Để tiến hành sản xuất kinh doanh, người quản lý tài chính doanh nghiệp phải xử lý các quan hệ tài chính thông qua phương thức giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, mua sắm, tài trợ vốn và quản lý tài sản nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Ba vấn đề trên không phải là tất cả mọi vấn đề tài chính doanh nghiệp, nhưng đó là ba vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất. Nghiên cứu tài chính doanh nghiệp thực chất là nghiên cứu cách giải quyết ba vấn đề đó. Khi đưa ra được cách giải quyết ba vấn đề trên thì đó chính là đưa ra các quyết định tài chính của doanh nghiệp.
Như vậy có thể thấy tài chính doanh nghiệp liên quan đến các loại quyết định chính như: quyết định đầu tư, quyết định tài trợ vốn, quyết định quản lý tài sản và quyết định phân phối lợi nhuận.
1. Quyết định đầu tư
Quyết định đầu tư là những quyết định liên quan đến: tổng giá trị tài sản và giá trị từng bộ phận tài sản, mối quan hệ cân đối giữa các bộ phận tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể có thể liệt kê một số quyết định về đầu tư như sau:
– Quyết định đầu tư tài sản ngắn hạn, bao gồm: quyết định tồn quỹ, quyết định tồn kho, quyết định chính sách bán chịu hàng hóa, quyết định đầu tư tài chính ngắn hạn…
– Quyết định đầu tư tài sản dài hạn: quyết định mua sắm tài sản cố định mới, quyết định thay thế tài sản cố định cũ, quyết định đầu tư dự án, quyết định đầu tư tài sản tài chính dài hạn…
– Quyết định quan hệ cơ cấu giữa đầu tư tài sản dài hạn và tài sản ngắn hạn bao gồm: quyết định sử dụng đòn bẩy hoạt động, quyết định điểm hòa vốn.
– Quyết định đầu tư được xem là quyết định quan trọng nhất trong các quyết định tài chính doanh nghiệp và nó tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Một quyết định đầu tư đúng đắn sẽ góp phần làm tăng giá trị doanh nghiệp, qua đó tăng giá trị tài sản của chủ sở hữu. Ngược lại, một quyết định đầu tư sai sẽ làm tổn thất giá trị công ty, do đó làm thiệt hại tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Do đó, khi quyết định đầu tư cần:
– Phân tích và đánh giá các dự án đầu tư của doanh nghiệp xem có hiệu quả không? Xếp thứ tự hiệu quả của các dự án (Dự án nào hiệu quả nhất, dự án nào ít hiệu quả hơn).
– Sau đó, căn cứ vào khả năng huy động vốn, khả năng nhân sự của doanh nghiệp để lựa chọn dự án đầu tư.
2. Quyết định tài trợ vốn (quyết định nguồn vốn)
Nếu như quyết định đầu tư liên quan đến bên trái thì quyết định nguồn vốn liên quan đến bên phải của bảng cân đối tài sản. Nó gắn liền với việc quyết định nên lựa chọn nguồn vốn nào cung cấp cho việc mua sắm tài sản, nên sử dụng vốn chủ sở hữu hay vốn vay, nên sử dụng vốn ngắn hạn hay vốn dài hạn. Ngoài ra, quyết định tài trợ còn xem xét mối quan hệ giữa lợi nhuận để lại tái đầu tư và lợi nhuận được phân chia cho cổ đông dưới hình thức cổ tức. Một khi sự lựa chọn nguồn vốn vay hay nguồn vốn của doanh nghiệp, sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn hay vay dài hạn, hoặc lựa chọn giữa lợi nhuận để lại và lợi nhuận phân chia đã được quyết định, thì bước tiếp theo nhà quản lý còn phải quyết định làm thế nào để huy động được các nguồn vốn đó. Có thể liệt kê một số quyết định về nguồn tài trợ như sau:
– Quyết định huy động vốn ngắn hạn: quyết định vay ngắn hạn hay là sử dụng tín dụng thương mại, quyết định vay ngắn hạn ngân hàng hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
– Quyết định huy động nguồn vốn dài hạn: quyết định sử dụng nợ dài hạn hay vốn cổ phần, quyết định vay dài hạn ngân hàng hay phát hành trái phiếu công ty, quyết định sử dụng vốn cổ phần phổ thông hay sử dụng nợ dài hạn, quyết định sử dụng cổ phần phổ thông hay cổ phần ưu đãi.
– Quyết định quan hệ cơ cấu giữa nợ và vốn chủ sở hữu (đòn bẩy tài chính).
– Quyết định vay để mua tài sản cố định hay thuê tài sản.
Trên đây là những quyết định liên quan đến quyết định nguồn tài trợ vốn trong hoạt động của công ty. Để có được một quyết định đúng đắn là một thách thức không nhỏ đối với những người phải ra quyết định, nếu như thiếu hiểu biết về việc sử dụng các công cụ phân tích trước khi ra quyết định.
3. Quyết định phân phối lợi nhuận
Trong quyết định này người quản lý tài chính phải lựa chọn giữa việc sử dụng lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức hay hay là giữ lại để tái đầu tư. Quyết định nên theo đuổi chính sách cổ tức nào và chính sách cổ tức đó có tác động gì đến giá trị của doanh nghiệp và thị giá cổ phiếu.
Ngoài các loại quyết định chủ yếu như trên, còn có các loại quyết định khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: quyết định hình thức chuyển tiền, quyết định phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh đối ngoại, quyết định tiền lương hiệu quả, quyết định tiền thưởng… Với mỗi quyết định tài chính, nhà quản trị tài chính luôn phải đối mặt với sự mâu thuẫn giữa rủi ro và sinh lời. Một quyết định tài chính khôn ngoan là quyết định có thể tối đa hóa được giá trị doanh nghiệp, muốn vậy quyết định tài chính phải đảm bảo tối thiểu hóa được rủi ro và tối đa hóa được tỷ suất sinh lời cho chủ sở hữu. Đây là điều rất khó cho các nhà quản trị tài chính trong quá trình phân tích và ra quyết định lựa chọn các quyết định tài chính phù hợp.
(Lytuong.net – Nguồn: topica.edu.vn)