Trang chủ Tâm lý học Cấu trúc của nhân cách

Cấu trúc của nhân cách

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 280 views

Dưới góc độ Tâm lý học xã hội, người ta thấy nhân cách bao gồm hai thành phần cơ bản: Lõi bên trong và các biểu hiện bên ngoài. Lõi bên trong của nhân cách là cái tôi, biểu hiện bên ngoài là vai trò xã hội mà cá nhân đảm niệm. Có thể lần lượt phân tích từng thành phần như sau.

1. Cái tôi

Cái tôi là chủ đề nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau như triết học, xã hội học, tâm lý học… Ngay trong Tâm lý học xã hội cũng có nhiều công trình nghiên cứu về cái tôi và có nhiều ý kiến khác nhau về cái tôi. Tuy nhiên, mọi ý kiến đều có điểm thống nhất cho rằng: cái tôi là sự cảm nhận về chính bản thân mình. Cụ thể hơn, cái tôi là sự nhận nhận xét, đánh giá về chính mình.

Người đưa ra khái niệm cái tôi được nhiều người thừa nhận là nhà tâm lý học Mỹ William James. Theo ông, cái tôi là một thể phức hợp của các yếu tố: cá nhân đó là người như thế nào, cá nhân đó muốn gì và người khác muốn gì ở anh ta. Theo quan niệm đó thì cái tôi chính là sự hiểu biết về chính mình, biết mình là ai, biết mong muốn điều gì và có thể làm gì. Trong đó bao gồm cả sự cảm nhận và tỏ thái độ với chính mình. Cái tôi có thể có hai thành phần chính: Cái tôi chủ quan và cái tôi được phản ánh.

a) Cái tôi chủ quan

Cái tôi chủ quan là quan niệm về bản chất thực sự bên trong của cá nhân. Nó có nguồn gốc xã hội sâu xa chứ không hoàn toàn chủ quan.

Trước hết nó do ảnh hưởng của cha mẹ, người thân quen, hàng xóm láng giềng… Đó chính là cái tôi chủ thể. Lúc này được hình thành sớm và thường có 2 tình trạng:

Cái tôi chủ quan hình thành sớm nên ít bị thay đổi ở giai đoạn sau này của lứa tuổi. Đối với mỗi cá nhân sự hiện diện của cái tôi là khá ổn định. Nó không hề thay đổi khi con người thay đổi vai trò xã hội. Tuy nhiên, người ta thấy rằng cái tôi phát triển theo sự phát triển lứa tuổi. Cá nhân nhận thức về cái tôi linh hoạt và chững chạc hơn khi họ trưởng thành. Người lớn cũng có một số thay đổi về cá tính khi họ tham gia vào một vai trò mới. Nhưng sự thay đổi này là không đáng kể. Cái tôi chủ quan là cái gì rất vững chắc xét về mặt tâm lý rất khó phân biệt và thường có tình trạng quá cao hoặc quá thấp. Thường trong xã hội, người ta hay đánh giá mình cao vì nếu đánh giá thấp mình sẽ không có sinh lực, sẽ chết dần. Đó là năng lượng của sức sống tâm lý.

Cái tôi chủ quan là hạt nhân của nhân cách kể cả khi xã hội đánh giá không đúng về mình, người ta vẫn sự tự tin vào bản thân. Nhưng đôi khi cái tôi chủ quan có thể mang sắc thái tượng tượng, bệnh hoạn không hợp lý do con người không hiểu đúng về mình, đánh giá về mình thiếu khách quan.

b) Cái tôi được phản ánh

Đó là toàn bộ nhưng quan điểm của cá nhân về bản thân dựa trên những điều suy nghĩ và đánh giá của người khác. Cũng giống như chúng ta nhìn mình qua gương. Tấm gương đây là những người khác. Sự khác nhau giữa cái tôi chủ quan và cái tôi được phán ánh: cái tôi chủ quan thường có màu sắc tích cực lạc quan hơn cái tôi được phản ánh. Cái tôi được phản ánh có thể điều chỉnh cái tôi chủ quan. Điều chỉnh này có thể tích cực, có thể tiêu cực.

Sự đánh giá của người khác đối với cá nhân rất quan trọng. Phương châm động viên khích lệ có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển cái tôi chủ quan. Đôi khi sự động viên và khích lệ làm cho một con người luôn hổ thẹn về bản thân thay đổi thành một người hoàn toàn khác lạ.

Giữa cái tôi chủ quan và cái tôi được phản ánh có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cái tôi chủ quan thường là những nhu cầu tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Nhiều khi chủ thể không đánh giá đúng về bản thân và thường theo xu hướng đề cao bản thân. Cái tôi khách quan giúp cho chủ thể tìm ra cách xử sự đúng đắn. Cái tôi khách quan là đạo lý xã hội của cái tôi, là cái tổng quan, chỉ đạo sự tự phát của cái tôi chủ quan theo những hành vi mang tính đạo lý xã hội.

Cũng giống như sự phát triển của nhân cách, sự phát triển của cái tôi chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của môi trường nhà trường gia đình và xã hội. Mỗi cá nhân đồng thời là thành viên của nhiều nhóm xã hội khác nhau nên các nhóm xã hội này đều có ảnh hưởng nhất định đến sự hình thành cái tôi.

2. Vai (vai trò) xã hội của cá nhân

a) Khái niệm vai xã hội

Khi tham gia vào các nhóm, các quan hệ xã hội, cá nhân phải thực hiện các vai xã hội. Quan hệ xã hội thực chất là quan hệ giữa các vai xã hội.

Việc phân tích tâm lý xã hội về vai xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu hành vi xã hội của con người. Do vậy, vấn đề này được cả các nhà tâm lý học xã hội rất quan tâm. Đến cuối những năm 60 của thế kỉ XX, trong Tâm lý học xã hội có đến hàng trăm các nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết về vấn đề này.

G.Mead đề cập đến vai xã hội trong tương tác xã hội như là một điều kiện: tiếp nhận vai của người khác, tức là nhìn nhận bản thân từ vị trí của người khác trong quá trình giao tiếp. Sau này các nhà tâm lý học xã hội theo định hướng tương tác tiếp tục sử dụng khái niệm này. Trong tâm lý học phương tây khái niệm này cũng được sử dụng phổ biến.

Linton là nhà nhân học xã hội có đóng góp lớn cho sự phát triển lý thuyết vai. Theo ông cần đề cập đến 2 khái niệm “vị trí” và “vai”. Vị trí là vị trí mà cá nhân chiếm giữ trong hệ thống, còn vai dùng để chỉ tất cả các hình mẫu hành vi văn hóa liên quan đến vị trí đó. Như vậy, vai bao hàm các thái độ, giá trị và các hành vi được xã hội yêu cầu (định trước) cho tất cả các cá nhân ở vị trí đó. Vai chính là mặt năng động của vị trí.

Vai xã hội là khái niệm phức tạp. Có thể có 2 mặt: mặt xã hội học của nó như là mặt nội dung hoạt động và chuẩn mực hành vi không bao hàm tính chủ thể do xã hội quy định để thực hiện chức năng xã hội; mặt khác là mặt tâm lý xã hội liên quan đến các nhân tố của chủ thể trong việc thực hiện các vai xã hội như cơ chế tâm lý xã hội và các quy luật của việc tiếp nhận và thực hiện vai xã hội.

Bên cạnh đó còn tồn tại một số quan điểm sau:

  • Quan điểm thứ nhất: Những người theo quan điểm này cho rằng vai trò như cái mặt nạ đeo cho các thành viên của xã hội. Vai trò xã hội có tính chất bề ngoài nên về cơ bản mọi thành viên trong xã hội đều là con rối. Khi đóng vai trò xã hội thì không nói lên bản chất thật của con người.

Các thành viên không thực, thay đổi luôn và trong từng giai đoạn cuộc đời ta đóng nhiều vai trò nên con người không cố định. Vai trò xã hội là hời hợt bên ngoài, ngụy trang nên chỉ gây tác hại cho con người.

Đây là quan điểm quá nhấn mạnh đến tính thụ động của con người. Tất nhiên vai trò chi phối con người nhưng con người là người tổ chức xã hội là chủ thể của các vai trò. Trong thực tế có nhiều người do không toại nguyện nên đóng vai một cách hời hợt nhưng cơ bản là con người còn là chủ thể của các vai trò nên con người có tính chủ động trong đó.

  • Quan điểm thứ hai: Đây là quan điểm phi lịch sử, duy tâm về vai trò, cho là vai trò ở thời đại nào, xã hội nào cũng như nhau (giáo viên thời đại nào cũng thế). Nam Cao: “Tây mặc Tây, ta mặc ta, thuốc cứ thuốc”.

Quan điểm này sai ở chỗ đây chỉ là bề ngoài. Đúng là chức năng người thầy vẫn là giảng dạy và giáo dục nhưng mỗi chế độ sẽ có nội dung khác nhau do mục đích và phương tiện khác nhau chưa nói đến chức năng của người thầy ngày nay khác với người thầy trước kia. Do đó vai trò có tính lịch sử và giai cấp.

Từ những những phân tích nêu trên, có thể đi đến một cách hiểu như sau:

Vai xã hội của cá nhân là toàn bộ những hành động mà xã hội đòi hỏi và mong nơi ở mỗi cá nhân khi người đó giữ một vị trí nhất định trong hệ thống quan hệ xã hội để thực hiện những quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Ví dụ: Giáo viên, bác sĩ, cha mẹ – con, thủ trưởng – nhân viên là vai xã hội.

Có thể chỉ ra các khía cạnh của vai xã hội như sau: (từ các công trình của nhiều tác giả).

  • Vai xã hội như là hệ thống các kì vọng của các cá nhân khác đối với các hành vi của cá nhân chiếm giữ một vị trí trong xã hội, trong quan hệ với những người khác.
  • Vai xã hội như hệ thống các kì vọng đặc trưng trong quan hệ đối với chính bản thân của cá nhân chiếm giữ một vị trí nhất định trong xã hội, tức là chính cá nhân hình dung về mô hình hành vi của bản thân trong sự tương tác với người khác.
  • Vai xã hội như hành vi của cá nhân chiếm giữ một vị trí xã hội có thể quan sát thấy.

Như vậy, vai trò xã hội là sự xác nhận về vị trí của cá nhân trong hệ thống quan hệ xã hội. Vai trò xã hội còn được hiểu là chức năng, hình ảnh chuẩn mực của hành vi mà qua đó thể hiện sự mong muốn của xã hội đối với cá nhân, khi cá nhân đảm nhận vị trí nhất định trong hệ thống các quan hệ xã hội. Những mong muốn này không phụ thuộc vào ý thức và hành vi của cá nhân cụ thể. Với cách hiểu về vai trò xã hội như vậy chúng ta thấy rằng, bản chất ở đây không những chỉ là việc ghi nhận quyền lợi và nghĩa vụ của vai trò xã hội mà còn là sự liên hệ của vai trò xã hội với các loại hoạt động xã hội của nhân cách. Có thể nói rằng, vai trò xã hội là một loại hình hoạt động cần thiết và phản ánh phương thức hành vi của nhân cách tương ứng với những tiêu chuẩn được quy định bởi vị trí hay chỗ đứng của cá nhân ấy trong xã hội.

Ngoài ra, trên vai trò xã hội còn in đậm những dấu ấn của xã hội: xã hội có thể tán thành hay không tán thành một số vai trò xã hội (ví dụ xã hội không tán thành vai trò “tội phạm”). Đôi khi sự tán thành hay không tán thành đó có thể được phân hóa ở các nhóm xã hội khác nhau, bởi vì trong sự đánh giá đó còn tùy thuộc vào quan điểm và kinh nghiệm xã hội của từng nhóm xã hội. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là xã hội tán thành hay không tan thành không phải một khuôn mặt cụ thể mà trước hết là sự tán thành hay không tán thành một loại hình hoạt động xã hội.

Tóm lại, khi nói đến vai xã hội, chúng ta đã “xếp” con người vào một nhóm xã hội nhất định, đồng nhất nó với nhóm.

b) Đặc điểm của vai xã hội

Vai xã hội vừa có tính chất lịch sử vừa có tính chất khách quan:

  • Tính khách quan của vai xã hội: Khi con người sinh ra, họ đã được xã hội phân cho (dù muốn hay không) phải đóng những vai khác nhau: làm học sinh phải thực hiện những hoạt động của học sinh; làm giáo viên phải thực hiện nhiệm vụ của người thầy giáo; làm bác sĩ phải thực hiện nhiệm vụ của người thầy thuốc. Đây là những yếu tố mới có thể điều khiển được mọi người do nó quy định chặt chẽ.
  • Vai trò xã hội là một dạng hoạt động được thể chế hóa hay là một đơn vị hoạt động của xã hội. Chức năng, nội dung, cấu trúc bên trong đã quy định rõ cá nhân làm sai sẽ bị lên án thậm chí bị đào thải và có thể bị trừng trị.
  • Vai trò có tính lịch sử: mỗi thời đại, mỗi giai đoạn phát triển xã hội, đặc điểm, tính chất… của các vai trò cũng khác

c) Phân loại vai xã hội

Không có sự phân biệt rạch ròi về các loại vai xã hội, tuy nhiên có thể phân thành các loại như sau:

  • Vai chính thức: có các biểu tượng rõ ràng và thống nhất về quyền và nghĩa vụ của người mang vai này. Mức độ thống nhất và rõ ràng của vai này có lý do là gắn liền với các hoạt động xã hội và các quan hệ xã hội mang tính khách
  • Vai không chính thức : không có được sự rõ ràng như vai chính thức vì nó mang đặc trưng tâm lý cá nhân với sự đa dạng và ít xác định của chúng.

Theo Sibutanhi (1999), có thể có vai công cộng – với các biểu tượng thống nhất rộng rãi về hành vi của các vai này và vai liên nhân cách – không có biểu tượng thống nhất. Theo Thibau và Kelley, có thể phân chia thành các vai “được quy trước – prescribed” tức là được quy định từ bên ngoài và không phụ thuộc vào sự nỗ lực của chủ thể và các vai “đạt được – achieved” tức là các vai có thể thực hiện được nhờ sự nỗ lực cá nhân của người mang vai đó.

P. Linton chia thành các vai tích cực và tiềm ẩn bởi vì cùng lúc cá nhân tham gia vào nhiều mối quan hệ khác nhau và cùng lúc mang nhiều vai khác nhau nhưng tại mỗi thời điểm cá nhân chỉ thực hiện được một vai. Vai đó gọi là vai tích cực các vai còn lại gọi là vai tiềm ẩn. Một vai có thể trở thành tích cực phụ thuộc vào điều kiện, cũng như loại hoạt động của cá nhân.

c) Ý nghĩa của việc đóng các vai xã hội

Toàn bộ nhân cách của cá nhân không thể hiện ra hết trong các vai trò mà chỉ thể hiện một phần (mặc dù là phần quan trọng). Nhưng mỗi vai trò đòi hỏi con người phải tuân theo các yêu cầu khách quan của nó nên nhập vai nào, con người sẽ hình thành các đặc điểm tâm lý tương ứng với vai trò đó. Con người càng tham gia nhiều vai trò thì nhân cách con người càng phong phú.

Vai trò chỉ là mảng hành động của con người chứ chưa bao quát toàn bộ con người. Tuy nhiên, khi con người hành động theo vai trò, chưa chắc con người đã nhập vai nên nếu chỉ qua hành động bên ngoài không thể thấy hết nội tâm bên trong con người. Mỗi lần tiếp xúc, chúng ta chỉ tiếp xúc với con người trong một vai trò nào đó nên cũng không thể thấy hết sự phong phú của con người. Họ chỉ thể hiện một phần con người theo vai trò họ đang đóng.

Nếu đóng vai trò một cách thành thạo (vai trò chủ yếu như lao động, nghề nghiệp…) là yếu tố rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Con người sẽ tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu của vai trò và hình thành các phẩm chất năng lực theo vai trò đòi hỏi.

Cùng một lúc con người đóng nhiều vai trò nên cũng rất khó thuần thục tất cả các vai trò. Do đó, có thể họ đóng tốt vai trò này nhưng lại đóng không tốt vai trò khác. Thậm chí có những vai trò trái ngược nhau hoặc không bị trùng nhau về thời điểm làm cho con người lúng túng và không hoàn thành được vai trò của mình. Ví dụ, vào cùng một thời điểm, một người vừa đảm nhiệm việc cơ quan đã rất bận rộn, nhưng yêu cầu công việc gia đình cũng rất cần họ. Vì thế, họ rất khó làm tốt cả hai vì thời gian không cho phép

Do đó, vấn đề của mỗi cá nhân là sắp xếp các vai trò theo thứ bậc ưu tiên và đóng tốt các vai trò theo mức độ quan trọng của nó. Ví dụ, người cô ng chức mới đi làm thì công việc cơ quan là quan trọng hơn công việc gia đình. Nhưng khi có gia đình có con thì cả hai việc đều quan trọng. Nhưng lưu ý nếu nhập vai một cách quá đáng (quá sự cần thiết) có thể dẫn tới sự méo mó nghề nghiệp.

Vì tính đa dạng của các vai xã hội mà cá nhân phải thực hiện cũng như sự phù hợp hay không phù hợp của cá nhân với các vai xã hội khác nhau làm nảy sinh hiện tượng “xung đột vai”.

Xung đột vai được hiểu là tình huống trong đó cá nhân đối mặt với các kì vọng không tương ứng. Nói cách khác cá nhân không đủ khả năng để thực hiện các yêu cầu đặt ra đối với vai đó.

Có 2 nhân tố ảnh hưởng đến mức độ sâu sắc và cường độ của xung đột vai:

  • Một là: mức độ khác biệt giữa các vai. Các vai mà cá nhân đồng thời phải thực hiện càng có nhiều yêu cầu chung thì xung đột vai càng ít xảy
  • Hai là: Các yêu cầu đối với vai. Các yêu cầu đối với vai càng chặt chẽ, tính nghiêm khắc của yêu cầu đối với vai càng cao càng dễ tạo ra các xung đột vai nghiêm trọng.

Trong các lý thuyết về vai, thường được chia thành 2 loại xung đột vai: xung đột giữa các vai và xung đột bên trong vai. Xung đột giữa các vai diễn ra khi cá nhân phải thực hiện đồng thời nhiều vai. Do vậy không thể thực hiện tất cả các yêu cầu của các vai đó do thiếu thời gian, sức lực hay do các vai đó có các yêu cầu không tương thích.

Mâu thuẫn bên trong vai xuất hiện khi có những yêu cầu mâu thuẫn của các nhóm xã hội đối với một vai. Các nhóm xã hội khác nhau có thể có sự kì vọng và yêu cầu khác nhau với cùng một vai. Chẳng hạn phụ huynh đánh giá và kì vọng vào kết quả của sinh viên, trong khi đó với chính bản thân sinh viên lại xem nhẹ điều đó.

Xung đột vai nói chung ảnh hưởng tiêu cực đến sự tương tác cho nên các tác giả có xu hướng tìm kiếm các phương thức giải quyết xung đột vai. Có 3 nhóm nhân tố được coi là có thể làm giảm xung đột vai:

  • Nhóm thứ nhất: liên quan đến thái độ của chủ thể đối với vai (các yêu cầu của vai có ý nghĩa đến mức nào đối với cá nhân, cá nhân cho rằng các yêu cầu đó chính đáng đến mức nào).
  • Nhóm thứ hai: bao hàm sự thưởng phạt có thể có đối với việc thực hiện hay không thực hiện
  • Nhóm thứ 3 : các định hướng giá trị của các cá nhân (định hướng giá trị đạo đức hay định hướng giá trị thực tế).
5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]