giúp của các khái niệm như “các thiết chế kinh tế – xã hội” chứ không phải “giai cấp xã hội”. Một cách tự nhiên, điều đó không thể không ảnh hưởng tới những sự khác biệt trong cách hiểu cấu trúc Tâm lý học xã hội về giai cấp. Nói riêng, trong một mức độ lớn, thay vì phân tích tâm lý học về giai cấp, người ta đề nghị phân tích tâm lý học các tầng lớp xã hội khác nhau. Tuy vậy trong mọi tình huống cần lưu ý rằng bản chất của sự phân tích xã hội là ở chỗ làm rõ liên hệ giữa các đặc trưng tâm lý của nhóm và hình mẫu hành vi của các thành viên nhóm.

Từ cách hiểu truyền thống của xã hội học mác xít (trong đó có cả xã hội học Nga) về giai cấp có thể nhận thấy ba tuyến nghiên cứu tâm lý học giai cấp: Đó là chỉ ra các đặc điểm đặc thù của các giai cấp cụ thể đã tồn tại trong lịch sử và đang tồn tại; chỉ ra đặc trưng của các giai cấp khác nhau trong các thời đại nhất định; phân tích mối quan hệ giữa tâm lý giai cấp và tâm lý các thành viên riêng lẻ của giai cấp như là những trường hợp riêng của vấn đề mối quan hệ giữa tâm lý học nhóm và tâm lý học cá nhân. Đối với truyền thống này việc sử dụng thuật ngữ “tâm lý học giai cấp” có đặc trưng là không loại trừ sự phân tích tâm lý học các tầng lớp riêng lẻ tham gia vào giai cấp này hay giai cấp khác.

Phương diện động thái xúc cảm của tâm lý học giai cấp được nghiên cứu đầy đủ hơn cả, bao gồm các nhu cầu giai cấp, các lợi ích giai cấp, tập hợp các vai trò xã hội. Trong chừng mực vị trí xã hội nhất định, khối lượng và thành phần của các quyền lợi tinh thần và vật chất mà mỗi thành viên nhóm được phân bố chừng đó. Nó tạo ra cấu trúc nhất định của các nhu cầu, ý nghĩa tâm lý và trọng lượng của mỗi nhân tố. Bên cạnh đó vẫn còn một loạt các vấn đề đòi hỏi sự phân tích Tâm lý học xã hội. Lợi ích được hình thành như là lợi ích của toàn nhóm, nhưng mỗi thành viên của giai cấp không chỉ tham gia vào nhóm đó mà họ còn là thành viên của nhiều nhóm xã hội khác: Thứ nhất, ngay trong bản thân mỗi giai cấp có nhiều tiểu nhóm được phân biệt bằng trình độ nghề nghiệp của nó theo các phương diện công việc… Thứ hai, mỗi thành viên của một giai cấp có thể đồng thời là thành viên của một nhóm nào đó trong phương diện học vấn (ví dụ trong trường đại học, trường phổ thông), nơi thành viên đó tác động qua lại trực tiếp với những thành viên của các giai cấp khác. Xuất hiện sự đan xen các lợi ích khác nhau, mỗi lợi ích trong số đó được xác định bởi sự thâu thuộc vào một nhóm có giá trị xã hội. Trong hệ thống các lợi ích của cá nhân có những lợi ích bền vững hơn và ngược lại trong một số những tình huống nào đó, các lợi ích ít sâu sắc hơn bắt đầu đóng vai trò nổi bật – có ý nghĩa mang tính nguyên tắc.

Các yếu tố tham gia vào phần biến động của tâm lý học giai cấp như tập hợp các vai trò xã hội và định hướng xã hội tương ứng của cá nhân… cũng như tính chưa rõ ràng của các khái niệm này trong khi áp dụng vào việc phân tích tâm lý học nhóm lớn trên thực tế chưa được nghiên cứu. Điều này cũng đúng với một hiện tượng được gọi là “tình cảm xã hội”. Khái niệm tình cảm xã hội không phải được thừa nhận chung trong các tài liệu. Ở một mức độ nhất định, nhiều vấn đề về tình cảm xã hội còn tranh luận. Do vậy có thể sử dụng nó như một định nghĩa mô tả trạng thái nào đó trong phương diện xúc cảm của nhóm (Ví dụ: “căm thù giai cấp”, xúc cảm xuất hiện trong mối liên hệ với mọi sự đồng nhất xã hội liên quan tới sự bất bình đẳng). Do vậy tính không xác định của thuật ngữ không làm giảm ý nghĩa của bản thân vấn đề. Nó chỉ chứng tỏ rằng trong Tâm lý học xã hội chưa có truyền thống nghiên cứu lĩnh vực này với sự trợ giúp của một bộ máy khái niệm khoa học. Tâm lý học xã hội buộc phải kết hợp hệ thống các thuật ngữ từ các khoa học khác như văn học nhân văn, triết học và lịch sử.

Khi đề cập tới việc xác định các thành phần ổn định hơn trong tâm lý học giai cấp thì có thể thấy vấn đề này ít được nghiên cứu hơn ở một mức độ đáng kể. Liên quan tới giai cấp, nếp tâm lý thường được mô tả như là một diện mạo tâm lý thể hiện trong một phương thức đặc biệt của hành vi và hoạt động, trên cơ sở đó có thể tái thiết kế các chuẩn mực điều chỉnh nhóm xã hội. Diện mạo đó thể hiện trong tính cách xã hội, những định nghĩa mang tính thao tác của cả khái niệm này cũng còn chưa được làm rõ trong các tài liệu riêng của Tâm lý học xã hội.

Thuật ngữ “tính cách xã hội” thực tế được đưa ra trong các công trình của trào lưu Phân tâm học mới, trong đó có các công trình của E.Fromm. Theo ông, tính cách xã hội – đó là mắt xích kết nối giữa tâm lý cá nhân và cấu trúc xã hội. Nhưng các loại tính cách xã hội ở Fromm không gắn với một giai cấp xã hội nhất định mà tương ứng với các kiểu khác nhau của sự tự tách biệt của con người trong các thời đại lịch sử khác nhau. Ông nêu ra các kiểu như sau: con người thời đại tiền tư bản (loại “tích luỹ”), những năm 20 của thế kỉ XX (“loại thị trường” gắn liền với xã hội “xa lánh hoàn toàn”). Do vậy tính cách xã hội thường xuyên hơn cả được xác định bằng cách mô tả những cái được thể hiện trong hình mẫu hành vi ứng xử ổn định đặc thù của các thành viên của các giai cấp khác nhau trong các tình huống trong hoạt động sống của họ và giúp phân biệt giai cấp này với giai cấp khác. Trong việc đưa ra các tính cách xã hội, các mô tả được chứa đựng trong lịch sử văn hóa, lịch sử quốc gia, trong các tài liệu văn học có thể được sử dụng (có thể nói đến các tác phẩm của Banzắc, Gorki). Văn học thực chất đã tiến hành công việc của tâm lý học trong việc thực hiện cái được gọi là chuyên khảo. Dù cho sản phẩm của nghiên cứu loại này không tồn tại dưới dạng các lý thuyết khoa học, không dưới dạng các khái niệm khoa học, mà dưới dạng các hình ảnh nghệ thuật, tức là dưới dạng các tài liệu văn học phản ánh hiện thực vẫn không làm mất đi giá trị của các nghiên cứu đó. Ngoài tính cách xã hội, khuôn mẫu xã hội được tìm thấy trong các thói quen và tập quán, cũng như truyền thống giai cấp. Tất cả các cấu tạo này đóng vai trò người điều chỉnh hành vi và hoạt động của các thành viên trong nhóm xã hội, do vậy có ý nghĩa lớn đối với việc hiểu tâm lý học nhóm. Chúng đưa ra đặc trưng quan trọng nhất của dấu hiệu mang tính tổ hợp của giai cấp như là lối sống của nó. Khía cạnh Tâm lý học xã hội của các nghiên cứu lối sống, nói riêng, là sao cho trong phạm vi vị trí khách quan của giai cấp, xác định và giải thích được hình mẫu hành vi nổi trội của đa số quần chúng đại diện cho giai cấp đó trong các tình huống độc đáo trong đời sống hàng ngày. Thói quen và tập quán được hình thành dưới ảnh hưởng của các điều kiện sống nhất định nhưng sau đó được củng cố và đóng vai trò cái điều chỉnh hành vi. Phân tích thói quen và tập quán chính là vấn đề riêng của Tâm lý học xã hội. Các phương pháp nghiên cứu vấn đề này gần với các phương pháp nghiên cứu tâm lý học truyền thống, trong một chừng mực nhất định ở đây có thể sử dụng phương pháp quan sát.

Như vậy chúng ta đã chỉ ra những hướng phân tích cơ bản, theo đó Tâm lý học xã hội còn phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu các đặc trưng tâm lý của các tầng lớp xã hội khác nhau và các phương thức mà nhờ chúng, tâm lý nhóm được “xây dựng”, đảm bảo cho “sự lãnh hội” hiện thực xã hội của mỗi cá nhân. Ở đây điều quan trọng là phải hiểu bằng cách nào quần chúng với số lượng tương đối lớn – với tất cả sự đa dạng về tâm lý của họ – trong những tình huống có ý nghĩa nào đó của cuộc sống thể hiện sự giống nhau trong các biểu tượng như thị hiếu, hay thậm chí cả những đánh giá xúc cảm về hiện thực. Các tình huống này là các tình huống trong điều kiện sống đặc biệt, được quy định trước hết bởi sự thâu thuộc vào một nhóm lớn xã hội cụ thể, do vậy Tâm lý học xã hội không thể bỏ qua sự kiện này khi xây dựng các mô hình giải thích hành vi và hoạt động của con người.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net