Trang chủ Văn hóa học Giao lưu – tiếp biến văn hóa (acculturation) là gì?

Giao lưu – tiếp biến văn hóa (acculturation) là gì?

by Ngo Thinh
793 views

Khái niệm giao lưu – tiếp biến văn hóa

Giao lưu – tiếp biến văn hóa là phương pháp nghiên cứu văn hóa dựa trên lý thuyết các trung tâm và sự lan toả văn hóa hay còn gọi là thuyết khuyếch tán văn hóa với các đại biểu như F. Rasel, L. Frobenius, F. Giabner, W. Schmidt, G. Elliot Smith, W. Riers...

 Thuyết này cho rằng, sự phân bổ của văn hóa mang tính không đồng đều; văn hóa tập trung ở một số khu vực sau đó lan toả ra các khu vực kế cận. Càng xa trung tâm, ảnh hưởng của văn hóa gốc càng giảm – cho tới khi mất hẳn (lan tỏa tiên phát). Cơ chế này tạo ra các vùng giao thoa văn hóa – nơi chịu ảnh hưởng đồng thời của của nhiều trung tâm văn hóa, và cả những “vùng tối” nơi sức lan tỏa không với tới.

Đến lượt mình các vùng giao thoa văn hóa cũng có khả năng “phát sáng” tạo nên sự lan toả thứ phát, để hình thành nên những trung tâm văn hóa mới và tiếp tục ảnh hưởng đến các khu vực kế cận.

Thuyết lan tỏa văn hóa giúp lý giải vì sao trong cùng một khu vực địa lý lại có sự tương đồng về văn hóa, và vì sao ở những khu vực giáp ranh giữa các nền văn hóa lớn thường tồn tại các nền văn hóa hỗn dung.

Giao lưu – tiếp biến văn hóa được hiểu là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người có văn hóa khác nhau, tiếp xúc lâu dài với nhau gây ra sự biến đổi mô thức văn hóa của các bên.

Trong giao lưu có thể xảy ra hiện tượng những yếu tố của nền văn hóa này thâm nhập vào nền văn hóa kia (tiếp thu thụ động); hoặc nền văn hóa này vay mượn những yếu tố của nền văn hóa kia (tiếp thu chủ động); rồi trên cơ sở những yếu tố nội sinh và ngoại sinh ấy mà điều chỉnh, cải biên cho phù hợp, gây ra sự giao thoa văn hóa.

Văn hóa Việt Nam dưới giác độ giao lưu – tiếp biến

Dưới giác độ giao lưu – tiếp biến, văn hóa Việt Nam là kết quả của các cuộc gặp gỡ văn hóa lớn trong khu vực.

+ Giao lưu với văn hóa Ấn: trực tiếp (lan toả tiên phát) qua đường biển Đông; gián tiếp (lan toả thứ phát) qua Văn hóa Bắc thuộc, văn hóa Chăm Pa ở Trung Bộ và Óc Eo ở Nam Bộ.

+ Giao lưu với văn hóa Trung Hoa: chủ yếu bằng con đường cưỡng chế (bị xâm lược, đô hộ và đồng hóa).

+ Giao lưu với văn hóa Phương Tây: trong lịch sử, sự giao lưu này diễn ra chủ yếu thông qua các kênh: buôn bán đường biển; sự đô hộ của thực dân Pháp, và sau đó là đế quốc Mỹ (miền Nam Việt Nam). Ngày nay, giao lưu văn hóa với phương Tây đã có thêm nhiều hình thức mới như: ngoại giao, du học, di cư, hội nhập quốc tế, tham dự vào mạng truyền thông – liên lạc toàn cầu, ứng dụng các chuẩn mực kinh tế, xã hội, công nghệ mang tính quốc tế.

Kết quả của việc ứng dụng sơ bộ các phương pháp nghiên cứu nói trên đã cho thấy: sự ra đời và phát triển của văn hóa Việt Nam là kết quả của quá trình giao lưu ở cấp độ khu vực, châu lục và toàn cầu. Văn hóa Việt Nam là kiểu văn hóa hỗn dung điển hình, do nằm tại vùng giao thoa giữa các trung tâm văn hóa lớn.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]