Trang chủ Giáo dục Chuẩn đầu ra là gì?

Chuẩn đầu ra là gì?

by Ngo Thinh
277 views

Khái niệm Chuẩn đầu ra được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức công bố trong thuật ngữ Chuẩn đầu ra ngành đào tạo theo Công văn số 2196/BGDĐT-GDĐH về việc hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo ban hành ngày 22 tháng 4 năm 2010. Theo công văn này, Chuẩn đầu ra là “quy định về nội dung kiến thức chuyên môn; kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành đào tạo.”

Tại Khoản 6 Điều 4 của Luật Giáo dục Đại học ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2012 quy định Chuẩn kiến thức, kỹ năng của CTĐT là “yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà người học phải đạt được sau khi kết thúc một Chương trình đào tạo (CTĐT).” Từ đó ta thấy khái niệm Chuẩn được diễn đạt là yêu cầu tối thiểu. Đây là khái niệm có tính thuyết phục và mang lại cách hiểu thống nhất.

Tại Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2015 của Bộ GD&ĐT, khái niệm Chuẩn Đầu ra được định nghĩa “là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành CTĐT” và được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện. Đây là một định nghĩa hoàn toàn phù hợp với nội dung về Chuẩn trong Luật Giáo dục Đại học như đã nêu ở trên.

Trong tiếng Anh có từ Input với nghĩa tiếng Việt là Đầu vào. Và có từ Output để chỉ Đầu ra. Giữa đầu vào và đầu ra này là một giai đoạn tương tác, can thiệp, điều chỉnh… được gọi là Tiến trình (hay Throughput trong tiếng Anh). Đầu ra là những gì có thể thấy ngay trước mắt, còn Thành quả (Outcome) có thể phải cần thêm thời gian. Như vậy có thể thấy Chuẩn Đầu ra trong giáo dục chính là các quy định về những yêu cầu tối thiểu (Standards) liên quan tới kiến thức, kỹ năng, thái độ, và các mảng năng lực khác nhau đối với người học khi hoàn thành một tiến trình (Throughput) học tập cụ thể, để người học có thể được xem là đầu ra (Output) của tiến trình học tập này trước khi có thể được xem là thành quả (Outcome) của tiến trình.

Đầu vào – Tiến trình – Chuẩn – Đầu ra – Thành phẩm của CTĐT

Cũng do các khái niệm nêu trên, có sự tranh luận và không hoàn toàn tán thành việc đánh đồng Kết quả học tập với Chuẩn Đầu ra.

Tài liệu Hướng dẫn viết KQHT trong CTĐT này không nhằm mục đích tranh luận về tên gọi một khái niệm, mà chỉ tập trung vào việc cách thức xây dựng và nội hàm một tuyên ngôn có thể diễn đạt được các năng lực tri nhận, kỹ năng, và tình cảm, thái độ một người học được kỳ vọng sẽ tích lũy và thực hiện được sau một tiến trình giáo dục, đúng như ý nghĩa của cụm từ Expected Learning Outcomes.

Nguồn: Sổ tay Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Chương trình đào tạo, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng và Khảo thí (ĐBCL&KT), Trường Đại học Cần Thơ, 2014

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]