Trang chủ Tâm lý học Các quy luật tâm lý xã hội

Các quy luật tâm lý xã hội

by Ngo Thinh
2,K views

Các quy luật tâm lý xã hội

1. Quy luật kế thừa

Để tồn tại và phát triển, con người phải tiếp thu những yếu tố có sẵn, từ đó cải biến chúng cho phù hợp với các điều kiện hiện tại. Nếu không có sự kế thừa thì sẽ không có sự phát triển. Xã hội loài người cũng vậy, có được những thành tựu như ngày nay, xã hội loài người phải “đứng trên vai” những thành tựu của hàng ngàn năm phát triển khoa học, công nghệ, văn hóa và xã hội. Sau này cũng vậy, những thành tựu của xã hội hiện tại lại được tiếp thu cải biến cho các giai đoạn xã hội mai sau. Phản ánh đời sống xã hội, các hiện tượng tâm lý xã hội cũng diễn ra theo quy luật này. Các hiện tượng tâm lý xã hội không phát triển theo con đường sinh học, bằng di truyền sinh học mà bằng con đường “di sản xã hội”. Đặc biệt, đối với các hiện tượng tâm lý xã hội liên quan đến các nhóm lớn xã hội như dân tộc, giai tầng xã hội, cộng đồng xã hội, quy luật kế thừa được vận hành một cách phổ biến.

Kế thừa được hiểu là sự chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác các giá trị vật chất (công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, công trình văn hóa nghệ thuật…) và các giá trị tinh thần (kinh nghiệm sản xuất, truyền thống, phong tục tập quán…).

Nhờ quy luật kế thừa, một cá nhân không cần phải trải qua toàn bộ các giai đoạn phát triển của loài trong kinh nghiệm của bản thân mà chỉ cần kế thừa cái đã có để có được sự phát triển tương ứng trong hiện tại. Một nhóm xã hội không cần lặp lại toàn bộ các giai đoạn mà xã hội đã trải qua mà có thể dựa trên nền tảng đã có để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Một dân tộc với các truyền thống của mình, có thể bảo tồn, duy trì và tiếp tục phát triển chúng trong thời kì mới mà không cần phải xây dựng lại từ đầu. Trong quá trình phát triển của dân tộc, các truyền thống khác lại dần được hình thành. Việc kế thừa, một mặt giúp rút ngắn thời gian phát triển, mặt khác tạo điều kiện để sàng lọc, loại bỏ các giá trị không phù hợp. Như vậy nó tạo ra sự phát triển ổn định, không đứt quãng cho xã hội.

Kế thừa tâm lý xã hội diễn ra theo nhiều con đường khác nhau. Có thể đó là con đường của “vô thức tập thể”, tức là cá nhân sống trong một môi trường nhóm, cộng đồng xã hội nào đó với các đặc điểm tâm lý riêng, ở cá nhân dần có sự kế thừa các đặc điểm tâm lý đó mà bản thân cá nhân không ý thức được điều đó. Các thế hệ sau nối tiếp các thế hệ trước và tiếp tục duy trì các nét tâm lý đó. Tính cách dân tộc, lòng tự hào dân tộc, cách thức ứng xử với người khác, thậm chí cách thức nhìn nhận, đánh giá và tư duy của cả một cộng đồng là minh chứng rõ ràng về con đường kế thừa này. Nói đến cách tư duy của các dân tộc, các nhà nghiên cứu đều nhắc đến hai kiểu tu duy có sự phân biệt tương đối rõ rệt. Mỗi kiểu tư duy gắn với các cộng đồng người ở các khu vực và các nền văn hóa khác nhau. Đó là kiểu tư duy biện chứng nhìn nhận sự vật luôn vận động và biến đổi liên tục thậm chí không thấy được sự ổn định tương đối của nó trong các xã hội phương Đông mà thuyết “vô thường – sắc không” của Phật giáo là ví dụ. Ngược lại là kiểu tư duy lôgic chặt chẽ coi trọng sự ổn định của sự vật đến mức siêu hình của phương Tây. Các hiện tượng tâm lý xã hội đó được kế thừa một cách “tự nhiên”. Chúng ngấm vào từng cá nhân trong cộng đồng xã hội thông qua giao tiếp tương tác của cá nhân với các cá nhân khác trong các nhóm xã hội. Theo cách nói của Mác: “sự phát triển của mỗi cá nhân phụ thuộc vào các cá nhân mà nó giao tiếp trực tiếp hay gián tiếp”. Bên cạnh con đường kế thừa tự nhiên là kế thừa một cách có ý thức, thông qua các tác động giáo dục của xã hội. Bất kì một thể chế xã hội nào cũng đề cao các giá trị truyền thống nào đó phù hợp với tính chất và xu hướng phát triển của nó. Do vậy, việc giáo dục các giá trị, các chuẩn mực trở thành công việc được tổ chức một cách có ý thức trong các hoạt động của xã hội đó như giáo dục, truyền thông. Đồng thời, mỗi cá nhân ở mức độ phát triển nhất định, có khả năng lựa chọn những giá trị phù hợp với bản thân để kế thừa.

Sự kế thừa tâm lý xã hội diễn ra rất phức tạp. Nó là sự kế thừa những nét tâm lý chung của cộng đồng xã hội nhưng lại tồn tại trong tâm lý riêng của cá nhân và được thể hiện với màu sắc riêng của mỗi chủ thể. Biểu tượng dân tộc “con Rồng cháu Tiên” của người Việt chẳng hạn. Đây là biểu tượng tâm lý xã hội của cả dân tộc, được bảo lưu, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng độ sắc nét và đặc biệt ý nghĩa của nó được các cá nhân cảm nhận ở các mức độ và các tầng bậc khác nhau. Hơn nữa, từ biểu tượng chung đến sự thống nhất các hành vi xã hội cùng còn những khoảng cách không nhỏ.

Quy luật kế thừa cũng quy định sự phát triển của các cá nhân phụ thuộc vào sự tiếp xúc với các cá nhân khác. Trong quá trình tiếp xúc các giá trị được chuyển giao và được tiếp nhận bởi các thế hệ mới. Các giá trị đó tạo điều kiện cho thế hệ mới phát triển.

Có nhiều hình thức kế thừa khác nhau. Trong đó có hai loại kế thừa được đề cập đến nhiều, đó là kế thừa có chọn lọc và kế thừa nguyên si. Kế thừa có chọn lọc là loại kế thừa có phê phán, có tính đến sự phù hợp của các yếu tố được kế thừa với điều kiện hiện tại. Hình thức kế thừa này được coi là rất tích cực, nó tạo điều kiện cho cái được kế thừa có sức mạnh phát triển mới, đồng thời tạo điều kiện cho cái mới có cơ sở vững chắc. Kế thừa nguyên si là dạng kế thừa y nguyên không có sự thay đổi, là tiếp nhận cái cũ một cách vô điều kiện. Dạng kế thừa này nhiều khi tạo ra sự trì trệ, kìm hãm sự phát triển của cái mới và làm các yếu tố được kế thừa trở nên lạc lõng và suy yếu đi. Truyền thống phong tục, tập quán là sự thể hiện sinh động của quy luật này. Bên cạnh phong tục, tập quán có ý nghĩa tích cực với hiện tại, tồn tại những hủ tục, những tập quán đóng vai trò cản trở, kìm hãm cái mới. Như vậy, quy luật kế thừa cho thấy trong đời sống xã hội, các hiện tượng tâm lý xã hội không tự chủ tiêu mà nó có thể được gìn giữ, bảo lưu từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Vấn đề là lựa chọn con đường nào và làm thế nào để các hiện tượng tâm lý xã hội tích cực có thể được kế thừa một cách hiệu quả.

2. Quy luật về sự quyết định của các điều kiện kinh tế – xã hội đối với tâm lý xã hội.

Quy luật này là sự thể hiện của quy luật chung về sự quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội. Triết học duy vật biện chứng khẳng định rằng sự ra đời của các thiết chế xã hội, chính trị, tôn giáo, văn học, nghệ thuật… đều xuất phát từ tồn tại xã hội. Các hiện tượng tâm lý xã hội với tư các là các hiện tượng tinh thần của xã hội cũng chịu sự chi phối của quy luật này. Biểu hiện cụ thể của quy luật này trong các hiện tượng tâm lý xã hội có thể thấy như sau:

Các nguyện vọng, tâm trạng, nhu cầu của xã hội bắt nguồn chính từ các điều kiện xã hội, trong đó con người đang sống và hoạt động. Tâm trạng xã hội tích cực, hưng phấn (được các nhà nghiên cứu đánh giá, ví dụ: chỉ số lạc quan cao, chỉ số hạnh phúc cao…) bắt nguồn từ sự đi lên của kinh tế từ sự đầy đủ hơn của các điều kiện sống. Sự xuất hiện và đặc biệt sự ý thức về các nhu cầu xã hội (với tư cách là một hiện tượng tâm lý xã hội) ở bậc cao hơn chỉ có thể diễn ra khi các điều kiện xã hội đã phần nào giúp thỏa mãn các nhu cầu xã hội cấp thấp hơn. Ví dụ các vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc, vấn đề thay đổi khí hậu các vấn đề môi trường…

Như vậy, muốn nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội phải chỉ ra được các điều kiện xã hội quy định nó. Ngược lại muốn tạo ra các hiện tượng tâm lý xã hội nào đó, phải chuẩn bị các điều kiện xã hội tương ứng, nếu muốn các hiện tượng tâm lý xã hội do diễn ra có hiệu quả.

Các quan hệ xã hội trong cộng đồng: trong nhóm xã hội quy định các hiện tượng tâm lý xã hội. Các hiện tượng tâm lý xã hội nảy sinh trên cơ sở tương tác giữa các cá nhân trong nhóm, trong cộng đồng, đồng thời các tương tác đó diễn ra chính trong các quan hệ xã hội. Các mối quan hệ được vận hành hợp lý: quan hệ lợi ích, quan hệ trách nhiệm… sẽ làm nảy sinh bầu không khí xã hội tích cực cởi mở, ngược lại có thể làm nảy sinh xung đột, tạo ra bầu không khí căng thẳng tiêu cực. Do vậy, muốn tác động đến các hiện tượng tâm lý xã hội, một trong số các con đường cơ bản đó là cải tạo các quan hệ xã hội cho hợp lý hơn.

Bên cạnh việc khẳng định tính quyết định của các điều kiện kinh tế – xã hội đối với các hiện tượng tâm lý xã hội, cũng cần thấy được tính độc lập tương đối và tác động ngược lại của các hiện tượng tâm lý xã hội đối với các điều kiện kinh tế – xã hội. Sự tác động ngược lại cũng có thể tạo ra những động lực làm biến đổi các điều kiện kinh tế – xã hội trong những thời điểm nhất định đặc biệt khi sự tác động ngược đó được tổ chức và tập hợp một cách hợp lý. Việc cởi bỏ nếp tư duy bao cấp, máy móc và giáo điều đã tạo ra sự chuyển biến vô cùng mạnh mẽ trong sự phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta những năm qua là một minh chứng rõ ràng cho tác động ngược lại đó.

3. Quy luật bắt chước

Quy luật bắt chước là quy luật được chỉ ra sớm nhất trong Tâm lý học xã hội. Nó đã được đề cập đến trong tác phẩm Những quy luật của sự bắt chước năm 1890 của G.Tarde.

Ông đã dùng quy luật này để giải thích hành vi của con người, đặc biệt là những hành vi giống nhau giữa các cá nhân trong quá trình tác động qua lại.

Theo G.Tarde: Bắt chước là sự cụ thể hóa của “quy luật lặp lại của thế giới”. Thế giới vận động và phát triển theo con đường lặp lại. Di truyền sinh học là lặp lại, phủ định của phủ định là lặp lại. Trong xã hội loài người, sự lặp lại chính là bắt chước. Đây là nền tảng để xã hội tồn tại và phát triển. Nhờ bắt chước mà các phát minh, sáng chế, các hành vi có ích của xã hội được duy trì, trên cơ sở đó được khai thác lại.

Bắt chước có tính chất vô thức. Do là sự sao chép máy móc các hành vi bề ngoài của những người khác. Bắt chước người khác chính là “sao, chụp” lại người khác.

G. Tarde cũng chỉ ra một số kiểu bắt chước khác nhau: bắt chước lôgic (trí tuệ ý thức) – bắt chước phi lôgic (cảm tính, phi lý); bắt chước nhất thời và bắt chước lâu dài; bắt chước hình thức và bắt chước bản chất; bắt chước giữa các thế hệ, giữa các giai cấp.

Thực chất việc Tarde đề ra quy luật bắt chước chủ yếu dựa vào quan sát chứ chưa có các nghiên cứu thực nghiệm cụ thể. Tuy vậy, sự bắt chước rõ ràng diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội và tạo ra một loạt các hiện tượng tâm lý xã hội như thị hiếu, mốt thời trang, trào lưu, xu hướng, làn sóng.

Việc đề cao thái quá quy luật bắt chước như là một quy luật tổng hợp để giải thích các hiện tượng tâm lý xã hội đương nhiên là không hợp lý. Tuy vậy những phát hiện của Tarde đã được các nhà nghiên cứu tâm lý học xã hội tiếp thu – chính xác hóa và coi như một trong số các quy luật chi phối sự hình thành các hiện tượng tâm lý xã hội.

Có thể hiểu bắt chước như là sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại những hành vi, cách suy nghĩ, các tâm trạng của các cá nhân khác trong đời sống xã hội. Quy luật này có vai trò chính trong việc tạo ra sự đồng nhất giữa các cá nhân trong các nhóm xã hội, nhờ đó nó có thể tạo ra các đặc trưng của các nhóm xã hội khác nhau. Sự bắt chước trong cách ăn mặc, cách nói năng của nhóm lứa tuổi như thiếu niên chẳng hạn, tạo ra sự khác biệt với các nhóm lứa tuổi khác.

4. Quy luật tác động qua lại giữa con người với con người

Tác động qua lại là quy luật phổ biến chi phối sự hình thành các hiện tượng tâm lý xã hội. Tham gia vào các nhóm xã hội, các cá nhân liên tục tác động ảnh hưởng đến các cá nhân khác và ngược lại chịu sự tác động của các cá nhân khác. Sở dĩ các hiện tượng tâm lý xã

hội nảy sinh là do sự tác động qua lại này. Sự tác động qua lại giữa các cá nhân diễn ra thông qua hoạt động cùng nhau và giao tiếp. Tần suất hoạt động cùng nhau và giao tiếp là chỉ báo cho mức độ tương tác giữa các cá nhân.

Sự tác động qua lại giữa các cá nhân có thể mang tính chất tích cực hay tiêu cực. Sự tác động qua lại theo kiểu hợp tác là điều kiện cho sự phát triển các mối quan hệ cá nhân. Ngược lại: sự tác động qua lại theo kiểu cạnh tranh có thể trở thành nhân tố kìm hãm các mối quan hệ.

Sự tác động qua lại có thể dẫn tới sự thay đổi về thái độ, tình cảm hay hành vi ở các cá nhân và tạo ra các hiện tượng tâm lý xã hội của nhóm như bầu không khí nhóm, tâm trạng nhóm. Sự thống nhất các ý kiến sự thống nhất hành vi của các thành viên cũng có thể coi là kết quả của sự tác động qua lại. Các mức độ tác động qua lại giữa các cá nhân phụ thuộc vào sự thống nhất, đồng nhất giữa các cá nhân trong nhóm. Sự thống nhất càng cao, hiệu quả của sự tác động qua lại càng lớn. Bên cạnh đó các đặc điểm chủ quan của cá nhân, phương thức tổ chức thông tin cũng là những nhân tố quan trọng chi phối mức độ tương tác giữa các cá nhân.

Sự tác động qua lại giữa các cá nhân, trong Tâm lý học xã hội còn được biểu đạt bằng khái niệm tương tác. Khái niệm tương tác dùng để chỉ không phải sự tương tác bất kì mà để chỉ “sự tác động qua lại xã hội”, tức là sự tác động qua lại giữa con người trong giao tiếp, trong nhóm, trong xã hội. Bản thân quá trình tương tác xã hội cần được phân tích để có thể hiểu được các hành vi xã hội của cá nhân. Sự tác động qua lại được hiểu như là các kích thích hai chiều để tạo ra các phản ứng từ các chủ thể tham gia vào quá trình tương tác. Mặt khác các nhà nghiên cứu phải tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: quá trình tương tác xã hội được thực hiện và điều chỉnh bởi các phương tiện đặc trưng nào? Các yếu tố nào? Từ đây xuất hiện mối quan tâm đối với một loạt các vấn đề: giao tiếp với sự trợ giúp của các biểu tượng, ngôn ngữ, việc diễn giải các tình huống; vấn đề cấu trúc của nhân cách, hành vi của các vai trò xã hội, nhóm quy chiếu; các yếu tố nguồn gốc của sự hình thành các chuẩn mực của sự tương tác xã hội và các thái độ xã hội.

Trong quá trình tương tác, các cá nhân diễn giải các cử chỉ điệu bộ của nhau, các tình huống giao tiếp và hành động trên cơ sở các ý nghĩa nhận được trong quá trình giao tiếp. Vì vậy để thực hiện hiệu quả việc giao tiếp, cá nhân cần có khả năng đặt mình vào vị trí của người khác hay “tiếp nhận vai trò của người khác” và nhìn nhận bản thân bằng con mắt của người khác. Chỉ có như vậy, cá nhân mới trở thành nhân cách, thành thực thể xã hội có khả năng ứng xử với bản thân như là với một đối tượng, tức là ý thức được các ý nghĩa của lời nói hành vi của mình, như là người khác tri giác chúng. Trong trường hợp tương tác phức tạp hơn, như trong một nhóm, để thực hiện một cách có hiệu quả cần sự khái quát hóa lập trường của đa số các thành viên trong nhóm. Hành vi của mỗi cá nhân trong nhóm là kết quả của sự chấp nhận của cá nhân các thái độ của các cá nhân khác đối với bản thân và sự thống nhất các thái độ đó vào một thái độ chung gọi là “thái độ khái quát”.

Trong tương tác, hành vi của cá nhân được xác định bởi ba biến số: cấu trúc nhân cách, vai xã hội và nhóm tham chiếu. Cấu trúc nhân cách quy định xu hướng ổn định của hành vi, vai xã hội quy định các hành vi được xã hội yêu cầu và kì vọng, các nhóm tham chiếu lôi kéo và tạo ra cơ sở cho sự so sánh đối chiếu các hệ vi. Tùy thuộc vào ý nghĩa của các biến số ở mỗi cá nhân mà các hành vi xã hội trong tương tác diễn ra theo hướng này hay hướng khác.

Sự tác động qua lại giữa các cá nhân trong nhóm xã hội hết sức đa dạng và phức tạp. Trên cơ sở của sự tương tác giữa các cá nhân nảy sinh các hiện tượng tâm lý xã hội và các hiện tượng xã hội. Trong nhiều thời điểm, sự tương tác đặc biệt giữa số đông các cá nhân có thể tạo ra những biến đổi xã hội hết sức to lớn. Do vậy, nghiên cứu sự tương tác xã hội luôn được các nhà nghiên cứu quan tâm.

Nguồn: Trần Quốc Thành, Tâm lý học xã hội

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net