Trang chủ Khoa học Chính trị Cơ sở hình thành văn hóa chính trị ở Việt Nam

Cơ sở hình thành văn hóa chính trị ở Việt Nam

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 348 views

Cơ sở hình thành văn hóa chính trị ở Việt Nam

Cơ sở văn hóa chính trị truyền thống:

Việt Nam là một nước văn hiến. Văn hóa chính trị Việt Nam là toàn bộ những thái độ, lòng tin, chủ nghĩa yêu nước, tình cảm của con người Việt Nam với tư tưởng cốt lõi là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nó là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh ngoan cường dựng nước và giữ nước của dân tộc, là kết quả của giao lưu và tiếp thu của nhiều nền văn minh thế giới.

Văn hóa chính trị Việt Nam hình thành từ khi nhà nước sơ khai đầu tiên – nhà nước Văn Lang, dưới thời đại các vua Hùng ra đời. Tư tưởng giữ vững, bảo vệ nền độc lập dân tộc gắn liền với giữ nước, là vấn đề chính trị lớn nhất, thường xuyên đặt ra trước tất cả các nhà nước Việt Nam trong lịch sử.

Có thể khái quát những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa chính trị Việt Nam:

– Nêu cao tinh thần dân tộc và truyền thống yêu nước, động viên sức mạnh toàn dân vì độc lập tự do.

– Đề cao vai trò nhân dân, dựa vào dân để giữ nước.

– Thể hiện tinh thần nhân bản sâu sắc. Trọng nhân nghĩa, yêu thương con người bị áp bức, bóc lột, yêu hòa bình, lên án bất công, tàn bạo, phi nhân tính, chống chiến tranh xâm lược và nô dịch dân tộc.

– Đề cao trí tuệ, trọng dụng nhân tài.

– Nêu cao pháp luật để trị nước, phát huy tinh thần dân chủ trong tổ chức xã hội và bảo tồn văn hóa dân tộc…

Những hạn chế:

– Tính vô chính phủ của người tiểu nông khá rõ.

– Chế độ chuyên chế đã sản sinh ra tất cả những thiết chế, lễ nghi… rườm rà, phức tạp và bộ máy quan liêu. Bộ máy đó không trực tiếp quản lý mà nặng về bóc lột, áp bức.

– Văn hóa chính thống thường là độc quyền của vua, dân chỉ biết lắng nghe và cam chịu hơn là chủ động sáng tạo.

Những cơ sở hình thành văn hóa chính trị Việt Nam thời hiện đại:

Văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại bắt đầu được hình thành từ sau khi thắng lợi của cuộc cách mạng chính trị, Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền, nhà nước kiểu mới ra đời.

– Cơ sở kinh tế của văn hóa chính trị:

Xét về bản chất nền văn hóa chính trị hiện đại phải dựa trên cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế phát triển dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu.

Đối với nước ta hiện nay, với sự thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, cũng có nghĩa là thừa nhận tính đa dạng của các hình thức sở hữu, song với việc khẳng định vị trí chủ đạo của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là đảm bảo định hướng xã hội cho sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng là bảo đảm về mặt kinh tế cho việc hình thành và phát triển văn hóa chính trị.

– Cơ sở chính trị của văn hóa chính trị:

Hệ thống chính trị mà trụ cột của nó là nhà nước của dân, do dân và vì dân, được tổ chức và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm từng bước hình thành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân là cơ sở chính trị cho nền văn hóa chính trị hình thành và phát triển.

– Cơ sở xã hội của văn hóa chính trị:

Do việc thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần nên trong xã hội tất yếu còn tồn tại nhiều giai cấp và tầng lớp xã hội. Trên cơ sở củng cố khối liên minh giai cấp giữa các giai cấp công nhân và giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng để tạo ra khả năng khách quan, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa lao động trí óc và lao động chân tay, hình thành quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc từng bước khắc phục sự bất bình đẳng, sự bất công, cùng với nền giáo dục mới hướng vào mục đích toàn xã hội mà trực tiếp là nâng cao dân chủ, là cơ sở xã hội cho việc hình thành và phát triển văn hóa chính trị.

– Cơ sở tư tưởng của văn hóa chính trị:

Chân lý khoa học, bản chất nhân văn và nhân đạo của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với những giá trị văn hóa truyền thống chính là cơ sở khoa học cho những thái độ Mácxít đối với việc nhận thức và phát triển xã hội. Bởi vậy, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tinh thần của xã hội, cơ sở tư tưởng của văn hóa chính trị.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]