Trang chủ Mỹ học Cái hài là gì?

Cái hài là gì?

by Ngo Thinh
688 views

Tìm hiểu về phạm trù cái hài học mỹ học, các đặc điểm của cái hài.

Khái niệm cái hài

Điểm tựa của đời sống thẩm mỹ là cái đẹp. Người ta dựa vào tiêu chuẩn cái đẹp để định giá tất cả. Khi cái đẹp bị xâm phạm, bị tiêu diệt, bị thất bại thì sinh ra cái bi. Cái bi là nước mắt răn đời. Khi cái xấu bị đánh lộn sòng với cái đẹp thì sinh ra cái hài. Cái hài là tiếng cười phủ nhận cái xấu, khẳng định cái đẹp.

Đặc điểm

a. Cơ sở của cái hài là những mâu thuẫn vốn có trong đời sống, mâu thuẫn giữa cũ và mới, hình thức và nội dung; là sự vi phạm những chuẩn mực của đời sống, vi phạm quy luật của cái đẹp. Những cái đó gây ra tiếng cười.

Nguyên nhân phát sinh tiếng cười trong cái hài vô cùng phong phú và phức tạp. Giải thích vì sao cái hài đưa đến sự khoái thích? Cái gì trong cái hài làm bật ra tiếng cười? Các nhà mỹ học có nhiều kiến giải khác nhau. Platon, Aristote cho là do đố kị. Platon cho rằng: lòng đó kị ấy là tâm lý tìm cái vui trong tai họa của kẻ khác là. Ông nói:  Khi chúng ta cười những ngu xuẩn dại dột của bạn, sự khoái thích đó liên tưởng đến trạng thái đố kị. Chúng ta chấp nhận rằng trong tâm lý sự đố kị là một thứ đau khổ; thế thì khi chúng ta lấy sự ngu xuẩn của bạn bè làm trò cười, một mặt có kèm theo sự đau khổ của đố kị, một mặt khác lại kèm theo sự khoái thích của nụ cười. Nghĩa là, một mặt, lòng đố kị lại là động cơ của tiếng cười; mặt khác, đề cập đến sự liên hệ giữa cái bi và cái hài, thuyết minh rằng trong cái hài vừa có đau khổ vừa có thích thú. Aristote luận về cái hài cũng có điểm tương tự Platon. Ông cho rằng: Những tính cách mà hài kịch mô phỏng, so ra nó thấp kém hơn chính bản thân chúng ta, nhưng nó thấp kém không phải toàn là hung ác. Tính chất của sự buồn cười chỉ là một thứ xú ác. Quan niệm của ông có sự phân biệt giữa đối tượng vui  cười và ghen ghét. Cái gì hung ác khiến người ta ghét. Cái gì vụng về, xấu xa khiến người ta cười. Những nhân vật khiến ta cười thường ta không thấy tính chất khả ố. Những nhân vật trong hài kịch lắm lúc thấy khả ái. (Điểm đáng lưu ý, Aristote nêu ra hài kịch thường sử dụng tài liệu xấu xí).

Hobbes, triết gia Anh quốc, đề xướng thuyết Bỉ di. Quan niệm của Hobbes là Mỗi khi chúng ta bắt gặp một người hay một sự vật gì với tình cảnh khập khểnh hay không vững vàng là có thể phát thành tiếng cười. Nguyên nhân tình cảm của tiếng cười là do kẻ phát ra tiếng cười đột nhiên thấy mình, hay nghĩ đến tài cán của mình. Khi người ta cười kẻ khác là lúc người ta tự thấy tài năng của mình. Nghe người khác nói mà mình cười cũng do mình tự nghĩ kẻ nói là điên khùng. Cho nên, tình cảm của nụ cười là thấy được nhược điểm kẻ bên cạnh, hay nhược điểm bản thân trong quá khứ. Khi thấy được nhược điểm của người bên cạnh hay của mình trong quá khứ, đột nhiên nghĩ đến ưu thắng của mình sẽ đưa đến cảm giác thắng lợi thình lình (Sudden glory). Thực ra, tiếng cười mà Hobbes phát hiện là loại tiếng cười: tiếng cười khinh khi, chứ không phải tất cả tiếng cười. Tiếng cười bật ra khi đứng trước khung cảnh mát mẻ êm đềm của đất trời rõ ràng không phải là do Sudden glory.

Với H. Berson thời cận đại, thì tiếng cười xuất phát từ hai sự kiện. Một là thấy sự khiếm khuyết của người  bên cạnh. Hai là, tự hào về bản thân mình. (Khác Hobbes là bao hàm sự ác ý). Berson cho rằng có 3 đặc điểm của nụ cười. Một, đối tượng của tiếng cười là con người (vì chỉ có con người mới có tiếng cười; cảnh vật đẹp, xấu… không thể nào biết cười). Việc ta nhìn những đồ vật mà bật cười là do ta liên tưởng đến sự vụng về của con người. Hai, tiếng cười phát sinh do lý trí. Tiếng cười không dung hợp những tình cảm quá mãnh liệt. Ví dụ thấy sự vụng về của bạn mà mình dận, ghét thì không sao cười được. Ba, tiếng cười cần có sự hồi thanh, đáp ứng phụ họa. Một người đơn độc  khó lòng phát ra tiếng cười. Tiếng cười phải có sự thông cảm của người xung quanh. Từ đó, Berson phát hiện tiếng cười trong hài kịch: đó là sự dung hợp giữa sự sống và tính chất cơ giới. Chẳng hạn, người đang đi thình lình trượt chân té (do người bị té không biết tùy cơ ứng biến lúc trượt chân, do sự vô tâm, vụng về, biểu lộ bộ máy không có sự sống). Hoặc giả, người A bắt chước động tác người B, sự bắt chước càng giống càng khiến người ta cười, vì chứng tỏ anh làm việc như cái máy. Tính chất máy móc của hành vi con người, của cuộc sống, làm bật ra tiếng cười. Vậy, vì sao tính chất máy móc của cuộc sống lại gây cười? Cuộc sống hoàn mỹ phải có: tâm linh luôn căng thẳng và có tính chất co giãn, biến chuyển để tùy cơ ứng biến. Nếu thiếu hẳn 2 yếu tố trên thì không sao tránh khỏi sự vụng về, thô lậu của hành động, của ngôn ngữ, do đó dẫn đến hài kịch. Vì vậy, tiếng cười phát ra để cảnh cáo. Tiếng cười còn là sự trừng phạt, làm người bị cười tỉnh ngộ, sửa mình. Như vậy, theo Berson, tiếng cười không có tính cách thuần mỹ cảm và các vở hài kịch cũng không tính chất thuần nghệ thuật. Học thuyết Berson có phần nào hợp lí. Nhưng sai lầm là ở chỗ, đem tất cả sự phức tạp gói ghém miễn cưỡng vào một công thức đơn giản. (Ví dụ, nụ cười của trẻ thơ thì sao? Hoặc, người giống máy móc thì cười, nhưng máy móc giống người (phim hoạt hình chẳng hạn) vẫn cười, thì sao? Sai lầm khác là giải thích công dụng và nguồn gốc tiếng cười nhưng không đề cập vì sao khi có tiếng cười lại phát sinh khoái cảm. Sai lầm thứ ba, cho rằng tiếng cười là sản phẩm của lí trí mà quên phương diện tình cảm.

Aristote và sau này người phụ họa quan trọng là Kant đã đưa ra Thuyết ngang trái (Incongruity) hay thuyết thất vọng (Nullified Expectation). Thuyết này cho rằng, Sự việc khiến ta cười là do sự phối hợp bất bình thường, ta kì vọng vào sự bất bình thường đó, nhưng kết quả khác đi, tiếng cười biểu hiện kỳ vọng bị tiêu tan. Ví dụ, nghe tiếng động trong tủ, ta tưởng chuột, mở ra, nào ngờ một cậu bé nấp trong ấy, ta bật cười. (cười vì ngang trái, vì thất vọng.) Kant, trong Phê phán phán đoán mỹ cảm, giải thích: một kì vọng quá căng thẳng, thình lình bị tiêu tan thành thất  vọng thì phát sinh ra tiếng cười. Có điều, chính sự tiêu tan kì vọng không trực tiếp đem đến sự khoái cảm, mà khóai cảm là kết quả của sự khôi phục lại thể trạng bình thường. Ví dụ, Một người Ấn Độ lang thang trên một thị trấn Anh quốc, thình lình thấy người người ta mở chai bia, rồi bọt trào lên. Anh ta reo lên kinh ngạc. Người ta hỏi: anh lạ lắm sao? Anh ta đáp: Chai bia trào bọt không lạ đối với tôi, lạ là tại sao các anh khui bia nơi này. (Chuyện gây cười ở chỗ kì vọng của chúng ta dâng lên cao, rồi đột nhiên bị tiêu tan). Sau này, Schopenhauer làm sáng tỏ, giảng giải thuyết của Kant, cho rằng cười phát sinh do kì vọng bị tiêu tan. Sự tiêu tan kì vọng phát sinh cảm giác, cảm giác lại thuộc vào khái niệm ngang trái. Ví dụ, Ở một rạp hát nọ tại Paris, trong một đêm trình diễn, khán giả nhao nhao yêu cầu trình diễn bản nhạc Marseillaise. Ban nhạc chưa chấp thuận, đám khán giả cứ nhao nhao. Một cảnh sát nhảy lên sân khấu duy trì trật tự, anh ta nói: theo thông lệ, cái gì không nêu thành tiết mục trong chương trình thì không diễn. Trong đám khán giả, có người đứng lên chất vấn: Thưa ông cảnh sát, thế, trong chương trình có tiết mục cảnh sát lên sân khấu không? Nghe câu chất vấn cả hí trường cười rộ lên.

Quả là, có tiếng cười phát sinh do sự ngang trái nhưng không phải mọi sự ngang trái đều sinh ra tiếng cười. Chẳng hạn những sự ngang trái sau đây không hề làm ta cười: người tàn phế khiêng vác nặng, thằn lằn rơi vào hũ sơn; phụ bất từ, con bất hiếu… Lại có những sự việc nằm trong dự liệu nhưng vẫn gây cười, chẳng hạn, trẻ con chơi nhẩy lò cò. Khuyết điểm lớn của Kant là tiếng cười thì thình lình nó đến, không kịp suy tư chứ không phải như ông ta cho rằng mỗi khi cười đều có sự chuẩn bị.

Spencer, nhà tâm lý Anh tin ở thuyết ngang trái nhưng không xuất phát từ quan điểm lý trí. Ông lưu tâm đến việc tiếng cười có liên hệ đến sinh lý và tâm lý. Ông vân dụng thuyết thặng dư tinh lực. Tinh lực thừa cần phát tiết vào các động tác cơ thể, con đường phát tiết thường hướng về việc vận lực tối thiểu để dễ đề kháng. Trong cơ thể, bộ phận có sức đề kháng tối thiểu, dễ dàng cảm thụ sự biến hóa của tình cảm, trước hết là cơ quan phát âm (Những đường gân, những dây thần kinh trong miệng cực nhỏ. Do nhỏ nên dễ động, tình cảm hơi có một chút biến chuyển là những đường gân, thớ thịt trong miệng lập tức biểu hiện ra ngay). Kế đến là bộ phận hô hấp (Khi tình cảm hứng khởi thì máu chảy mạnh, máu chảy mạnh nên hô hấp mạnh hơn). Tinh lực thặng dư phát tiết trước hết ở 2 cơ quan này, từ đó mà có tiếng cười và âm thanh.

Nhưng tại sao chúng ta cười khi thặng dư tinh lực. Theo Spencer, đó là do ngang trái đi xuống (Descending incongruity). Chẳng hạn, hề xiếc nhảy ngựa. Ta cười là vì tập trung hết tinh thần để chờ đón một kết quả lớn lao, nhưng rồi thực tế là số không. Như thế, tinh lực mà chúng ta chuẩn bị đã không có chỗ dùng, nên thặng dư. Lipps, thời cận đại, triển khai thuyết ngang trái đi xuống của Spencer. Nếu Spencer đứng trên quan điểm sinh lý giải thích tiếng cười, thì Lípps lại đứng trên quan điểm tâm lý. Lipps đã tổng hợp hai học thuyết: thuyết tiêu tan kỳ vọng của Kant và tinh lực thặng dư của Spencer, làm thành học thuyết của mình. Theo ông, những cảnh phát sinh ra tiếng cười do sự khác biệt lớn, nhỏ. Khi đang chú ý cái lớn thì nhỏ xuất hiện. Âúy là hài kịch. Sự chuẩn bị tâm lực nhiều mà sử dụng ít thì sẽ có khoái cảm của sự dư thừa tinh lực. Tình cảnh hài kịch không thể không có cái lớn nhưng gây cười lại ở cái nhỏ. Ví dụ, người lớn đội mũ trẻ con. Tóm lại, với những học thuyết này, tiếng cười có giai đoạn sinh lí và giai đoạn tâm lí. Lí luận về tiếng cười thuộc sinh lý của Spencer có nhiều phần không đúng. Bởi nếu nói cười là do sự phát tiết của gân cốt gây ra, vậy khi gân cốt phát tiết hết thì hết cười. Thế mà nhiều người thích cười, khi gặp chuyện vui vẫn cười được. Lí luận tiếng cười thuộc tâm lý của Lipps cũng có chỗ không đứng vững. Cái ngang trái gây ra tiếng cười không nhất thiết là đi xuống. Ví dụ: hề xiếc nhảy ngựa: khi hề thình lình đứng lại (ngang trái đi xuống), gây cười, nhưng rồi anh ta thình lình nhảy được (không ngang trái đi xuống) vẫn gây cười. Sully phê phán Spencer ở chỗ, ta cười là lưu ý đến toàn bộ, toàn diện của tình huống, chứ đâu kịp phân chia lớn nhỏ; cười đến một cách thình lình. Cái gây cười là do ngang trái toàn thể. Tâm lý học cho ta rõ, tri giác trước hết là tri giác toàn bộ, rồi sau đó mới phân định chúng từng bộ phận. Như thế thuyết của Lípps khó đứng vững.

Pejon (Pháp quốc), A. Bain (Anh quốc), Dewey và Kline Bain (Mỹ quốc) là những đại biểu của thuyết tự do (liberty theory). Cười là đối ngược với sự nghiêm trang. Hằng ngày đứng trước thế giới tôn nghiêm. Chúng ta như bị ràng buộc căng thẳng, nếu thình lình thoát được, ta vui thích. Chẳng hạn, học sinh được giải lao thì vui cười. Hoặc giả, trong khi hành lễ trang nghiêm, nếu có ai sơ suất hớ hênh thì khiến ta bật cười. Suy rộng ra, thế giới là sự ràng buộc con người. Cười là sự giải thoát. Bersson nói: Cười là bột phát tự do, là vui mừng thoát bỏ được những ràng buộc của văn hóa. Người lính chiến bị bao vây, khi được giải thoát thì cười, là vì được tự do. Thực ra, từ căng thẳng sang hòa hoãn, thong thả, không nhất thiết lúc nào cũng bật ra tiếng cười. Nó chỉ có ý thức trợ giúp tiếng cười nhưng không chủ yếu.

Sully (Anh), Dugas (Pháp), Boris Sidis (My) cho rằng cười là do chơi đùa. Quan niệm này cũng có phần khả thủ. Tuy nhiên, cười là một thứ trò chơi, thứ vui đùa, nhưng không hoàn toàn vui đùa hẳn. Vì, tiếng cười không do ta ý thức trước, nó bất ngờ xẩy đến, có tính chất bị động. Còn vui đùa có tính chất chủ động từ trước.

Thuyết tiết giảm tinh lực của Freud lại chia khôi hài ra làm hai loại, loại khôi hài vô hại (vui đùa không có ác ý, đơn thuần do kỹ thuật ngôn từ đưa lại); loại, khuynh hướng khôi hài. Trong loại này lại phân ra làm hai loại nhỏ: khuynh hướng tính dục và khuynh hướng cừu địch. Cười do khuynh hướng tính dục là do dâm tính phát ra để đối phó với người khác phái. Tức bãi bỏ được ẩn ức, nên sinh ra khoái cảm. Cười do khuynh hướng cừu địch là do nhằm áp đảo được lạc thú của kẻ khác. Ví dụ: Một mục sư hỏi Phillips, người đang vận động cho phong trào giải phóng nô lệ da đen: Ông muốn cứu vớt nô lệ da đen, sao ông không đến Nam Mỹ?. Phillips đả lại: Mục sư há không phải là người chuyên làm việc cứu vớt linh hồn đó sao?! Tại sao mục sư không xuống địa ngục? Thực sự, thuyết tiết giảm tinh lực phạm nhiều sai lầm. Bởi, sự tiết giảm không hẳn đã đưa đến khoái cảm. Tiết giảm trong khoa học, trong kinh tế, rõ rằng không phải là một thứ khôi hài.

Tóm lại, tất cả những học thuyết trên về nguyên nhân tiếng cười, mỗi học thuyết đề có những chỗ có thể chấp nhận được. Nhưng cái sai của các thuyết ấy là ở chỗ dùng cái nhìn phiếm diện của mình mà bao quát toàn bộ chân lí, đem cái đa phồn, phức tạp của vấn đề mà quy vào một công thức đơn giản, ngắn gọn.

b. Tình cảm của tiếng cười trong cái hài là mỹ cảm. Một khiếm khuyết khác của các học thuyết trên là vấn đề tình cảm trong tiếng cười của cái hài có phải là mỹ cảm không, thì chưa được bàn đến. Những học thuyết trên nhập làm một cái hài và tiếng cười, tiếng cười trong cái hài và tiếng cười ngoài cái hài. Rõ ràng là, không phải mọi tiếng cười đều thuộc cái hài. Khi bị thọc lét, khi trong lòng cảm thấy thỏa mãn sung sướng về nhu cầu vật chất, ta cười. Cái cười này không thuộc cái hài. Cười bắt được vàng, trúng số không phải là cái hài. Bởi như đã nói, cảm xúc thẩm mỹ là cảm xúc vô tư, không vụ lợi, những khoái cảm vừa nêu xuất phát từ động cơ thực dụng. Tiếng cười trong cái hài tuy rất đa dạng, nhưng có một điểm chung: cười do không chấp nhận cái xấu. Cái xung đột, xấu xí, mâu thuẫn với cái đẹp khiến cho người ta phải cười.

c. Cái hài là một sự nhận thức. Điều kiện để có cái hài là phải có đối tượng gây cười và chủ thể cười. Đối tượng gây cười là những sự vật hiện tượng chứa đựng mâu thuẫn, mà những mâu thuẫn này phát sinh ra tiếng cười: không cân xứng, không phù hợp giữa các mặt. Chủ thể cười phải nhận thức được mâu thuẫn đó, mới phát sinh ra tiếng cười. Như vậy, cái hài là một kiểu nhận thức. Nhưng sự nhận thức này là sự nhận thức khám phá ra những mâu thuẫn bất bình thường của sự sống. Nói như Platon: Không thể nhận thức được cái nghiêm chỉnh nếu thiếu cái buồn cười, và nói chung, cái đối lập được nhận thức nhờ cái đối lập với nó.

 d. Cái hài cũng mang khuynh hướng xã hội. Cười cái xấu là dám tin, dám khẳng định cái đẹp. Cái hài là một sự đánh giá, thực hiện thái độ của người làm chủ đối tượng, làm chủ bản thân mình. Cái hài là vũ khí đấu tranh xã hội.

Các loại hài

a. Hài hước: Hài hước là cái cười do mâu thuẫn thuộc bề ngoài mang tính chất nhẹ nhàng thoải mái. Truyện nói dóc kiểu chuyện bác Ba Phi là biểu hiện của hài hước.

b. Dí dỏm: Cái cười ở dí dỏm có tính chất trí tuệ. Mâu thuẫn gây cười nằm sâu trong lòng bản chất sự vật. Tiếng cười ở đây thường có ý nghĩa nhận thức. Những tranh vui trên báo chí, chuyện thư dãn trên đài truyền hình phần lớn là cái dí dỏm.

c. Châm biếm, mỉa mai: Tiếng cười bắt đầu mang màu sắc phê phán, nhưng mức độ nhẹ nhàng, không mang tính chất thù địch, nó dành cho những hiện tượng buồn cười, thậm chí mù quáng, nhưng có thể sửa chữa được. Ví dụ, hầu hết các truyện trong Truyện Trạng Quỳnh thuộc loại này. Truyện về sự đối đáp giữa Tú Cát và Trạng Quỳnh là một ví dụ.

Tú Cát hóng hách ra vế đối: Trời sinh ông Tú Cát

Trạng Quỳnh đối lại:              Đất nứt con bọ hung

d. Đả kích: Tiếng cười thể hiện khuynh hướng xã hội mạnh mẽ nhất, phê phán ở đây có tính chất phủ định. Trong đả kích có thể không có tiếng cười hoặc có tiếng cười thì cười một cách nghiêm chỉnh. Ví dụ, truyện Đại hội giải phẫu của Azitnêxin là tiếng cười đánh mạnh mẽ vào đạo luật cấm tự do ngôn luận, báo chí của nhà cầm quyền độc tài.

 

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net